Năm học đã bắt đầu được một thời gian. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ nhiều phụ huynh đã nhận được “sổ liên lạc” về tình hình học tập của con ở trường. Một trong những nỗi lo thường gặp của cha mẹ là lời phê của giáo viên dành cho con, “trẻ xao nhãng, nói chuyện trong giờ học, cần tập trung hơn…”
Đôi khi, chỉ riêng việc là một đứa trẻ đã khiến việc phải tập trung và ngồi im trở thành một điều không thể. Có quá nhiều thứ có thể làm con xao nhãng. Vậy nên, nếu thỉnh thoảng phụ huynh có bắt gặp trẻ lơ đãng trong giờ học ở lớp hay ở nhà, đó là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu con thường xuyên không chú ý thì sao?
Nếu trẻ gặp khó khăn trong vấn đề tập trung, đặc biệt là đối với các em nhỏ tuổi, cha mẹ có thể lo lắng vì không biết nguyên nhân đến từ đâu, hay liệu con có mắc phải vấn đề học tập nào không. Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất tập trung của trẻ. Một vài bậc phụ huynh và giáo viên chưa tìm hiểu kỹ đã vội quy chụp lí do là bởi trẻ không thích học. Nhưng việc buộc con phải tập trung ngồi học lại càng khiến vấn đề tồi tệ hơn!
Gia đình có biết: Khi trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung, rất nhanh, nhiều bậc cha mẹ, thầy cô, hay các bác sỹ nhi khoa sẽ liên tưởng đến hội chứng ADHD.
Bài viết dưới đây sẽ nhấn mạnh những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất tập trung – hay hoàn toàn không chịu tập trung – của con trong giờ học.
1. Một vài dấu hiệu của chứng mất tập trung
Một đứa trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung không có nghĩa là em “có vấn đề”. Tuy vậy, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập và cả cuộc sống hằng ngày của em. Ví dụ, con thường xuyên trễ nải, mơ màng trong giờ học, hay nhìn ra cửa sổ, hoặc con nói chuyện, khiến bạn bè xao nhãng, không thể hoàn thành bài tập trên lớp, hay gặp khó khăn với bài tập về nhà.
Một đứa trẻ gặp vấn đề với việc tập trung không có nghĩa là em không chăm chỉ hay không thông minh. Điều đó càng không có nghĩa là em không có hứng thú với việc học, hay với bất cứ thứ gì, mặc dù trông thì có vẻ là vậy. Trẻ có thể rất muốn tập trung để làm điều gì đó, các em chỉ đơn giản là chưa biết cách làm chúng như thế nào. Có rất nhiều biểu hiện chứng tỏ thấy trẻ mắc chứng mất tập trung, những dấu hiệu này sẽ thay đổi tùy thuộc độ tuổi của con. Dưới đây là một vài triệu chứng phổ biến mà cha mẹ nên biết để xem con mình có bị mắc chứng mất tập trung hay không:
- Con không thể ngồi yên một chỗ
- Con dễ dàng bị xao nhãng
- Con không thể làm theo lời người lớn
- Con gặp khó khăn trong việc quản lý đồ đạc, thường xuyên bị mất đồ
- Con không thể tự mình hoàn thành bài tập về nhà
- Con có chữ viết nguệch ngoạc hơn hẳn các bạn cùng trang lứa
- Con gặp khó khăn trong học tập
- Con thể hiện những hành vi tâm lý bất ổn, như hay cáu giận, ẩm ương, cáu kỉnh, hay ủ rũ
- Con gặp khó khăn trong việc kết bạn hay chơi với các bạn khác
- Con thực hiện các hoạt động thể chất, như chạy và nhảy, một cách vụng về
Khi trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung, rất nhanh, nhiều bậc cha mẹ, thầy cô, hay các bác sỹ nhi khoa sẽ liên tưởng đến hội chứng ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – tạm dịch: Rối loạn Tăng động Giảm chú ý). Tuy vậy, vẫn có những nguyên do khác, đơn giản hơn nhiều, dẫn đến việc trẻ không thể chú ý. Để tránh những chẩn đoán nhầm lẫn, cha mẹ nên ý thức được những nguyên nhân này.
Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn
được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng
2. 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc mất tập trung ở trẻ
Nguyên nhân #1 – Cách học của con chưa phù hợp
Thông thường, các nhân tố bên ngoài hay những điều làm con xao nhãng sẽ liên quan trực tiếp đến phong cách học tập của con. Mỗi đứa trẻ sẽ có những cách học hoàn toàn khác nhau: có em học bằng thị giác, có em học bằng thính giác, lại có em học thông qua thực hành. Giả sử cách dạy của thầy cô không phù hợp với cách tiếp thu của con, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng con dần dần mất chú ý và không hiểu bài. Ví dụ, một đứa trẻ học hỏi bằng cách quan sát (visual learner) nhưng lại phải đọc một cuốn sách giáo khoa dày đặc chữ và không có hình vẽ, lẽ dĩ nhiên em cần nhiều minh hoạ trực quan hơn để có thể chú ý và hiểu được bài giảng. Hoặc giả như con bạn là một auditory learner – học bằng cách lắng nghe – con sao có thể tập trung khi nhà bạn quá ồn ào.
Theo tiến sĩ Carly Hannaford, một nhà thần kinh học và là một người làm giáo dục, có đến 85% học sinh thuộc kiểu kinesthetic – học bằng cách thực hành. Phát hiện nhỏ này đã làm thay đổi cục diện hoàn toàn. Tiến sĩ Hannaford chỉ ra rằng chỉ có 15% trẻ em là có thể ngồi học ngay ngắn, lắng nghe thầy cô giảng bài và biết lặp lại những gì được dạy. Điều này cho thấy việc có một lớp học mà toàn bộ học sinh đều ngoan ngoãn chú ý nghe giảng là điều hoàn toàn bất khả thi. Ít nhất là không thể, nếu không có sự chỉnh đốn nghiêm khắc. Hiểu được phong cách học tập của con là gì sẽ giúp phụ huynh biết được những điều gì hay khiến con xao nhãng, từ đó tìm được giải pháp phù hợp. Nếu bạn chưa biết phong cách học tập của con là gì, hãy thử cho con làm trắc nghiệm vui tại đây.
Nguyên nhân #2 – Nội dung học không phù hợp với trình độ của con
Sự mất tập trung chú ý có thể đến từ việc nội dung bài học quá cao hoặc quá thấp so với trình độ của trẻ. Nếu bạn thường xuyên bị phàn nàn về việc con hay đùa nghịch hoặc gây rối trong lớp, nguyên nhân rất có thể đến từ việc nội dung bài học ở trường chưa đủ thử thách để con chú ý. Nếu trẻ cảm thấy bài học ở trường chưa đủ hứng thú, lẽ dĩ nhiên con sẽ dần dần mất quan tâm, không tập trung vào bài học, lười đi học và dẫn đến kết quả học tập ngày càng giảm sút.
Ví dụ, nếu bài học ở trường quá dễ so với trình độ của trẻ, con sẽ mau chán và bắt đầu tìm những cách khác để “giải trí” trong giờ học. Những đứa trẻ này thường dư thừa năng lượng, hay chọc phá bạn bè và thích làm trò hề trong lớp. Ngược lại, nếu bài học ở trường quá khó so với con, trẻ sẽ mau nản, thích ngồi chơi hay làm phiền các bạn khác. Đây chính là lí do tại sao những đứa trẻ hiếu động dễ bị cho là mắc chứng ADD (Attention Deficit Disorder – rối loạn giảm chú ý) hay ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – rối loạn tăng động giảm chú ý). Cả hai trường hợp – bài học quá dễ hay quá khó – đều có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực, cản trở quá trình học tập của con.
Nguyên nhân #3 – Chế độ ăn ngủ của con chưa hợp lý
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tập trung của con ở trường. Ngay cả người lớn chúng ta cũng cảm thấy bản thân khó có thể tập trung khi đói, trẻ em cũng vậy. “Có rất nhiều nghiên cứu đáng tin cho thấy trẻ không thể tập trung khi đói bụng. Vì thế, các em có mức độ chú ý thấp, thường xuyên gặp các vấn đề về hành vi hay kỷ luật trong nhà trường,” bà Sibylle Kranz, phó giáo sư Cơ thể động lực học (kinesiology) đồng thời là một chuyên gia dinh dưỡng tại trường Curry, cho biết. “Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ mang lại tác động tích cực rất lớn đến thành tích học tập của trẻ, đồng thời sẽ quyết định khả năng tập trung, xây dựng đóng góp vào bài học hay biến con thành một học sinh tăng động trong lớp.”
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển trí não của trẻ, tạo tiền đề cho khả năng học tập và cư xử đúng đắn. Theo Hiệp hội Khoa học Thần kinh (Society for Neuroscience), các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, những bữa ăn chứa nhiều chất béo sẽ làm giảm khả năng học tập và ghi nhớ. Do vậy, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của cả nhà sao cho hợp lý, khoa học là điều vô cùng quan trọng để con có thể học tập tốt, tập trung chú ý, tăng cường khả năng ghi nhớ và phát triển não bộ. Tránh cho con ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều đường như các loại snack, ngũ cốc ăn liền. Cha mẹ cũng nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh để làm gương cho trẻ. Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về 7 loại thực phẩm dinh dưỡng mà bạn có thể đưa vào bữa ăn của trẻ để đảm bảo cho con có một ngày học tập hiệu quả.
Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng không kém phần quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Giấc ngủ sẽ giúp các em nạp đầy năng lượng, cho bộ não có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo lại các kết nối thần kinh, cũng như cho cơ thể cơ hội hồi phục, tăng cường trao đổi chất. Khi không được ngủ đủ giấc, trẻ sẽ dễ bị mất tập trung và dễ dàng mắc nhiều lỗi sai hơn. Những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian xem tivi, điện thoại hay ipad, đặc biệt là trước khi đi ngủ, chắc chắn sẽ có khả năng tập trung kém hơn những đứa trẻ khác. Thêm vào đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra những đứa trẻ bị chẩn đoán mắc chứng ADHD rất có thể là do thiếu ngủ.
Vậy, cha mẹ và thầy cô có thể làm gì?
Như bất kỳ kỹ năng nào khác, sự tập trung cũng là một kỹ năng có thể học tập và cải thiện. Chỉ bởi vì con bạn gặp khó khăn trong vấn đề tập trung học tập, không có nghĩa là con đang mắc phải những vấn đề học tập như ADD hay ADHD. Và dù vấn đề của con là gì, cũng sẽ luôn có những giải pháp phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập chi tiết đến những phương pháp hiệu quả nhất giúp học sinh cải thiện khả năng tập trung dễ dàng và nhanh chóng. Bạn có thể đăng ký theo dõi bản tin của Everest để thường xuyên được cập nhật những bài viết mới nhất, và tìm đọc thêm nhiều bài viết hữu ích liên quan đến chủ đề nuôi dạy con cái tại đây.
8. Everest Education có thể làm gì để giúp học sinh tập trung hơn
Tại Everest Education, nhằm tránh những vấn đề như trên, chúng tôi thiết kế các lớp học sao cho có thể tạo được một môi trường gắn kết tất cả các em học sinh. Thầy cô không đơn thuần đứng trên bục giảng và nói thao thao bất tuyệt. Thay vào đó, các giáo viên tại Everest luôn tìm cách dẫn dắt học sinh học tập bằng những hoạt động thú vị, thử thách, và tạo thói quen cho học sinh biết tự học theo đúng tiến độ của mình.
Trong lớp Toán Singapore tại E2, học sinh được sử dụng các giáo cụ trực quan để liên hệ bài học với những ví dụ thực tế và tự mình tìm ra các quy luật toán học. Khi làm quen với một khái niệm mới, các em được giáo viên bắt đầu bằng những câu đố thú vị, từ đó suy nghĩ, tự tìm tòi và thử nhiều cách giải khác nhau cho đến khi tìm được cách giải đúng. Học sinh sử dụng hình ảnh, như các biểu đồ đoạn thẳng, để minh họa và thể hiện bài toán theo hướng dễ hiểu hơn. Chỉ đến khi các em đã hoàn toàn nắm vững khái niệm nhờ vào công cụ thực tế cũng như hình vẽ, các em sẽ dễ dàng ghi nhớ những công thức toán học trừu tượng. Đây chính là phương pháp CPA: Concrete (Cụ thể) – Pictorial (Hình ảnh) – Abstract (Trừu tượng) mà chúng tôi tâm đắc, đảm bảo nội dung bài học luôn mang lại sự hứng thú cũng như phù hợp nhất với trình độ của từng em học sinh.
Trong lớp tiếng Anh, học sinh trau dồi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết dưới một lộ trình và nội dung học tập được điều chỉnh theo đúng trình độ của em. Ví dụ khi học đọc, học sinh trong cùng một lớp sẽ có những trình độ đọc khác nhau. Tuy vậy, giáo viên sẽ dẫn dắt để em tự biết được khả năng của mình đến đâu, chọn cho em những cuốn sách Reading A-Z hay bài đọc Newsela phù hợp với trình độ đọc. Quan trọng hơn cả, học sinh được tự do lựa chọn đọc những chủ đề các em thích. Ví dụ, học sinh nam có thể đọc về bóng đá, hay học sinh nữ có thể lựa chọn đọc về chủ đề thám hiểm không gian nếu em thích. Nhờ vậy, thay vì quậy phá trong lớp, học sinh sẽ biết chủ động học tập một cách có trách nhiệm hơn. Kỹ năng đọc phát triển nhanh chóng đồng thời cũng sẽ tạo động lực để các em yêu thích việc học và tự tin mạnh dạn hơn. Thông qua phương pháp giảng dạy cá nhân hóa này, Everest Education chúng tôi tự tin có thể giúp học sinh tiến bộ nhanh gấp đôi so với việc em chỉ tự học ở trường.
Nguồn tham khảo:
My daughter wasn’t paying attention in class.
Understanding why kids have trouble with focus
Not All Attention Problems Are ADHD
Why can’t my child concentrate at school?
This Is the Secret to Getting Kids to Pay Attention (and We’re Doing Less and Less of It)
Help! My Child Doesn’t Pay Attention!
10 Reasons Your Child Can’t Concentrate In School