Con thích nghĩ về những ngày còn nhỏ, những niềm đam mê đơn giản để làm động lực trên hành trình du học xa nhà.
Những ngày còn nhỏ, niềm vui mỗi sáng của con là lẹp kẹp xách dép ra sạp báo đầu ngõ với cái mặt ngáp dài để mua báo cho ba. Sạp báo gần nhà mình chỉ là cái kiosk nhỏ bằng gỗ gọn gàng với đầy những tờ báo mới và những cuốn tạp chí hay truyện tranh đầy màu sắc. Ai cần mùi cà phê đắng nghét để tỉnh ngủ khi ôm trên tay mình là mùi báo còn thơm mực in và ấm màu nắng mới?
Niềm vui ngày ấy còn là được ba mẹ chở đi nhà sách sau mỗi chiều lễ Chủ nhật. Trốn khói bụi và còi xe ồn ào của thành phố. Hòa mình vào thế giới của hình, chữ, và những điều hay ho còn ẩn mình chờ con khám phá. Ai caanmua bánh kẹo khi vị ngọt chẳng giữ được lâu nhưng những điều thú vị mà một cuốn sách mang lại sẽ còn mãi với mình?
Đó là niềm vui của trẻ con. Khi chập chững, tập tành làm người trưởng thành, con hiểu ra rằng, mình cần nhiều hơn là đam mê và sở thích để đọc, hiểu, và học từ những cuốn sách. Con cần rèn luyện tính kiên trì.
Từ ngày đi du học xa nhà, con đã bắt đầu tìm thấy năng lượng cho mỗi ngày dài học tập bằng những cốc cà phê có hương vị kích thích sự tập trung hơn là mùi giấy báo với mực in còn mới. Mỗi chiều Chủ nhật, con cũng đến thư viện,, nơi kiến thức trú ngụ, với tinh thần học hỏi hơn là một sở thích như những ngày còn nhỏ.
Trường đại học của con có một thư viện lúc nào cũng đông người. Rất dễ bắt gặp hình ảnh những cô cậu sinh viên một tay ôm chồng sách, một tay điều khiển ghi-đông, khệ nệ đạp xe trong sân trường. Trong thư viện, một không gian tĩnh lặng đến nôi mỗi khi lật trang sách, người ta cũng phải khẽ khàng.
Thư viện được chia làm bốn tầng. Ngay sảnh chính có bàn thủ thư, quầy báo, phòng vi tính, và trung tâm hỗ trợ làm bài luận. Dưới tầng hầm là một khu vực triển lãm và lưu trữ tài liệu truyền thông khác. Tầng hai với một căn phòng thênh thàng được ngăn ra bởi những hàng sách. Tại đây, người ta có thể tìm được những nguồn tài liệu từ tập san, tiểu thuyết, và những cuốn sách thuộc nhiều thể khác nhau từ xã hội, nghệ thuật, tâm lý cho đến chính trị và kinh tế. Tầng trên cùng của thư viện là một nơi đặc bieetj hơn, lưu trữ những bản thảo nguyên mẫu của tài liệu nghiên cứu, thư từ, hình ảnh, và báo chí từ những ngày mới thành lập trường. Khi vào phòng này, không ai được phép mang bút viết và tất nhiên, đồ ăn, nước uống là điều cấm kỵ, để tránh làm hư tổn bản thảo.
Mỗi lần bước bào thư viện, con lại cảm thấy mình như càng học, mình càng trở nên nhỏ bé hơn trong thế giới đầy kiến thức này. Đã qua hai năm học mà mỗi lần cần tìm tài liệu cho bài nghiên cứu, con vẫn thường xuyên gặp thủ thư để được tư vấn và chỉ dẫn. Có những ngày, lượng sách phải đọc nhiều đến nỗi con và các bạn trong nhóm phải chia ra đọc và tóm tắt cho nhau. Đó là những ngày mà tụi con lê lết, mài ghế trong thư viện đến 2-3 giờ sáng để chuẩn bị cho bài thi cuối kỳ.
Những đêm dài như vậy, con lại nhớ những buổi sáng dậy sớm đi mua báo cho ba. Ba đọc báo xong, đến tối lại kể cho mẹ nghe bao nhiêu là tình hình chính sự trên thế giới. Con ngồi ngơ ngác nghe mà thấy kỳ diệu biết bao. Có vài trang báo thôi mà ba như được đi du lịch, biết được những sự kiện đang diễn ra ở bao nhiêu là quốc gia. Con bắt đầu thích đọc sách báo là vậy, vì muốn được hiểu biết như ba.
Vậy mà nhiều ngày ngồi ở thư viện đại học, con ngao ngán ngáp dài, tự hỏi sách gì chữ nhiều quá đọc hoài không hết. Con phải tự tìm động lực cho mình từ những cốc cà phê, từ đám bạn cũng đang miệt mài ở thư viện, và nhất là từ suuy nghĩ về ba mẹ, người đã cho con cảm hứng cũng như cơ hội học tập bên những trang sách như thế này.