Sốc văn hóa khi đi du học - chuyện không của riêng ai

Rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán và nỗi nhớ nhà là những lý do lớn nhất có thể khiến du học sinh mất ăn mất ngủ, cảm thấy trống trải và cô độc khi đặt chân đến xứ người. Cảm giác này không hề hiếm gặp, và người ta đã đặt hẳn cho nó cái tên đó là “sốc văn hóa".

Cùng Everest Education và College Compass tìm hiểu về sốc văn hóa ở du học sinh và cách xử lý khi gặp nhé!


1. Sốc văn hóa là gì?

Sốc văn hóa là cảm giác bấp bênh, bối rối hoặc lo âu khi chuyển đến một đất nước mới, trải nghiệm một nền văn hóa hoặc môi trường mới. Trạng thái này hay xảy đến với sinh viên quốc tế đi du học xa nhà, khi các bạn phải làm quen lại từ đầu với môi trường mới mà không có gia đình và bạn bè bên cạnh. Sốc văn hóa không chỉ xảy ra lúc chúng ta đến một vùng đất lạ. Trong một số trường hợp, khi đã thích nghi với nền văn hóa mới, chúng ta lại có thể bị sốc văn hóa “ngược" lúc về lại nước nhà.

Sốc văn hóa đến với mỗi người theo nhiều cách khác nhau, nhưng sẽ có những giai đoạn mà hầu hết du học sinh đều trải qua trước khi thích nghi với môi trường mới. Sốc văn hóa có thể làm cho các tân sinh viên trở nên căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể vượt qua cảm giác này và trưởng thành hơn nhờ vào những trải nghiệm ấy.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

2. Các giai đoạn của sốc văn hóa và những điều nên làm ngay kẻo lỡ

Sốc văn hóa thường được chia thành bốn giai đoạn: giai đoạn “trăng mật”, thất vọng, thích nghi và chấp nhận. Một số bạn có thể không trải qua tất cả bốn giai đoạn, hoặc một giai đoạn có thể kéo dài theo suốt quá trình học tập. Nếu nhận diện được những đặc điểm của các mốc thời gian này, bạn sẽ có thể giải quyết vấn đề một cách tốt nhất để trải nghiệm du học được trọn vẹn hơn.

Giai đoạn “trăng mật”

Giai đoạn đầu tiên thường được gọi là giai đoạn “trăng mật”. Giai đoạn này có thể kéo dài từ lúc bạn mới đặt chân xuống vùng đất mới đến khoảng vài tháng sau. Đối với du học sinh đại học, đây có thể là khoảng thời gian trước khi học kỳ bắt đầu nên bạn chưa quá bận rộn cho việc đi học và làm bài tập. Đây là khoảng thời gian bạn nên tận dụng để khám phá khuôn viên trường và tạo lập những mối quan hệ mới, sẵn sàng trải nghiệm và khám phá để có thật nhiều kỷ niệm đẹp.

Nếu sinh viên chỉ du học ngắn hạn, sự phấn khích ban đầu này có thể tô hồng cho cả khoảng thời gian học tập ở đây. Thông thường, sau khoảng nửa năm, sự phấn khích sẽ dần phai mờ khi bạn đã dần quen với môi trường và mất đi cảm hứng khám phá.

Giai đoạn thất vọng

Sau khoảng thời gian trăng mật, tiếp nối chính là sự vỡ mộng. Sinh viên có thể ngày càng trở nên cáu kỉnh và mất phương hướng khi niềm vui ban đầu trong một môi trường mới mất đi. Đặc biệt, nếu có rào cản ngôn ngữ, đây chính là lúc chúng ta sẽ cảm thấy ức chế nhất vì chẳng còn có thể kiên nhẫn giải thích điều mình muốn nói nữa. Không có khả năng giao tiếp hiệu quả khiến sinh viên xa nhà khó có thể mở lòng, học tập hay vui chơi với bạn bè bản xứ.

Một số dấu hiệu của giai đoạn này có thể bao gồm: thất vọng, cáu gắt, nhớ nhà, phiền muộn, lạc lõng, mệt mỏi. Cảm xúc tiêu cực kéo dài làm cho bạn thu mình lại, hạn chế giao tiếp xã hội và tham gia các hoạt động xung quanh. Một số người có thể bị rối loạn ăn uống và giấc ngủ trong giai đoạn này và luôn mong ngóng đến việc về quê hương sớm. Nếu không có được sự trợ giúp kịp thời, sự bức bối, cô độc có thể dẫn đến chứng trầm cảm ở các du học sinh.

Một cách đơn giản và hữu hiệu để vơi đi nỗi nhớ nhà chính là tìm đến những điều gắn kết bạn với quê hương. Một bát phở nóng, cuộc gọi facetime ở bàn ăn gia đình, hay chat tâm sự với bạn bè có thể sẽ giúp bạn cảm thấy ấm áp hơn. Nhưng nếu vẫn thấy không ổn và có dấu hiệu nặng, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp hơn về tâm lý học.

Đây là lúc tốt nhất để tìm sự giúp đỡ ở phòng hỗ trợ tâm lý sinh viên mà gần như tất cả các trường đại học Mỹ đều có. Điển hình, là ĐH Harvard có hẳn một cổng thông tin và đường dây hotline cho bất kỳ học sinh nào cảm thấy cần được hỗ trợ về tinh thần. Một số trường như ĐH USC còn có cả bác sĩ tâm lýngay trong khuôn viên trường, luôn sẵn sàng nhận lịch hẹn để tư vấn cho sinh viên.

Giai đoạn thích ứng

Giai đoạn thích nghi thường diễn ra sau khoảng 1 năm, khi sinh viên bắt đầu cảm thấy quen dần với môi trường mới xung quanh. Cảm giác từ giai đoạn thất vọng bắt đầu giảm dần khi rào cản ngôn ngữ được hạ thấp và sự thích nghi tăng cao. Không chỉ thích nghi về văn hóa, lúc này sinh viên cũng đã quen dần với lối sống, giao thông và thức ăn bản xứ, góp phần làm cuộc sống dễ dàng hơn.

Giai đoạn chấp nhận

Những trở ngại và hiểu lầm từ giai đoạn thất vọng thường đã được giải quyết, cho phép sinh viên trở nên thoải mái và hạnh phúc hơn. Ở giai đoạn này, hầu hết mọi người đều trải qua sự phát triển và có thể thay đổi hành vi cũ của họ và áp dụng cách cư xử từ nền văn hóa mới.

Có một số cách có thể giúp bạn lướt qua cú sốc văn hóa dễ dàng hơn, kéo dài giai đoạn trăng mật và nhẹ nhàng chuyển sang giai đoạn chấp nhận, ví dụ:

  • Giữ tinh thần cởi mở để tìm hiểu về đất nước hoặc nền văn hóa mới, tìm hiểu lý do của sự khác biệt về văn hóa và tập tục để dễ dàng cảm thông.
  • Hạn chế đắm chìm trong những suy nghĩ về nhà, liên tục so sánh nó với môi trường mới xung quanh.
  • Viết nhật ký về trải nghiệm của bạn, bao gồm những khía cạnh tích cực và cả tiêu cực của nền văn hóa mới. Điều này sẽ giúp bạn nhìn rõ cảm nhận của bản thân qua thời gian, để không bị cảm xúc nhất thời chi phối khi cần đưa ra quyết định lớn.
  • Đừng gò bó bản thân trong khuôn viên hay các hoạt động của trường, hãy năng động và giao lưu với cả người dân địa phương.
  • Hãy tôn trọng cảm xúc của bản thân về cảm giác mất phương hướng và bối rối, không ngại đi tìm lời khuyên và sự giúp đỡ khi cần thiết.

Sốc văn hoá là điều mà bất cứ du học sinh nào cũng dễ dàng gặp phải khi đi du học ở nước bạn. Vậy, làm thế nào để đối phó với cơn "sốc văn hoá"?
Hãy lắng nghe chia sẻ từ thầy Tony Ngo - chủ tịch đồng thời là sáng lập viên Everest Educaion và College Compass - về vấn đề này trong video dưới đây.

College Compass là chương trình định hướng du học của Everest Education ("E2"), hỗ trợ các bạn học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 ứng tuyển vào các trường đại học danh tiếng thế giới. College Compass được dẫn dắt bởi các cố vấn cao cấp giàu kinh nghiệm, tốt nghiệp từ Harvard, Stanford, MIT… 

Học sinh College Compass đã được nhận vào nhiều trường đại học cạnh tranh hàng đầu thế giới, như Harvard, Stanford, Cornell, Duke, Williams, Amherst… Đồng hành cùng bạn từ bước chọn trường, thi chuẩn hóa, cố vấn hoạt động ngoại khóa, viết luận, nộp học bổng… 

Đồng hành cùng bạn từ bước chọn trường, thi chuẩn hóa, cố vấn hoạt động ngoại khóa, viết luận, nộp học bổng… College Compass có những khóa học thiết kế riêng phù hợp với độ tuổi và nhu cầu riêng của mỗi học sinh. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào College Compass với lộ trình toàn diện, giúp bạn vào được trường đại học tốt nhất, phù hợp nhất với sở thích, năng lực, và định hướng tương lai của mình.

>> Tìm hiểu chương trình College Compass tại đây

Để lại ý kiến