5 lý do trẻ ghét học Toán (và bí quyết giúp con thích và học Toán hiệu quả hơn)

Tại Everest Education, chúng tôi vẫn thường hay bắt gặp nhiều học sinh nói rằng các em ghét học toán hoặc môn toán thật “khủng khiếp”. Môn toán cũng nổi tiếng là môn học có nhiều học sinh ghét nhất. Với nhiều học sinh, các em cần cố gắng rất nhiều để học toán, vì với các em, toán kém sinh động và không thể tiếp thu một cách tự nhiên. Toán là môn học đôi lúc đòi hỏi học sinh phải dành nhiều thời gian và sức lực. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi nghe học sinh than phiền “Em ghét tiết toán” hay “môn toán khó quá đi!”

Thế nhưng, điều gì đã khiến nhiều học sinh ghét môn toán đến vậy, và phụ huynh có thể làm gì để giúp các em không còn ghét môn học này nữa? Làm cách nào để giúp học sinh nhận ra toán học cũng rất thú vị và trở nên yêu thích môn toán hơn?

Nếu con của quý phụ huynh cũng ghét môn toán, có nhiều cách để cải thiện việc này. Chúng tôi đã áp dụng các phương pháp này vào lớp học của mình và các em học sinh sau khi đã trải qua một vài khóa học tại Everest thường không phàn nàn về môn học này nữa. Có thể các em vẫn chưa yêu thích, nhưng quan trọng là các em đã biết được sự quan trọng của môn học này, biết được tính ứng dụng của toán vào cuộc sống hàng ngày, và học toán lại còn có thể rất vui và thú vị.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng phụ huynh tìm hiểu vì sao trẻ thường ghét, cũng như một vài cách cha mẹ có thể làm để giúp trẻ học toán hiệu quả.

Hãy xem điều gì có thể là lý do thực sự đằng sau sự căm ghét đối với toán học


1. Con chưa nắm vững căn bản

Đây chắc chắn là lý do đầu tiên cho việc ghét môn toán từ những cấp nhỏ. Việc học toán cũng tương tự như việc xây nhà cao tầng. Trẻ phải hiểu rõ một loại kiến thức nhất định trước khi “xây lên” một “tầng” kiến thức nữa một cách hiệu quả. Không có nền tảng tốt, trẻ không thể hiểu các bài học khi lên cấp lớp cao hơn. Chương trình toán học Việt Nam được thiết kế theo cách càng lên lớp cao hơn, trẻ phải “đối mặt” với nhiều bài học phức tạp hơn, con sẽ không thể giải quyết được các bài toán này nếu không có kiến thức căn bản được học từ các lớp dưới.

Những “nền móng” kiến thức toán đầu tiên được xây lên từ cấp tiểu học, như các quy tắc cộng và nhân, chính là những khái niệm tạo nên nền tảng vững chắc cho con. Các “tầng” tiếp tục được xây lên ở trường trung học cơ sở khi trẻ lần đầu học về các công thức và phép toán. Vấn đề bắt đầu xuất hiện giữa cấp hai và cấp ba vì trẻ thường phải chuyển sang một lớp học mới hoặc học môn học mới trước khi chúng thực sự sẵn sàng.

Điều cha mẹ có thể giúp con:

  • Ôn thật chắc những kiến thức căn bản và giúp con học thuộc lòng bảng cửu chương. Học thuộc không có nghĩa là dành hàng giờ đồng hồ để đọc đi đọc lại; có rất nhiều ứng dụngtrò chơi, bài hát, sách và bảng tính tương tác giúp việc học “vẹt” này trở nên thú vị hơn.
  • Nếu cha mẹ nhận thấy con học không tốt môn toán ở lớp, ngay cả trong những năm tiểu học, hãy cố gắng ôn tập cho con thật kỹ để đảm bảo con hiểu các khái niệm cơ bản mà con sẽ cần dùng sau này. Nếu cần thiết, hãy cho con đến các lớp học thêm toán, mời gia sư hoặc ít nhất là dành thời gian để giúp con ôn tập bất cứ khi nào con gặp khó khăn trong môn toán!

2. Con chưa hiểu mối liên hệ giữa toán học với cuộc sống thực tế

Một số môn học dễ dàng liên quan đến cuộc sống hàng ngày, nhưng với toán học, trẻ thường nghĩ đây chỉ là một môn học khô khan và chỉ “xài” khi ở trường. Điều này có thể khiến toán học trở thành môn học không cần thiết và vô nghĩa, và là thứ trẻ có thể quên ngay khi chuông tan học reo. “Vì sao con lại phải học Đại số?”, “Chúng ta có thực sự cần tìm “x” và “y” trong cuộc sống hàng ngày không?”, “Chúng ta chỉ cần biết các phép tính cơ bản để mua đồ ăn ở cửa hàng tạp hóa là đủ rồi mà?”,“Liệu có lần nào trong đời con thực sự phải dùng lượng giác trong thực tế hay không? ”… Nếu cha mẹ và thầy cô không trả lời được những câu hỏi này, những đứa trẻ sẽ tiếp tục thắc mắc tại sao chúng cần học toán trong khi toán chẳng có ích gì cho cuộc sống.

Trong các môn học khác như khoa học, các chủ đề có thể được dạy theo cách kể chuyện để tạo không gian cho trẻ tiếp cận bằng trí tưởng tượng của riêng mình, điều này làm cho trẻ hiểu được chủ đề đó theo cách thú vị hơn là chỉ nghe giảng. Nhưng với môn toán, không có câu chuyện nào để giáo viên chia sẻ với học sinh, chỉ có những công thức, định lý và các phương pháp toán học phức tạp.

Giáo viên của chúng tôi trước khi lên lớp luôn đặt nhiều tâm huyết vào việc soạn giáo án để học sinh không chỉ phát triển về kỹ năng mà còn thái độ tích cực trong toán học. Tóm lại, hãy biến toán học trở thành một phần quan trọng và có giá trị trong lớp học. Nếu con hiểu cách toán học áp dụng vào cuộc sống thực, chúng sẽ không còn coi đó là một môn học vô bổ, không liên quan nữa.

Điều cha mẹ có thể giúp con:

  • Liên hệ toán học đến các tình huống trong cuộc sống thực tế: Có nhiều cơ hội để cho con thấy các con số liên quan mật thiết thế nào với cuộc sống. Cha mẹ có thể tận dụng các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như làm cách nào xếp các hộp trong tủ bếp, hoặc tính toán thời gian đi xe đến nhà một người bạn. Đặt toán học vào ngữ cảnh cụ thể để con thấy được tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Nếu cha mẹ có người thân hoặc bạn bè có sự nghiệp liên quan đến các con số, hãy nhờ họ nói chuyện với con về công việc của họ vào lần ghé thăm tới. Con sẽ thay đổi ý nghĩ “môn toán thật nhàm chán và không có tính ứng dụng” khi con thấy những cánh cửa rộng mở tương lai, từ ngành phát triển trò chơi điện tử đến ngành thiết kế thời trang.
  • Để thực sự đi sâu vào câu chuyện này, hãy khai thác sở thích của con. Ví dụ, nếu con yêu bóng đá, hãy chỉ cho con thực hành số liệu thống kê, chẳng hạn đội của con cần bao nhiêu điểm để thăng hạng; hoặc nếu con đam mê bếp bánh, thông qua làm bánh, hãy để con khám phá các khái niệm toán học như cân, đo và tính toán thời gian nấu nướng. Cha mẹ cũng có thể giúp con thấy được vai trò của toán học trong cuộc sống hàng ngày như khi tính tổng số hàng tạp hóa hoặc khi coi giờ.

>>> Khám phá một số hoạt động toán học vui nhộn giúp con phát triển nền tảng vững chắc trong việc hiểu và nâng cao hứng thú học tập môn toán tại đây: https://blog.e2.com.vn/vi/nhung-tro-choi-toan-hoc-thu-vi-danh-cho-tre-tieu-hoc/

3. Con không có kỹ năng ghi nhớ tốt

Đa số học sinh gặp vấn đề về trí nhớ, điều này ảnh hưởng đến việc học tập. Toán học là môn khiến học sinh đau đầu hơn cả vì các em cần nhớ các phương trình, định lý, đồ thị, hàm mũ, phép tính, logarit, dãy số và nhiều thứ khác, chúng thực sự rất khó để ghi nhớ. Ngoài ra, trong khi một bài toán có thể giải bằng nhiều cách khác nhau, ở trường con lại phải ghi nhớ từng bước làm toán thật chính xác y như những gì thầy cô dạy mới giành được trọn điểm.. Mỗi bước trong quá trình giải toán cần được viết vào vở bài tập để làm hài lòng giáo viên.

Nhiều học sinh gặp khó khăn với môn toán do phải “vật lộn” với việc ghi nhớ tất cả các quy tắc và phương trình. Tuy nhiên, trên thực tế, học thuộc lòng chỉ là một phần của việc học toán. Jo Boaler, Giáo sư Giáo dục toán học tại Đại học Stanford, và là tác giả của tựa sách The Elephant in the Classroom: Helping Children Learn and Love Maths giải thích: ‘Thật đáng tiếc, ở hầu hết các trường học, toán học được dạy như một môn học khép kín, các câu trả lời chỉ có đúng và sai, và trẻ bị đóng khuôn vào những phương pháp chính thức mà chúng phải ghi nhớ. Nhưng trên thực tế, toán học là môn học mở, sáng tạo và linh hoạt. Vì vậy, với tư cách là phụ huynh, cha mẹ có thể thử cho con có trải nghiệm toán học khác tại nhà.”

Điều cha mẹ có thể giúp con:

  • Tránh việc học thuộc lòng (tức là chỉ ghi nhớ dữ kiện thay vì tất cả mọi thứ) vì việc ghi nhớ rất nhàm chán. Thay vào đó, hãy dạy trẻ cách tự tìm ra đáp án cho các phương trình.
  • Dạy trẻ cách tập trung giải quyết vấn đề: Thay vì chỉ ghi nhớ, trẻ nên tập trung vào việc hiểu cách thức và lý do tại sao có những công thức này. Học sinh nếu chỉ dựa vào việc học thuộc cho môn toán sẽ không thể áp dụng kiến thức và có xu hướng chán nản khi được yêu cầu sáng tạo.
  • Khi con rảnh rỗi, hãy cho con vài tình huống vận dụng trí não dựa trên các con số để giúp con phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề thay vì chỉ học thuộc. Đây có thể là một cách thú vị khiến con hào hứng với môn toán.

4. Liên tục giải bài tập sai

Môn toán đòi hỏi học sinh phải có những lúc giải sai. Học sinh lo lắng về môn toán không chỉ đơn giản vì không thích, mà còn bởi môn toán gây ra cảm giác sợ hãi và thất bại, làm suy giảm khả năng thể hiện của các em. Áp lực và sự thiếu tự tin khi học sinh đối mặt với môn toán sẽ khiến não các em “đóng băng” và nhanh chóng quên đi những kiến thức đã biết. Học sinh phải lặp đi lặp lại những dạng câu hỏi giống nhau cho đến khi có đáp án đúng, điều đó có thể khiến các em nản lòng. Liên tục giải ra đáp án sai có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ, khiến trẻ né tránh bài tập.

Điều cha mẹ có thể giúp con:

  • Giúp con hiểu mắc lỗi là một phần của việc học. Điều quan trọng là con không nên trốn tránh những những bài học khó và con cần chăm chỉ hơn. Giúp con hiểu rằng khi con giải được bài toán càng khó, con càng cảm thấy phấn khởi. Nếu con cảm thấy chán nản khi học toán, hãy nhắc con việc mắc lỗi chỉ là một phần của quá trình học. Bài học quý giá này được áp dụng cả trong lớp học và cuộc sống.
  • Thay đổi cách nói khi đề cập đến môn toán: Cha mẹ không nên nói “Con không biết làm đâu” hay đồng tình với con toán học thật nhàm chán; nếu cha mẹ đang giúp con làm bài tập về nhà và có vấn đề cha mẹ không chắc chắn, hãy cùng con khám phá vấn đề này và để con tự giải bài tập thay vì giải bài tập giúp con hoặc trông vào giáo viên.
  • Khen ngợi khi con tiến bộ: Khi con hoàn thành một bài học, hãy ôn lại bài học đó với con và nói về những kỹ năng mới mà con đã học được. Hãy lập một biểu đồ về các dữ kiện mà con cần học và cho con điền vào các dữ kiện mà con thích nhất. Và khi con hoàn thành một bài học khó, chẳng hạn như nắm vững các kiến thức về phép trừ hoặc phép chia, hãy làm điều gì đó thú vị để chúc mừng con!

5. Lộ trình học tập không được cá nhân hóa

Giải toán giống như đi trên dây vậy – đây thực sự là một môn học khó. Một tiết học trên lớp sẽ không đủ để mọi đứa trẻ hiểu hết các khái niệm. Một số trẻ mất nhiều thời gian và có biểu hiện chậm. Toán học là một nỗi sợ hãi vì chúng ta luôn mong muốn mọi đứa trẻ hiểu ngay từ lần đầu tiên học.

Tại Everest, chúng tôi nhận ra hầu hết mọi đứa trẻ đều có thể giỏi toán nếu các em có thời gian để luyện tập. Thời gian tiếp thu bài sẽ khác nhau tùy vào từng học sinh. Một số học sinh chỉ cần vài ngày để thực hành phép cộng, trong khi những học sinh khác sẽ phải mất vài tuần. Nhưng nếu kiên trì luyện tập thì học sinh sẽ đạt được điều đó! Do đó, thay vì chú trọng mặt thời gian, người dạy nên quan tâm đến việc đảm bảo học sinh hiểu rõ về chủ đề được học. Trên thực tế, điều này khó xảy ra và đây cũng chính là lý do phụ huynh phải sắp xếp cho con được học tại các trường tư và không may ở các trường tư này cũng xảy ra tình trạng tương tự vì lớp học quá đông, giáo viên không thể quan tâm đặc biệt đến từng học sinh.

Điều cha mẹ có thể giúp con:

  • Thông qua các trò chơi và phần mềm toán học trực tuyến, điều chỉnh lộ trình học tập phù hợp với trẻ. Chúng tôi luôn có một danh sách các trang web hoặc chương trình toán học yêu thích để giới thiệu cho học sinh của mình, cũng như mô hình học tập kết hợp tại trung tâm cho phép tích hợp học ngoại tuyến và trực tuyến để đáp ứng các nhu cầu của mọi em học sinh. Học sinh ngày nay rất am hiểu công nghệ, hãy tận dụng sự nhạy bén của trẻ khi sử dụng công nghệ và đưa các tiết toán xuất hiện trong hoạt động trực tuyến của trẻ.

>>> Tham khảo ngay một số trang web dạy toán hữu ích được giáo viên Everest khuyên dùng: https://blog.e2.com.vn/vi/toan-hoc-va-nhung-cau-chuyen-ke-cho-be-truoc-khi-di-ngu/

Toán học không phải là kẻ thù của học sinh. Phương pháp và trình tự dạy học, thái độ của giáo viên và phụ huynh mới là điều quan trọng nhất. Mọi đứa trẻ đều có khả năng nắm bắt và đạt điểm tốt trong môn toán nếu được dạy dỗ và nuôi dưỡng đúng cách. Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách áp dụng những cách này, cha mẹ có thể giúp con có trải nghiệm tốt hơn với môn toán, vì đây là môn cơ sở của tất cả các môn học và được áp dụng vào mọi trường hợp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nguồn tham khảo:
http://schoolessons.com/blog/10/why-your-child-hate-maths-top-5-reasons/#.X4PeLtAza70
https://www.theschoolrun.com/5-reasons-kids-hate-maths
https://www.psychologytoday.com/gb/blog/promoting-empathy-your-teen/201806/what-do-when-your-child-hates-math

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí