Vì sao học sinh giỏi không được nhận vào các trường ĐH hàng đầu?

Đối với rất nhiều học sinh, việc đậu vào một trường Đại học tốt có thể được xem là ưu tiên hàng đầu. Các em lao vào học điên cuồng, dành nhiều năm ở các lớp luyện thi, và cố gắng đăng ký tham gia các hoạt động xã hội bất cứ khi nào có thể. Suy cho cùng, đây cũng chính là những điều các em được khuyên nên làm, hay phải làm.

Tuy vậy, cái “tam giác quyền lực” phổ biến bao gồm học bạ tốt, điểm thi cao và một danh sách dài các hoạt động xã hội có lẽ có phần… không chính xác. Hay nói cách khác, rất nhiều những thứ mà chúng ta nghĩ là có thể giúp học sinh đậu vào các trường đại học tốt nhất, đôi khi lại đang mang lại những “tác dụng ngược”. Hay tệ hơn, rất nhiều công sức bỏ ra có thể đã bị tốn thời gian, hao năng lượng và tiền của.

Shirag Shemmassian

Shirag Shemmassian đã có nhiều kinh nghiệm về việc nộp đơn vào đại học. Anh ấy đã theo học Đại học Cornell và bản thân UCLA, đã dành vài năm với tư cách là người phỏng vấn tuyển sinh tại Cornell. Thông qua Shemmassian Academic Consulting, ông hướng dẫn học sinh và gia đình của họ cách đạt được thành công khi xét tuyển đại học.

Với nhiều năm kinh nghiệm, Shemmassian hiểu được những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà tuyển sinh, và những gì Shemmassian chia sẻ có thể khiến bạn vô cùng ngạc nhiên. 

“Phụ huynh và học sinh thực sự không biết làm cách nào để chọn lọc những nguồn thông tin chất lượng,” Shemmassian nói.

“Dường như tất cả học sinh đều đang làm những bước giống hệt nhau… đăng ký học các lớp nâng cao, cố gắng đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi chuẩn hoá. Nhưng trên hết, các em lại không biết cách làm thế nào để khiến bản thân mình nổi bật. Các em có nên tham gia tất cả câu lạc bộ ở trường không? Do học sinh đang được khuyên những thứ giống nhau, không ngạc nhiên là hồ sơ của các em cũng y hệt các thí sinh khác. Những thứ các em nghĩ là mình phải làm bởi vì nó cần thiết, phần lớn lại không phải là những điều khiến bản thân các em trở nên khác biệt.”

Dưới đây là 3 sai lầm phổ biến mà học sinh hay mắc phải trên đường đua vào các trường đại học hàng đầu. Shemmassian giải thích tại sao những hành động này lại phản tác dụng, cũng như đưa ra những định hướng thay vào đó học sinh nên làm gì.


SAI LẦM 1: THAM GIA *TẤT CẢ* CÁC LỚP NÂNG CAO

“Các trường Đại học hàng đầu tìm kiếm những ứng viên dám thử thách bản thân trong lĩnh vực học thuật,” Shemmassian nói, “và đương nhiên điều đó nghĩa là càng tham gia nhiều lớp nâng cao, nhiều môn AP (Advanced Placement), càng chứng tỏ được khả năng dám thử thách bản thân của học sinh. Nghe thì có vẻ hợp lý, đúng không?”

Tuy nhiên, mỗi lớp học đó đều đòi hỏi một khoản thời gian rất lớn sau giờ học. Nếu những môn học này chiếm hết thời gian rảnh của học sinh, các em sẽ không còn thời gian để theo đuổi những thứ khác. Và biết đâu, “những thứ khác” đó mới lại chính là điều giúp học sinh trở nên nổi bật trong mắt các nhà tuyển sinh.

“Thử tưởng tượng trường hợp một em học sinh nộp đơn vào Đại học Yale, nhà tuyển sinh phải đọc hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày, hầu hết học sinh đều có thành tích học tập ấn tượng: có bảng điểm hoàn hảo, điểm thi SAT gần như tuyệt đối. Vậy nếu bạn là nhà tuyển sinh, làm sao bạn có thể đánh giá em học sinh đó giữa hàng ngàn các em học sinh khác? Bạn sẽ nhắm mắt và chọn đại một vài bộ hồ sơ, cho phép chúng vào học? Dĩ nhiên là không phải như vậy, đúng không? Các nhà tuyển sinh hy vọng có thể tìm thấy những em học sinh ấn tượng không chỉ trong, mà còn ở bên ngoài lớp học. Vậy nếu học sinh đã dành hết thời gian để đến các lò luyện thi hay tham gia các lớp học nâng cao, các em sẽ không thể sắp xếp được thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá.”

"Học sinh được nghe những lời khuyên giống nhau, vì vậy, dĩ nhiên, hồ sơ của các em cũng sẽ tương tự như hàng loạt hồ sơ khác."

Vậy thay vào đó, học sinh nên làm gì?

Shemmassian cho rằng học sinh có thể, và nên tham gia các lớp học nâng cao, tuy nhiên không phải là TẤT CẢ. “Ví dụ trong năm học này trường mở ra 5 lớp AP, các em chỉ cần tham gia 3 lớp. Các em cũng có thể đăng ký 4 lớp, nếu đó là môn học em vốn đã có thế mạnh, bởi nếu vậy, tham gia thêm một lớp nữa không phải là vấn đề quá lớn. Mục tiêu ở đây là học sinh không phải nghĩ quá nhiều về số lượng lớp cần tham gia, mà cần đảm bảo các em có đủ thời gian để theo đuổi những thứ khác nữa.

SAI LẦM 2: HỌC “BẤT CHẤP” ĐỂ TỐI ĐA HOÁ ĐIỂM THI

Dĩ nhiên, điểm SAT hay ACT là yếu tố rất quan trọng trong hồ sơ đại học. Tuy nhiên, Shemmassian giải thích rằng “quá tập trung và các kỳ thi chuẩn hoá sẽ lấy đi thời gian để ý đến những điều khác cũng quan trọng không kém, như việc cần phải tham gia các hoạt động xã hội để làm hồ sơ của mình thực sự nổi bật.”

Khi học sinh dành nhiều năm đăng ký học các lớp luyện thi, dành hàng giờ để học, ôn thi, giải đề, thi và thi lại chỉ để tăng lên một xíu điểm, các em đang lãng phí thời gian để trau dồi cho mình những kinh nghiệm có được từ các hoạt động xã hội bên ngoài. Và mặc dù học sinh có thể đạt được số điểm thi tuyệt đối, nhưng lại không có gì khác để chứng minh bản thân mình thực sự nổi bật, em vẫn sẽ “chìm nghỉm” giữa hàng nghìn hồ sơ khác.

"Hãy nhớ rằng không phải tất cả những học sinh đạt 1600 điểm SAT đều có thể bước vào Ivy League."

Thay vào đó, có những cách hợp lý hơn để học sinh vừa có thể ôn tập, đảm bảo đạt kết quả SAT tốt, vừa có thời gian cho các hoạt động khác, như: Dành một khoảng thời gian nhất định để thực sự tập trung luyện thi, một học kì chẳng hạn, Shemmassian gợi ý, “khoảng thời gian đó, học sinh có thể tập trung học với cường độ cao, thi thử SAT hay ACT một vài lần và đặt mục tiêu phải đạt kết quả nằm trong khoảng từ 25 đến 75 Percentiles(*) của tiêu chuẩn đầu vào trung bình của trường học mà các em muốn nộp hồ sơ.”

“Nếu quan sát website của trường, các em sẽ có thể thấy hồ sơ của từng lớp, những thông tin này đều được đăng rất chi tiết. Vậy học sinh được nhận vào trường thường có điểm SAT percentile từ 25 tới 75 tương đương với 1480 và 1540 đúng không? Đó chính là khoảng điểm mà các em cần lấy làm mục tiêu. Nếu các em có thể đạt điểm cao hơn thì rất tốt, đó sẽ trở thành một điểm cộng dành cho các em. Tuy vậy, cũng có nhiều học sinh đạt cao hơn 75 percentiles mà vẫn không thể vào học. Đừng quên rằng, không phải tất cả học sinh đạt 1600 điểm SAT đều có thể bước vào Ivy League, Đại học California hay những trường top đầu tương tự.”

Một khi học sinh đã ý thức được hai sai lầm trên, các em đã không còn tập trung hết thời gian để miệt mài ôn thi hay tối đa điểm số – hãy nhớ rằng LESS IS MORE (càng giảm thiểu được những yếu tố không cần thiết, thành công càng lớn hơn).

Nếu chìa khoá của việc cân bằng cái “tam giác” lớn như đã nói ở trên thực sự tồn tại, thì đó chính là học sinh cần phải ý thức được đâu là những việc kém quan trọng và không đem lại hiệu quả, để tập trung cho những điều thực sự quan trọng.

Với những học sinh đang “chôn vùi” giữa thời khoá biểu cực kì căng thẳng, chật kín các giờ học và những giờ sinh hoạt đội nhóm, lời khuyên này có thể khiến các em “thở phào” nhẹ nhõm hơn, cho phép các em có quyền được ngẫm lại xem đâu mới là những thứ các em thực sự phải làm, và dù đó là gì, khi đã quyết định, hãy cố gắng hết mình cho nó.

Điều này dường như không chỉ là công thức thành công của việc nộp đơn vào đại học, mà còn là công thức dẫn đến một cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc hơn cho học sinh về sau. Cách học sinh sử dụng thời gian của mình như thế nào, mới chính là thứ làm các em nổi bật trong mắt các nhà tuyển sinh.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

SAI LẦM 3: THAM GIA QUÁ NHIỀU HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ MÀ KHÔNG CÓ SỰ TẬP TRUNG

“Người ta cho rằng các trường đại học luôn tìm kiếm những học sinh toàn diện,” Shemmassian nói. Vì vậy rất nhiều em học sinh cố gắng tham gia càng nhiều câu lạc bộ, hoạt động đội nhóm càng tốt, cũng như ra sức theo đuổi các vị trí lãnh đạo trong trường.

Thực tế, “Các trường đại học sẽ tuyển chọn một tập thể những ứng viên giỏi, bao gồm những em học sinh thực sự xuất sắc trong một lĩnh vực nhất định, để tạo nên một cộng đồng sinh viên đa dạng và toàn diện. Họ không tìm kiếm những em học sinh làm rất nhiều thứ nhưng trải nghiệm ở mỗi thứ lại hời hợt.”

Thay vì là một “Jacks of all trades” (những người biết làm nhiều việc nhưng lại không có chuyên môn ở bất kì việc gì), học sinh nên tìm hiểu xem các em thực sự hứng thú với lĩnh vực nào – để có thể trở thành chuyên gia của lĩnh vực đó – là những “Michael Jordan” – theo cách gọi của Shemmassian.

Vậy, nếu học sinh vẫn chưa hiểu rõ lĩnh vực các em muốn theo đuổi lĩnh vực thì sao? Sẽ thế nào nếu các em cảm thấy mình không có năng khiếu, hay thế mạnh ở bất kỳ bộ môn nào cả?

“Năng khiếu thường bắt đầu từ những thứ rất nhỏ” Shemmassian chia sẻ. “Vậy nếu học sinh có hứng thú với nghệ thuật, các em có thể thử bắt đầu từ những công việc liên quan đến nghệ thuật, chẳng hạn như dạy vẽ miễn phí trong các hoạt động cộng đồng, hoặc dạy cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia các lớp nghệ thuật. Nhờ vậy, các em có thể quan sát xem học sinh của mình có hứng thú với những gì các em dạy hay không, từ đó làm đòn bẩy để tiếp tục tiến lên. Đó là cách để chúng ta bước đầu khám phá bản thân.”

Khi đã tìm thấy thứ mà các em yêu thích, thay vì vẫn ráng theo đuổi mười thứ cùng một lúc, hãy tiếp tục học hỏi, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, tham gia vào các vị trí lãnh đạo, và tìm cách đóng góp lại cho cộng đồng trong lĩnh vực đó, cho đến khi trở thành một chuyên gia. “Mặc dù không nhất thiết phải trở thành những Picasso hay ai đó tương tự, khi các em bắt đầu từng bước một tạo kết nối với cộng đồng và tạo ra được những ảnh hưởng tích cực, đến khi thực sự nộp hồ sơ, các em sẽ trông như những ‘Michael Jordan’ thứ thiệt.”

(*) Percentiles (Thứ hạng phần trăm) cho biết có bao nhiêu phần trăm (%) thí sinh cùng kỳ thi có mức điểm thấp hơn mức điểm của học sinh. Ví dụ, nếu điểm SAT percentile của học sinh là 76, nghĩa là em đạt được số điểm cao hơn 76% thí sinh trong cùng kỳ thi. Nếu percentile môn Toán của em đạt 47 điểm, tương đương với việc em có điểm Toán cao hơn 47% thí sinh cùng kì.

Nguồn tham khảo:
https://www.cultofpedagogy.com/college-admission-mistakes/

Để lại ý kiến