Khắc phục 4 vấn đề phổ biến của trẻ khi học đọc tiếng Anh

Hầu như cứ mỗi tháng, lại có ít nhất một vài phụ huynh đến chia sẻ với tôi khó khăn của họ trong việc cải thiện kĩ năng đọc tiếng Anh của trẻ. “Con không biết được nhiều từ vựng.”, “Con đọc quá chậm.”, “Nó chẳng chịu ngồi yên đọc sách.”, “Con tôi đơn giản là không thích đọc.”… Tôi không có câu trả lời hoàn hảo cho từng vấn đề trên, nhưng tôi có thể chia sẻ một vài phương pháp luyện tập đơn giản từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi và vợ đối với việc khuyến khích trẻ đọc sách. Một vài phương pháp hiện cũng đã được áp dụng vào chương trình dạy của Everest Education.

Một vài phụ huynh Việt Nam đã thành công trong việc dạy con nói “Hello!” với người nước ngoài, tuy nhiên, để nắm vững tiếng Anh một cách thuần thục đòi hỏi trẻ phải có được kĩ năng đọc hiểu trôi chảy. Học đọc là một quá trình lâu dài đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng lại quan trọng không kém gì kĩ năng giao tiếp. Có thể nói, những học sinh muốn nắm vững tiếng Anh học thuật một cách nghiêm túc phải phát triển cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cùng một lúc. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đọc sách là cách hiệu quả nhất để học được nhiều từ vựng mới.Không chỉ là trọng tâm của việc học bất cứ ngôn ngữ nào, đọc còn là cách giúp chúng ta tích luỹ kiến thức và xây dựng thế giới quan của mỗi người, là nền tảng để học tất cả những môn học khác.

Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu lý do trẻ em ngày nay hay gặp khó khăn trong việc đọc. Dưới đây là những vấn đề cốt lõi mà tôi thấy phổ biến nhất.


#1. “Con không biết nhiều từ vựng”

Ở hầu hết các trường học, học sinh bắt buộc phải học cùng với các bạn đồng trang lứa, học cùng một bài học, đọc cùng một đoạn văn. Kết quả là, một số trẻ không được học với trình độ phù hợp, và vì thế mà việc đọc cũng trở nên chán chường với các em hơn nhiều.

Trẻ em thường có xu hướng bỏ qua cả câu hoặc cả đoạn khi gặp những từ mà mình không biết, trong khi chỉ cần hiểu một hoặc hai từ trong câu, học sinh có thể sử dụng ngữ cảnh của câu đó để đoán nghĩa của từ mới. Càng nhiều từ hay cụm từ mà trẻ bỏ qua, càng khó khăn hơn để hiểu được ý nghĩa toàn bộ văn bản. Nếu học sinh cảm thấy việc đọc giống như một trận chiến không bao giờ kết thúc, lẽ dĩ nhiên trẻ sẽ mau chóng thấy nản và không thích đọc.

2. “Con đọc rất chậm”

Kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh nhanh ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi trẻ lên đến trung học. Những em học sinh đọc chậm sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi làm bài tập về nhà hoặc làm các bài kiểm tra. Học sinh sẽ gặp những thách thức lớn hơn trong việc phát âm những từ mà các em không biết, các em phải ghi nhớ nhiều thông tin hơn để có thể hiểu được văn bản, đề bài, yêu cầu của các bài kiểm tra. Điều này không chỉ khiến cho việc đọc tiếng Anh trở nên khó khăn, mà còn có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập các môn khác.

Vấn đề đọc chậm có thể đến từ lí do trẻ xử lý thông tin chậm. Tốc độ xử lý thông tin là khả năng chúng ta tiếp nhận, diễn giải thông tin và bắt đầu phản ứng lại với thông tin đó. Tốc độ này hoàn toàn không liên quan gì đến trí thông minh của trẻ, mà chỉ cho thấy rằng trẻ tiếp thu và sử dụng thông tin nhanh như thế nào. Lấy ví dụ, khi một đứa trẻ có tốc độ xử lý thông tin chậm nhìn thấy chữ aggressive, trẻ sẽ không thể hiểu ngay ý nghĩa của từ này mà phải bắt đầu đánh vần từng chữ cái một. Điều đó không có nghĩa là trẻ không biết đọc, chỉ là em tốn nhiều thời gian và công sức hơn những đứa trẻ khác để hiểu được một thông tin nào đó.

Để nhấn mạnh, tôi xin nhắc lại, một đứa trẻ đọc chậm không có nghĩa là trẻ không thể đọc hay kém thông minh. Đã nhiều lần chúng tôi chứng kiến, nhiều học sinh có kỹ năng đọc hiểu yếu tự cho mình là “ngu ngốc” khi mình không thể theo kịp và đọc nhanh như những bạn khác. Thực tế là, tốc độ xử lý thông tin của những em học sinh đó chỉ chưa phát triển hết, và do vậy các em mất thời nhiều thời gian hơn để tiếp nhận thông tin. May mắn thay, kỹ năng này có thể trau dồi và phát triển theo thời gian nếu trẻ được dạy dỗ đúng cách và chăm chỉ luyện tập.

Ở trung học, đại học, hay kể cả khi đi làm, đọc chậm có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong việc đọc hiểu văn bản. Kết quả là, học sinh cứ phải đọc đi đọc lại một trang hoặc một đoạn rất nhiều lần. Nếu con bạn đang gặp vấn đề đọc chậm, hãy lên kế hoạch và dành nhiều thời gian để giúp con khắc phục điều này, tránh để trẻ bị tụt lại và gặp nhiều vấn đề lớn hơn khi con lên những lớp cao hơn.

#3. “Con không thể ngồi yên”

Con trai tôi rất hiếu động và hầu như không có lúc nào ngồi yên. Trên bàn ăn, con liên tục chạy ra khỏi chỗ ngồi. Khi làm bài tập, con thích nằm bò dưới sàn hoặc nằm dài trên ghế. Khi đến giờ đọc sách, con thích bò qua bò lại trên người chúng tôi. Tuy nhiên tôi không nghĩ điều này là bất thường, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi này.

Câu hỏi ở đây là con có khả năng tập trung hay không. Khi nghĩ đến vấn đề này, chúng tôi rất ngạc nhiên và thích thú. Hầu hết mọi trường hợp, khi chúng tôi cho rằng con chỉ bò quanh và nghịch ngợm, thì con thực sự lắng nghe và theo dõi mạch câu chuyện. Không phải tất cả mọi lần, nhưng hầu hết thời gian là vậy. Và đó là lúc chúng tôi nhận ra đâu mới là vấn đề.

Một số nhà giáo dục truyền thống có lẽ sẽ không thích điều tôi sắp nói ở đây… nhưng nếu con tôi vẫn có thể tập trung, chúng tôi sẽ không bắt con phải ngồi yên. Chúng tôi cho phép con tự do chạy nhảy. Tại sao chúng ta cứ phải ngồi yên vào bàn học và ghi nhớ hằng giờ thì mới được coi là học “đúng cách”? Nếu như rất nhiều công ty hiện nay trên thế giới cho phép nhân viên sử dụng bàn đứng, tại sao con của chúng ta không thể di chuyển, hoạt động để máu lưu thông tới não bộ và các cơ quan khác được tốt hơn? Từ kết quả của nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm của bản thân, tôi tin rằng những hoạt động thể chất và thời gian nghỉ hợp lý sẽ rất có ích cho việc học.

Tuy nhiên, rõ ràng không phải lúc nào con tôi cũng có thể chạy nhảy, đặc biệt là khi đến trường. Con phải thực sự cố gắng ngồi im trong một vài tiết học mà con buộc phải giữ im lặng. Mặc dù con vẫn có thể tập trung khi đang chạy nhảy, thì giáo viên của con phản ánh rằng việc con cứ chạy nhảy sẽ làm các bạn khác phân tâm. May mắn thay, càng lớn con càng bớt hiếu động hơn, dù dĩ nhiên vẫn phải mất nhiều thời gian để con có thể học cách tự kiềm chế bản thân.

#4. “Con đơn giản là không thích đọc”

Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể khơi dậy tình yêu đọc sách ở bất kì đứa trẻ nào, chỉ là chúng ta không thể áp dụng cùng một phương pháp hay cùng một thời điểm cho tất cả mọi học sinh. Có rất nhiều tài liệu tuyệt vời để đọc, tuy nhiên ngày nay, so với iPhone, Instagram, trò chơi điện tử (và nhiều thứ khác nữa), việc đọc sách trở nên kém hấp dẫn hơn đối với trẻ em.

Mỗi ngày trẻ em (và cả chúng ta nữa) bị xao nhãng bởi hàng trăm những “likes”, những thông báo, lời bình luận trên các phương tiện truyền thông xã hội. Làm thế nào mà đọc sách, vốn là công việc riêng tư và có phần “buồn tẻ” hơn, có thể cạnh tranh lại?

Thực tế không may với học sinh là khi các em đã quen với việc không đọc sách, sẽ rất khó để thêm thói quen này vào thời gian hằng ngày của trẻ, đặc biệt là khi các em đang trong độ tuổi thích có được sự chú ý – điều mà đọc sách khó có thể mang lại. Tôi vẫn chưa tìm ra một giải pháp tối ưu nào đối với những em học sinh đã “trót” nghiện trò chơi điện tử hay mạng xã hội. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta phải bỏ cuộc.

Làm thế nào để trẻ thích đọc và đọc hiệu quả hơn?

Không có đường tắt nào để đọc tiếng Anh tốt. Nhưng bạn có thể giúp trẻ xây dựng những thói quen tốt. Nếu con của bạn cũng đang gặp phải một trong những vấn đề như trên, dưới đây là gợi ý của tôi để giúp bạn cải thiện khả năng đọc của con. Bạn có thể thực hành bất cứ phần nào bạn thấy hiệu quả, nhưng bạn phải bắt đầu với Bước 1. must start with Step 1.

Bước 1: Xây dựng thói quen đọc cho cả gia đình

Đây là giải pháp nhằm chủ động phát triển tình yêu của trẻ từ sớm. Bạn có thể biến việc đọc sách thành một thói quen ngay từ khi trẻ chào đời. Đọc sách cho con nghe MỖI-NGÀY. Chọn lọc các cuốn sách phù hợp với trẻ, nhưng bạn có thể để con tự chọn sách. Khi đã đủ tuổi để có thể tự mình đọc sách, bạn sẽ không cần phải đọc cho con nghe, nhưng hãy đọc cùng con.

Điều gì sẽ xảy ra nếu con tôi đã lỡ có thói quen xấu và không đọc thích đọc sách? Làm thế nào để xây dựng lại những thói xấu này? Điều này rất khó, nhưng nếu kiên trì, bạn vẫn có thể thay đổi được những thói quen này.

“Trẻ em sẽ không nghe theo những gì bạn nói, nhưng sẽ làm theo những gì bạn làm.”

Chúng ta phải tự lấy mình làm tấm gương chăm đọc sách nếu muốn con cái có được thói quen này. Hãy làm gương, dành thời gian đọc mỗi ngày, dù là đọc sách, báo hay tạp chí. Hãy làm việc gì đó ý nghĩa và có ích hơn là lướt mạng xã hội.

Bạn cũng có thể đọc sách cho trẻ nghe trước khi đi ngủ. Sử dụng những cuốn sách kể chuyện có các yếu tố toán học là một gợi ý tuyệt vời để giúp trẻ phát triển cùng lúc cả khả năng ngôn ngữ và tính toán.

Bước 2: Xây dựng không gian khuyến khích trẻ đọc sách

Trẻ em nên có một nơi thoải mái và yên tĩnh để đọc. Bạn có thể “lôi kéo” trẻ đọc bằng cách mua thật nhiều sách, báo nhiều thể loại và được minh hoạ đẹp mắt, phù hợp với trình độ đọc của trẻ. Mang đồ chơi, máy điện tử, điện thoại hay bất cứ thứ gì có thể làm con bạn xao nhãng ra khỏi khu vực đọc của gia đình.

Bước 3: Chọn tựa sách phù hợp với con

Chọn sách phù hợp với độ tuổi và trình độ của trẻ, đủ hấp dẫn để làm em thích thú, và đủ ngắn để em khỏi mất tập trung. Thay vì nói cho con rằng bạn sẽ đọc sách gì, hãy hỏi xem con thích đọc gì. Bạn có thể giả vờ “tham khảo ý kiến” của con hoặc để con tự chọn giữa hai hay ba cuốn sách khác nhau. Khi trẻ được tự mình đưa ra quyết định, một cách tự nhiên, con sẽ có trách nhiệm hơn và biết tập trung hơn.

Bên cạnh đó, sẽ hoàn toàn ổn nếu con bạn cứ khăng khăng đọc đi đọc lại mãi một cuốn sách. Trên thực tế, đây chính là dấu hiệu cho thấy trẻ dần dần thích đọc.

Bước 4: Trân trọng nỗ lực của con

Để không thấy nản, trẻ em cần phải cảm thấy được bản thân đang tiến bộ (thực sự là cả người lớn cũng vậy!). Cha mẹ chính là những người phù hợp nhất có tạo động lực học cho trẻ, ngay cả khi em chỉ mới học được những kĩ năng cơ bản nhất. Trẻ thậm chí sẽ còn tiến bộ nhanh hơn nếu cha mẹ có thể dành thời gian cùng học với em.

Trong nhiều gia đình Việt Nam, cha mẹ thường ngại “mất mặt” trước con cái và lúc nào cũng phải tỏ ra mình biết mọi thứ. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng việc tỏ ra tò mò và nói “bố không biết” thực ra lại tạo động lực cho trẻ ham học hỏi để “dạy lại” chúng ta. Và tin tôi đi, khi con tôi có cơ hội giải thích cho tôi rằng magma và dung nham từ núi lửa liên quan đến nhau như thế nào, đó đã trở thành một khoảnh khắc rất đỗi tự hào mà con nhớ rất lâu sau đó. Đó là khoảnh khắc tôi cho con thấy rằng bố có thể vẫn còn chưa biết điều này điều nọ, nhưng bố có thể và sẵn sàng học hỏi. Tôi mong rằng điều đó cũng dần dần giúp con có được tư duy tiến bộ (growth mindset).

Bước 5: Xây dựng vốn từ vựng phong phú

Sau khi kể cho con nghe một câu chuyện, hãy bắt đầu thử áp dụng một số từ mới trong câu chuyện ngay sau đó. Bạn có thể viết các từ mới lên giấy bìa, dùng những tờ giấy này thành thẻ bài để chơi trò chơi như Memory (ghi nhớ) cùng con.

Giúp trẻ luyện tập và ghi nhớ những từ vựng quan trọng, cơ bản và thường xuyên được sử dụng cũng là một trong những cách quan trọng để giúp trẻ hình thành tư duy ngôn ngữ và dần đẩy nhanh tốc độ đọc. Có rất nhiều cách khác nhau, nhưng một trong những cách đơn giản nhất là sử dụng những từ Rainbow Sight Words (giá khoảng 3 đô la), danh sách bao gồm 300 từ đầu tiên mà những người học tiếng Anh cần biết. Bạn có thể in chúng ra trên giấy cứng hoặc những miếng bìa và cùng trẻ học đi học lại mỗi ngày cho đến khi các em ghi nhớ và hình thành được phản xạ.

Bước 6: Chia nhỏ thời gian đọc sách

Khoảng thời gian tập trung của trẻ em ngắn hơn so với người lớn, do vậy chúng ta không nên bắt trẻ đọc một lúc quá lâu. Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ chỉ cần dành khoảng 5-10 phút mỗi lần đọc (tương đương 1 hoặc 2 cuốn sách ngắn). Thời gian này có thể tăng lên thành 10 – 15 phút khi trẻ vào lớp 1. Ở Everest Education, mỗi cấp lớp chúng tôi tăng thêm chừng 5 phút đọc sách, do vậy một học sinh lớp 5 sẽ không bị bắt đọc nhiều hơn 25 phút mỗi lần đọc.

Sẽ rất đáng mừng nếu học sinh muốn được đọc nhiều hơn, nhưng chúng tôi cố gắng không ép buộc các em. Chúng tôi tin rằng điều quan trọng nhất là xây dựng được thói quen đọc nhất quán, tập trung một ít mỗi ngày để phát triển đều đặn và giúp các em yêu thích việc đọc.

Bước 7: Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử và khuyến khích trẻ hoạt động

Cha mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử chỉ trong 30 phút đến một giờ mỗi ngày (chỉ trong phòng khách hoặc các khu vực chung khác), và chỉ nên được sử dụng sau khi các em đã đọc xong và hoàn thành bài tập về nhà. Trẻ cần phải được loại bỏ những thứ gây xao nhãng khác để hoàn toàn tập trung.

Lý tưởng nhất, trẻ em nên dành ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày. Chúng tôi nhận thấy rằng, khi trẻ không được chạy nhảy đi đến công viên, ở nhà chúng sẽ “quá dư năng lượng” và việc ngồi yên đọc sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng, nếu bạn chưa cho con đi tập thể dục mà đã đến giờ đi ngủ, bạn sẽ làm gì?

Nếu đang kể chuyển mà nhận thấy con bạn đang dần mất tập trung, đừng ngần ngại chuyển sang hoạt động khác. Đặt sách xuống và cho con nhảy 10 cái hoặc chạy trong vòng 20 giây, chẳng hạn, điều này sẽ giúp con phấn chấn hơn và sẵn sàng tập trung hơn.

Và còn nhiều cách cải thiện khác

Bàn về vấn đề đọc sách và phát triển kỹ năng đọc của trẻ, tôi còn có một vài gợi ý khác nữa dành cho cha mẹ, đặc biệt là về cách hướng dẫn con đọc cụ thể như thế nào cho hiệu quả, xin hẹn bạn ở bài viết tiếp theo.

Nguồn tham khảo:
http://www.readandspell.com/us/common-reading-problems
https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/preschool/Pages/Helping-Your-Child-Learn-to-Read.aspx
https://www.understood.org/en/learning-attention-issues/child-learning-disabilities/information-processing-issues/processing-speed-what-you-need-to-know
http://learningworksforkids.com/2017/04/5-ways-to-improve-processing-speed-in-children/

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí