Khám Phá Những Mẹo Hay Ho Dạy Trẻ Tính Nhẩm Sáng Tạo Và Hiệu Quả

Nhắc đến “Mental Math” (tính nhẩm), nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến những màn “siêu trí tuệ” – nơi mà trẻ con có thể đọc bảng cửu chương vèo vèo, hay giải toán nhanh thần tốc.

Sự thật là, không phải đứa trẻ nào cũng thuộc nằm lòng bảng cửu chương, kể cả Stanford Math Professor Jo Boaler. Đã đến lúc cha mẹ nên dừng việc thúc ép con “học vẹt” bảng cửu chương và những công thức toán chán ngắt, vì việc có thuộc bảng cửu chương hay không, hoàn toàn không thể dùng để xác định khả năng học toán của trẻ.. Thế nhưng, vẫn có không ít phụ huynh tin rằng, việc thuộc làu bảng cửu chương là “thước đo” đánh giá sự thông minh của trẻ!

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ thực chất Mental Math – kỹ năng tính nhẩm là gì, và tầm quan trọng của phương pháp tính nhẩm trong những năm phát triển đầu đời của trẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đưa ra một số ý tưởng thú vị để cha mẹ dễ dàng giúp con rèn luyện tính nhẩm tại nhà.


1. Mental Math – Tính nhẩm là gì?

Mental Math – Phương pháp tính nhẩm là kỹ năng giải toán “trong đầu” mà không cần sử dụng giấy, bút hay máy tính. Phương pháp này thường được sử dụng để ước tính nhanh một phép tính thông qua các quy tắc toán học đã được học và ghi nhớ, chẳng hạn như phép nhân, phép chia hoặc phép cộng lặp lại (double facts).

Tuy nhiên, chúng ta không nên nhầm lẫn phương pháp tính nhẩm với việc ghi nhớ đơn thuần các quy tắc toán học cơ bản (như bảng cửu chương). “Thuộc lòng” các quy tắc toán học cơ bản chỉ giúp chúng ta tính nhẩm dễ dàng hơn, trong khi phương pháp tính nhẩm bao hàm cả quy tắc toán học và ứng dụng số học, phép tính để giải bài toán phức tạp hơn.

Theo Hiệp hội Giáo viên Toán học Manitoba (hiệp hội nghề nghiệp và giáo dục, được liên kết với Cộng đồng giáo viên Manitoba, Canada) định nghĩa, tính nhẩm là “sự kết hợp giữa các “chiến thuật” tư duy nhằm nâng cao năng lực cảm nhận và sự linh hoạt trong toán học. Người sử dụng phương pháp tính nhẩm không cần thiết bị hỗ trợ nào ngoài cách thực hiện phép tính ngay “trong đầu”. Tính nhẩm giúp cải thiện năng lực tính toán vì chúng giúp phát triển khả năng tính chuẩn xác, linh hoạt và hiệu quả.”

2. Lợi ích của việc tính nhẩm dựa trên các nghiên cứu

Tất cả chúng ta đều đang “tính nhẩm” trong nhiều công việc hàng ngày: mua sắm tại cửa hàng tạp hóa, khi đi trên phố hay thanh toán hóa đơn chi tiêu mỗi tháng. Không cần phải áp dụng đúng chuyên ngành, tính nhẩm cũng đã hữu ích cho các công việc thông thường và giúp chúng ta không phải băn khoăn trước những tình huống như:

  • Mặt hàng này sau khi giảm giá thì có giá bao nhiêu?
  • Liệu tôi có đủ tiền mặt để trả cho giỏ hàng này không?
  • Liệu nhân viên thu ngân có đưa đủ tiền thối lại không?
  • Để đến nơi đúng giờ thì nên bắt đầu đi lúc nào?

Trẻ em càng nên tăng cường thực hành tính nhẩm để củng cố năng lực toán học của mình, nhất là lứa tuổi nhỏ. Tính nhẩm giúp trẻ giải các phương trình và bài tập toán dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Tính nhẩm cũng giúp trẻ hiểu các khái niệm toán học tốt hơn. Thực hành tính nhẩm thường xuyên giúp trẻ cải thiện kỹ năng số học. Ví dụ, một hộp kẹo gồm 10 gói kẹo có giá 18,00$ hay từng gói kẹo lẻ có giá 2,50$/ gói, nên mua loại nào để tiết kiệm nhất? Thông qua thực hành tính nhẩm, trẻ:

  • Hiểu sâu hơn về toán học thay vì chỉ học thuộc công thức đơn thuần
  • Phát triển tư duy logic và suy luận
  • Cải thiện kỹ năng toán học ở tất cả các khối lớp
  • Ứng dụng vào công việc tương lai, bất kể trẻ theo đuổi lĩnh vực nào đi nữa.

Hiểu được các quy tắc toán học cơ bản, trẻ có lợi thế hơn khi học môn toán ở trường. Tính nhẩm các bài toán cộng, trừ cơ bản là bàn đạp để trẻ giải toán thành thạo và dễ dàng tiếp thu các kiến thức nâng cao.

3. Giúp con tính nhẩm tốt hơn bằng các “chiến thuật” rèn luyện thú vị

Có nhiều cách để rèn luyện tính nhẩm thông qua các tình huống quen thuộc hàng ngày. Ví dụ: các phép tính đơn giản xuất hiện trong hầu hết các hoạt động như đọc công thức nấu nướng, tính toán nguyên liệu , đếm số lượng thay đổi, kiểm tra hóa đơn hay đơn giản là ghi điểm trong trò chơi xếp chữ Scrabble,… Dưới đây là một vài “chiến thuật” giúp con rèn luyện tính nhẩm, được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, để trẻ học cách đặt phép tính “trong đầu”.

1. Đếm bội số

Ai đã từng chơi “năm mười” hẳn đều đã từng trải nghiệm cách đếm này. Đếm bội số là một trong những cách tiếp cận đầu tiên giúp tính nhẩm tốt hơn mà tất cả trẻ em nên học. Bản chất của phép nhân chính là phép cộng lặp lại cùng một số. Để thực hiện phép tính 5×2, con có thể nhẩm trong đầu: 2, 4, 6, 8, 10 hoặc 5 lần số 2. Nếu con biết các bội số cơ bản, ví dụ: bội của 2, 3, 5 và 10, con có thể dễ dàng đếm bội số 2, 3, 5 và 10. Nếu con biết được lên đến bội số của 10 thì cách đếm bội số này sẽ còn hữu ích hơn nữa. Hãy cho con dùng các ngón tay để hỗ trợ đếm bội số, con sẽ càng dễ dàng đếm bội số trong đầu hơn. Kết hợp cả hai sẽ giúp con không bị nhầm lẫn hoặc thiếu sót khi đếm bội số.

2. Làm quen với các “cặp số thân thiện” 

Một số cặp số khi tính tổng của chúng, ta có thể ra ngay kết quả trong đầu; đó gọi là những “cặp số thân thiện”. Ví dụ: 75 + 25 = 100, qua việc sử dụng tiền hàng ngày con có thể biết kết quả thật nhanh chóng. Mặc dù không phải lúc nào con cũng gặp những bài toán đơn giản như 75 + 25, nhưng con có thể kết hợp cặp số thân thiện với các cách tính nhẩm khác. Ví dụ: 78 + 25, hãy thay thế bằng 75 + 25 + 3 (tách biểu thức đề bài thành biểu thức mới có chứa cặp số thân thiện và một số khác).

3. Phương pháp cân bằng

“Cân bằng” các số trước khi thực hiện phép cộng chính là phương pháp mở rộng của “cặp số thân thiện”. Mục đích của “cân bằng” số là để tạo ra các cặp số thân thiện từ việc “mượn” một hoặc nhiều đơn vị từ số này và “chuyển” cho số kia. Ví dụ, với phép tính 68 + 57, 68 và 57 không phải là cặp số thân thiện, nhưng nếu “mượn” 2 từ 57 để “chuyển” cho 68, ta có phép tính đơn giản hơn 70 + 55. Ví dụ khác: với phép tính 57 + 48, hãy dạy con cách lập luận “cân bằng” số như sau:

  • Con hãy làm tròn những số đó thành 60 + 50 để thực hiện phép cộng dễ dàng hơn.
  • Con cần ghi nhớ con đã “mượn” 5 (“mượn” 3 để “chuyển” vào 57 và “mượn” 2 để “chuyển” vào 48) cho phép tính này. Vì vậy, con cần trừ 5 vào đáp án của phép tính trên.
  • Tính tổng sau khi làm tròn số: 60 + 50 = 110.
  • Kết quả cuối cùng, sau khi trừ đi 5: 110 – 5 = 105.

4. Một tia số tưởng tượng trong đầu 

Tia số là mô hình giúp con hiểu rõ giá trị, thứ tự trước sau của các con số. . Nếu con có thể nhắm mắt lại và hình dung một tia số trong đầu, con sẽ dễ dàng rèn luyện tính nhẩm. Cách tốt nhất để giúp con hình dung ra tia số trong đầu là dán tia số ở một số vị trí trong nhà để con nhìn thấy hay thường xuyên sử dụng trục số để giải toán. Tia số là nền tảng để con học các dãy số đặc biệt như: dãy số chẵn, dãy số tròn chục,… Khi con đã có thể dễ dàng mường tượng ra các dãy số đặc biệt này trong đầu, con hoàn toàn có thể sử dụng tính chất đặc biệt của nó để tính nhẩm.

5. Sắp xếp vị trí các chữ số, phép tính

Khi giải toán trên giấy, chúng ta thường thực hiện phép tính theo đúng thứ tự của đề bài. Khi tính nhẩm, chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp lại vị trí các phép tính để tính toán dễ dàng hơn. Ví dụ, hãy suy nghĩ phép tính 6 – 3 + 2 + 4 + 8 trong đầu, chúng ta có thể sắp xếp lại thành (6 + 4) + (2 + 8) – 3, kết quả chúng ta có tổng của hai số 10, sau đó chỉ việc trừ đi 3. Tuy nhiên, để làm được điều này, con sẽ phải có khả năng ghi nhớ tốt để sắp xếp các con số trong đầu.

6. Dùng các mẹo giải toán trong phép nhân

Bảng cửu chương có thể là trở ngại trong lúc con tính nhẩm, nhất là ở lứa tuổi tiểu học. Tuy nhiên vẫn có một số mẹo tính nhanh con có thể áp dụng:

  • Một số nhân với 1 thì bằng chính nó.
  • Một số nhân với 10, ta thêm số 0 vào cuối số đó để ra kết quả.
  • Một số bất kỳ từ 1 đến 9 khi nhân với 11 thì kết quả chính là số đó lặp lại hai lần. (ví dụ: 9×11 = 99)

Kết hợp các mẹo này lại với nhau, con sẽ có đến 60 trường hợp khác nhau có thể tính nhẩm được mà không cần phải ghi nhớ.

7. Làm tròn số khi nhân với 9

Có nhiều cách đơn giản để biến các phép tính khó nhằn trở nên đơn giản hơn để tính nhẩm. Con có thể áp dụng cách làm tròn số và khả năng ghi nhớ kiến thức toán học (math facts fluency) để thực hiện phép nhân một số bất kỳ với 9, 99, 999,.. Các bước tổng quát để con thực hiện phép nhân một số bất kỳ (tạm gọi là “a”) với 9: đầu tiên, con hãy làm tròn 9 thành 10. Sau khi đã tính toán kết quả của phép tính a x 10, con hãy lấy kết quả trừ đi a để được kết quả cuối cùng. Ví dụ: cho phép tính 67 x 9, ta có 67 x 10 – 67 = 603. Tương tự, 67 x 99 = 67 x 100 – 67. Cách này có thể mất nhiều bước để ra kết quả, tuy nhiên biến đổi phép tính sẽ giúp tính toán nhanh hơn và giúp con dễ dàng tính nhẩm.

8. Ước tính đáp án

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tính nhẩm để nhanh chóng có đáp án (tương đối), không cần chính xác 100%. Nếu cần đáp án chính xác, chúng ta thường sẽ dùng máy tính hoặc giải trên giấy. Do đó, hãy gợi ý với con rằng, con hoàn toàn có thể ước tính đáp án khi con tính nhẩm nếu phép tính đó quá phức tạp. Khi tính tổng, con có thể chỉ tính tổng các số có giá trị lớn nhất, đáp án chính xác chắc chắn sẽ “nằm gần” tổng các số có giá trị lớn nhất đó. Con có thể kiểm chứng đáp án bằng cách giải chi tiết ra giấy hoặc dùng máy tính.

Lời khuyên từ Everest Education

Các “chiến thuật” rèn luyện tính nhẩm vừa được giới thiệu sẽ rất thú vị và vui nhộn đối với một số học sinh, đặc biệt, các em sẽ có cảm nhận sâu sắc hơn về toán học. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng cảm thấy phương pháp tính nhẩm “hấp dẫn”. Một lời khuyên dành cho phụ huynh trước khi hướng dẫn con cách rèn luyện tính nhẩm, đó là: hãy đi thật chậm từng bước và chỉ tiếp tục KHI con thật sự chú ý. Một vài phút rèn luyện tính nhẩm cũng có thể trở nên quá dài, vì thế, đừng khiến việc học trở nên tẻ nhạt. Nếu tính nhẩm không phải là điều con thích thú khi học toán, cha mẹ hoàn toàn có thể ngừng dạy con phương pháp này. Thay vào đó, hãy thử áp dụng những phương pháp khác, chẳng hạn như chuyển qua học hình học hoặc dạy học qua câu đố, miễn là chúng thật sự hấp dẫn con:

  • Các trò chơi toán học thú vị và đơn giản là một ý tưởng tuyệt vời, không những khơi dậy khả năng tính nhẩm của con, mà còn là cách lý tưởng để cải thiện kiến thức toán học. Nếu cha mẹ đang tìm kiếm các hoạt động hỗ trợ dạy con rèn luyện tính nhẩm, hãy khám phá một số hoạt động học toán vui nhộn từ bài viết của chúng tôi tại đây: https://blog.e2.com.vn/vi/nhung-tro-choi-toan-hoc-thu-vi-danh-cho-tre-tieu-hoc/
  • Kết hợp sử dụng các ứng dụng và trang web học toán giúp con có môi trường vận dụng và hình thành các phương pháp quan trọng rèn luyện tính nhẩm. Quizlet là trang web giáo viên của chúng tôi đặc biệt yêu thích và sử dụng rất thường xuyên trong các lớp học giảng dạy chương trình Toán Singapore tại Everest Education, và là một gợi ý cho cha mẹ giúp con cải thiện tính nhẩm.
  • Sử dụng thành thạo một phương pháp rèn luyện tính nhẩm trước khi chuyển sang phương pháp tiếp theo và thường xuyên ôn luyện các phương pháp. Khi con dần tính nhẩm tốt hơn, hãy gợi ý con áp dụng các cách tính nhẩm vào bài toán sao cho phù hợp nhất.

Tính nhẩm thật sự có tác động đến việc học toán của con. Để các phương pháp rèn luyện tính nhẩm phía trên phát huy hiệu quả, con cần luyện tập thường xuyên mỗi ngày hoặc vài lần mỗi tuần. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua bài viết, phụ huynh sẽ có thêm nhiều ý tưởng giúp con nâng cao kỹ năng tính toán, giúp con nắm vững các khái niệm toán học nâng cao và giúp con học toán một cách vui vẻ.

Nếu quý vị có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn chúng tôi khai thác, vui lòng để lại bình luận bên dưới. Quý vị cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho cha mẹ tại https://blog.e2.com.vn/vi/category/parents/

_

Nguồn tham khảo:
https://www.verywellfamily.com/what-is-mental-math-620915
https://www.kidsacademy.mobi/storytime/how-to-teach-mental-math/
https://www.doon.ca/single-post/2018/06/29/how-to-teach-your-children-to-do-mental-math
https://www.3plearning.com/blog/mental-math-strategies/
https://www.lexingtonma.org/bowman-elementary/wp-content/uploads/sites/10/2019/06/Mental-Math-Part-2.pdf

Để lại ý kiến