Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào nhân loại và buộc chúng ta phải đối mặt với những thách thức đa chiều, trong đó nổi bật có vấn đề giáo dục. Không chỉ đơn thuần là chuyển sang hình thức trực tuyến, đại dịch còn buộc chúng ta kiểm chứng lại hàng loạt khái niệm về các phương pháp, ý tưởng xoay quanh dạy và học, vai trò của công nghệ và sự kết nối xã hội trong suốt thời kỳ khắc nghiệt này.
Đại dịch đã khiến hơn 1,5 tỷ học sinh toàn cầu không được đến trường. Nhiều bậc phụ huynh, giáo viên và nhà giáo dục hiện đang băn khoăn: Liệu đại dịch có thay đổi cách chúng ta dạy và học? Đến khi nào học sinh có thể trở lại các lớp học? Liệu học sinh sẽ phải đón thêm một mùa tựu trường online? Có hay không việc, học online sẽ trở thành hình thức giáo dục chính thức trong tương lai? Và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em về mặt học tập, tinh thần và xã hội?
Ở Everest Education, chúng tôi chưa thể đưa ra câu trả lời rõ ràng nào trong thời điểm này. Điều duy nhất có thể chắc chắn là là: “chúng ta không thể nào trả lại một thế giới như trước khi có đại dịch” - như lời tổ chức UNESCO đưa ra trong báo cáo cho Ủy ban Giáo dục Tương lai Quốc tế(the International Commission on the Futures of Education). Tuy nhiên, một tia sáng trong đại dịch phải kể đến, đó là cơ hội để chúng tôi thử nghiệm các phương pháp dạy học sáng tạo Everest Education chưa có cơ hội thử, trong nỗ lực nhằm hỗ trợ các gia đình và học sinh tiếp tục học tập mà không bị gián đoạn. Chúng tôi cũng thấy được tương lai đầy hứa hẹn của giáo dục - khi mà “đi học” không chỉ mang nghĩa là “xách cặp đến lớp” nữa.
Bài viết này là bản phác họa về nền giáo dục toàn cầu thời hậu COVID. Chúng ta, dù muốn hay không, đã dần thích nghi với sự giãn cách xã hội. Bây giờ là lúc chúng ta, đặc biệt là các bậc phụ huynh nhìn nhận các vấn đề sắp xảy đến, những điều đáng mong đợi và những việc có thể làm để giúp con em có thể chuyển tiếp thuận lợi sau khi thoát khỏi tình huống không mong đợi này.
1. Lớp học trực tuyến: Học tập từ xa vẫn tiếp diễn
Giáo dục trực tuyến từ lâu được xem là một phương thức giáo dục thay thế, đặc biệt phù hợp với học sinh cuối cấp, sinh viên đại học. Trước khi COVID-19 bùng phát, đã có sự tăng trưởng và áp dụng công nghệ vào giáo dục, với các khoản đầu tư vào edtech (công nghệ giáo dục) toàn cầu đạt 18,66 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019 và thị trường cho giáo dục trực tuyến dự kiến đạt 350 tỷ đô la vào năm 2025.
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã buộc toàn thể giáo viên và học sinh mọi độ tuổi phải nhanh chóng thích ứng với các lớp học trực tuyến. Trong cuộc khủng hoảng do vi rút corona này, nhiều quốc gia lập tức triển khai các công cụ giáo dục kỹ thuật số để tiếp tục giảng dạy khi trường học đóng cửa.
Tất nhiên, việc này mang đến không ít thách thức. Nhiều em học sinh gặp khó khăn khi theo học các lớp học trực tuyến do thiếu các kỹ năng sử dụng công nghệ. Hiệu quả của việc học trực tuyến cũng khác nhau giữa các nhóm tuổi vì trẻ nhỏ dễ bị phân tâm hơn. Ở Việt Nam, có thể thấy nhiều phụ huynh vẫn còn hoài nghi về chất lượng của hình thức học trực tuyến này.
Những thách thức nêu trên đòi hỏi chúng ta bỏ ra nhiều nỗ lực để thay đổi. Nhiều trường học đã áp dụng các cách tiếp cận để nâng cao điều kiện học tập. Các nền tảng hội nghị trực tuyến, chẳng hạn như Zoom và Google Meet, đã cho phép giáo viên và chuyên gia từ mọi nơi trên thế giới tham gia các lớp học trực tuyến và ghi lại buổi học để từng em học sinh có thể xem lại vào thời điểm thuận tiện nhất. Hơn nữa, trước tầm quan trọng của việc học thực hành, học qua trải nghiệm, chúng ta đã chứng kiến nhiều đổi mới sáng tạo như các công nghệ thực tế ảo - cho phép học sinh có những chuyến tham quan sống động như thật, hay phòng thí nghiệm trực tuyến. Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng nhiều nền tảng học tập kỹ thuật số kể từ COVID-19, từ những ứng dụng dạy ngôn ngữ, dạy kèm trực tuyến, nền tảng hội nghị trực tuyến cho đến phần mềm học trực tuyến. Nhiều học sinh, sinh viên cũng đang tận dụng các cơ hội học tập trên các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất, từ khám phá các hashtag về giáo dục của TikTok như #LearnOnTikTok đến Thư viện kiến thức kỹ thuật số của Facebook - Digital Literacy Library.
Ở các lớp học trực tuyến của Everest, chúng tôi vô cùng tự hào khi thấy học sinh của mình, ngay cả những em nhỏ tuổi nhất, trở nên cởi mở hơn, sử dụng công nghệ thành thạo hơn và được tiếp thêm năng lượng để không ngừng học hỏi. Đó là một dấu hiệu tích cực, cho thấy các em đang dần làm chủ công nghệ để kết nối, học hỏi, khám phá và sáng tạo..
Tiên phong phát triển mô hình và ứng dụng công nghệ nền tảng học tập trực tuyến từ năm 2015, Everest Education tự hào có bề dày kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến tại Việt Nam. Các lớp học trực tuyến của chúng tôi không giống như các giải pháp tạm thời dành cho giáo dục trực tuyến như Google Classroom, Zoom, Skype hoặc các công cụ lớp học trực tuyến khác. Với tiến bộ công nghệ và quan trọng hơn, sự tận tụy của đội ngũ giáo viên của Everest - chúng tôi tự hào mang đến trải nghiệm học tập tương tự tại lớp học trực tiếp cho học sinh của mình. Các em không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn được vui chơi và thử thách bản thân trong các lớp học học trực tuyến của Everest.
Những thay đổi này cũng vẽ ra tương lai đầy hứa hẹn của giáo dục, và những thay đổi nhanh chóng trong các phương thức giáo dục, để không một em học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Chúng ta hãy cùng chờ xem, khía cạnh nào của giáo dục trực tuyến vẫn được kế thừa trong nền giáo dục trong tương lai, khi mọi mầm mống từ COVID-19 bị đẩy lùi. Hiện tại, con đường để tiếp cận giáo dục đang ngày càng rộng mở, và vẽ ra bức tranh cơ hội để các hình thức giáo dục trực tuyến được tiếp cận với nhiều thế hệ học sinh hơn.
Tóm lại, “học cách học” đang trở thành kỹ năng cần thiết đối với mọi học sinh cần trang bị để sẵn sàng cho “nền giáo dục bình thường mới” trong tương lai. Trong cuốn sách 21 Bài học cho thế kỷ 21, học giả Yuval Noah Harari cũng nêu ra những kỹ năng như tư duy phản biện và khả năng thích ứng sẽ là những yếu tố then chốt mà học sinh cần có để thành công trong tương lai.
Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn
được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng
2. Khi con gặp khó khăn trong việc học: Sức khỏe tinh thần nên là yếu tố được quan tâm hàng đầu
Theo sự quan sát của chúng tôi, đã có nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần diễn ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là những trẻ lớn hơn, khi phải ở nhà trong thời gian dài. Đại dịch tiếp tục làm gia tăng chứng trầm cảm và lo âu ở học sinh. Theo một cuộc khảo sát của BestColleges.com, 95% sinh viên đại học đã trải qua các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tinh thần có liên quan đến COVID-19. Trong một nghiên cứu của Đại học Boston với 33.000 sinh viên chưa tốt nghiệp, 83% cho biết sức khỏe tinh thần tồi tệ đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc học. Nhiều học sinh, sinh viên phải đương đầu với sự giãn cách xã hội, bất an về kinh tế, lo sợ lây nhiễm vi-rút, lo lắng cho gia đình và áp lực học tập. Học sinh, sinh viên phải học tập tại nhà. Ngoài ra, các em còn phải chứng kiến các thành viên trong gia đình và bạn bè nhiễm bệnh, mất việc, thậm chí không qua khỏi. Thế giới đóng cửa. Những khủng hoảng tinh thần này ảnh hưởng đến kỹ năng tự học và tự quản lý của học sinh, sinh viên - những kỹ năng đòi hỏi tính kỷ luật, cam kết cá nhân, động lực, v.v.
Thời điểm đại dịch đạt đỉnh, nhiều trường cao đẳng và đại học đã nâng cấp mức độ ưu tiên của họ đối với sức khỏe tinh thần của sinh viên. Ví dụ, Đại học Harvard đã tăng gấp đôi quy mô Dịch vụ Tư vấn và Hỗ trợ Sức khỏe Tinh thần. Trường cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo trên web, các hội nghị và hoạt động trực tuyến, đồng thời xây dựng một mạng lưới cựu sinh viên mạnh mẽ để giúp sinh viên vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần. Hiện tại, trường UCLA cũng cung cấp lựa chọn sàng lọc chính thức và đang tiến hành các cuộc sàng lọc trực tuyến lớn để đánh giá mức độ lo lắng và trầm cảm ở 100.000 sinh viên, nhân viên và giảng viên.
>> What would it feel like to study online at Harvard? Listen to Chuyện Du Học podcast with Lê Mỹ Hiền – our College Compass student, who got a full-ride scholarship to Harvard, and now is experiencing her 2nd year at the school:
Đối với trẻ nhỏ, điều quan trọng là cha mẹ phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của con hơn bao giờ hết. Nhiều đứa trẻ vẫn đang ấp ủ hy vọng được trở lại trường và trở về với các hoạt động trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như mong đợi sẽ làm con cảm thấy tổn thương. Và trong nhiều tình huống, mối quan hệ bạn bè của con cũng có sự thay đổi, hoặc các con đang phải quen dần với nhịp sống mới thời Covid. Luôn có những khả năng khó lường gây ra tổn thương tinh thần ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Vì vậy, cha mẹ cần sát cánh cùng con khi học tập và ngoài giờ học, để lường trước những tình huống khi con trở lại lớp học. Ngoài ra, cha mẹ nên tận dụng thời gian này để giúp con rèn luyện tính kiên cường - khả năng nhận biết và bình tĩnh ứng phó với những thử thách xuất hiện trong cuộc sống. Đó cũng là chìa khóa cho tất cả chúng ta trong việc duy trì sức khỏe tinh thần.
3. Những điều cha mẹ cần lưu ý để giúp con tái hòa nhập thời hậu Covid
Không chỉ những cảm xúc con đang gặp phải, cha mẹ cũng có thể trò chuyện với con về những cảm xúc của những người bạn cùng trang lứa của con. Hãy giải thích với con, đặc biệt là với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, rằng không có khoảng thời gian nào trôi qua là lãng phí. Những tháng dịch bệnh kéo dài đã cho con cơ hội học cách giải quyết vấn đề và thích nghi với điều kiện mới. Có thể thoạt đầu con đã cảm thấy thất vọng, cô đơn, bối rối, và buồn bã, nhưng rồi cuối cùng con cũng đã vượt qua. Cha mẹ có thể liên hệ kinh nghiệm bản thân để giúp con rắn rỏi và kiên cường hơn, tìm tòi phương hướng giải quyết và thích nghi với sự thay đổi trong những tháng tiếp theo. Cha mẹ cũng có thể gợi mở cho con ý tưởng: giai đoạn khó khăn này cũng giống như khi chúng ta đi qua đường hầm. Khi ra khỏi đường hầm, chúng ta sẽ ở một hướng đi khác so với lúc bắt đầu đi vào. Để tiếp tục hành trình với hướng đi mới này, con sẽ phải tập quen với ánh sáng và tiếp nhận khung cảnh mới mẻ xung quanh. Ra khỏi đường hầm cũng là lúc con đã “về đích”, và đã hoàn toàn vượt qua mọi khó khăn.
Một ý tưởng khác để giúp con vượt qua căng thẳng tinh thần là kể cho con nghe những câu chuyện về sự kiên cường . Khá thú vị là nhiều phụ huynh có cùng chung thắc mắc: sau này, con của chúng ta sẽ kể gì với con của chúng về đại dịch. Chắc hẳn câu chuyện đáng mong đợi nhất sẽ là: Đó là khoảng thời gian khó khăn, dù vậy cha mẹ đã có được nhiều điều quý giá; thay vì: Đó là khoảng thời gian thật khủng khiếp và mọi thứ chẳng bao giờ tốt đẹp trở lại.
Nói tóm lại, cuộc chiến giữa thế giới và đại dịch vẫn chưa đến hồi kết. Vì thế, lường trước các tình huống xấu vẫn là điều cần thiết trong thời gian tới. Đừng khiến cho niềm tin của con trẻ vào người lớn trở nên lung lay bằng câu nói vô thưởng vô phạt: dịch bệnh khủng khiếp này sẽ không bao giờ xảy đến nữa. Thay vào đó, hãy luôn giữ tâm thế cởi mở, thoải mái và vui vẻ hậu Covid, dẫu rằng thực tế cho thấy thế giới sẽ không thể quay về thời điểm trước khi loài vi rút này xuất hiện.