Thưởng – phạt thế nào để con có tính kỷ luật hơn?

Nên làm gì mỗi khi con có hành vi không đúng? Đây là một trong những mối quan tâm phổ biến mà chúng tôi nhận được từ rất nhiều bậc phụ huynh. Đứng trước những hành vi không tốt của trẻ, cha mẹ nên áp dụng hình thức “xử phạt” như thế nào, làm sao để hình phạt này có hiệu quả, và nên phạt con bao lâu là đủ?

Hiện nay, nhiều cha mẹ hiện đại đã bắt đầu học cách “dạy con không đòn roi”, nghĩa là sử dụng những phần thưởng nhỏ (như hình dán, kẹo, sô cô la để “dụ” con) và những hình phạt (cắt bớt thời gian, lấy đi những “đặc quyền” nhất định…) để khuyến khích con biết cư xử và thể hiện những hành động tốt đẹp. Để tìm ra một hệ thống thưởng – phạt hiệu quả dành cho con của mình, cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách ngồi xuống với con và cùng nhau liệt kê một loạt danh sách những “phần thưởng” và “hình phạt” hợp lý. Mỗi hành vi của con, đặc biệt là những hành vi sai trái mà bạn muốn con cố gắng sửa đổi, đều nên có một “hệ quả” tương ứng thật cụ thể. 

Để giúp cha mẹ khởi động, chúng tôi đề xuất một vài gợi ý đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả, để xây dựng một hệ thống “thưởng-phạt” mà bạn có thể áp dụng với trẻ.


Hãy hiểu rõ vì sao chúng ta nên thưởng cho trẻ

Phần thưởng có thể khuyến khích trẻ thực hiện những hành vi tốt
Khi trẻ làm điều gì đó đúng đắn hay sai trái, phản ứng của cha mẹ sẽ có tính quyết định rất lớn đến việc con có lặp lại hành vi đó hay không. Trao phần thưởng sẽ khiến con hiểu được đâu là những hành vi tốt mà bạn khuyến khích con nên lặp lại. Những phần thưởng nên được trao ngay khi con có một thái độ, hay hành động đúng đắn.

Phần thưởng có thể xây dựng cho trẻ lòng tự tin
Trẻ nhỏ thường phải nghe những từ như “không”, “không được”, hay “ngừng lại” rất nhiều lần trong ngày. Đây là chuyện hoàn toàn bình thường và là cách để trẻ học được điều gì là không nên. Tuy nhiên, khi phải thường xuyên nghe những từ này, sự tự tin của con sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng. Con có thể sẽ bắt đầu nghĩ rằng mình không thể làm được điều gì đúng đắn. Ngược lại, khi được bố mẹ thưởng, con sẽ biết được đâu là hành vi tốt, là những điều bố mẹ thích con làm.

Phần thưởng có thể cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Khi bạn trao cho con một phần thưởng gì đó, cả cha mẹ và con đều sẽ vui vẻ. Cha mẹ vui vì con vừa làm điều đúng ý mình. Trẻ sẽ vui vì con vừa nhận được điều con thích.

Những phần thưởng có thể xem là sự khen thưởng mà cha mẹ dành cho con vì đã làm được một điều tốt. Phần thưởng có thể đơn giản là một lời khen thật cụ thể , và đó cũng chính là loại phần thưởng hiệu quả nhất khi nuôi dạy trẻ.. Phần thưởng cũng có thể là những đồ vật cụ thể hơn như một hoạt động, hay một “đặc quyền” nào đó . Tạo động lực để con luôn làm những điều đúng đắn vốn không dễ chút nào. Một hệ thống “thưởng-phạt” hiệu quả tại nhà sẽ nhắc nhở cha mẹ biết khích lệ con mỗi khi cần. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho cha mẹ để tự xây dựng một hệ thống “thưởng-phạt” cho trẻ.

Thưởng cho con những gì?

Có nhiều loại phần thưởng khác nhau nhau mà cha mẹ có thể sử dụng. Có những phần thưởng hữu hình như bánh kẹo, đồ chơi, hay những thứ mà con thích. Cũng có những phần thưởng không cần tốn tiền, là “social reward” – những món quà tinh thần. Món quà tinh thần có thể có giá trị không lớn, hay thậm chí không mất đồng nào, nhưng lại hiệu quả hơn hẳn những món quà vật chất. Món quà tinh thần cũng có thể trao thường xuyên hơn, và trao ngay khi con vừa làm một việc khiến bố mẹ hài lòng.

Một số ví dụ về món quà tinh thần:
1. Hành động thể hiện tình cảm – những cái ôm, hôn, những cú đập tay vui vẻ, một nụ cười, một cái xoa đầu hay vỗ vai.

2. Lời khen ngợi – Đây có thể là những lời khen ngợi đơn giản từ cha mẹ như “Con giỏi lắm”, “Con ngoan lắm”. Tuy nhiên, phụ huynh nên cố gắng khen con sao cho thật cụ thể, nói rõ bạn khen con vì điều gì, hành động gì. Ví dụ một trong những lời khen cụ thể mà cha mẹ có thể áp dụng:

    • “Con rất ngoan vì đã chơi thật im lặng khi mẹ đang nói chuyện điện thoại.”
    • “Con đã giúp đỡ mẹ rất nhiều khi cố gắng tự dọn dẹp tất cả đồ chơi cho vào tủ.”

3. Sự quan tâm và các hoạt động thực hiện cùng con Dành thời gian cùng con chơi hay tham gia vào một hoạt động nào đó có thể là một phần thưởng rất lớn dành cho trẻ. Ví dụ như cùng con chơi một trò chơi con yêu thích, đọc cho con nghe một cuốn sách hay, hay cho phép con cùng chuẩn bị bữa tối. Một số phần thưởng khác mà trẻ sẽ rất thích là đưa con đến rạp chiếu phim, sở thú, hay thư viện của chúng tôi chẳng hạn.

6 bước thiết lập một “biểu đồ phần thưởng” cho trẻ

1. Lựa chọn những hành vi hay thói quen bạn muốn khuyến khích con thực hiện, hoặc thay đổi
Khi quyết định sẽ thưởng – phạt cho một hành vi, hãy cố gắng mô tả thật chi tiết và dễ hiểu để trẻ có thể nắm bắt được. Ví dụ, “Sắp xếp tất cả đồ chơi trong phòng” sẽ cụ thể và dễ hiểu hơn so với mệnh lệnh “giữ phòng luôn ngăn nắp”. “Gõ cửa trước khi bước vào phòng người khác” sẽ dễ hiểu và nghe tích cực hơn so với “Đừng xâm phạm sự riêng tư của người khác.”

Thiết lập biểu đồ
Bạn có thể lựa chọn một biểu đồ hay hình vẽ phù hợp, và biến nó thành của riêng gia đình mình. Bạn cũng có thể vẽ hay dán lên đó hình ảnh của món quà mà trẻ sẽ đạt được khi hoàn thành “biểu đồ khen thưởng” của mình. Cha mẹ có thể tìm kiếm ý tưởng để vẽ và trang trí biểu đồ phần thưởng cho trẻ tại đây. Khi đã vẽ xong biểu đồ, hãy cùng con thảo luận xem nên dùng loại hình dán, hình vẽ hay đồ vật nào để đánh dấu. Trẻ ở độ tuổi nhỏ thường thích các loại hình dán như ngôi sao, trong khi đó những em lớn hơn có thể sẽ thích ghi điểm hoặc đánh dấu bằng bút lông. Chúng ta nên đặt biểu đồ này ở nơi mà con có thể nhìn thấy thường xuyên. Đừng quên rằng, đối với những em lớn, các con sẽ thích đặt biểu đồ này ở nơi riêng tư hơn, như phòng ngủ của con thay vì trên tủ lạnh.

3. Lựa chọn những phần thưởng “ngắn hạn”
Khi bắt đầu, hầu hết đứa trẻ nào cũng sẽ thích sưu tập hình dán hay đồng xu. Tuy nhiên, sự thích thú này sẽ mau chóng qua đi nếu như “phần thưởng” này quá khó đạt được. Do vậy, hãy lựa chọn những phần thưởng nào có thời hạn ngắn hơn, dễ đạt được hơn, mà bạn có thể trao cho con thường xuyên, ví dụ một chuyến dã ngoại vào cuối tuần, một ngày nghỉ của bố hoặc mẹ, một hôm được phép thức khuya, một chiếc vé xem phim, một cuốn sách, hay một món đồ chơi mới.

4. Trao thưởng ngay khi con thực hiện điều gì đó đúng đắn

Nếu con được nhận phần thưởng ngay khi vừa thể hiện một hành vi đúng đắn, điều đó sẽ khuyến khích con lặp lại hành vi đó trong tương lai. Đừng quên nói rõ chi tiết cho con hiểu tại sao con nhận được hình dán, hay một dấu sao trên biểu đồ. Ví dụ: “Bố rất thích cách con và em Mia đã chơi với nhau thật ngoan và chia sẻ đồ chơi cho nhau sáng nay. Vậy nên bố sẽ thưởng cho con một dấu sao để dán lên biểu đồ!”

5. Luôn giữ thái độ tích cực
Nếu như con chưa ngoan để được nhận ngôi sao hay hình dán, tốt hơn là nên cho qua và đừng la mắng con. Cha mẹ không nên phạt con bằng những hình phạt như “Mẹ sẽ lấy lại một ngôi sao của con”, hay “Con sẽ không được nhận ngôi sao nào nữa nếu cứ tiếp tục như vậy!”. Thay vì chú trọng vào hình phạt, hãy chú trọng vào phần thưởng để khuyến khích con lặp lại những hành vi tốt.

6. Theo dõi biểu hiện của trẻ

Trường hợp trẻ có một thói quen, hay một hành vi nào đó bạn rất muốn con sửa, hãy cố gắng theo dõi hành vi này của con trước, và cả trong khi áp dụng biểu đồ khen thưởng. Ví dụ, hãy đếm mức độ thường xuyên của việc con lặp lại hành vi này trong tuần, trong tháng. Bạn có thể sử dụng biểu đồ để ghi lại và theo dõi mỗi ngày. Điều này sẽ cho bạn biết liệu biểu đồ khen thưởng này có thực sự hiệu quả đối với con của bạn hay không.

Làm sao để biểu đồ khen thưởng phát huy tác dụng?

Khi nỗ lực sử dụng biểu đồ khen thưởng để kỷ luật con vào khuôn phép, hãy cố gắng tập trung khuyến khích những hành vi tốt. Ví dụ, trẻ có thể chỉ dọn đồ chơi mỗi ngày một lần. Cha mẹ có thể để ý và khuyến khích con dọn dẹp nhà hai lần một ngày, và khen thưởng con bằng hai ngôi sao trên biểu đồ, nhờ đó, con sẽ đạt được phần thưởng của mình nhanh hơn. Đừng quên “trao thưởng” cho con ngay lúc đó để duy trì động lực cho con. Dự đoán và để ý xem hành vi của con thay đổi như thế nào để giúp cả bạn và con đặt ra những mục tiêu thực tế và tích cực. Cha mẹ có thể bắt đầu thay đổi từ những hành động nhỏ của con, trước khi đặt ra một yêu cầu lớn. Ví dụ, nếu bạn muốn con ý thức hơn về việc dọn dẹp các vật dụng cá nhân của mình, hãy thử bắt đầu bằng cách trao thưởng cho con mỗi khi con biết tự lượm đồ chơi bỏ vào rổ, sau đó mới chuyển dần đến việc yêu cầu con dọn dẹp tất cả đồ chơi, quần áo, hay những vật dụng khác.

Trẻ sẽ mau chán khi phần thưởng của cha mẹ cứ lặp đi lặp lại.  Để tránh tình trạng này, bạn có thể ngồi xuống với con và cùng nhau viết ra danh sách những phần thưởng mà con muốn có và có thể dùng hình dán của mình để đổi. Ví dụ, 5 ngôi sao = một lần chơi game cùng mẹ, hay được phép chơi thêm một khoảng thời gian nhất định trước khi ngủ, 10 ngôi sao = một món đồ chơi nhỏ, hay một chuyến đi đến công viên. Trẻ ở độ tuổi cấp 2 hay cấp 3 sẽ cần có một biểu đồ khen thưởng “người lớn” hơn nhiều so với trẻ nhỏ. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là bạn không thể áp dụng biểu đồ khen thưởng này. Chúng ta luôn có thể “thỏa thuận” với con những phần thưởng để quản lý thói quen và hành vi của con. Ví dụ, với trẻ cấp 2, bạn có thể cho phép con được đi xem phim cùng bạn nếu con hoàn thành xong bài tập về nhà của cả tuần. Cho phép sử dụng các thiết bị điện tử cũng là một “đặc quyền” mà bạn có thể áp dụng với con, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi dậy thì. Cha mẹ có thể cho phép con được sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian cố định trong ngày, kèm theo những điều kiện để con ý thức được nhiệm vụ của mình.

Trẻ em, cũng giống như người lớn, rất thích có được sự chú ý. Các con sẽ tiếp tục thể hiện những hành vi kỳ quặc để thu hút sự chú ý của người lớn. Đây chính là “mầm mống” hình thành những thói quen xấu nơi trẻ nếu cha mẹ cứ làm ngơ hay bỏ qua những hành vi này. Do vậy, chìa khóa để dạy trẻ tính kỷ luật nằm ở việc thường xuyên khuyến khích con cư xử, thực hiện những hành động tích cực. Cha mẹ cần là những người chủ động, biết kết nối, làm gương cho con và có những hành động thưởng – phạt đúng cách để dạy cho con đâu là những hành vi, thái độ tốt mà bạn muốn con học được.

Nguồn tham khảo:
https://www.understood.org/en/learning-thinking-differences/understanding-childs-challenges/simple-changes-at-home/7-ideas-for-using-rewards-and-consequences
https://slate.com/human-interest/2017/08/rewards-systems-for-kids-are-effective-if-you-use-them-correctly.html
https://www.empoweringparents.com/article/consequence-give-child-list
https://raisingchildren.net.au/toddlers/behaviour/encouraging-good-behaviour/reward-charts
https://www.cdc.gov/parents/essentials/consequences/rewards.html

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí