Món quà từ những bài học

Nội dung

Gửi đến các em học sinh thương mến,

Tôi nhận ra sự căng thẳng thấp thoáng trên gương mặt cô học trò nhỏ của mình, trĩu nặng những nỗi lo về tất cả những kỳ vọng của ba mẹ và thầy cô đang đặt trên vai em. Đam mê tìm hiểu, học hỏi những điều mới, em đã bỏ quên đâu đó rồi. Có lẽ là để dọn chỗ cho những mục tiêu về kỳ vọng mà mọi người đặt ra cho em. Trong mỗi tiết học, tôi và em cũng cùng nhau đặt ra những mục tiêu cụ thể, là cải thiện được một kỹ năng nào đó, biết cách ứng dụng một kiến thức nào đó vào bài tập. Thế nhưng, ngoài việc giúp hai cô trò mình đo được tiến độ học tập, bản thân những mục tiêu đó không là đích đến duy nhất cho việc học của em.

Em có thể lại hỏi tôi những câu rất bâng quơ: “Học cái này để làm gì vậy cô?” Chúng ta học để làm gì nhỉ? Chỉ để đạt được từng bước tiến đặt ra vào mỗi buổi học? Chỉ để cho qua được kì thi tuyển vào ngôi trường quốc tế mà phụ huynh em mong muốn? Để du học? Kỳ vọng phải cao xa như thế nào mới được gọi là mục tiêu? Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng từng tự hỏi mình như vậy.

Nhớ lại năm cuối của trung học cơ sở, khi kì thi tuyển sinh trung học phổ thông đang cận kề. Cũng như em, tôi cũng ôm bài vở và nỗi lo, chống mắt vượt qua cơn buồn ngủ mỗi đêm để đến được với kỳ vọng vào một ngôi trường tốt như ba mẹ mình mong muốn. Có những lần ngáp dài bên bài học, xung quanh mình chỉ có chiếc quạt trần còn thức và hăng say làm việc, thì đều có ly sữa nóng và những cái vỗ vai của mẹ giúp tôi lấy lại năng lượng tiếp tục ôn luyện. Còn mẹ, thương con gái nên cũng bật ti-vi, xem qua loa vài chương trình tiếng anh để thức cùng con. Hai giờ sáng chưa bao giờ là quá muộn cho những đêm đèn sách ấy.

Trong hệ thống giáo dục công lập tại Việt Nam, có thể nói, kì thi tuyển trung học phổ thông là cánh cửa quan trọng đầu tiên, quyết định tương lai của mỗi em học sinh. Ở đây, một hệ thống giáo dục được tạo ra như để rèn luyện tinh thần cũng như kỹ năng cho các em để vượt qua những kì thi gắt gao này. Một tháng trước kì thi, cảnh các em học sinh miệt mài ngày đêm ở trường, ở nhà là điều không hiếm. Phụ huynh, với kỳ vọng lớn và cũng vì thương con mà căng thẳng không kém. Ngày thi đến, sẽ không lạ gì khi thấy đường phố ngăn nắp, bảo vệ và cảnh sát túc trực những con đường ngã tư lớn gần trường học, đảm bảo cho một ngày thi diễn ra tốt đẹp.

Kì thi này mang tính quyết định đến con đường học tập của mỗi cá nhân như thế nào? Nếu đạt điểm vào những trường chất lượng cao, các bạn học sinh sẽ được tiếp cận với môi trường học tốt hơn, được giảng dạy bởi những giáo viên có kinh nghiệm hơn, và quan trọng nhất là, được đến gần hơn với những cơ hội học tập quốc tế. Những bạn điểm thấp hoặc không may trượt khỏi trường điểm sẽ phải theo học một số trường tư thục (hệ thống trường tự do và không chất lượng bằng hệ thống trường công).

Điều đáng nói ở đây là, khả năng đậu vào các trường điểm không chỉ phụ thuộc vào tinh thần học tập mà còn cả về may mắn. Tôi còn nhớ, ba mẹ mình suốt ngày chép miệng, đau đáu cầu cho, trước mắt là làm sao cho tôi khỏe mạnh, minh mẫn hoàn thành bài thi, và hai là năm nay các trường điểm sẽ không tăng điểm sàn. Bằng sự cố gắng, và cũng có cả may mắn, tôi đậu vào ngôi trường mình mong muốn. Nhưng tôi hụt hẫng khi nhận ra rằng, tôi đã bước vào một chặng đua khác, chuẩn bị cho kì thi đại học đầy thử thách.

Vào những năm phổ thông, lại trải qua những ngày tháng căng thẳng gồng gánh những kỳ vọng lớn, tôi tự hỏi, mục tiêu học tập của mình nằm ở đâu? Không lẽ, lại một lần nữa con đường học tập tương lai của tôi lại phụ thuộc vào một sự may mắn mơ hồ? Tính kỷ luật và sự cần mẫn mà tôi được rèn luyện bao lâu nay là điểm mạnh duy nhất của tôi trong môi trường này. Nhưng tôi còn muốn khám phá thêm nhiều cơ hội và kỹ năng khác nữa. Nếu quyết định rẽ hướng, tôi có thể tìm thấy mục tiêu lâu dài không?

Tôi thử thách bản thân mình khi quyết định đi du học. Trên đất nước Mỹ, xa xôi khỏi những thói quen và con đường mòn được vẽ trước, tôi khám phá ra được những đam mê và mục tiêu mới trong hành trình học tập của mình. Tôi còn nhớ, trong một lớp đại cương năm nhất đại học, một vị giáo sư đã chia sẻ với tôi rằng: điều ý nghĩa nhất mà một người thầy có thể làm là tặng cho học trò của mình những gói quà tri thức, còn trách nhiệm mở món quà ấy ra là do người học trò quyết định. Lời giảng ấy chưa một lần rời tôi từ khi bước vào ngành giáo dục. Và tôi luôn muốn học trò của mình học được cách lựa chọn thay vì tìm đến thành công bằng cách né tránh thử thách và thất bại.

Tôi đã từng là một người học sinh, thích thú mở ra những món quà do những người thầy của tôi trao tặng. Giờ đây, là một giáo viên, tôi vẫn không ngừng nhận được những món quà ý nghĩa qua mỗi giờ đứng lớp, mỗi câu hỏi từ các em học sinh, và qua sự hoàn thiện bản thân từ chính các em. Một nguồn cảm hứng vô hạn cho mỗi ngày làm việc của mình.

Và tại lớp học nhỏ này cũng vậy, tôi luôn mong em sẽ đón nhận những món quà kiến thức được chuẩn bị với tất cả nhiệt huyết của tôi trong mỗi bài học, với một sự tò mò, đam mê khám phá. Và tôi cũng mong, đam mê học tập sẽ luôn là mục tiêu để nỗ lực không ngừng của bản thân em.


Để lại ý kiến