Bài học từ một đứa trẻ

Contents

Một trong những lý do tôi chọn làm trợ giảng, làm việc chung với trẻ con chính là vì những bài học mà những cô cậu nhóc tì đó sẽ dạy cho mình.

Vâng, đúng thế! Không phải người lớn, những người với gương mặt và suy nghĩ đậm nét của kiến thức, kinh nghiệm và tuổi đời, những đứa trẻ với nhận thức giản đơn lại là người dạy tôi rất nhiều bài học về sự cảm thông, chấp nhận và nỗ lực không ngừng.

Tôi gặp em trong trại hè tổ chức tại campus của trường. Ấn tượng ban đầu của tôi về em là một cậu bé có nụ cười hiền lành chất phát. Nhưng đồng thời sau đó, tôi cũng nhận ra em gặp phải nhiều khó khăn. Em là một đứa trẻ quá nhạy cảm so với những bạn cùng trang lứa. Em lại là một đứa trẻ trầm tính, tiếp thu kiến thức chậm hơn so với các bạn. Điều đó khiến em gặp khó khăn trong việc hòa đồng, vì chỉ cần các bạn nói vài lời không vui hay chê bai em thì em sẽ bị xúc động mạnh.

Dưới góc nhìn của một giáo viên, tôi hiểu các bạn khác không có ý gì xấu với em, chỉ là các bạn chưa biết việc nói như vậy sẽ làm em bị tổn thương. Đồng thời, em gặp khó khăn trong việc diễn đạt bằng ngôn từ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Em nói năng không rõ ràng. Vì thế, khi không thể kiểm soát cảm xúc của mình, Em hay có các hành vi hơi tiêu cực chẳng hạn như ném đồ, la hét hoặc đập đầu vào bàn. Thế là ngoài nhiệm vụ giúp cho các học sinh trong lớp tiếp thu kiến thức, tôi còn đảm nhận việc lắng nghe các cảm xúc của em.

Khi một đứa trẻ khóc lóc và ném đồ vào người khác, tôi sẽ phải làm những gì? Nói lí lẽ với nó? La nó? Phân giải đúng sai? Rầy la các bạn khác?

Tôi chọn cách im lặng.

Vì tôi nghĩ lúc đó hẳn em đang buồn ghê lắm. Người lớn khi buồn có thể đi du lịch, chat chit, cafe để khỏa lấp cảm xúc. Nhưng một đứa trẻ với quá ít sự lựa chọn, nó chỉ còn biết cách bộc phát qua hành động. Thế nên, tôi im lặng để lắng nghe em kĩ hơn và nhiều hơn. Em ngồi đó nói rất nhiều những từ những câu đứt quãng. Em cứ thắc mắc sao các bạn cứ nói em lại cứ nói em mập hoài. Tại sao các bạn nói em học dở hoài. Em đã thể hiện thái độ bực mình nhưng như thế càng khiến các bạn chọc dữ hơn. Em chả thấy điều đó vui chút nào cả. Tại sao các bạn lại thấy điều đó là cái gì đó vui nhỉ. Em ngồi đó lặng im và hít thở.

Tôi để em hít thở thật sâu vì tôi biết đó là lúc em đang cần tìm kiếm sự bình tĩnh.

Tôi chia sẻ cho em về sự chấp nhận và nỗ lực, rằng bây giờ em có tôi để có thể phân rõ rạch ròi. Nhưng tôi không thể theo em hoài để giúp em, để rầy la các bạn khi sai (tất nhiên tôi sẽ cố gắng hết sức để làm việc đó). Đôi lúc, em phải học cách chấp nhận và bỏ qua những điều vụn vặt của cuộc sống. Vì sau này, khi lớn lên, khi vào nhiều môi trường khác nhau, em sẽ còn gặp những người như vậy, phải đối mặt với những tình huống như vậy. Đó là những lúc em chỉ có 1 mình, và em, chứ không phải ai khác, là người phải giải quyết khó khăn. Điều quan trọng nằm ở việc em phải dám đối mặt với nó, phải nỗ lực không ngừng để vượt qua những thử thách. Có lúc em làm được, có lúc không, nhưng quan trọng là em đã nỗ lực hết sức mình, và nó sẽ đem lại cho em nhiều bài học quý giá.

Tôi cũng đã từng như em, cứ trăn trở hoài về những câu nói vô tình hay hữu ý mà người khác dành cho mình, để rồi cứ mãi ước ao mình trở thành một bản thể tốt đẹp hơn tôi bây giờ mà quên mất đi rằng tôi của thời khắc hiện tại cũng có nhiều đức tính đáng quý, quên mất đi việc trân quý từng phút giây bây giờ. Những người làm tôi buồn có khi còn không biết không nhớ về điều đó, chỉ có bản thân tôi đã từng trăn trở khôn nguôi.

Tôi cũng đã từng như em (và sau này vẫn thế), sợ hãi với thất bại. Tôi cũng đã là một đứa trẻ chậm chạp, từng bị nhiều điểm kém. Chính vì biết xuất phát điểm của tôi thấp hơn các bạn, nên nó tạo cho tôi một động lực cực kì lớn bên trong để không ngừng nỗ lực đạt được điều mình muốn. Để rồi khi tôi đạt được thành tích cao, tôi cũng không quá kiêu ngạo vì những điều mình đạt được. Đồng thời, nó tạo bên trong tôi một lòng cảm thông và biết ơn sâu sắc tới những con người xung quanh, dù giỏi hay không, cũng đang cố gắng làm tốt phần việc của mình. Đức tính nỗ lực đó còn giúp ích cho tôi rất nhiều sau này khi bước vào những môi trường làm việc hoàn toàn mới, với những kiến thức khác xa sách vở mà tôi đã học.

Đó là một điều khó, rất khó, kể cả người lớn như chúng ta cũng khó có thể làm được. Nhưng em thật sự cố gắng từ những hành động rất nhỏ. Có lúc em lờ như không nghe và tập trung vào việc của mình. Có lúc em bực mình quá thì sẽ chạy lại với tôi chỉ để tôi nghe em nói và cùng em thở. Có lúc chúng tôi cùng nhau bàn về các hành động và các suy nghĩ. Dù là làm gì, Em cũng đều cố gắng hết sức, không chịu bỏ cuộc.

Và cậu nhóc nhỏ bé với nụ cười hiền lành đó đã giúp tôi thấm thía rất nhiều về hướng đi mà giáo dục nên có.

Chúng tôi dạy cho trẻ kiến thức, nhưng đó không phải là tất cả. Thế giới không ngừng thay đổi, các em phải chính là người tìm kiếm kiến thức cho riêng mình. Quan trọng hơn, và lớn lao hơn, giáo dục còn phải hướng trẻ đến những đức tính đáng quý của một con người, không ngừng cổ vũ trẻ để trở thành một bản thể tốt đẹp hơn.

Có thể thành quả trẻ đạt được không phải là đứng đầu lớp, đạt giải cao mà chỉ đơn giản là hít thở sâu khi tức giận để không có thêm các hành động tiêu cực, cố gắng nói rõ ràng thành câu thành chữ. Nhưng đó cũng là lúc trẻ cần những lời động viên nhiều nhất, để trẻ thêm tự tin và tiếp tục cố gắng với toàn bộ khả năng của mình.


Comment

Register For A Free Trial Class