Từ chối con thế nào mà không cần phải nói KHÔNG?

“Không” hẳn là từ được nhiều cha mẹ sử dụng nhất mỗi khi muốn “kỷ luật” (hoặc cố gắng kỷ luật) con cái:

“Không được đánh em!”

“Không chạy nhảy!”

“Không được cãi nhau!”

“Không được tức giận!”

“Không, không và không!!!”

Thực tế, theo "The Kid Counselor" và chuyên gia nghiên cứu tâm lý trị liệu Brenna Hicks, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng “trung bình mỗi trẻ em phải nghe người lớn nói “không” khoảng 400 lần một ngày”. 400 lần một ngày, quá nhiều với một đứa trẻ!

Đây là lý do tại sao bà Hicks, cùng với những người ủng hộ cách nuôi dạy con khác khuyến khích các bậc cha mẹ học cách nói "không" mà không thực sự sử dụng từ "không". Từ việc học những điều không nên nói với con đến học cách nói bằng những từ thay thế, việc nuôi dạy con cái mà không sử dụng ngôn ngữ tiêu cực như “không”, "không được” và “dừng lại” cũng là một phần thiết yếu để nuôi dạy những đứa trẻ ngoan.

Biết khi nào nói KHÔNG

Các bậc phụ huynh nên ý thức được rằng, việc từ chối trẻ mà không cần phải dùng từ “không” là hoàn toàn có thể, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng được.

“Đúng là phụ huynh nên luôn cố gắng thể hiện thái độ tích cực trong việc đối xử với con cái, nhưng quan trọng hơn là phải giúp con hiểu được rằng, tại sao trong tình huống đó, cha mẹ lại nói "không", theo lời cô Rosanne Unson, sáng lập viên The Learning Basket. Dạy con mà không nói “không” chính là một cách kỷ luật con cái.

Tiến sĩ Lucille Montes – bác sỹ, nhà tâm lý học và tư vấn viên với phòng khám nằm tại Makati và Alabang – cũng nhấn mạnh rằng, dạy con kỷ luật chính là biết khi nào thì nên nói “không”. “Kỷ luật nghĩa là trở thành tấm gương cho con, giúp con hiểu được mọi hành động và ràng buộc đều là vì con và xuất phát từ tình yêu dành cho con – đây chính là cách tốt nhất định hình hành vi của trẻ”, bà giải thích.

Do vậy, tiến sĩ Montes khuyến khích cha mẹ hãy thử suy nghĩ xem đâu là lúc thích hợp để trò chuyện và dạy dỗ con cái nhất. “Thông thường là khi đang chơi cùng con – khoảng thời gian dễ chịu, thoải mái, không có sự cáu giận – là lúc trẻ dễ tiếp thu nhất.”

Nói “không” quá nhiều sẽ có hậu quả gì?

Tiến sĩ Montes khuyên các bậc phụ huynh hãy tự kiểm tra lại và đếm xem một ngày bạn nói “không” với con bao nhiêu lần. “Nhiều cha mẹ đặt ra vô số quy tắc, khiến trẻ không có cơ hội được tự do khám phá, trải nghiệm và trưởng thành”, bà giải thích. Montes cũng khuyên cha mẹ nên cố gắng hạn chế nói “không” hết mức có thể. Nếu không phải là điều gì gây nguy hiểm hay trái với đạo đức thông thường, cha mẹ nên lựa chọn cách nói khác, chẳng hạn như lúc trò chuyện xem con muốn ăn gì, làm gì khi đi ngủ…


Một vài cách giúp cha mẹ có thể nói không – mà không cần dùng từ “không”:

1. Thể hiện bằng cách nói khác

“Thay vì nói ‘không’, cha mẹ có thể dùng cách nói khác để thể hiện ý kiến của mình theo một cách tích cực hơn,” Unson giải thích. “Ví dụ, thay vì nói con ‘không được đánh nhau’, bạn cũng có thể nói, ‘Bàn tay là dùng để ôm, chứ đừng làm đau người khác nhé!’”. Hay như trường hợp con đòi ra ngoài chơi khi đã đến sát giờ ăn tối, nếu bạn cứ nằng nặc nói không, trẻ có thể sẽ tức giận và gào khóc. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng cách nói khác: “Đồng ý, chúng ta sẽ ra ngoài chơi sau khi đã ăn xong nhé?”. Đây không chỉ là một câu trả lời tích cực, mà còn giúp trẻ hiểu được lý do đằng sau câu trả lời của bạn.

2. Thấu hiểu cảm xúc của con
Mỗi lần nói không với trẻ, cha mẹ cũng nên thể hiện rằng mình quan tâm đến cảm xúc của con. Ví dụ, khi con bị bạn lấy mất đồ chơi và tức giận đánh bạn, bạn có thể nói, “Mẹ hiểu rằng con đang giận vì bạn lấy mất đồ chơi. Nhưng mỗi khi tức giận, thay vì đánh nhau thì chúng ta nên làm gì nhỉ?”

3. Giải thích cho con hiểu
Giải thích tại sao bạn lại nói không với trẻ sẽ khiến con hiểu được lý do của cha mẹ là chính đáng và dễ dàng chấp nhận hơn. Ví dụ: “Ăn tối bằng chocolate sẽ có hại cho sức khỏe của con đó.”
“Chìa khoá ở đây là hãy cố gắng giải thích thật ngắn gọn và dễ hiểu bởi khi bạn nói quá dài, trẻ sẽ bắt đầu mất tập trung,” Unson nhấn mạnh.

4. Cho con nhiều sự lựa chọn
Unson và Uyquiengco, diễn giả của các buổi hội thảo nổi tiếng về chủ đề Positive Discipline (Kỷ luật trẻ theo hướng tích cực) cho rất nhiều phụ huynh cho biết, một trong những cách hữu hiệu nhất để từ chối trẻ đó là: Hãy cho con nhiều sự lựa chọn khác.

Ví dụ, thay vì hét lên “Không được viết lên tường”, tại sao bạn không nói: “Mẹ biết con rất thích vẽ. Vậy con muốn được vẽ trên bảng con hay trên giấy trắng?”

Khi được đưa cho nhiều lựa chọn khác, trẻ sẽ có cảm giác an toàn hơn khi vẫn được quyết định mọi thứ xung quanh. Khi con cứ đòi trượt patin trong nhà, nhiều cha mẹ thường la lớn: ”Không được trượt patin trong nhà”. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn con cứng đầu cãi lại, hãy cho con những lựa chọn khác, như “Con có thể trượt patin ngoài sân hay trên vỉa hè. Con chọn chơi ở đâu?”

5. Dạy con biết hành động như thế nào là đúng
Khi đã ý thức được về việc đưa ra những lựa chọn, tiến sĩ Montes nhấn mạnh cha mẹ nên dạy con biết được hành động như thế nào là đúng. “Trường hợp trẻ thể hiện những hành vi không thể chấp nhận được, cách tốt nhất là dạy con về “hành vi thay thế” – nên phản ứng như thế nào mới là đúng”, Montes giải thích. “Khi cha mẹ biết được phản ứng thường xuyên của trẻ trong một số tình huống cụ thể, hãy dạy con biết con nên làm như thế nào nếu rơi vào trường hợp đó”.

Ví dụ, phụ huynh có thể dạy con cách kiềm chế mỗi khi con tức giận, thay vì la hét, con có thể nói: “Con đang rất giận, con có thể vào phòng để bình tĩnh lại được không?” Nếu con bạn còn quá nhỏ và chưa thể tự mình nói rành mạch, hãy dạy con biết thế nào là đang tức giận và con nên nói gì khi gặp trường hợp đó.

Khi trẻ giận dữ và gào khóc, cha mẹ nên nói, “Mẹ biết con đang buồn vì chuyện gì đó. Mẹ con mình tìm một nơi yên tĩnh để bình tĩnh lại nhé?”. Lặp đi lặp lại điều này nhiều lần sẽ dần dần giúp trẻ hiểu ra và hình thành thói quen vào tâm trí của các em.

Một số đứa trẻ thường hay làm những hành động rất khó chấp nhận. Đó là vì các em không biết nên phản ứng như thế nào ở tình huống đó. Do vậy, dạy con biết phản ứng trước những tình huống, cảm xúc cụ thể sẽ góp phần giảm thiểu những thói quen xấu của trẻ. Ví dụ, một vài đứa trẻ thường gây ra nhiều tiếng động ồn ào để thể hiện cảm xúc: đập phá, đạp lên bàn ghế, nền nhà… Đôi khi, chúng ta khó có thể bắt trẻ ngồi yên, vì khi đó con cần phải giải phóng bớt năng lượng. Hãy thử gợi ý cho con một cách khác, như ”Thay vì đá bàn ghế, sao con không thử dùng chân vẽ những vòng tròn trên sàn?”, hoặc đơn giản là khiến tình huống bớt căng thẳng hơn bằng cách nói đùa, “Bàn chân này, làm sao để khiến nó dừng lại được đây nhỉ?”

6. Chú ý giọng điệu
Trẻ em phần lớn thường nhận biết cảm xúc của người lớn thông qua âm điệu thay vì từ ngữ. Thông qua âm điệu, cha mẹ có thể truyền đạt cho con hiểu mình đang rất không đồng ý vì điều gì đó, mà không nhất thiết phải dùng chữ “không”. Có những cách đơn giản như thay đổi giọng điệu, âm lượng, có thể giúp người lớn thể hiện sự đồng tình, hoặc không đồng tình trước thái độ nào đó của trẻ. Hy vọng điều này sẽ giúp phụ huynh có thể hạn chế nói “không” nhất có thể, và thay thế bằng những câu nói hiệu quả, thuyết phục hơn.

7. Quan sát trẻ
Sau cùng, Tiến sĩ Montes nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan sát con, chủ yếu là "sự sẵn sàng" của con để học hỏi hoặc phản ứng với những tình huống nhất định. Bà giải thích: “Mức độ phát triển của trẻ phải liên đới với việc áp dụng kỷ luật. Cuối cùng, hãy nhớ rằng việc tìm hiểu con là rất quan trọng để làm cho quá trình kỷ luật trở nên dễ dàng hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là kỷ luật liên quan đến việc dạy con cái chứ không chỉ bắt con tuân theo các quy tắc. Từ "kỷ luật" xuất phát từ tiếng Latin disciplina, có nghĩa là "giảng dạy". Chúng ta hãy cố gắng trở thành những giáo viên tốt nhất cho con em chúng ta.

Nguồn tham khảo:
Tina Santiago-Rodriguez (2015, May 12) – Stop Saying “No”!- Tips for Positive Parenting từ smartparenting
Hicks, B. (2008, Feb 3) – Stop Saying “No”! – Tips for Positive Parenting từ Thekidcounselor

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

10 cách từ chối con mà không cần phải nói “KHÔNG”

Có rất nhiều ví dụ dành cho cha mẹ về việc nên nói gì và không nên nói gì. Everest đã tổng hợp thành một trang lớn dưới đây, hy vọng có thể giúp cha mẹ nhẹ nhàng vượt qua những khoảnh khắc “sôi máu” – khi chúng ta dạy con bằng sự nóng giận thay vì tình yêu thương.

Bản xem thử nằm ở bên dưới, vui lòng nhấn nút theo dõi để tải bản đầy đủ, có thể in được.

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí