Tháng 7: Khởi đầu hành trình của con, thấp thoáng ưu tư của ba mẹ

Contents

Sáng nay đi làm, giữa tấp nập khói bụi và và loạn xạ còi xe của một buổi sáng Sài Gòn thường nhật trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, những hàng xe ngay ngắn trước cổng trường THPT Lê Quý Đôn thu hút sự chú ý của con cũng như nhiều người đi đường. Trên mỗi chiếc xe xếp hàng thẳng tắp là những con người tuổi vừa trung niên, gương mặt đẫm nắng, bụi, cộng thêm chút lo lắng và đợi chờ một điều gì đó phía sau cánh cổng trường im ắng kia. Hôm nay là ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, ngày mở đầu cho một chặng đường mới của những bạn học sinh vừa kết thúc 12 năm áo trắng bầu bạn với sách vở.

Ở một góc khác của Sài Gòn, song song với đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước tòa Lãnh sự quán Hoa Kỳ trên đường Lê Duẩn, con lại gặp một khung cảnh không khác mấy. Cũng những gương mặt tuổi trung niên bên những chiếc xe, khấp khởi mong mỏi một điều gì đó từ hàng người dài tăm tắp trước bức tường im ắng của Lãnh sự quán bên kia đường. Trong hàng người ấy, không khó để bắt gặp những gương mặt non nớt chỉ chừng 15 đến 18 tuổi, cùng những bìa hồ sơ ngăn nắp trên tay, bước tới sự khởi đầu cho con đường du học của mình.

Dù là trước cổng trường thi hay bên kia đường của tòa Lãnh sự quán, những người phụ huynh này đều đang chờ đợi trong hy vọng về một bước tiến xa hơn cho con mình trên chặng đường học vấn. Con của 5 năm trước cũng là một cô bé học sinh phổ thông xếp hàng trước Lãnh sự quán để làm thủ tục đi du học. Ba mẹ cũng là một trong những phụ huynh đợi con bên kia con đường đầy nắng và bụi. Tháng 7 năm ấy thật bận rộn, nhưng nghĩ lại, con chỉ bận rộn thôi chứ vẫn còn vô tư, vô lo lắm, bởi bao nhiêu ưu tư đã để dành hết cho ba mẹ rồi. Giờ ngồi đếm lại, tự hỏi ba mẹ đã gánh giúp con bao nhiêu nỗi lo trong tháng 7?

“Luyện thi gì mà lắm thế?”

Tháng 7 năm ấy, khi mọi người thấp thỏm trải qua kỳ thi tốt nghiệp và đại học quốc gia, gia đình mình cũng trải nghiệm một cảm xúc lo lắng không kém khi biết rằng, để thành công, ngoài những bài luận ra thì con cũng cần đạt được số điểm yêu cầu theo từng trường trong những bài kiểm tra ngôn ngữ và kiến thức căn bản như TOEFL và SAT.

Hồi đó con chỉ biết vùi đầu vào luyện thi và chuẩn bị hồ sơ. Đi du học, ai cũng muốn đăng ký nhiều trường để xác suất được nhận cao hơn. Bao nhiêu trường là bấy nhiêu bài luận. Trường càng có tiếng thì điểm SAT và TOELF lại càng cao. Trong đầu con luôn bận rộn suy nghĩ làm sao cải thiện điểm thi, trình bày bản thân thế nào cho trường Đại học họ thấy mình đủ “xuất chúng” để qua mặt được mấy chục ngàn thí sinh còn lại.

Bây giờ đi dạy, con mới thấy được nỗi lo của ba mẹ trong thời gian đó. Mỗi khi trò chuyện với phụ huynh về tình hình luyện thi của học trò trong lớp SAT, con luôn nhận được rất nhiều thắc mắc về điểm số, về phương pháp học và nhiều nhiều những câu hỏi khác nữa. Khi chứng kiến phụ huynh quan tâm đến việc thi cử của con mình như vậy, con lại cảm thấy trân trọng hơn những lo lắng của ba mẹ khi phải đi tìm trung tâm luyện thi phù hợp, hỏi han các thầy cô và tìm hiểu thông tin nhiều nơi để tạo điều kiện cho con thi đạt được số điểm mong muốn.

“Giấy tờ gì mà nhiều vậy?”

Con còn nhớ cái ngày mừng rỡ nhảy tưng tưng khắp nhà khi nhận được giấy báo nhập học của trường. Nhưng sau đó là một chuỗi ngày tất bật chuẩn bị bao nhiêu là giấy tờ khác để đi đăng ký visa. Nào là thư xác nhận từ trường và giáo sư trong ngành, I-20, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tài khoản ngân hàng, hộ khẩu, học bạ. Đơn từ tùm lum, chứng minh tùm lum. Ba lướt hết trang web này đến trang web khác để tìm hiểu, mẹ với con thì chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị giấy tờ.

Tới ngày phỏng vấn với Lãnh sự quán, mẹ cũng đưa con đến rồi đợi con cả hai ba tiếng đồng hồ bên kia đường, mong cho mọi việc suông sẻ để con còn kịp qua tựu trường vào tháng 8. Con xếp hàng, thấy xung quanh có hàng trăm bạn chạc tuổi mình cũng cầm hồ sơ háo hức chờ nhận tấm vé bước vào ước mơ du học ấp ủ bao lâu nay. Khi phụ huynh đón các bạn bước ra từ Lãnh sự quán, con thấy ai cũng vừa vui khi mọi thủ tục đã hoàn tất và ước mơ của con mình đã đến thật gần, nhưng cũng đầy vẻ quyến luyến vì chỉ còn ba tuần nữa thôi, ước mơ ấy sẽ đưa con mình đi xa nhà.

“Mì gói mang nhiêu đây đủ chưa nhỉ?”

Sau khâu thủ tục là bước gói ghém hằng hà sa số các thứ vào hai chiếc va-li cho những năm học sắp tới. Con lo một, ba mẹ lo mười. Người ta hay nói, học sinh du học cần có tinh thần vững vàng và tự tin để vượt qua những thử thách trong môi trường học tập và cạnh tranh quốc tế, nhưng ít ai để ý rằng, có lẽ phụ huynh có con đi du học cũng cần một tinh thần thép để có thể an tâm trong những năm tháng con tự lập.

Bao nhiêu năm qua, sáng dậy sớm được ba mẹ chở đi học, bữa sáng là ngồi sau xe gặm nhấm gói xôi hay ổ bánh mì. Trưa được về nhà, mẹ nấu cơm sẵn cho con ăn vội vàng chuẩn bị cho buổi học chiều. Tối học về muộn cũng không lo vì đã có sẵn phần cơm mẹ chừa sẵn. Giờ sắp phải vừa học vừa tự chăm sóc bản thân, mẹ lo đến nỗi mỗi ngày lại nghĩ ra một vị mì gói con thích ăn, lật đật đi mua rồi lại bắt con nhét vào va-li. Lúc qua đến Mỹ, mở va-li ra, thấy ¼ góc va-li sắp đủ loại mì, nào là mì Omachi bò hầm, mì Hảo Hảo chua cay, mì A-one thịt bằm,… Vừa mắc cười mà vừa thương mẹ gì đâu!

“Còn thiếu gì nữa không ta?”

Rồi cái tháng 7 chạy xuôi chạy ngược, xoắn xuýt, hồi hộp chuẩn bị mọi thứ rồi cuối cùng cũng qua. Ngày ra sân bay, ba mẹ giấu sự xúc động và đổi lời tạm biệt thành câu hỏi: “Đầy đủ chưa con? Còn thiếu gì không?”
Trong những năm tháng tới, chỉ cần nghĩ tới ba mẹ ở nhà sẽ tự hào về con, tin tưởng vào sự tự lập của con thì con chắc chắn đã có đủ hành trang rồi!


Comment

Register For A Free Trial Class