Rối Loạn Giao Tiếp Xã Hội Ở Trẻ: Những Điều Cha Mẹ Cần Biết

Những điểm chính:

  • Trẻ rối loạn giao tiếp xã hội vẫn phát triển năng lực ngôn ngữ cơ bản, như hiểu được cấu trúc từ, ngữ pháp… nhưng lại gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội.
  • Các dấu hiệu rối loạn xuất hiện khi trẻ còn khá nhỏ, và trở nên rõ ràng hơn khi trẻ lớn lên.
  • Có nhiều hoạt động mà cha mẹ có thể làm ở nhà để giúp con cải thiện các kỹ năng giao tiếp xã hội của con.

Vào năm 2013, người ta tìm ra chứng Rối loạn Giao tiếp Xã hội – Social (Pragmatic) Communication Disorder (“SCD”). Theo Wikipedia, SCD là loại rối loạn về mặt ngôn ngữ. Những người mắc chứng rối loạn này sẽ gặp gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa lời nói của người khác (ngữ nghĩa) và cách sử dụng ngôn từ phù hợp tùy theo hoàn cảnh xã hội (ngữ dụng). Trong xã hội ngày nay, khi thời gian trẻ em dành cho thiết bị điện tử được chứng minh là tăng gấp đôi trong vòng 20 năm, số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn giao tiếp xã hội ngày càng tăng.

Hầu hết chúng ta hẳn vẫn thường lúng túng trước một số tình huống xã hội nhất định, nhưng đối với một đứa trẻ mắc chứng rối loạn giao tiếp xã hội, việc “đối mặt” với các tình huống xã hội là cả một thách thức. Chứng rối loạn này xuất hiện từ những năm đầu phát triển của trẻ. Trẻ không bị hạn chế về phát âm hoặc đặt câu nhưng các em không biết cách duy trì hội thoại và sử dụng ngôn ngữ nói phù hợp tình huống. Vì lý do đó, cha mẹ thường không mảy may nhận thấy các dấu hiệu của SCD.

Trong bài viết này, Everest Education sẽ giúp gia đình tìm hiểu rõ hơn thế nào là Rối loạn Giao tiếp Xã hội, những ảnh hưởng của SCD đối với trẻ em, cách phát hiện và điều trị, cũng như những việc cha mẹ nên làm để đồng hành cùng con phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp.


Social Communication Disorder - Rối loạn Giao tiếp Xã hội là gì?

Social Communication Disorder – Rối loạn (Ngôn ngữ) trong Giao tiếp Xã hội (SCD) biểu thị bằng sự khiếm khuyết về ngữ dụng – người mắc chứng SCD không hiểu được ý nghĩa của ngôn từ cũng như không biết cách sử dụng từ ngữ thích hợp trong giao tiếp, dù là nói trực tiếp hay dùng chữ viết, ngôn ngữ hình thể.

Trẻ mắc chứng rối loạn này không bị suy giảm năng lực hiểu cấu trúc từ, ngữ pháp hoặc khả năng nhận thức nói chung. Chúng hoàn toàn không gặp vấn đề gì trong việc phát âm và đặt câu. Điều duy nhất khiến trẻ “chật vật” đó là ngữ dụng. Ngữ dụng được hiểu đơn giản là những quy tắc ứng xử bất thành văn, sự tinh tế trong ngôn ngữ nói giúp mọi người kết nối và duy trì kết nối qua ngôn ngữ. Chẳng hạn, trẻ mắc chứng SCD sẽ không biết cách cư xử phù hợp trong các tình huống xã hội như khi chào hỏi, chia sẻ thông tin, thay đổi cách diễn đạt cho phù hợp với các bối cảnh xã hội khác nhau, hiểu được hàm ý trong cử chỉ của người khác khi trò chuyện.

SCD ảnh hưởng đến hầu hết giao tiếp bằng lời nói và giao tiếp phi ngôn từ như: nói, viết, cử chỉ và ngôn ngữ ký hiệu. Người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến chứng SCD.. Tuy nhiên, SCD thường đi kèm các điều kiện và bệnh lý khác bao gồm chứng Tự kỷ, ADHD – Rối loạn tăng động giảm chú ý, Rối loạn ngôn ngữ và Chứng khó đọc ở trẻ học ngôn ngữ.

What are the symptoms?

Trẻ rối loạn giao tiếp xã hội gặp khó khăn khi học cách bắt đầu cuộc trò chuyện, lắng nghe, đặt câu hỏi, duy trì hội thoại và nhận biết thời điểm kết thúc cuộc trò chuyện. Trẻ đồng thời gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng đọc và viết, bao gồm cả đọc hiểu. Điều này ảnh hưởng đến năng lực giao tiếp, duy trì các mối quan hệ xã hội trong học tập, nghề nghiệp của trẻ.

Những khó khăn một đứa trẻ mắc chứng Rối loạn Giao tiếp Xã hội có thể gặp phải:

  • giao tiếp xã hội phù hợp – ví dụ: mỉm cười và nói “xin chào”, giao tiếp bằng mắt khi tương tác với ai đó hoặc thể hiện điều gì đó thú vị với người khác, chẳng hạn như khi chỉ vào chiếc máy bay trên bầu trời
  • điều chỉnh ngôn ngữ phù hợp với người nghe (ví dụ: dùng ngôn ngữ trang trọng đối với người lớn tuổi hơn, ngôn ngữ ngày thường đối với bạn đồng trang lứa)
  • tuân theo “quy tắc” xã hội – ví dụ: chìa tay ra để bắt tay hoặc thay phiên nói trong cuộc trò chuyện. Vì đôi khi trẻ sẽ độc chiếm cuộc trò chuyện hoặc thường xuyên làm gián đoạn, hoặc không phản hồi khi được hỏi.
  • nhận biết được cảm xúc của người đối diện và sử dụng lời nói, hành động phù hợp – ví dụ: hiểu được nếu một người hướng ánh nhìn về chỗ khác khi trẻ đang nói, người đó đang cảm thấy nhàm chán khi trò chuyện
  • hiểu được biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ
  • hiểu được đâu là câu đố, châm biếm và ẩn dụ
  • tương tác, đến gần người đang nói chuyện với mình

Các dấu hiệu của chứng SCD xuất hiện khi trẻ còn khá nhỏ, và trở nên rõ nét khi trẻ lớn lên và phải đối diện với các tình huống xã hội phức tạp hơn.

Chẩn đoán Rối loạn giao tiếp xã hội bằng cách nào?

Theo một nghiên cứu vào năm 2013,một số dấu hiệu của SCD giống với các dấu hiệu của bệnh lý và khuyết tật học tập khác, điều này gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh. Đôi khi, phụ huynh cần loại trừ các vấn đề tiềm ẩn khác trước. Ví dụ, bác sĩ có thể đề nghị trẻ làm đánh giá thính lực toàn diện để sớm loại trừ trường hợp khiếm thính. Chuyên viên trị liệu ngôn ngữ nói có bằng cấp chuyên môn, hiểu biết sâu sắc về các bệnh trạng đi kèm, các khuyết tật học tập nên là người tiến hành đánh giá về thính giác cũng như các đánh giá khác dựa theo độ tuổi, đặc điểm văn hóa và giai đoạn phát triển của trẻ.

Theo American Speech-Language-Hearing Association (ASHA)– Hiệp hội các nhà nghiên cứu bệnh học ngôn ngữ và các nhà khoa học về lời nói, ngôn ngữ và thính giác chuyên nghiệp tại Hoa Kỳ và quốc tế, việc sàng lọc SCD thông thường gồm các cuộc phỏng vấn, quan sát, thực hiện bảng câu hỏi tự đánh giá, và việc thu thập các thông tin từ phụ huynh, giáo viên hoặc những người quan trọng khác của trẻ. Ngoài ra, cũng cần xem xét đến bệnh sử và tiền sử giáo dục của gia đình. Trẻ dễ có khả năng ASD (Rối loạn phổ tự kỷ) nếu một thành viên trong gia đình được chẩn đoán có chứng ASD, rối loạn giao tiếp hoặc một khuyết tật học tập cụ thể, theo Child Mind Institute.

Sau bước đánh giá, các bác sĩ chuyên khoa trị liệu ngôn ngữ nói có thể đưa ra chẩn đoán, mô tả các dấu hiệu và mức độ nghiêm trọng của SCD, và khuyến nghị về biện pháp can thiệp và giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa khác nếu cần.

Cách điều trị Rối loạn Giao tiếp Xã hội

SCD là một hội chứng tương đối mới. Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho SCD. Tuy nhiên, người ta cho rằng việc trị liệu ngôn ngữ nhấn mạnh vào ngữ dụng, kết hợp cải thiện các kỹ năng giao tiếp xã hội sẽ giúp ích cho việc điều trị.

Việc điều trị nên cụ thể cho từng cá nhân, tập trung cải thiện các kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là trong các tình huống xã hội. Điều trị SCD cần đến sự phối hợp giữa cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Các chuyên viên trị liệu cho trẻ cũng có thể liên lạc với giáo viên, chuyên gia tâm lý để đảm bảo rằng trẻ thực hành các giao tiếp xã hội và nhận được phản hồi, đánh giá cùng lúc, theo ASHA.

Phụ huynh có thể áp dụng các phương pháp sau để giúp trẻ

Tin tốt là SCD có thể điều trị được. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn giao tiếp xã hội là trị liệu ngôn ngữ nói (speech-language therapy) – giúp trẻ cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp. Các kỹ năng quan trọng dành cho trẻ rối loạn giao tiếp xã hội cần thực hành bao gồm:

  • Đọc biểu cảm khuôn mặt: ngoài những biểu cảm cơ bản như vui, buồn hoặc tức giận, rối loạn giao tiếp xã hội khiến trẻ khó “đọc” được các loại biểu cảm khác. Khi chúng ta giao tiếp, thông điệp không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn qu sự kết hợp của nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và từ ngữ. Một số phương pháp để cải thiện năng lực “đọc hiểu” biểu cảm khuôn mặt cha mẹ có thể áp dụng:
    – Cho con nhìn vào gương để thấy biểu cảm khuôn mặt mình khi con đang có một loại cảm xúc nào đó
    – Nghe “các bài hát dựa theo tâm trạng” để trải nghiệm nhiều cảm xúc khác nhau
    – Chụp ảnh các cảm xúc trên mặt và ngữ cảnh. Cùng con ghép nối các hình ảnh với từng loại cảm xúc khác nhau và giúp con hiểu được ngữ cảnh và vì sao mình có loại cảm xúc đó.
    – Sử dụng ngữ cảnh thực tế và video clip để giải thích cho con hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và giọng nói.
    – Sử dụng hình ảnh hoặc biểu đồ biểu thị cơ thể người để chỉ cho con những bộ phận nào trên cơ thể được phép tiếp xúc với người khác. Cùng con thảo luận xem ai là người không thích hợp để chào, bắt tay, hôn, cử chỉ thân mật … và dạy con cách phản ứng trước những tình huống xã hội thường gặp.
  • Ngữ dụng: Dạy con cách sử dụng từ trong ngữ cảnh để giúp con hiểu ý nghĩa của các thành ngữ, cách sử dụng và thời điểm cho những lời chào phù hợp.
  • Kỹ năng hội thoại: Trẻ rối loạn giao tiếp xã hội thường gặp khó khăn trong việc trao đổi qua lại, chẳng hạn như đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi trong cuộc trò chuyện. 
  • Giao tiếp phi ngôn từ: Học cách sử dụng ngôn ngữ chỉ là một phần của bộ kỹ năng cần thiết để giao tiếp hiệu quả. Phần còn lại là hiểu các cử chỉ, biểu cảm để dự đoán cảm xúc của người đối diện, hoặc đơn giản là đế biết khi nào người đó đang khó chịu hoặc buồn chán, chẳng hạn như cách họ nhìn đồng hồ.

Các phương pháp trị liệu ngôn ngữ nói sẽ hiệu quả hơn khi có sự góp sức của cả gia đình. Cha mẹ hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho con trò chuyện và tương tác với các bạn cùng lứa tuổi thường xuyên. Có rất nhiều hoạt động khác mà cha mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà để giúp con cải thiện các kỹ năng giao tiếp xã hội.

  • Đọc và thảo luận.  Đọc sách cùng con, đặt câu hỏi và gợi mở bằng những câu hỏi như “con thấy hành động của nhân vật trong truyện như thế nào?”
    >>> Tìm hiểu các cách khiến việc đọc sách trở nên thú vị và bổ ích: https://blog.e2.com.vn/vi/su-khac-biet-giua-day-tre-doc-va-day-tre-thich-doc/
  • Nói ra cảm xúc.  Sách và truyện là cơ hội tuyệt vời để dạy con cảm xúc. Cha mẹ hãy hỏi các câu hỏi gợi mở dành cho con như: “Vì sao con nghĩ rằng nhân vật trong câu chuyện đang làm đúng?” “Nhân vật đang cảm thấy vui vẻ hay buồn bã?”. Hãy mở rộng các tình huống thực tế quanh con, giúp con miêu tả cảm xúc của một người bạn hoặc một người thân, và hỏi con vì sao họ lại có cảm xúc đó.
  • “Điều gì xảy ra tiếp theo?”.  Hãy để con dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo trong một câu chuyện, và giúp con xác định các “manh mối” để việc dự đoán dễ dàng hơn. Khi có một sự kiện diễn ra trong câu chuyện, cha mẹ có thể hướng dẫn con xem lại các chi tiết và tìm ra các manh mối liên kết đến sự kiện đó. Ví dụ: cha mẹ chỉ vào bức tranh với sữa và thức ăn rơi vãi trên sàn nhà và nói con đoán xem “chuyện gì đã xảy ra thế?”
  • Sử dụng các công cụ trực quan để thêm vào các cuộc trò chuyện. Trò chơi nhập vai và các hình ảnh minh họa là một ý tưởng tuyệt vời giúp con biết cách xử lý các tình huống xã hội.

Trẻ rối loạn giao tiếp xã hội cần những can thiệp chuyên môn để cải thiện các kỹ năng tương tác xã hội. Để con “tiếp thu” những kỹ năng này một cách tự nhiên bằng cách “thả” con tự chơi cùng các bạn không phải lúc nào cũng là một ý hay. Đặt một đứa trẻ rối loạn giao tiếp xã hội vào môi trường đòi hỏi nhiều giao tiếp xã hội mà không có bất kỳ hỗ trợ phù hợp nào vừa không mang lại lợi ích, mà còn dẫn đến tác hại là con bị trêu chọc và cô lập. Thay vào đó, cha mẹ hãy cố gắng trở thành những người đồng hành trên chặn đường con khôn lớn, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp xã hội, để có thể để kịp thời hỗ trợ con khi cần thiết.

Nguồn tham khảo:

https://manhattanpsychologygroup.com/social-issues-children/

https://www.understood.org/en/learning-thinking-differences/child-learning-disabilities/communication-disorders/understanding-social-communication-disorder

https://www.autismspeaks.org/expert-opinion/social-communication-disorder 

https://www.additudemag.com/social-communication-disorder-autism-adhd/

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí