Nhà tâm lý học ĐH Stanford tiết lộ bí quyết dạy trẻ biết tự tin

Carol Dweck, nhà tâm lý học đến từ Đại học Stanford đồng thời cũng là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai lối tư duy phổ biến, chi phối đời sống, suy nghĩ, hành động, từ đó dẫn đến cơ hội thành công của mỗi người chúng ta.

Lối tư duy thứ nhất là Fixed Mindset – Tư Duy Bảo Thủ, cho rằng tài năng của mỗi người là có hạn và không thể thay đổi. Ngược lại, tư duy thứ hai là Growth Mindset – Tư Duy Cầu Tiến, dựa trên niềm tin rằng ai cũng có thể thay đổi nếu biết nỗ lực.

Những người có Tư Duy Bảo Thủ thường có xu hướng đầu hàng khi đứng trước khó khăn. Trong khi đó, những người có Tư Duy Cầu Tiến lại xem mỗi thách thức như một cơ hội để học tập và phát triển.

Liệu chúng ta không có đủ trí thông minh để giải quyết vấn đề… hay chúng ta chỉ chưa cố gắng đủ?

Video dưới đây bật mí về sức mạnh “Tư Duy Cầu Tiến”, làm thế nào lối tư duy có thể giúp học sinh thành công ở trong và cả bên ngoài lớp học, và làm sao chúng ta có thể áp dụng lối tư duy này ở nhà, ở trường hay trong công việc sau này.


Bấm vào để theo dõi nội dung

Carol Dweck, nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới đến từ Đại học Stanford, sau nhiều chục năm nghiên cứu về sự thành công, đã khám phá ra một ý tưởng cực kì đột phá – Sức mạnh của tư duy.

Trong quá trình nghiên cứu, Carol muốn tìm hiểu về cách con người đối diện với thất bại như thế nào. Bà quyết định quan sát cách những đứa trẻ giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn. Carol đến gặp một nhóm học sinh tại một ngôi trường nọ, và yêu cầu các em giải một loạt câu đố.

Những câu đố đầu tiên rất dễ, nhưng mức độ khó ngày càng tăng. Điều ngạc nhiên là khi đứng trước một câu hỏi khó, bọn trẻ không hề bỏ cuộc. Một em học sinh 10 tuổi la to: “I love a challenge (Con thích làm bài khó) !!!”. Một đứa khác thì hào hứng: “Biết vậy con đã đọc đề kĩ hơn”.

Carol vẫn luôn cho rằng con người chỉ có xu hướng hoặc đương đầu, hoặc trốn tránh thất bại. Nhưng bà chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ai YÊU THÍCH cảm giác thất bại.

Những đứa trẻ này không hề nản lòng trước thất bại, chúng thậm chí còn không nghĩ rằng mình đã thất bại. Chúng chỉ nghĩ đơn giản mình đang học được điều mới. Thời điểm đó, Carol cho rằng phẩm chất của mỗi người đã được quyết định từ khi họ sinh ra. Bạn thông minh, hoặc là không thông minh. Bạn hay gặp thất bại, nghĩa là bạn không thông minh. Ngược lại, người thông minh sẽ luôn có được thành công và không bao giờ bị thất bại. Những vất vả, sai lầm, hay tính kiên trì, đều không có trong từ điển của những người thông minh.

Thế nhưng, những đứa trẻ kia đã chứng tỏ rằng phẩm chất của con người, như trí thông minh, hoàn toàn có thể thay đổi nhờ vào nỗ lực. Đây không chỉ là cảm giác – mà sự thực là nỗ lực vượt qua thử thách sẽ khiến bộ não của bạn phát triển hơn. Đó cũng chính là điều các em đang làm, phát triển trí não hay nói cách khác, là trở nên thông minh hơn. Vậy, phát hiện này có ý nghĩa thế nào đối với chúng ta?

Nó cho thấy cách chúng ta tư duy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế nào. Có hai loại tư duy: Fixed mindset (Tư duy bảo thủ) và Growth mindset (Tư duy cầu tiến). Nếu bạn tin rằng phẩm chất của mình là thứ được “cha mẹ sinh ra”, khả năng là bạn đang có Tư duy bảo thủ. Bạn tin rằng mỗi người chỉ sở hữu một trí thông minh nhất định, một tính cách nhất định, một nhân phẩm nhất đinh. Mọi điều bạn gặp phải đều là ‘bài kiểm tra” để chứng minh những tính cách này. Và bạn phải gồng mình chứng tỏ sự thông thái của mình hết sức có thể! Đây cũng là lí do tại sao những người có Tư duy bảo thủ thường hay ngại đón nhận thử thách. Họ sợ rằng những sai lầm sẽ “vạch trần” trí thông minh có hạn của mình.

Tư duy cầu tiến thì hoàn toàn ngược lại. Tư duy cầu tiến dựa trên niềm tin rằng phẩm chất của một người hoàn toàn có thể thay đổi nhờ vào nỗ lực. Tư duy cầu tiến không có nghĩa là mỗi người đều có tài năng và phẩm chất như nhau, nhưng nó nhấn mạnh rằng mọi người đều có thể phát triển nếu biết chăm chỉ, kiên trì, và nhận được sự dẫn dắt đúng đắn. Tại sao phải mất thời gian để “tỏ ra thông minh” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể trở nên thực sự thông minh hơn.

Hãy lấy ví dụ về một nhân vật cực kì nổi tiếng trong làng thể thao – Michael Jordan. Michael có thể không phải là người giỏi nhất, nhưng là vận động viên chăm chỉ nhất lịch sử thế giới thể thao. Nhiều người có lẽ đã biết câu chuyện Jordan từng bị loại khỏi đội tuyển bóng rổ ở trường khi còn học trung học, anh không được chọn vào đội tuyển khi lên đại học, cũng đã từng bị 2 đội bóng NBA (giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ) từ chối. Có phải do họ ngu ngốc quá chăng?

Giờ đây Michael đã được biết đến như huyền thoại bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. Chúng ta nghĩ rằng tài năng của anh hẳn đã được bộc lộ từ nhỏ. Ai ai cũng biết đến MICHAEL JORDAN. Thế nhưng, cũng đã có lúc MICHAEL JORDAN chỉ là một Michael Jordan mà thôi.

Khi bị loại khỏi đội tuyển trường trung học, Michael vô cùng suy sụp. Mẹ anh bảo “hãy tự kiểm điểm mình đi”. Liệu anh ta có nghe lời không? Thời gian sau đó, Michael thường rời nhà từ lúc 6 giờ sáng để đến trường luyện tập suốt 3 giờ mỗi ngày trước khi giờ học bắt đầu. Michael sở hữu một Tư duy cầu tiến tuyệt vời. Anh ta tin rằng mình có thể thay đổi nhờ luyện tập chăm chỉ, và đó là cách anh trở thành một Jordan mà chúng ta biết đến ngày hôm nay.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể khắc sâu Tư duy cầu tiến vào trí óc của mình và của người khác?

Chỉ riêng việc ý thức được có hai loại tư duy khác nhau đã có thể mang lại kết quả hoàn toàn khác biệt. Bên cạnh đó, một điều khác chúng ta có thể làm là biết suy nghĩ thấu đáo hơn mỗi khi khen ngợi người khác. Khi cha mẹ khen ngợi con cái vì sự chăm chỉ, vì lòng kiên định, vì những nỗ lực mà con đã bỏ ra, con sẽ học được cách biết đón nhận thử thách.

Khen ngợi tài năng của trẻ, mặt khác, sẽ làm các em yếu đuối hơn. Khi bạn nói với con: “Con làm bài này nhanh quá, thật ấn tượng”. Con sẽ vô thức nghĩ rằng: “Nếu mình không làm nhanh thì sẽ không khiến bố mẹ ấn tượng nữa.” Hay: “Con thật là thông minh, không ôn tập gì mà vẫn được điểm A.”, các con sẽ nghĩ: “Ồ, vậy nếu mình có ôn tập, bố mẹ sẽ không cho là mình thông minh nữa.

Thay vào đó, mỗi khi bạn muốn khen ngợi con, hãy cố gắng khen ngợi “nỗ lực” thay vì “tài năng”, chẳng hạn: “Bố thích cách con đã cố gắng suy nghĩ nhiều hướng giải quyết khác nhau khi giải bài toán này. Con đã ráng thử nhiều cách và cuối cùng cũng tìm được cách giải đúng.” Mặt khác, khen ngợi trẻ “thông minh” là một trong những sai lầm lớn nhất mà cha mẹ hay mắc phải. Trong một nghiên cứu, người ra phát hiện ra rằng việc ngợi khen một người thông minh có thể làm giảm IQ của người đó!

Bàn về vấn đề này, chúng tôi thường nghe được một câu hỏi rất phổ biến: “Chúng ta có thể có cùng lúc cả hai loại tư duy này không?”. Rất nhiều người có biểu hiện của cả hai loại tư duy. Bạn có thể sẽ có tư duy khác nhau đối với nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như tôi nghĩ rằng tính cách của tôi là cố định, không thể thay đổi được, nhưng trí thông minh của tôi thì có thể phát triển. Hay, kỹ năng xã hội của tôi vốn đã là như thế rồi, nhưng sự sáng tạo của tôi thì là vô hạn.

Tiến sĩ Carol phát hiện rằng, đối với một lĩnh vực, dù bạn có mang tư duy nào, thì lối suy nghĩ đó cũng sẽ đưa bạn về lại đúng lĩnh vực đó. Chúng ta luôn có lựa chọn. Tư duy chẳng qua cũng chỉ là loại niềm tin mà thôi. Cũng như niềm tin có thể thay đổi, chúng ta luôn có thể thay đổi tư duy của mình. Do vậy, hãy cố gắng luôn suy nghĩ theo lối “cầu tiến” bất cứ khi nào bạn đối diện với thử thách, và nhờ vậy, bạn sẽ có thể trở thành một chính mình tốt hơn bạn của ngày hôm qua.

Cảm ơn bạn đã theo dõi. Nếu bạn thích video này, đừng quên bấm “like” và đăng ký (subscribe) để được theo dõi những nội dung tương tự. Đừng quên để lại bình luận hay câu hỏi bên dưới, và đến với Everest Education để khám phá cách chúng tôi áp dụng những phương pháp này trong lớp học như thế nào nhé.

Để lại ý kiến