E2 Talk – Phỏng vấn học sinh E2: Chia sẻ kinh nghiệm vào các trường đại học hàng đầu (Phần 2)

Nhiều phụ huynh cũng như du học sinh thừa nhận rằng, chọn trường Đại học chính là việc khó nhất trong suốt quá trình lên kế hoạch du học. Và thậm chí một số gia đình còn gặp nhiều khó khăn hơn khi đứng trước quyết định lựa chọn giữa Early Action/Early Decision. Trong video ngày hôm nay, Johnny, cựu học sinh của Everest Education (E2) và hiện đang theo học tại Northwestern University, sẽ chia sẻ đôi chút về chủ đề trên, cụ thể là:

  • Điểm khác nhau giữa Early Action và Early Decision là gì?
  • Bạn nên chọn trường nào để nộp hồ sơ dưới hình thức Early Action hay Early Decision?

Bên dưới video chính là nội dung đã được chúng tôi viết lại để phụ huynh và học sinh có thể dễ theo dõi hơn.


Tony:  Một vài phụ huynh và học sinh chưa quen với khái niệm “Early Action” (Nộp hồ sơ sớm không ràng buộc) và “Early Decision” (Nộp hồ sơ sớm có ràng buộc).  Em có thể giải thích hai khái niệm trên cũng như chia sẻ kinh nghiệm của mình khi quyết định lựa chọn quy trình nộp hồ sơ cho mình không?

Johnny:  Thời hạn nộp hồ sơ của quy trình Early Decision thường kết thúc vào ngày 01 tháng 11, hai tháng trước khi bắt đầu xét tuyển những hồ sơ thông thường. Về cơ bản, đối với hình thức Early Decision, học sinh phải chứng tỏ cho hội đồng xét tuyển thấy rằng mình thật sự muốn được nhận vào trường của họ. Và nếu trúng tuyển, học sinh bắt buộc phải theo học tại ngôi trường đó. Cá nhân em rất thích Đại học Northwestern, do đó em đã nộp hồ sơ vào trường dưới hình thức Early Decision.

Mặt khác, Early Action lại có vẻ đơn giản hơn. Học sinh không bắt buộc phải theo học tại trường mà họ đã trúng tuyển. Mục đích khi nộp hồ sơ theo hình thức này cơ bản chỉ là để cho hội đồng xét duyệt có đủ thời gian xem xét hồ sơ của học sinh trước các ứng cử viên khác. Và cuối cùng, Regular decision chỉ đơn giản là một quá trình nộp hồ sơ thông thường.

Do đó, khi lựa chọn giữa Early Decision, Early Action và Regular decision, các bạn học sinh nên cân nhắc giữa sở thích của cá nhân mình với tỷ lệ trúng tuyển vào trường.

Tony:  Em có thể chia sẻ đôi chút về các ngôi trường mà em nộp theo từng hình thức trên, cũng như cách em quyết định được không?

Johnny:  Lúc ấy em đã bắt đầu với ngôi trường mà em yêu thích nhất – Northwestern. Vào thời điểm đó, em rất may mắn khi có được cơ hội tham quan trường vào mùa hè trước khi bước vào năm học cuối cấp. Em đã tham dự các buổi hội thảo cũng như trao đổi với rất nhiều anh chị sinh viên từ 13 trường Đại học. Và từ chính những buổi nói chuyện ấy, em nhận thấy rằng các sinh viên Northwestern rất nhiệt huyết cũng như rất chuyên nghiệp. Họ làm việc hết sức và chơi hết mình. Đó chính là điều mà em luôn tìm kiếm ở những người bạn mà em sẽ sinh hoạt và làm việc cùng trong suốt những năm tháng ở Đại học. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục ở Northwestern được đánh giá là có tính linh hoạt cao. Đồng thời, em cũng rất thích nét kiến trúc của trường. Đó chính là lý do em đã quyết định đăng ký vào Đại học Northwestern.

Mặt khác, em cũng đã tìm hiểu một số trường Đại học có môi trường học tập tương tự như Northwestern. Và thật sự thì các ngôi trường ấy cũng nằm trong số những lựa chọn tốt đối với em. Bản thân em rất thích Chicago, cho nên em đã nộp vào University of ChicagoĐại học Chicago. Ngoài ra, em còn đăng ký vào một vài trường khác như Boston UniversityNortheastern University, và Boston College. Những ngôi trường này nhìn chung cũng không quá khó để trúng tuyển như Northwestern.

Tony:  Khi nói về quy trình lựa chọn giữa những trường Đại học, thầy luôn nhấn mạnh sự khác biệt giữa các trường với nhau bởi vì chính sự khác biệt đấy sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày của học sinh. Thầy cho rằng chúng ta không nên bỏ qua vấn đề này khi cân nhắc giữa những trường Đại học.

Em cũng đã đề cập rất nhiều về việc các bạn sinh viên Northwestern luôn làm hết sức và chơi cũng hết mình. Có một câu nói thế này: “Tính cách của chúng ta chính là trung bình cộng của 5 người bạn mà ta thân nhất.”

Johnny:  Vâng, em cũng đã từng nghe qua câu nói đó.

Tony:  Do vậy, nếu như em dành nhiều thời gian với các học sinh nhiệt huyết và tích cực như thế, thầy tin rằng em sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi theo học tại Northwestern. Tuy vậy, không phải ai cũng cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này khi quyết định chọn trường.

Hơn thế nữa, các hoạt động thường nhật của em cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chẳng hạn như bây giờ em đang dạy kèm cho một vài bạn vận động viên bóng đá. Điều đó đồng nghĩa với việc em đang dành nhiều thời gian hơn với những người bạn mà em thường không có nhiều cơ hội tiếp xúc. Đây cũng chính là dịp để em gặp gỡ nhiều con người với nhiều tính cách và sở thích khác nhau. Và vô hình trung, bóng đá đã từ bao giờ trở thành một sở thích chung giữa các em.

Tóm lại thì em đã nộp hồ sơ vào bao nhiêu trường?

Johnny:  Em đã nộp hồ sơ vào năm trường với hình thức Early Action, bao gồm cả việc đăng ký vào Đại học Northwestern theo quy trình Early Decision. Bên cạnh đó, em còn dự tính nộp vào khoảng 10 đến 15 ngôi trường khác để phòng khi em không trúng tuyển vào Northwestern hay các trường Đại học mà em yêu thích theo hình thức Early Action.

Còn tiếp…

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

Để lại ý kiến