Bí quyết dạy con học tập trung hiệu quả

Học sinh ở mọi độ tuổi đều có thể gặp khó khăn trong việc tập trung ngồi học trên lớp. Điều đó hẳn nhiên sẽ dẫn đến tình trạng học tập trên trường của con giảm sút, con không thể chú ý nghe giảng hay không thể tập trung ngồi yên hoàn thành bài tập về nhà. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng mất tập trung của trẻ - từ những vấn đề nhỏ như thiếu ngủ, chưa được dạy đúng phương pháp, cho đến những vấn đề nghe có vẻ to tát hơn như chứng ADHD

Tin tốt là: với sự dẫn dắt và đề ra những mục tiêu học tập đúng đắn, cha mẹ hoàn toàn có thể cải thiện khả năng tập trung chú ý của trẻ. Khả năng tập trung cũng giống như cơ bắp, cần được rèn luyện để trở nên “dẻo dai” hơn. Dưới đây là một vài bí quyết để cha mẹ có thể xây dựng cho con kỹ năng đó:


1. Thấu hiểu phong cách học tập của con (thị giác, thính giác, thực hành)

Học sinh sẽ có những cách học hoàn toàn khác nhauvà tiếp nhận thông tin khác nhau. Một số em học sinh sẽ nhớ bài học tốt hơn khi được nhìn thấy trực tiếp (visual), một số khác lại học bằng cách thính giác (auditory) và số khác học bằng cách cầm nắm, thực hành các thí nghiệm thực tế (kinesthetic). Xác định được con của mình có phong cách học tập thiên về hướng nào là một khởi đầu tốt để giúp cha mẹ hiểu được nên dạy con như thế nào, con gặp khó khăn ở đâu, làm sao để giúp con ghi nhớ nhanh hơn và lâu dài hơn.

>> Làm Trắc ngiệm vui sau đây để khám phá phong cách học tập của con.

Nếu con bạn là một Visual learner: Visual learner chỉ kiểu người học thiên về thị giác. Ở trường hợp này, trẻ sẽ tiếp thu tốt hơn nếu các em được trực tiếp nhìn thấy ví dụ cụ thể. Con sẽ tập trung hơn nếu con có thể được thấy, đọc to và thậm chí tự mình viết lại bài học. Bí quyết học tập cho những Visual learners:

  • Sử dụng flash cards – Phương pháp này đặc biệt phù hợp khi dạy con đánh vần, hay thậm chí là dạy về các khái niệm. Cha mẹ có thể viết các từ hay cụm từ lên những mảnh giấy và thường xuyên giơ lên cho con đọc, luyện tập cùng con để giúp con hiểu và khi nhớ nhanh hơn.
  • Vẽ minh họa – Yêu cầu con vẽ lại những gì đã học, thể hiện bài học bằng hình vẽ để con ghi nhớ tốt hơn.
  • Viết/ vẽ nháp – Phụ huynh để ý sẽ thấy khi học, trẻ thường xuyên vẽ vời lung tung trên sách vở mỗi khi con đang chán hay xao nhãng. Trên thực tế, việc viết/ vẽ nháp (doodle) có thể giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn, do vậy, phụ huynh hoàn toàn có thể lợi dụng điểm này để giúp con biết viết/ ghi chú/ vẽ minh họa lại những gì con đã được học.

Nếu con bạn là một Auditory learner: Auditory learner là những người học thiên về thính giác, ghi nhận thông tin tốt hơn bằng cách lắng nghe. Bí quyết học tập cho những Auditory learners:

  • Đọc to – Những đứa trẻ có phong cách học tập thiên về thính giác sẽ học tốt hơn khi tự đọc to bài học hoặc nghe người khác đọc cho mình ghi nhớ. Ở trường hợp này, cha mẹ có thể tìm những cuốn “sách nói” (audio books: là những bản ghi âm các nội dung sách) cho con nghe hoặc đọc sách cho con thay vì để con tự đọc sách giấy.
  • Cho trẻ nghe nhạc – Cho con nghe nhạc khi học cũng là một phương pháp đơn giản để giúp con tập trung làm bài hơn.

Nếu con bạn là một Kinesthetic learner: Những đứa trẻ có phong cách học tập Kinesthetic là những em có xu hướng học tập thông qua thực hành – việc cho sẻ cầm nắm, thực hành thực tế sẽ giúp con hiểu sâu và nhớ lâu hơn. Đối với những đứa trẻ này, cha mẹ nên tạo điều kiện để con tìm hiểu bài học thông qua các ví dụ thực tế, thay vì chỉ ngồi đọc hay viết. Bí quyết học tập cho những Kinesthetic learners:

  • Cho con cơ hội thực hành bài học qua những ví dụ thực tế, như làm thí nghiệm, chơi các trò chơi đóng vai, hay sử dụng đồ vật thật để minh họa
  • Chia bài học ra thành từng phần nhỏ, cho phép con thay đổi vị trí khi ngồi học (ví dụ cho phép trẻ ngồi trên sàn, ngồi trên bàn học, học ngoài trời, hay thỉnh thoảng cho con “đổi gió” bằng chỗ ngồi mới…)

2. Cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và ngủ đủ giấc

 

Balanced healthy organic ingredients of the high content of fats. Nutrition for the heart and blood vessels. Meat, fish and vegetables.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý có mối liên hệ trực tiếp đến mức độ tập trung của trẻ và có những loại thực phẩm khác nhau giúp tăng khả năng tập trung của trẻ. Ăn đồ ăn vặt hoặc thực phẩm giàu đường khiến trẻ uể oải trong khi thực phẩm giàu protein như hạnh nhân, trứng và thịt nạc có khả năng nâng cao nhận thức và tăng mức độ tập trung!

Vì vậy, cha mẹ nên cho con đi học với bữa sáng cân bằng bao gồm carbohydrate và protein (ví dụ như trứng và bánh mì nướng, bánh burrito đậu hoặc bột yến mạch và sữa chua) sẽ giúp con chú ý hơn trong lớp. Ngoài ra, hãy cắt giảm thức ăn nhanh càng nhiều càng tốt vì nghiên cứu mới cho thấy mối liên quan giữa đồ ăn vặt và các hành vi liên quan đến ADHD. Ba mẹ có thể tìm thêm thực phẩm tăng cường trí não cho con mình tại infographic này.

“Một giấc ngủ ngắn tầm 20 phút vào buổi chiều hay sau giờ học cũng giúp trẻ có thể tập trung tốt hơn.”

Bên cạnh đó, trẻ không được ngủ đủ giấc (ít hơn 8 đến 9 tiếng một ngày) sẽ dễ có nhiều vấn đề trong học tập cũng như kiểm soát hành vi, dẫn tới khả năng tiếp thu và kết quả học tập trên trường ngày càng giảm sút. Do đó, cha mẹ nên đặt ra một khung thời gian cố định cho con để đi ngủ, không cho phép trẻ sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất một tiếng trước khi ngủ, đồng thời giúp con có một không gian ngủ thật thoải mái như để gối mềm, gấu bông hay bất cứ thứ gì có thể khiến con thư giãn chìm vào giấc ngủ. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ (National Sleep Foundation) khuyến nghị trẻ em trong độ tuổi đi học từ 6 đến 13 tuổi nên ngủ ít nhất từ 9 đến 11 tiếng mỗi đêm, và 8 đến 10 tiếng mỗi đêm đối với thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi.

3. Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử

Ngày nay, không thể phủ nhận rằng TV hay các trò chơi điện tử đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ phụ huynh trông trẻ, giúp các con bớt cãi nhau hay than vãn “con chán quá!”. Tuy vậy, suy cho cùng, các thiết bị điện tử càng khiến khả năng tập trung của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu năm 2019 đã nhận thấy những em nhỏ từ 5 tuổi trở xuống và sử dụng nhiều hơn 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên các thiết bị điện tử sẽ có nguy có mắc chứng ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) cao hơn những đứa trẻ khác gấp 7,7 lần.

The Mayo Clinic khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không nên cho phép trẻ em từ 18 đến 24 tháng tuổi sử dụng các thiết bị điện tử. Đối với trẻ từ 2 đến 5 tuổi, con chỉ nên dùng các thiết bị điện tử tối đa 1 tiếng mỗi ngày và chỉ nên sử dụng những ứng dụng có ích. Đối với những em học lớn hơn, cha mẹ có thể tự “thương lượng” thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con, nhưng cũng nên giới hạn trong một khung giờ nhất định.

Dưới đây là một vài gợi ý dành cho cha mẹ để hạn chế bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con:

  • Đặt ra những khung thời gian hay khu vực cố định trong nhà không được dùng thiết bị điện tử
  • Yêu cầu con không được phép sạc điện thoại trong phòng ngủ khi đi ngủ
  • Hạn chế thời gian xem TV của con
  • Cố gắng không sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều để làm gương cho con

Phụ huynh cũng nên nghiên cứu thêm những cách khác giúp con bớt “nghiện” các thiết bị điện tử và áp dụng các cách phù hợp cho con em mình.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

4. Chia nhỏ bài học, công việc thành những phần nhỏ, dễ quản lý hơn

Đây là một trong những cách hữu hiệu dạy trẻ kiên trì vượt qua một thử thách nào đó. Ví dụ, con có thể gặp khó khăn khi một lúc phải đọc cả một cuốn sách dày, nhưng nếu chia nhỏ thành vài trang hay hay thậm chí vài đoạn, con sẽ có thêm động lực mỗi khi hoàn thành xong một phần nhỏ, và nhờ vậy biết cố gắng để tiếp tục hoàn thành cả cuốn sách. Bằng cách chia nhỏ công việc, trẻ sẽ hiểu rõ hơn con cần phải làm những gì cũng như có thể cảm nhận được bản thân mình có tiến bộ. Cảm giác này chính là nguồn động lực lớn để em hoàn thành công việc! Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực học tập, mà còn có thể áp dụng cho những hoạt động thường ngày của con như làm việc nhà nữa.

Lấy ví dụ cụ thể, khi dạy trẻ cách cột dây giày, phụ huynh có thể chia nhỏ “bài học” ra thành từng bước: bước đầu tiên là thuần thục cách thắt nút, sau đó mới là dùng hai dây để buộc thành nơ… cho đến khi con hiểu chính xác cách thắt dây giày là như thế nào. Một bí quyết khác về việc chia nhỏ công việc để giúp con tập trung hơn là sử dụng đồng hồ bấm giờ, ví dụ, bạn có thể nói với con: “Đây là một cuốn sách về các hành tinh (planets). Bố sẽ đặt đồng hồ 15 phút, trong thời gian đó, con hãy cố gắng ghi chú càng nhiều thông tin về sao Hoả càng tốt nhé!”

5. Thiết lập “chế độ” khen thưởng

Phần thưởng không nhất thiết lúc nào cũng phải là đồ chơi hay chocolate. Đó có thể đơn giản chỉ là một lời khen ngợi, hay thậm chí là lời hứa sẽ tạo điều kiện cho con học hỏi thêm nữa! Trẻ con thường có xu hướng lặp lại một hành động nào đó nếu các em được người lớn khen. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ hoàn toàn có thể “lợi dụng” tâm lý này để khắc phục những thói quen xấu và giúp con tập làm những thói quen tốt. Trên thực tế, phần thưởng và sự khen ngợi khi hoàn thành một điều gì đó sẽ tạo động lực rất hiệu quả đối với hầu hết trẻ em mắc chứng ADHD.

Tại Everest Education, chúng tôi luôn khuyến khích phụ huynh hãy khen thưởng nỗ lực, thay vì thành tích. Những nghiên cứu về khen ngợi và tư duy của trẻ đã chứng minh cha mẹ thường xuyên khen ngợi con “thông minh” sẽ khiến trẻ có xu hướng hình thành Tư duy Bảo thủ (Fixed mindset). Ngược lại, khen ngợi con vì nỗ lực sẽ giúp con phát triển Tư duy cầu tiến (Growth Mindset). Nó giúp con hiểu được rằng Nỗ lực mới là chìa khóa dẫn đến thành công.

Thay vì thưởng cho con một que kem khi con “giỏi”, một viên kẹo nếu con tập trung, hay thậm chí một vài phụ huynh còn thưởng tiền mỗi khi con đạt được điểm cao ở trường, chúng tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy cố gắng khen ngợi nỗ lực và sự chăm chỉ của con để giúp con chú ý hơn. Chỉ ra những tiến bộ của con dù chỉ là một bước tiến nhỏ. Và trên hết, dạy con hiểu rằng, khả năng tập trung cũng có thể rèn luyện như bất kỳ kỹ năng nào khác. Điều này sẽ giúp con dần phát triển được một “tư duy cầu tiến“.

Bạn muốn tìm hiểu thêm về những điều cha mẹ nên nói, và nói như thế nào, mỗi khi khen ngợi con cái? Theo dõi video này để được gặp gỡ Tony Ngo – Chủ tịch đồng thời là sáng lập viên của Everest Education, để được chia sẻ bí quyết và trải nghiệm cá nhân của chính Tony trong việc nuôi dạy con biết tự tin hơn.

Cuối cùng, bên cạnh việc chỉ ra những khuyết điểm, đừng quên chia sẻ và nhấn mạnh với con về những ưu điểm mà con sở hữu nữa. Khi trẻ biết được con giỏi ở một lĩnh vực nào đó, con sẽ có thêm lòng tự tin và động lực để cố gắng nếu vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Everest Education có thể làm gì để giúp học sinh tập trung hơn

Tại Everest Education, nhằm tránh những vấn đề như trên, chúng tôi thiết kế các lớp học sao cho có thể tạo được một môi trường gắn kết tất cả các em học sinh. Thầy cô không đơn thuần đứng trên bục giảng và nói thao thao bất tuyệt. Thay vào đó, các giáo viên tại Everest luôn tìm cách dẫn dắt học sinh học tập bằng những hoạt động thú vị, thử thách, và tạo thói quen cho học sinh biết tự học theo đúng tiến độ của mình.

Trong lớp Toán Singapore tại E2, học sinh được sử dụng các giáo cụ trực quan để liên hệ bài học với những ví dụ thực tế và tự mình tìm ra các quy luật toán học. Khi làm quen với một khái niệm mới, các em được giáo viên bắt đầu bằng những câu đố thú vị, từ đó suy nghĩ, tự tìm tòi và thử nhiều cách giải khác nhau cho đến khi tìm được cách giải đúng. Học sinh sử dụng hình ảnh, như các biểu đồ đoạn thẳng, để minh họa và thể hiện bài toán theo hướng dễ hiểu hơn. Chỉ đến khi các em đã hoàn toàn nắm vững khái niệm nhờ vào công cụ thực tế cũng như hình vẽ, các em sẽ dễ dàng ghi nhớ những công thức toán học trừu tượng. Đây chính là phương pháp CPA: Concrete (Cụ thể) – Pictorial (Hình ảnh) – Abstract (Trừu tượng) mà chúng tôi tâm đắc, đảm bảo nội dung bài học luôn mang lại sự hứng thú cũng như phù hợp nhất với trình độ của từng em học sinh.

Trong lớp tiếng Anh, học sinh trau dồi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết dưới một lộ trình và nội dung học tập được điều chỉnh theo đúng trình độ của em. Ví dụ khi học đọc, học sinh trong cùng một lớp sẽ có những trình độ đọc khác nhau. Tuy vậy, giáo viên sẽ dẫn dắt để em tự biết được khả năng của mình đến đâu, chọn cho em những cuốn sách Reading A-Z hay bài đọc Newsela phù hợp với trình độ đọc. Quan trọng hơn cả, học sinh được tự do lựa chọn đọc những chủ đề các em thích. Ví dụ, học sinh nam có thể đọc về bóng đá, hay học sinh nữ có thể lựa chọn đọc về chủ đề thám hiểm không gian nếu em thích. Nhờ vậy, thay vì quậy phá trong lớp, học sinh sẽ biết chủ động học tập một cách có trách nhiệm hơn. Kỹ năng đọc phát triển nhanh chóng đồng thời cũng sẽ tạo động lực để các em yêu thích việc học và tự tin mạnh dạn hơn. Thông qua phương pháp giảng dạy cá nhân hóa này, Everest Education chúng tôi tự tin có thể giúp học sinh tiến bộ nhanh gấp đôi so với việc em chỉ tự học ở trường.


Nguồn tham khảo:
https://www.understood.org/en/learning-thinking-differences/child-learning-disabilities/distractibility-inattention/understanding-your-childs-trouble-with-focus
https://www.mother.ly/child/cant-sit-still-7-expert-ways-to-help-your-child-focus
https://www.care.com/c/stories/5152/10-tips-for-getting-kids-to-pay-attention/
https://flintobox.com/blog/child-development/13-tips-increase-concentration-kids
https://www.pbs.org/parents/thrive/tips-for-helping-your-child-focus-and-concentrate

Để lại ý kiến