7 trò chơi học từ vựng tiếng Anh thú vị dành cho gia đình

Học từ vựng tiếng Anh qua các trò chơi là phương pháp hữu hiệu giúp trẻ học cách ghi nhớ và đánh vần các từ vựng cơ bản. Phương pháp này cũng giúp cả những em học sinh lớn hơn yêu thích việc học từ vựng. Bởi vì hầu hết trẻ em (và cả người lớn) đều thích chơi game, nên phần lớn thời gian các con sẽ rất hào hứng tham gia. Ngoài ra, bằng việc cùng con chơi những trò chơi học từ ở nhà, cha mẹ vừa có thể dành thời gian bên con thật hiệu quả, vừa giúp con làm phong phú thêm vốn từ vựng của mình

Hangman (người treo cổ) một trò chơi rất thú vị, phổ biến, và có lẽ hầu hết các gia đình đều biết. Dưới đây là 7 trò chơi khác mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các gia đình. Chúng rất đơn giản, mang tính giải trí, và vô cùng bổ ích mà gia đình có thể chơi ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.


1. Trò chơi phân loại (Scattergories)

Scattergories là một trò chơi đơn giản mà hiệu quả, có thể chơi ở bất kỳ đâu: khi bị tắc đường, trong lúc xếp hàng, hay ngay trên bàn ăn tối…

Luật chơi:  Một người chơi chọn một “chủ đề”, và những người còn lại lần lượt gọi tên một thứ nằm trong chủ đề đó. Mọi người tiếp tục nói xoay vòng cho đến khi có một người bị “bí”. Chủ đề được chọn có thể dễ như “động vật”, cho đến mức độ khó như “tên các loại chó”.

Thông thường, bạn nên đặt ra thời gian quy định để buộc trẻ phải nghĩ ra câu trả lời trong khoảng thời gian nhất định. Chủ đề có thể khó hay dễ tuỳ thuộc vào độ tuổi của con. Dưới đây là một vài chủ đề gợi ý cho bố mẹ tham khảo:

Điều tuyệt vời nhất của Scattergories là có thể chơi với trẻ em ở mọi độ tuổi, và không cần phải chuẩn bị bất kỳ thứ gì.

2. Botticelli

Botticelli là trò chơi tư duy rất phù hợp cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh cấp 2.

Luật chơi:  Một người chơi sẽ giả vờ trở thành một nhân vật nổi tiếng và gợi ý chữ cái đầu tiên để những người khác đoán. Những người còn lại sẽ lần lượt đặt câu hỏi để cố gắng đoán xem người đó là ai. Số lượng câu hỏi không giới hạn, tuy nhiên, câu trả lời chỉ có thể là “có”, hoặc “không”.

Ví dụ, câu hỏi đầu tiên có thể chung chung như “Bạn có còn sống không?” (“Are you alive today?”). Người chơi, ví dụ đang đóng vai George Washington, có thể trả lời “Không, tôi không còn sống” (“No, I’m not alive today”) mà không cung cấp thêm thông tin gì khác. Những người còn lại sẽ tiếp tục đặt câu hỏi cho đến khi đoán ra người đó là ai.

Botticelli là trò chơi lý tưởng cho các em học sinh lớn để ghi nhớ và khám phá thêm về những các nhân vật lịch sử hay những người nổi tiếng trên tin tức. Bạn cũng có thể đổi chủ đề thành những con vật cơ bản để phù hợp với những em nhỏ tuổi hơn. Các con có thể hỏi những câu hỏi như “Bạn có lông vũ không?” hay “Bạn có đuôi không?”.

3. Three Word Superheroes (Sáng tạo siêu anh hùng qua 3 từ ngữ)

Trò chơi này có thể hơi khó một chút đối với các em học sinh nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là một trò chơi rất thú vị mà mọi đứa trẻ đều thích, và quan trọng hơn, trẻ có thể học được cách tư duy sáng tạo và khơi dậy khả năng tưởng tượng của các em, bởi trò chơi đòi hỏi các em phải kết nối những từ ngữ thoạt nhìn có vẻ rất không liên quan. “Sáng tạo đơn giản chỉ là khả năng kết nối mọi thứ”, như lời Steve Jobs từng nói.

Luật chơi:  Chọn 3 danh từ bất kỳ. Tưởng tượng ra một nhân vật “siêu anh hùng” dựa trên 3 từ đó. Ví dụ: 3 từ “quả chuối” (banana), “cơn bão” (hurricane) và “bụi bẩn” (dirt) có thể tạo nên một siêu anh hùng có thể biến hoá thành những hạt bụi bẩn trên mặt đất. Nhờ khả năng đặc biệt này, anh ta có thể nguỵ trang ở bất cứ đâu có mặt đất. Đừng bước lên người anh ấy! Anh ta có thể bay vòng quanh và cuốn trôi kẻ xấu bằng những cơn bão cát. Cách duy nhất để ngăn anh ta là những “quả chuối”. Anh ấy ghét chuối và sẽ tránh xa tất cả những nơi nào có liên quan đến chuối.

Gia đình bạn có thể nghĩ ra những siêu anh hùng độc đáo đến mức nào?

Để con không chán, bạn cũng có thể đổi trò chơi thành dùng 3 từ ngữ để sáng tạo quái vật, người ngoài tinh, hay một loài động vật mới. Một số phiên bản biến tấu còn lấy Superghost (ma quỷ) làm chủ đề. Hãy cố gắng biến tấu luật chơi linh hoạt để con không bao giờ chán.

4. Charades

Không giống những trò chơi ở trên, Charades không thể chơi khi đang trên đường phố, nhưng đây vẫn là một gợi ý tuyệt vời cho gia đình chơi ở nhà, khi thời tiết xấu chẳng hạn.

Luật chơi:  Chia người chơi thành các đội. Mỗi người chơi sẽ viết một từ hay cụm từ lên những mảnh giấy, gấp lại và bỏ vào một chiếc hộp chung của đội. Từng thành viên trong đội sẽ lần lượt bốc những mảnh giấy trong chiếc hộp của đội đối thủ và cố gắng dùng hành động để mô tả cho đồng đội đoán xem từ đó là gì.

Bên cạnh việc học từ ngữ, Charades có thể giúp trẻ rèn luyện khả năng giao tiếp qua ngôn ngữ hình thể cũng như kỹ năng phản xạ, bởi mỗi từ chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để đoán từ.

Hiện nay đã có ứng dụng Charades trên các thiết bị điện tử, nếu bạn không muốn mất nhiều thời gian chuẩn bị.

Tuy nhiên, một vài chủ đề có sẵn trên các ứng dụng này có thể quá khó, chủ yếu liên quan đến văn hoá nước Mỹ, do vậy bạn nên tự tạo danh sách từ vựng của riêng mình để phù hợp với trình độ của trẻ.

5. Scrabble

Scrabble là một trò chơi board game phổ biến giúp trẻ học từ vựng, từ đó xây dựng kỹ năng đọc và viết thuần thục.

Luật chơi:Sắp xếp các chữ cái cạnh nhau để tạo thành những từ có nghĩa. Mỗi từ ghép được sẽ có số điểm bằng tổng số điểm trên từng chữ cái. Sau khi kết thúc, ai có điểm cao nhất sẽ là người chiến thắng.

Scrabble đòi hỏi người chơi phải cực kỳ tập trung vào những chữ cái trên tay. Trẻ bắt đầu học được cách sử dụng những chữ cái như thế nào để ghép thành những từ có nghĩa. Scrabble cũng là một trong những trò chơi được yêu thích ở Everest Education, bởi bên cạnh việc khuyến khích trẻ học thêm nhiều từ mới, trò chơi còn mang tính cạnh tranh khá cao: học sinh bắt đầu nghĩ ra những từ vô cùng phức tạp để nối được những ô đặc biệt, có điểm cao hơn như ô “nhân hai” hay “nhân ba” số điểm.

Scrabble phù hợp cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên. Bên cạnh đó cũng có Scrabble phiên bản Junior dành cho trẻ 4 hoặc 5 tuổi.

Scrabble Junior chơi bằng cách xếp các chữ vào đúng ô đã được in sẵn, giúp trẻ bắt đầu làm quen và ghi nhớ các chữ cái cơ bản.

(Cha mẹ ở Việt Nam có thể tìm mua các phiên bản trò chơi Scrabble tại boardgame.vn và tiki.vn)

6. Boggle

Boggle có nhiều điểm tương đồng với Scrabble: khuyến khích người chơi sắp xếp các chữ cái để tạo thành chữ. Tuy nhiên, Boggle cũng có những đặc điểm khác biệt thú vị khiến đây vẫn là một lựa chọn hay để chơi cùng con.

Luật chơi:  Trong một khoảng thời gian nhất định, người chơi sẽ nhìn vào những ô chữ 4x4 hoặc 5x5 có chữ cái được sắp xếp ngẫu nhiên, và tìm ra những từ có nghĩa có số lượng chữ cái lớn hơn hoặc bằng 4. Từ càng dài thì điểm các cao. Bạn phải cố gắng tìm được nhiều từ nhất có thể trong vòng 3 phút.

Boggle cũng có phiên bản Junior, trong đó trẻ được xem những bức hình trên các tấm card và dùng các ô chữ để ghép thành từ đó. Khi đã làm quen với trò chơi, trẻ cũng có thể đặt ra những quy luật của riêng mình. Boggle giúp trẻ ghi nhớ mặt chữ và tìm từ có nghĩa, tăng cường khả năng ghi nhớ và kết nối của các em.

(Cha mẹ ở Việt Nam có thể mua Boggle tại đây boardgame.vn, hoặc phiên bản Junior ở Shipto.vn)

7. Zingo!

Zingo! là một trò chơi kết nối đặc biệt phù hợp cho học sinh ở lứa tuổi mẫu giáo và các em bắt đầu học đọc. Zingo! dường như là một phiên bản “cao cấp” hơn của trò chơi Bingo truyền thống giúp trẻ yêu thích việc học từ vựng.

Luật chơi:Mỗi người chơi sẽ được phát một tấm thẻ. Tấm thẻ Zingo thường có hai mặt: Xanh chỉ mức độ dễ và Đỏ chỉ mức độ khó. Mỗi lượt chơi, chiếc máy Zingo sẽ cho hai ô có từ ngữ hoặc hình ảnh khác nhau như hình quả bóng, quả táo, con cá, ngôi nhà, cái cây… Bạn phải hô lên nếu một trong hai từ xuất hiện trùng với từ bạn có trên card. Từ còn lại được bỏ lại vào chiếc máy. Người chiến thắng là người điền được hết tấm card trước và hô to “ZINGO!”.

Zingo! có hai phiên bản: Mini-Zingo: người chiến thắng là người đầu tiên nối được 3 hình trong cùng một hàng hoặc cột. Zany-Zingo: người chơi tự quyết định quy luật phải nối như thế nào để giành chiến thắng.

Zingo! được thiết kế với mục đích hỗ trợ dạy học và phù hợp với mọi lứa tuổi. Cha mẹ nên khuyến khích con đặt câu với những từ mới để giúp con nhớ tốt hơn. Sử dụng hình ảnh trên những tấm card để dạy con cách đánh vần từng từ một. Trong lúc chơi Zingo!, trẻ cũng có thể học cách phát âm những từ có phụ âm ngắn và dài (ví dụ như “cat” và “cake”) và dần dần hiểu được cách những chữ cái ghép với nhau như thế nào và nên được đọc ra sao (ví dụ như cách phát âm “gh” trong từ “ghost”, hay “ck” ở cuối từ “clock”…)

(Dành cho cha mẹ ở Việt Nam: Mua Zingo tại tiki.vn hoặc shipto.vn)

Những trò chơi học từ vựng tốt nhất không nên quá dễ hoặc quá khó để mọi người đều có thể cùng tham gia. Những trò chơi trên đây đều nhằm mục đích mang lại cho gia đình giây phút thư giãn vui vẻ kết hợp với việc giúp trẻ phát triển thêm vốn từ vựng, học cách đọc, phát âm và sử dụng những từ ngữ từ căn bản đến phức tạp. Thay vì bắt con ngồi vào bàn học thuộc lòng những danh sách hay flashcard (thẻ từ vựng) dày đặc chữ, bạn cũng có thể vừa chơi vui vừa khuyến khích con yêu thích việc học ngôn ngữ hơn. Vậy nếu bạn đang suy nghĩ cách để giúp trẻ học tốt từ vựng tiếng Anh, sao không thử gọi cả gia đình lại để thử một trò chơi mới nhỉ?

Nguồn tham khảo:
https://www.highlights.com/parents/games/7-family-games-play-anywhere
https://www.grammarly.com/blog/the-best-word-games-to-play-with-the-family/
https://www.thespruce.com/best-word-games-4164632

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí