Chương trình toán học nào tốt nhất thế giới?

Nội dung

  • Bạn có biết quốc gia nào đứng đầu thế giới trong lĩnh vực toán học?
  • Mỹ? Nhật? Hàn?
  • Đáp án là Singapore!

Đây là kết luận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một tổ chức liên chính phủ được thành lập với mục tiêu phát triển kinh tế chung, đã nhấn mạnh điều này trong báo cáo xếp hạng hệ thống trường học của các nước thành viên dựa trên kết quả kiểm tra môn toán và khoa học của học sinh.

Kết quả PISA 2015: Singapore “càn quét” bảng xếp hạng

Theo kết quả mới nhất của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa) – cuộc khảo sát quốc tế được tổ chức 3 năm 1 lần nhằm đánh giá hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng của các học sinh ở độ tuổi 15 – Singapore đứng đầu trong tất cả các môn kiểm tra, dẫn trước các nước Châu Á, Âu, Úc, Bắc và Nam Mỹ.

Dưới đây là kết quả Pisa 2015:

Source: OECD

“Singapore không chỉ đang làm tốt, mà sẽ còn tiến xa hơn nữa”, Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục tại OECD phát biểu.

Kết quả này không quá gây ngạc nhiên bởi Singapore từ lâu đã đứng đầu danh sách các nước có chương trình toán học và khoa học tốt nhất thế giới. Kể từ khi Chương trình Nghiên cứu Xu hướng Toán học và Khoa học Quốc tế (TIMSS) bắt đầu xếp hạng khả năng cạnh tranh của các nước về toán học vào năm 1995, Singapore đã liên tục đứng đầu.

Điều gì tạo nên sự thành công của Singapore trong hai bộ môn Toán và Khoa học?

Chìa khóa của sự thành công

Chính phủ Singapore đã và đang đầu tư rất nhiều cho hệ thống giáo dục. Toán học và Khoa học là những môn học chính ở Singapore và được dạy từ cấp tiểu học và trung học. Thậm chí, đảo quốc sư tử này được xem như một “phòng thí nghiệm giảng dạy toán học”, chuyên kết hợp với các nghiên cứu quốc tế để lập ra những phương pháp giảng dạy toán học mang lại hiệu quả cao. Với phong cách giảng dạy chú trọng vào kĩ năng giải quyết vấn đề, phương pháp dạy toán Singapore khiến cả thế giới ngưỡng mộ và hiện đang được sử dụng rộng rãi ở hàng ngàn trường học trên khắp nước Mỹ. Dưới đây là một số bí mật tại sao Toán Singapore lại được các trường học ở Mỹ theo đuổi:

#1. Học chắc, hiểu sâu

“Toán Singpapore không dạy cho học sinh biết tất cả mọi thứ, mà dạy cho các em tư duy như những nhà toán học”, Andreas Schleicher, giám đốc Chương trình đánh giá giáo dục OECD.

Những nhà nghiên cứu cho rằng sự thành công của toán Singapore đến từ chương trình cũng như phương pháp giảng dạy. Chương trình đào tạo tại Singapore, được soạn thảo bởi Bộ Giáo dục, tập trung vào ít bài học hơn nhưng cặn kẽ hơn. Trong khi ở nhiều quốc gia, học sinh mỗi năm phải học rất nhiều khái niệm một cách nhanh chóng chứ không có sự chuyên sâu. Trong khi đó, toán học Singapore chỉ tập trung dạy cho học sinh một số rất ít chủ đề cụ thể nhưng đòi hỏi các em phải thực sự hiểu rõ và nắm vững những bài học đó. Mục đích là để học sinh hiểu rõ bản chất vấn đề, hiểu một cách chuyên sâu thay vì chỉ học để làm bài kiểm tra.

Ở trình độ tiểu học, chương trình toán Singapore có ít chủ đề hơn hẳn so với các nước phương Tây, nhưng được đào sâu với mức độ khó hơn nhiều. Bằng phương pháp này, học sinh học ít nhưng hiểu sâu, và có được nền tảng kiến thức vững chắc trước khi chuyển qua các khái niệm phức tạp hơn.

#2. Học trực quan
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của toán Singapore chính là mang tính trực quan cao. Nhiều quốc gia hiện đang sử dụng phương pháp đi từ những cái cụ thể (concrete) đến những cái trừu tượng (abstract). Trong khi đó, toán Singapore giới thiệu một bước thứ ba – hình ảnh (pictorial) – là cầu nối trung gian giữa cụ thể và trừu tượng.

Phương pháp này được biết với tên gọi CPA, đi từ Concrete (vật thể thực tế), đến Pictorial (liên hệ hình ảnh), rồi mới đến Abstract (trừu tượng hoá). CPA ra đời dựa trên những nghiên cứu của nhà tâm lý học người Mỹ, Jerome Bruner, nhấn mạnh tính ứng dụng của toán học trong đời sống hằng ngày: mỗi bài học được chia thành nhiều bước nhỏ, sử dụng những vật dụng quen thuộc trong thực tế như những viên bi hay hình khối để minh hoạ, sau đó dạy cho trẻ nhận biết qua hình ảnh và bước cuối cùng mới chuyển qua các con số hay công thức trừu tượng. Don Le, đồng sáng lập Everest Education ("E2") chia sẻ: “CPA giúp học sinh hiểu sâu hơn bản chất của những vấn đề toán học, chứ không đơn thuần là những công thức tính toán. CPA cho phép học sinh tiếp cận thế giới toán học để trả lời cho câu hỏi “tại sao” chứ không chỉ là “làm thế nào”.

Bên cạnh CPA, học sinh còn được học cách vẽ sơ đồ khối (bar model) để giải quyết các bài toán đố. Thay vì cố gắng tưởng tượng trong đầu, sau đó viết ra phương trình rồi giải, học sinh Singapore được dạy cách dùng sơ đồ để biểu diễn các yếu tố mà đề bài cho, nhờ vậy dễ dàng giải được các bài toán đố hơn. Cách tiếp cận trực quan này chính là một trong những chìa khoá làm nên sự thành công cho toán Singapore.

Ngoài ra, giáo viên ở Singapore còn biết cách tạo ra những trò chơi thú vị có ứng dụng toán học để khuyến khích học sinh thích học toán hơn. Điều này khiến cho các em vừa có cơ hội thực hành củng cố kiến thức, vừa mang lại niềm vui và góp phần hình thành tình yêu của các em dành cho môn toán.

#3. Tập trung vào kĩ năng giải quyết vấn đề
Toán Singapore tập trung và kĩ năng giải quyết vấn đề và nhấn mạnh sự hiểu biết chuyên sâu các khái niệm, nắm vững kĩ năng, chú trọng vào quy trình thay vì kết quả và ưu tiên phát triển cho học sinh cái nhìn tích cực đối với toán học.

Nhìn chung, học sinh ở đâu cũng thường gặp khó khăn và rất “sợ” toán đố, nhưng học sinh Singapore lại giải toán đố rất dễ dàng. Điều này có được nhờ phương pháp toán Singapore, học sinh Singapore học được cách “biến từ ngữ thành hình ảnh để dễ dàng nhận biết” thay vì cứ phải cố gắng tập trung để hiểu đề bài nói gì.

“Học sinh Singapore có thể giải được các bài toán đố phức tạp hơn, nhiều bước học sinh Mỹ, và khả năng giải quyết vấn đề thành thạo này chính là một trong những nhân tố quan trọng cho thấy tại sao thế giới lại đánh giá cao toán Singapore đến thế”, Bill Jackson, giáo viên toán trường Scarsale chia sẻ với tờ The Daily Riff. Ông cho rằng: “Phương pháp dạy trực quan của Singapore giúp học sinh dễ dàng hiểu được bài toán nhờ cách hình dung và minh hoạ các yếu tố đề bài cho bằng sơ đồ, hình ảnh đơn giản. Và khi trẻ có thể tự mình giải quyết các vấn đề một cách thành thạo hơn và tự tin hơn, các em sẽ dần dần quan tâm hơn đến toán học.”

#4. Phương pháp dạy “xếp lớp” (Layered strategies)
Khác với cách dạy thông thường tại Mỹ và một số nước, nơi mỗi kiến thức sau học xong thường chỉ được quay lại sau vài tháng hay thậm chí vài năm, Toán Singapore được dạy theo phương pháp “xếp lớp”, nghĩa là mỗi một kĩ năng được xem là một lớp nền tảng cho những bài học tiếp theo “như những viên gạch LEGO được đặt sát cạnh nhau”.

Jeffery Thomas, chủ tịch của Singapore Math Inc., nhà sản xuất chính các sản phẩm toán học của Singapore cho thị trường Mỹ cho biết, “Các chủ đề trong toán học Singapore đã được xây dựng cẩn thận dựa trên nghiên cứu phát triển của trẻ em. Phương pháp để nắm vững bài học là chú trọng vào kĩ năng giải quyết vấn đề, và nhờ vậy đa số học sinh đều đã được chuẩn bị tốt để giải các bài toán khó, chẳng hạn như chủ đề phân số và tỷ số đã được dạy và rèn luyện cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5, do đó các em không còn bỡ ngỡ khi học đại số hay hình học khi lên lên trung học”.

#5. Tư duy tiến bộ
Bộ giáo dục Singapore rất tin tưởng vào “phương pháp dạy toán đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu, là phương pháp có thể xây dựng niềm cảm hứng đối với toán học thay vì chỉ học để thi cử”, KQED News.

Một trong những điểm mạnh của toán Singpapore là giúp học sinh có được lối tư duy tiến bộ, giúp các em giữ được thái độ kiên trì học tập, đặc biệt khi phải đối diện với những bài học và chủ đề khó hơn, nâng cao hơn.

Tư duy cầu tiến - growth mindset, một khái niệm được xây dựng và truyền bá bởi Carol Dweck, cho rằng trí thông minh của mỗi người không phải là thứ “trời cho” hay bị hạn chế mà còn có thể phát triển thông qua việc học tập và rèn luyện chăm chỉ.

Các chuyên gia cho rằng, học sinh sẽ có nhiều khả năng thành công hơn, đặc biệt trong các môn học khó như toán học, khi các em biết tư duy tích cực, biết kiên trì cố gắng khi thấy mình chưa đủ giỏi. Lối suy nghĩ này được cho là một trong những lý do khiến học sinh ở Singapore thành công vượt trội.

Tóm lại, toán Singapore đã được chứng minh có thể khuyến khích lòng kiên trì và tinh thần yêu thích học toán nơi các em học sinh một cách tự nhiên, trang bị cho các em đầy đủ kiến thức cần thiết để giải quyết mọi vấn đề và giúp em tự tin hơn trong môn toán. Đây là phương pháp kết nối các hình ảnh trực quan, hỗ trợ quá trình tư duy và giúp học sinh nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện.

Tại Việt Nam, Everest Education là một trong những trung tâm nổi bật nhờ dạy toán theo phương pháp Singapore. Bằng cách áp dụng phương pháp dạy toán của Singapore, học sinh có thể dễ dàng nhận biết các khái niệm toán học cơ bản, giúp các em có được nền tảng kiến ​​thức và kỹ năng vững chắc để chuẩn bị cho các chủ đề nâng cao. Thêm vào đó, tất cả các bài học toán tại Everest Education đều được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, giúp các em chuẩn bị đầy đủ cả kiến thức và kĩ năng cần thiết để không chỉ có thể thành công trong nước mà còn tự tin hoà nhập vào môi trường giáo dục quốc tế.

Nguồn tham khảo:
http://www.singaporemath.com/Singapore_Math_s/301.htm
https://www.ft.com/content/2e4c61f2-4ec8-11e6-8172-e39ecd3b86fc
https://www.the74million.org/article/6-reasons-why-singapore-math-might-just-be-the-better-way/
http://www.pbs.org/parents/education/math/math-tips-for-parents/whats-singapore-math/
https://www.timeshighereducation.com/news/pisa-results-2016-singapore-sweeps-board#survey-answer


Để lại ý kiến