Làm thế nào để hết lười biếng?

Nội dung

Em có bao giờ…

– Bị chôn vùi giữa hàng đống deadline và bài tập?
– Chờ đến ngày cuối cùng mới hoàn thành bài tập về nhà?
– Tự nhủ “Ngày mai mình sẽ làm…”

Hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác đó.

Lười biếng giống như một căn bệnh cố hữu mà chúng ta phải đối mặt hằng ngày. Vì vậy, rất nhiều bài báo, video… ra đời để chỉ cho học sinh cách chống lại cơn lười biếng.

Tuy nhiên, trước khi tìm cách đánh bại sự lười biếng, hãy ghi nhớ một lưu ý cực kì quan trọng: Tìm hiểu sự lười biếng của mình.

Nhà tâm lí Leon F. Seltzer khuyên chúng ta nên loại bỏ chữ “lười biếng” khỏi từ điển của mình, bởi vì bản thân chữ “lười biếng” chỉ khiến em khó khăn hơn trong việc vượt qua nó.

Vì vậy, hãy dành chút thời gian, dừng lại và cố gắng tìm xem vấn đề của em là gì. Hãy tự hỏi: “Thứ gì đang cản trở em hoàn thành công việc?”. Em cảm thấy mệt mỏi, thấy quá tải, không được khoẻ hay đơn giản chỉ là do em chưa đủ kỷ luật. Sự lười biếng thực chất đến từ những nguyên nhân sau:

Thiếu tính kỷ luật: nếu vấn đề bắt đầu từ việc em chưa đủ nghiêm khắc với bản thân, giải pháp tốt nhất là hãy lên một kế hoạch thật rõ ràng, bỏ qua những thứ như mạng xã hội, trò chơi điện tử, ti-vi và ti tỉ những điều khác có thể làm em phân tâm khi học.

Hãy đặt thời hạn cho mỗi công việc cần được hoàn thành, và đừng chần chừ, cứ bắt tay vào làm thôi.

Lỡ đặt mục tiêu quá cao: chúng ta đều muốn đặt những mục tiêu thật cao để lên tinh thần mỗi khi bắt đầu năm học mới đúng không? Nhưng để thực hiện nó, em buộc phải thay đổi thói quen cũ của mình và thử những thử mới. Hệ quả là, em có thể sẽ thấy mệt mỏi và nhanh chóng muốn bỏ cuộc.

Nhưng này, em có đang nghiêm khắc quá với bản thân mình không? Đặt ra những mục tiêu đủ thử thách, nhưng nhớ là cũng phải đủ tính khả thi, và kiên nhẫn thực hiện từng thứ một thôi nhé.

Thiếu động lực: đôi khi chúng ta chần chừ làm việc chỉ bởi vì chúng ta không thực sự muốn làm việc. Điều này có thể đến từ việc em chưa hiểu rõ em muốn làm gì trong tương lai, không nhìn thấy giá trị trong những việc em đang làm, và chẳng hiểu tại sao học sinh lại phải học những thứ như đại số, hình học và nhiều thứ phức tạp như thế.

Để giải quyết vấn đề này, hãy học cách tìm ra ý nghĩa trong mỗi việc em đang làm, ví dụ như để đạt được kết quả tốt, để có thể tự tay kinh doanh, để tự mình đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn, để đi du học… và hơn hết, để trở thành một người lớn thành công. Khi hoàn thành xong công việc, đừng quên tự thưởng cho bản thân mình nhé, và hãy luôn ghi nhớ: những nỗ lực vất vả sẽ được đáp trả bằng thành quả ngọt ngào.

Rõ ràng, cách em vượt qua sự lười biếng sẽ tuỳ thuộc vào vấn đề cốt lõi của nó. Hãy dành thời gian tìm hiểu xem vấn đề thực sự của em là gì để từ đó có được kế hoạch phù hợp. Chúc các em học sinh chiến thắng cơn lười biếng của bản thân và đạt được tất cả những gì em muốn.

Khi em muốn bỏ cuộc, thì hãy nhớ rằng:

“Nếu hôm nay em không làm gì, thì sẽ chẳng có gì xảy ra cả.”

Để lại ý kiến