12 kênh Podcast giúp con nói tiếng Anh như người bản xứ

Podcast là một công cụ tuyệt vời cho trẻ học tập, giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, và là lựa chọn hoàn hảo cho những chuyến đi gia đình, giúp trẻ giải trí… và điều tuyệt nhất? Podcast hoàn toàn miễn phí!

Học ngôn ngữ là một trải nghiệm đầy đủ mọi giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác)! Chúng ta học ngôn ngữ không chỉ thông qua việc đọc chữ, mà còn qua việc nghe, ngửi, nếm, chạm. Tại Everest Education, chúng tôi luôn nghiên cứu và đổi mới không ngừng để tìm ra những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả giúp học sinh yêu thích việc học. Một trong những khó khăn lớn nhất là làm thế nào để “lôi kéo” các em chủ động sử dụng tiếng Anh, không chỉ ở lớp mà con bên ngoài lớp học. Học sinh sẽ tiến bộ nhanh hơn nhiều khi được tiếp xúc thường xuyên với tiếng Anh ngay cả khi con không đến lớp. Đây cũng chính là lý do tại sao chúng tôi kết hợp podcast vào mô hình học tập kết hợp (blended learning model) của mình – để tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với tiếng Anh cả khi ở lớp lẫn ở nhà.

Ngày nay, podcast ngày càng trở nên phổ biến – là một công cụ tuyệt vời và rất tiềm năng để trẻ có thể trau dồi thêm tiếng Anh. Podcast là một tài liệu bổ sung hoàn hảo mà phụ huynh có thể tận dụng để giúp con học thêm từ vựng mới, cho con nghe khi cả gia đình đi du lịch, hoặc khi làm việc nhà. Không chỉ ngày càng được phổ cập rộng rãi cho người lớn, hiện nay, có rất nhiều kênh podcast hữu ích dành cho đối tượng thính giả là trẻ em cũng như gia đình.

Tuy nhiên, việc xuất hiện quá nhiều kênh podcast tràn lan cũng là một thử thách cho cha mẹ – làm thế nào để lựa chọn một kênh podcast phù hợp cho con? Để giúp phụ huynh làm quen với podcast, chúng tôi đã nghiên cứu và tổng hợp danh sách một số kênh podcast hữu ích mà chúng tôi rất yêu thích – bảo gồm cả những câu chuyện kể, những khám phá khoa học, tin tức hữu ích dành cho học sinh. Phụ huynh có thể tham khảo để định hướng, và lựa chọn một kênh podcast phù hợp nhất dành cho con mình. 


Trước hết, podcast là gì?

Chữ “Podcast” – thực chất là một từ ghép được lấy từ hai chữ iPod và Broadcast. iPod và Broadcast. 

Podcast có thể hiểu là một đoạn ghi âm bàn về một chủ đề cụ thể, như câu chuyện kinh doanh, du lịch, học ngôn ngữ… Podcast thường là những chuỗi phát sóng âm thanh như radio, chỉ có tiếng không có hình, gồm nhiều phần, nói về các chủ đề đa dạng.

Ngày nay cũng có những kênh podcast có cả video. Podcast ngày nay không còn chỉ là những đoạn ghi âm cung cấp tin tức khô khan, chúng ta có thể nghe podcast để giải trí, học tập, hay để được khám phá, truyền cảm hứng về một lĩnh vực mới mẻ nào đó mà mình chưa biết.

Có rất nhiều kênh podcast khác nhau trải dài mọi lĩnh vực, hầu hết đều miễn phí và được cập nhật thường xuyên. Bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với podcast, ở mọi nơi, bất kỳ lúc nào, trên mọi thiết bị, và hoàn toàn miễn phí. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng podcast tương tự như bất kỳ nội dung nào dưới hình thức audio, ví dụ như các chương trình radio, sách nói… Hầu hết podcast đều miễn phí, có thể nghe được trên cả máy tính lẫn điện thoại. Chúng ta có thể dễ dàng nghe podcast – chỉ cần có một cặp tai nghe và kết nối internet – là đủ.

Podcast có lợi cho trẻ học tiếng Anh như thế nào?

Podcast là một công cụ học tiếng Anh tuyệt vời bởi rất nhiều lợi ích.

  • Podcast dễ dàng và thuận tiện. Podcast là lựa chọn tuyệt vời để chúng ta tận dụng những khoảng thời gian “chết” hiệu quả. Đây cũng chính là lý do vì sao podcast được nhiều người ưa chuộng! Dù trình độ tiếng Anh của con đang ở mức nào, việc cho con được nghe tiếng Anh thường xuyên, càng nhiều càng tốt, dù con không chú ý, vẫn rất có ích. Nhờ podcast, cha mẹ có thể cho con tiếp cận tiếng Anh bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu: khi cả gia đình đang trên xe hơi, đang đi dạo, đang chuẩn bị bữa tối, trước khi đi ngủ… Đây là phương pháp hữu hiệu cho phép con kết nối với tiếng Anh một cách đơn giản, không tốn quá nhiều công sức.
  • Podcast dạy trẻ tiếng Anh thực tế. Thực tế, có một sự khác biệt rất lớn giữa tiếng Anh mà trẻ học trong sách với tiếng Anh mà con được nghe người bản xứ dùng trong đời thực. Podcast tạo điều kiện cho con được nghe thứ tiếng Anh bản xứ – tiếng Anh mà người ta vẫn hay sử dụng trong đời thường. Nhờ đó, con được hiểu rõ hơn người bản xứ thực sự nói tiếng Anh như thế nào. Thay vì những đoạn hội thoại máy móc, thiếu tự nhiên, podcast ghi lại những cuộc đối thoại, giao tiếp linh hoạt, thực tế. Qua đó, trẻ được làm quen với cách người bản xứ nói tiếng Anh một cách tự nhiên, cách họ nhấn nhá, sử dụng các từ “umms”, “ahhhs” như thế nào, nhờ đó con có thể bắt chước để tiếng Anh của mình tự nhiên hơn, giống người bản xứ hơn.
  • Podcast rất đa dạng. Một số sách tiếng Anh có dạy trẻ làm quen với nhiều giọng đọc khác nhau, nhưng hầu hết đều không có nhiều ví dụ kiểu này. Ngược lại, podcast cho trẻ nghe tiếng Anh qua nhiều giọng nói, vùng miền khác nhau. Cha mẹ cũng có thể tìm thấy nhiều chương trình podcast khác nhau với nội dung rất đa dạng, trải dài hầu hết mọi chủ đề, lĩnh vực: từ khoa học đến lịch sử, từ những câu chuyện viễn tưởng ngắn đến những bài báo chuyên sâu. Qua podcast, con được tiếp xúc với tiếng Anh trong nhiều bối cảnh giao tiếp khác nhau, bao gồm những cuộc độc thoại, tự sự, những cuộc trò chuyện đời thường, những đoạn đối thoại ghi sẵn, những cuộc phỏng vấn… Hiện nay, khi podcast ngày càng trở nên phổ biến, nội dung podcast cho trẻ nhỏ cũng ngày càng được phát triển đa dạng hơn, rộng rãi hơn.
  • Podcast có rất nhiều nội dung thú vị. Học sinh thường sẽ không chủ động học nếu các em không cảm thấy thích thú với nội dung bài giảng. May mắn thay, nội dung của podcast dành cho trẻ hầu hết đều rất thú vị, hấp dẫn với những đoạn nhạc, bài hát, câu chuyện thú vị, hài hước… Một số kênh podcast còn được thiết kế theo dạng chuỗi nhiều kỳ với nội dung “mồi” ở cuối mỗi kỳ để “dụ” trẻ đón chờ nghe kỳ tiếp theo.
  • Podcast dạy trẻ từ vựng chuyên sâu. Có rất nhiều kênh podcast về một chủ đề, lĩnh vực cụ thể. Cha mẹ có thể lựa chọn kênh podcast phù hợp với sở thích của con. Ví dụ, nếu con có hứng thú với các bộ môn khoa học, nghe podcast về khoa học không chỉ giúp con có thêm kiến thức, mà con còn học được thêm nhiều từ vựng mới liên quan đến chủ đề này.  There’s a podcast for every interest, every opinion, and every profession. Parents can choose the content and form that fits your child’s interest. For example, if your child is a science lover, listening to science podcasts will not only teach them new knowledge but also expand their vocabulary in that field.
  • Podcasts miễn phí. Thông thường, podcast không bắt người dùng phải đăng ký hoặc tải về để nghe, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể nghe podcast hoặc thậm chí tải về miễn phí, chỉ cần kết nối internet. Hầu hết các ứng dụng nghe podcast cũng hoàn toàn miễn phí (mặc dù sẽ có một số ít yêu cầu một khoản phí nhỏ để được nghe không quảng cáo).

Một số kênh podcast thú vị cho trẻ

Với podcast, cha mẹ có thể dễ dàng kết hợp những bài học ngôn ngữ với thời gian giải trí của con một cách tự nhiên, đầy hào hứng, mà không cần lo ngại rằng con tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều. Vậy, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Dưới đây là danh sách 12 kênh podcast thú vị, mang tính giáo dục cao mà chắc chắn trẻ (và cả người lớn) sẽ yêu thích.

Podcast dành cho học sinh cấp 1 

“Stories Podcast” cập nhật những câu chuyện kể mới hàng tuần, đa dạng nhiều thể loại, phong cách khác nhau. Trẻ có thể được nghe những câu chuyện kinh điển như Snow White (nàng Bạch Tuyết), những câu chuyện dân gian, truyện thần thoại từ khắp mọi nơi trên thế giới, cũng như những câu chuyện cổ tích quen thuộc. Mỗi tập có độ dài từ khoảng 10 đến 20 phút, hầu hết là những câu chuyện kể dài. “Story Podcast” là sự kết hợp giữa những câu chuyện ngắn một tập, với những câu chuyện dài nhiều kỳ, cho phép phụ huynh có thể lựa chọn hình thức nào phù hợp nhất với khả năng tập trung của trẻ.

 

2. Circle Round

“Circle Round” là một kênh podcast kể chuyện sáng tạo khác, tập trung kể lại những câu chuyện dân gian nổi tiếng trên khắp thế giới. Được tạo ra và sản xuất từ chính những bậc cha mẹ có con nhỏ, “Circle Round” chọn lọc những câu chuyện dân gian vòng quanh thế giới phù hợp với trẻ, và kể lại một cách chân thực, sống động, giàu âm thanh cho trẻ từ 4 đến 10 tuổi. “Circle Round” là kênh podcast chứa đựng nhiều thông điệp cuộc sống hơn so với các kênh khác trong danh sách này. Mỗi câu chuyện là một hành trình khám phá dạy trẻ những bài học quan trọng về lòng tốt, sự kiên định và tấm lòng hào phóng. Mỗi tập podcast được kết thúc bằng một hoạt động khuyến khích trẻ có những cuộc trao đổi sâu sắc hơn với người lớn.

 

3. But Why: A podcast for curious kid

Tại sao chó lại có đuôi? Tại sao bọ rùa có đốm? Chuồn chuồn có cắn không?… Cha mẹ đã từng nghe con hỏi những câu tương tự, và loay hoay không biết trả lời con thế nào chưa? Từ nay, “But Why” có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này! “But Why” là một kênh podcast sản xuất bởi Vermont Public Radio, đề cập đến những chủ đề như “Vì sao chúng ta lại mơ thấy ác mộng?”, “Loài vật có “cưới” nhau không?”, hay “Tại sao sư tử lại gầm gừ?”… “But Why” sẽ thay cha mẹ trả lời cho mọi thắc mắc của trẻ về mọi thứ, từ vạn vật tự nhiên, văn hóa, khoa học, chính trị, hay thậm chí là … tận thế. Trẻ cũng có thể tự gửi đi thắc mắc của mình để được “But Why” giải đáp, theo hướng dẫn của chương trình trên website.

 

4. Wow in the World

“Wow in the World” là một kênh podcast về khoa học, công nghệ, và những khám phá, phát minh mới được sản xuất bởi kênh radio công cộng quốc gia của Mỹ (National Public Radio). Nếu trẻ là người tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, thích giải quyết những vấn đề như làm thế nào để tái sử dụng những chai nước cũ, hay muốn biết xem một kỳ nghỉ ngoài vũ trụ sẽ như thế nào, lợi ích của một lời cảm ơn là gì…đây sẽ là một kênh podcast hoàn hảo dành cho con. “Wow in the World” đưa trẻ (và cả người lớn) lên một chuyến hành trình khám phá đầy thú vị. Được lên sóng mỗi tuần, Mindy Thomas và Guy Raz – hai dẫn chương trình sẽ dẫn dắt các em khám phá những sự thật khoa học thú vị về các chủ đề mà trẻ rất yếu thích – như chuột, gấu túi, và khả năng lợi hại của chiếc mũi chó. “Wow in the World” cũng là kênh podcast yêu thích của gia đình ông Tony Ngô – Chủ tịch và Đồng sáng lập của Everest Education – và là “vũ khí hòa giả” tuyệt vời mà Tony sử dụng mỗi khi các con của mình cãi nhau.

>> Tìm hiểu thêm nhận xét của ông Tony về những lợi ích của “Wow in the world” podcast: https://blog.e2.com.vn/podcasts-giúp-trẻ-học-tiếng-Anh-hiệu-quả/

5. What if World

“What If World” là kênh podcast kể chuyện dành cho trẻ. Cứ mỗi hai tuần, người dẫn chương trình đầy sáng tạo của “What if World” – Eric, sẽ đọc những câu hỏi được trẻ em gửi về và biến chúng thành những câu chuyện thú vị. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một chú rồng nhỏ sống trong tủ quần áo của con? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một tô kem mát lạnh ăn không bao giờ hết? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu loài mèo thống trị thế giới?… Điều chúng tôi yêu thích nhất ở “What if World?”, là cách họ luôn đi kèm một bài học sau mỗi câu chuyện. Ví dụ như trong tập mới nhất về What if a dragon got stuck in time? (Chuyện gì sẽ xảy ra nếu loài rồng bị mắc kẹt trong thời gian),sau câu chuyện, họ truyền tải bài học rằng “thành thật với người khác sẽ khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân mình. Thế giới luôn vận hành theo cách tiến về phía trước, đó cũng chính là điều làm cho cuộc sống này thú vị, và khiến mỗi ngày trở nên đáng giá).

Podcasts dành cho học sinh cấp 2

1. Brains On!

“Brains On!” là kênh podcast khoa học đã từng đoạt giải, được sản xuất bởi American Public Media, hướng tới đối tượng trẻ em lẫn người lớn. Các tập của podcast xoay quanh những vấn đề khoa học về các chủ đề như loài kiến, động cơ, nấc cụt hay đồ ăn mặn. “Brains On!” được dẫn dắt bởi người dẫn chương trình là các nhà khoa học nhí và các phóng viên từ đài phát thanh công cộng. Trẻ sẽ được tìm hiểu về những vấn đề thú vị như côn trùng đi trên tường như thế nào, làm thế nào để xác định phương hướng mà không cần dùng bản đồ, “sản phẩm” của chúng ta sẽ đi đâu mỗi khi giật nước trong toilet.

“Brains On” còn có một series mang tên “Smash Boom Best”, nơi họ đưa ra hai sự vật bất kỳ và bàn luận xem cái nào hấp dẫn hơn, qua đó trẻ có thể học thêm về kỹ năng tranh luận, phản biện. Ví dụ như một tập về Robots or Aliens: which is cooler? (Robot và Người ngoài hành tinh: Bên nào ngầu hơn?”).Podcast thích hợp cho đối tượng học sinh lớn hơn một chút.

 

2. The Radio Adventures of Eleanor Amplified

Lắng nghe phóng viên đài nổi tiếng thế giới – Eleanor – lật tẩy những âm mưu quỷ quyệt, đánh bại những kẻ ác xảo quyệt và theo dõi những tình tiết hấp dẫn về The Big Story. Eleanor Amplified là kênh podcast thể loại phiêu lưu dành cho cả gia đình. Đồng hành cùng quá trình theo đuổi sự thật của Eleanor, trẻ sẽ được khám phá vùng xích đạo, đi qua biển khơi hay thậm chí là đến thăm tòa nhà Quốc hội mỹ! Kênh podcast đưa trẻ tham gia vào cuộc phiêu lưu thú vị và bổ ích. Eleanor sẽ mang lại tiếng cười cho cả gia đình, đồng thời giúp trẻ hiểu hết về thế giới ngành báo chí, giúp các em biết lựa chọn sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp và đúng cách. “Eleanor Amplified” thích hợp cho trẻ em ở mọi độ tuổi, đặc biệt là các em từ 8-12 tuổi.

 

3. Listenwise

“Listenwise” là kênh podcast mang tính giáo dục có chất lượng cao, cung cấp nhiều bài học bổ ích đi kèm bản dịch (transcript) tương tác về các môn Ngữ Văn Anh(ELA), Khoa học Xã hội và Khoa học. “Listenwise” là nền tảng dạy trẻ luyện nghe tuyệt vời đã từng đoạt giải thưởng, có nội dung đa dạng mà trẻ có thể tìm kiếm theo chủ đề hoặc theo môn học. Đây là công cụ giúp con luyện tập thêm bên cạnh bài học ở trường để cải thiện kỹ năng nghe nhanh chóng. Kênh podcast cũng được cập nhật thường xuyên về những sự kiện đang diễn ra để giúp kiến thức của con được kết nối chặt chẽ với cuộc sống thực.

 

4. Youth Radio

Youth Radio là một kênh podcast được “tạo bởi teen, dành cho teen”. Kênh podcast này được tạo ra với mục đích cho học sinh thấy được, và được truyền cảm hứng về ảnh hưởng của lớp trẻ, những người trẻ có thể tác động lớn đến truyền thông, công nghệ, và cộng đồng như thế nào.

Podcasts cho học sinh cấp 3

1. StoryCorps

Làm một trong những dự án kể chuyện lịch sử theo phương thức truyền miệng (oral history) lớn nhất trong tất các các nội dung theo thể loại này, “StoryCorps” là kênh podcast ghi lại câu chuyện của hơn 250.000 người dân ở Mỹ. Học sinh, dù đang học lớp mấy, trình độ nào, môn gì, đều có thể sử dụng những cuộc phỏng vấn trong “StoryCorps” làm tư liệu cho nhiều mục đích học tập khác nhau, như viết lời dẫn, các chủ đề thảo luận, tư liệu để làm các dự án nghiên cứu, v.v. Học sinh cũng có thể tự ghi lại câu chuyện của chính mình gửi về cho “StoryCorps”.

 

2. This American Life

“This American Life” là chương trình phát thanh và là kênh podcast công cộng được cập nhật hàng tuần, bao gồm những câu chuyện hấp dẫn, hài hước và thường có những yếu tố bất ngờ với những “plot twist” (tình huống đảo ngược khó đoán trước) thú vị – được đánh giá là những thước phim bằng âm thanh ngắn. Chương trình phát thanh và podcast nổi tiếng này biến những câu chuyện cá nhân, thông tin báo chí, thậm chí là những vở hài kịch (stand-up comedy) độc đáo thành những nội dung podcast hấp dẫn dài khoảng một tiếng đồng hồ. Mỗi tuần, “This American Life” sẽ chọn một chủ đề khác nhau và xây dựng các câu chuyện xung quanh chủ đề đó. Không chỉ giúp học sinh học tiếng Anh, “This American Life” còn giúp các em làm quen với những giọng tiếng Anh từ các vùng miền khác nhau, trong khi được theo dõi những câu chuyện thú vị, độc đáo và thực tế từ nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.

3. Stuff You Should Know

Được thành lập bởi chính những người đứng sau sự thành công của trang web từng đoạt giải thưởng HowStuffWorks (tạm dịch: Vạn vật vận hành như thế nào), “Stuff You Should Know” là một kênh podcast được cập nhật thường xuyên, giải thích chi tiết về những điều xảy hằng, từ những vấn đề rất học thuật như “How Free Speech Works” (Tự do ngôn luận là gì), đến những vấn đề “tầm thường” như “How Itching Works” (Vì sao chúng ta lại ngứa). Kênh podcast này cũng có những số dài tập và thỉnh thoảng có những nội dung hơi “người lớn” hơn, như các chủ đề về cồn, chiến tranh hay chính trị. Vì vậy, “Stuff You Should Know” phù hợp với các em học sinh và đối tượng thính giả lớn tuổi hơn, dù những người dẫn chương trình là Josh và Chuck vẫn luôn nỗ lực để tạo ra những nội dung hấp dẫn, bổ ích, và cố gắng biến những chủ đề phức tạp trở nên gần gũi, dễ hiểu. Và với hơn 1.000 tập về nhiều chủ đề khác nhau, con sẽ không bao giờ sợ hết thứ để học.

Tạm kết...

Podcast ngày càng trở nên phổ biến hơn với nhiều gia đình – là công cụ đắc lực để cha mẹ có thể kết nối với con, giúp con bớt “nghiện” các thiết bị điện tử. Lần đầu làm quen với podcast hẳn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, nhưng phụ huynh có thể bắt đầu làm quen với công cụ học tập và giải trí rất hữu ích này. Nếu trẻ chưa có thói quen nghe podcast, cha mẹ có thể cùng con nghe qua những kênh podcast được gợi ý trong bài viết này, và cùng con thảo luận xem con thích cái nào nhất. Phụ huynh có thể nghe thử tất cả kênh podcast này thông qua website của họ, nghe trên iTunes, hoặc tải ứng dụng qua Google / Apple Play, và đăng ký kênh mà con yêu thích.

Mặc dù nội dung podcast cho trẻ em và gia đình ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến và đa dạng, chúng tôi tin rằng, trong tương lai, nền tảng này sẽ là một kênh thông tin đầy hứa hẹn để học tập và giải trí.

Nếu quý vị có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn chúng tôi khai thác, vui lòng để lại bình luận bên dưới. Quý vị cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho cha mẹ tại https://blog.e2.com.vn/vi/category/parents/

Nguồn tham khảo:

https://www.weareteachers.com/best-podcasts-for-kids/
https://www.commonsense.org/education/articles/19-great-learning-podcasts-for-the-classroom
https://www.fluentu.com/blog/english/esl-english-podcasts/
https://www.commonsensemedia.org/blog/the-best-podcasts-for-kids
https://preply.com/en/blog/the-best-10-podcasts-to-help-you-learn-english/#scroll-to-heading-10
https://www.ef.com/wwen/blog/language/learn-english-with-these-5-free-podcasts/

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí