Những việc cha mẹ cần làm giúp con trở lại trường an toàn sau mùa dịch

Lệnh cách ly do đại dịch COVID-19 đã khiến 90% học sinh trên toàn thế giới, thuộc 186 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc phải nghỉ học một phần hoặc hoàn toàn, theo báo cáo từ UNESCO

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác chống dịch. Và sau 21 ngày liên tục không còn ca nhiễm mới trong nước, nhiều trường học trên 63 tỉnh thành đã bắt đầu hoạt động trở lại để chào đón hàng triệu học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ “Tết” dài nhất lịch sử. Tuy vậy, việc mở lại trường học bằng cách nào đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến virus bùng phát trở lại. Vậy hệ thống giáo dục của chúng ta cần làm những gì để có thể khắc phục những vấn đề trên? Cha mẹ nên biết gì và làm gì trong tình huống này để bảo vệ những thành viên trong gia đình, đảm bảo con được tiếp cận với môi trường học tập lành mạnh, an toàn và bổ ích?

Nhiều trường học hiện nay đã tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh: khử trùng khuôn viên trường, cung cấp xà phòng và nước rửa tay sát trùng cho học sinh, để cửa sổ mở và giảm thiểu việc sử dụng điều hòa… Everest Education cũng xin gửi đến các bậc phụ huynh một số lưu ý quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 khi con đi học trở lại.


1. Luôn cập nhật tình hình dịch bệnh 

Cha mẹ nên tìm hiểu thật chi tiết những thông tin cơ bản về dịch bệnh do virus Corona gây ra (COVID-19), bao gồm các triệu chứng, biến chứng, cách lây truyền và cách ngăn chặn sự lây nhiễm. Ngày nay có rất nhiều thông tin, tin đồn giả có thể lan truyền bằng lời nói hoặc mạng trực tuyến. Do vậy, bạn nên hết sức cẩn thận, cập nhật thông tin về COVID-19 thông qua các nguồn có uy tín như UNICEF, WHO và các cố vấn của bộ y tế quốc gia. Phụ huynh cũng có thể thường xuyên kiểm tra và cập nhật tình hình virus từ trang web của chính phủ Việt Nam tại https://ncov.moh.gov.vn hoặc cài đặt ứng dụng Sức khỏe Việt Nam (Vietnamese Health) (Sức khỏe Việt Nam) để truy cập vào đường dây nóng cũng như xác định ngay các trung tâm y tế gần nhất nếu có bất kỳ dấu hiệu khẩn cấp nào xảy ra.

2. Biết cách nhận biết các triệu chứng của COVID-19 (ho, sốt, khó thở) ở trẻ. 

Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường, hãy tham khảo ngay ý kiến chuyên môn từ bác sĩ, hoặc cơ sở y tế gần nhất, và đưa trẻ đến khám ngay nếu được yêu cầu, hãy đưa con bạn đến đó. Hãy nhớ rằng các triệu chứng của COVID-19 như ho hoặc sốt có thể tương tự như cúm, cảm lạnh thông thường và chúng rất phổ biến. Nếu trẻ bị ốm, hãy cho phép con “học từ xa” và thông báo cho nhà trường về lý do vắng mặt cũng như các triệu chứng của trẻ. Bạn có thể yêu cầu nhà trường gửi bài giảng và bài tập để con có thể tiếp tục học khi ở nhà. Giải thích cho con biết tình hình hiện tại đồng thời cố gắng trấn an con rằng “chúng ta vẫn an toàn”.

3. Chỉ cho con đến trường khi thực sự khỏe mạnh 

Nếu con bạn không có bất kỳ triệu chứng nào bất thường như sốt hoặc ho thì tốt nhất là hãy cứ cho phép con đến trường – trừ khi có thông báo từ cơ sở y tế, hoặc những cảnh báo xác đáng cũng như lời khuyên chính thức từ chính phủ về việc nên giữ trẻ ở nhà. Thay vì “bảo vệ” trẻ bằng cách giữ con tránh xa trường học, hãy dạy con các thói quen vệ sinh tay và hô hấp tại trường học cũng như những nơi công cộng khác. Đảm bảo con ý thức thật tốt những quy tắc an toàn tối thiểu như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy, sau đó vứt khăn giấy vào thùng kín; không chạm vào mắt, miệng hoặc mũi nếu không rửa tay đúng cách.

4. Dạy con thói quen vệ sinh tốt

Dạy trẻ biết cách tự bảo vệ sức khỏe và vệ sinh đúng cách là vô cùng quan trọng, giúp con ngăn ngừa vi trùng và bệnh tật. Không thể phủ nhận rằng, thầy cô hay cha mẹ đều không thể để mắt đến trẻ 24/7, vì vậy phương pháp hữu ích nhất dành cho mọi lứa tuổi là là nhắc nhở con những việc mà con có thể làm trong khả năng của mình để bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm. Sự bùng phát dịch lần này cũng là một “cơ hội tuyệt vời” giúp trẻ ý thức và học được những bước phòng dịch cơ bản:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi ăn; sau khi hỉ mũi, ho hoặc hắt hơi. Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước nếu tay bị bẩn. Đối với trẻ mẫu giáo, bạn có thể dạy con hát một bài hát trong khi rửa tay để duy trì thời lượng rửa tay đúng 20 giây theo như khuyến cáo. (Virus Corona đã tạo cơ hội cho rất nhiều bài hát ra đời, nhắc chúng ta rửa tay đúng cách, phụ huynh có thể yêu cầu con hát “ABC” hai lần trong khi rửa tay, hoặc nhảy theo điệu “Ghen Cô Vy” – video tuyên truyền nổi tiếng đã giúp đất nước ta được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới về tinh thần phòng chống dịch bệnh.)
  • Nếu xà phòng và nước không có sẵn, hãy sử dụng chất khử trùng hoặc nước rửa tay khô chứa ít nhất 60% nồng độ cồn.
  • Ho và hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay; tránh chạm vào mặt, mắt, miệng, mũi.
  • Đảm bảo rằng nước uống sạch luôn có sẵn; nhà vệ sinh hoặc bồn rửa tay luôn sạch sẽ và an toàn tại nhà.
  • Đảm bảo chất thải được thu gom, lưu trữ và xử lý một cách an toàn
  • Nếu con bạn mang thức ăn đến trường cho bữa trưa hoặc bữa xế, hãy dạy bé đậy kín thức ăn và giữ cho nắp đậy sạch sẽ để tránh sự lây lan của vi khuẩn.

5. Giúp con vượt qua căng thẳng

COVID-19 có thể mang đến những cảm giác như lo lắng, căng thẳng và không an toàn cho trẻ – mỗi đứa trẻ ở độ tuổi khác nhau có thể có những cách phản ứng khác trước tình hình dịch bệnh. Một vài em gặp căng thẳng có thể phản ứng theo những cách khác nhau. Các phản ứng thường gặp bao gồm khó ngủ, đái dầm, đau dạ dày hoặc đau đầu, lo lắng, lãnh đạm, giận dữ, đeo bám ba mẹ hoặc sợ bị bỏ lại một mình. Hãy quan sát các phản ứng của trẻ và giải thích cho chúng rằng đây đều là những phản ứng bình thường đối với một tình huống bất thường.

Cha mẹ hãy cố gắng lắng nghe những lo lắng của con, dành nhiều tình yêu thương cũng như thời gian bên cạnh để giúp con cảm thấy thoải mái hơn, trấn an rằng “con đang an toàn” và thường xuyên dành lời khen cho con. Nếu có thời gian, bạn cũng có thể tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi và thư giãn bằng những hoạt động tại nhà. (Một số ý tưởng Everest Education từng gợi ý trong Gợi ý 6 hoạt động cho trẻ khi ở nhà mùa dịch.) Phụ huynh hãy để tâm đến thói quen và thời gian biểu của trẻ thường xuyên nhất có thể, đặc biệt là trước khi con đi ngủ. Để giúp con ngừng lo lắng, hãy cung cấp thông tin phù hợp với lứa tuổi của con và giải thích về những gì đã và đang xảy ra, cho trẻ những ví dụ rõ ràng về những việc con có thể làm để giúp tự bảo vệ bản thân và những người khác khỏi lây nhiễm.

>> Phụ huynh có thể tham khảo thêm một vài hướng dẫn nhằm giải thích và giúp con bình tĩnh hơn khi đối diện với những tin tức về virus: https://blog.e2.com.vn/vi/giai-thich-cho-tre-nhu-the-nao-ve-virus-vu-han/

Chia sẻ thông tin về những gì có thể xảy ra bằng một thông điệp nhẹ nhàng và trấn an. Ví dụ, nếu con bị bệnh, phải ở nhà hoặc bệnh viện, bạn có thể nói “Ở nhà/ bệnh viện sẽ an toàn hơn cho con và bạn bè. Ba mẹ biết giai đoạn này thật khó khăn (có thể đáng sợ hoặc thậm chí nhàm chán), nhưng chúng ta cần tuân theo quy tắc để cho bản thân và những người xung quanh an toàn. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường sớm thôi.”

DANH SÁCH NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM DÀNH CHO CHA MẸ/ NGƯỜI CHĂM SÓC TRẺ 

☐ 1. Theo dõi sức khỏe và giữ trẻ ở nhà nếu chúng bị bệnh
☐ 2. Dạy và làm gương cho con về những hành động giữ vệ sinh – tự bảo vệ sức khỏe bản thân
☐ 3. Khuyến khích con đặt câu hỏi và bày tỏ cảm xúc với cha mẹ và thầy cô giáo. Hãy nhớ rằng trẻ có thể có những phản ứng khác nhau khi gặp căng thẳng; hãy kiên nhẫn và thấu hiểu.
☐ 4. Ngăn chặn sự kỳ thị bằng cách tuyên truyền và nhắc nhở con biết quan tâm đến những người xung quanh.
☐ 5. Phối hợp với nhà trường để nhận thông tin và đề nghị hỗ trợ nhà trường trong công tác bảo vệ sự an toàn cho trẻ (thông qua hội phụ huynh-giáo viên,…)

Khi hiểu rõ cũng như có những thông tin nhất định về COVID-19 sẽ góp phần giảm bớt nỗi sợ hãi và lo lắng của trẻ xung quanh dịch bệnh này, giúp các em chống lại những ảnh hưởng tiêu cực dịch bệnh đang gây ra. Chúng tôi hy vọng rằng hướng dẫn này sẽ truyền đạt được hết những thông điệp bổ ích và những hành động thiết thực nhằm giúp phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên, nhân viên, các thành viên trong cộng đồng, cũng như chính trẻ em trong việc chấp hành các biện pháp an toàn xã hội, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.


Nguồn tham khảo:
https://www.unicef.org/media/67211/file
https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/key-messages-and-actions-for-covid-19-prevention-and-control-in-schools-march-2020.pdf?sfvrsn=baf81d52_4
https://www.unicef.org/coronavirus/6-ways-parents-can-support-their-kids-through-coronavirus-covid-19

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí