E2 Talk - Phỏng vấn cô Maria, trường ISHCMC AA: Học sinh trung học nên chuẩn bị như thế nào để đi du học?

Khi học sinh Việt Nam ngày càng được khẳng định chỗ đứng của mình trên thế giới, ngày càng có nhiều cơ hội cho các em tìm kiếm học bổng du học. Ở những video trước, chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nộp đơn ứng tuyển sớm, vậy, học sinh nên bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch du học của mình như thế nào ngay từ những năm học trung học?

Trong đoạn video dưới đây, cô Maria Bibler, cố vấn học sinh trường International School Ho Chi Minh City – American Academy (Trường Quốc tế TP.HCM) - ISHCMC AA, sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm quý giá giúp học sinh chọn trường học phù hợp nhất cũng như gợi ý một vài trang web giúp các em tìm học bổng.


Tony: Chúng ta đã nói về tầm quan trọng của việc chuẩn bị hồ sơ du học càng sớm càng tốt, vậy cô có lời khuyên nào giúp các em học sinh, những em chỉ mới bắt đầu học trung học, cần phải chuẩn bị điều gì trước?

Maria: Tôi vừa có một vài buổi trao đổi với tất cả các em học sinh lớp 9 của tôi, và những gì chúng tôi tập trung ngay từ đầu, đó là giúp các em xác định xem mình là ai. Đây thực sự là một câu hỏi lớn.

Tony: Đúng vậy, nếu tôi không biết thì sao?

Maria: Chính xác! Bởi vậy, tôi đã bắt đầu bằng cách đặt ra cho các em khoảng 10 câu hỏi để các em tự trả lời về chính bản thân mình, ví dụ như sở thích của các em là gì, các em thích làm gì trong thời gian rảnh, các em thích môn học nào… Nó không cần phải là một bảng khảo sát dài, giống như việc hỏi một em học sinh lớp 12 rằng em sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, đó thực sự là một câu hỏi khó… Khi chúng ta hỏi một người rằng họ sẽ làm gì trong 1 hoặc 2 năm tới, đáp án hoàn toàn có thể thay đổi, vì vậy, đừng lo lắng. May mắn là với thế hệ học sinh hiện nay, các em đang có sự lựa chọn ngành nghề đa dạng hơn, nhiều cơ hội để học tập và rèn luyện kỹ năng hơn, do vậy việc định hướng không còn quá nặng nề với các em. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các em học sinh phải hiểu rõ mình là ai và mình muốn làm gì. Hãy bắt đầu từ bản thân mình trước. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hoạt động hướng nghiệp dành cho học sinh.

Tôi luôn khuyến khích các em hãy cố gắng cân nhắc các yếu tố liên quan, giữa thành tích học tập của bản thân, điều kiện tài chính của gia đình để lập ra danh sách những trường ưu tiên, cũng như cân nhắc đến vấn đề nhập cư sau khi du học để xác định xem trường nào thích hợp với các em nhất. Liệu các em có thể thích nghi và học tốt được trong một lớp học có đến 300 học sinh không? Bởi nếu không, các em sẽ khó có thể thành công được khi bước vào một môi trường như thế. Bản thân tôi đã trải qua một môi trường tương tự… Nhìn chung, hãy cố gắng trả lời những câu hỏi như thế để hiểu rõ bản thân và tìm ra trường học thích hợp nhất.

Tony: Tuyệt vời!

Maria: Ngoài ra, có một trang web rất tốt và miễn phí mà tôi rất hay giới thiệu cho các em học sinh là Education USA. Tôi đã từng có cơ hội làm việc với họ về vấn đề tuyển dụng học sinh tại nhiều nơi ở châu Á khi còn sống tại Mumbai. Và mặc dù chưa hoàn toàn trở thành đối tác của họ, tôi phải công nhận rằng họ đang cung cấp rất nhiều dịch vụ tốt. Tôi hiện vẫn ở trong danh sách khách hàng của họ và đang được cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích, như các buổi hội thảo miễn phí và mọi thứ liên quan đến việc chuẩn bị bài luận du học, hay các thông tin phân biệt trường công lập và tư thục, nơi nào đang trao học bổng và giúp học sinh chuẩn bị xin thị thực du học. Tôi đã tư vấn cho các em rất nhiều nguồn thông tin để nghiên cứu, và Education USA là một trong những trang web miễn phí, trung lập mà tôi tin là rất quan trọng đối với các em học sinh Việt Nam, đặc biệt là học sinh trung học. Bên cạnh đó có một trang web rất hay và cũng miễn phí là Roadtrip Nation.

Tony: Roadtrip Nation?

Maria: Vâng, tôi thường chỉ cho học sinh lên đó để trả lời những câu hỏi đơn giản như các em thích làm gì, hay việc gì các em có thể làm mà không bao giờ thấy chán. Chỉ cần trả lời tầm 3 câu hỏi khác nhau, trang web sẽ tự động hiển thị danh sách các cuộc phỏng vấn với những người đang làm trong ngành nghề tương tự.

Tony: Ồ điều đó thật tuyệt.

Maria: Trên đó còn có những đoạn phỏng vấn ngắn dưới 5 phút, nó giống như những đoạn phỏng vấn từng người ở từng lĩnh vực khác nhau được làm sẵn cho chúng ta.

Tony: Vậy là họ đã quay sẵn và dựng sẵn hết tất cả.

Maria: Vâng, ví dụ như một đoạn phỏng vấn quay cảnh một em sinh viên năm nhất với những tình huống nghề nghiệp khác nhau. Đội ngũ quay phim sẽ dựng lên những đoạn phỏng vấn ngắn, sau đó quay lại và thay đổi qua một ngành nghề khác. Các em học sinh có thể nhìn vào đó để hình dung nghề nghiệp mà các em muốn làm trong thực tế, xem có giống như tưởng tượng của các em không, nếu không, các em có thể cân nhắc qua những công việc khác. Tôi luôn cố gắng nói với học sinh rằng hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem bản thân em muốn theo đuổi ngành nghề nào nhất, bởi điều đó vô cùng quan trọng. Và một lần nữa, nghề nghiệp có thể thay đổi, nhưng tính chất cốt lõi của công việc vẫn liên quan trực tiếp đến tính cách của mỗi em. Đó vẫn là những điều mà tôi luôn cố gắng nhấn mạnh: hiểu rõ mình là ai. Ví dụ, khi một học sinh nói hứng thú với máy tính, nhưng liệu em là kiểu người thích tìm hiểu về máy móc và làm việc với nhiều người, hướng dẫn những người khác… hay em là kiểu người chỉ thích làm việc độc lập, một mình lập trình và xây dựng website… Tuỳ thuộc vào tính cách của từng học sinh, môi trường học của các em có thể thay đổi để quyết định các em sẽ học trường nào hay cần chuẩn bị gì để vào được trường đó. Những bài kiểm tra chuẩn hoá cũng là thứ tôi thường xuyên nhấn mạnh với các em học sinh, bởi chúng là bắt buộc và tôi vẫn còn hơi lo lắng về điều đó.

Tony: Vâng hầu hết các em học sinh đều chờ đợi quá lâu trước khi thực sự bắt đầu.

Maria: Đúng vậy, và chúng ta cần phải cho các em định hướng cụ thể về việc những bài kiểm tra chuẩn hoá sẽ diễn ra như thế nào, các em muốn học ngành gì và nên học ở đâu…

Tony: Còn điều gì cô muốn khuyên các em học sinh nữa không?

Maria: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là, như tôi có nói, cho dù các em có nhiều thông tin như thế nào, các em xuất phát từ đâu, các em đang học theo giáo trình quốc gia hay quốc tế, tính cách của các em mới là thứ giúp em nổi bật và là thứ em có thể mang đến bất kì đâu, các em có nỗ lực để tận dụng mọi trải nghiệm em có được hay không, hay các em vẫn sẽ không học được điều gì đáng kể dù được vào một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất. Tôi nghĩ rằng, hầu hết các bảng xếp hạng trường học hiện nay tập trung quá nhiều vào đầu vào mà không chú trọng đến đầu ra, những gì các em được nghe chưa chắc đã phù hợp với bản thân các em. Nếu các em đã định hướng cho bản thân đi du học ngay từ khi còn học trung học, như Tony có nói, ngay từ lớp 9 hay lớp 10, các em đã có thể từ từ xây dựng cho mình những bước tiến tuyệt vời và tôi tin rằng các em sẽ đến được bất kì nơi đâu các em muốn.

Tony: Vâng rất cảm ơn cô đã dành thời gian phỏng vấn và chia sẻ những kinh nghiệm tuyệt vời với chúng tôi.

Để lại ý kiến