Giải thích cho con như thế nào về tình hình ở Ukraine

Trong vài tuần trở lại đây, cả thế giới đang chứng kiến căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nga và Ukraine qua các phương tiện truyền thông. Có thể nói, với tốc độ truyền tin mạnh mẽ, tin tức đã nhanh chóng phủ sóng trên internet, TV, báo đài,… Và trẻ em, bằng cách này hay cách khác đã và đang tiếp thu một lượng thông tin nhất định về những gì đang diễn ra ở phía Bắc bán cầu.

Trẻ em cần (và thật ra rất mong muốn) được nói về những gì các con nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận. Tuy nhiên, việc này cần đến sự hướng dẫn của phụ huynh để giúp trẻ tránh các suy nghĩ tiêu cực. 

Chúng tôi tin rằng, bằng cách cởi mở, thẳng thắn cùng một chút cẩn trọng trong lời nói, phụ huynh có thể giúp các con hiểu đúng tình hình, và không rơi vào cảm xúc tiêu cực. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số gợi ý cho phụ huynh để giải thích cho con về tình hình ở Ukraine.


1. Đầu tiên, vì sao nên nói chuyện với con về tình hình ở Ukraine nói riêng và các sự kiện tương tự nói chung?

Tiến sĩ Gene Beresin, giám đốc điều hành của trung tâm The Clay Center for Young Healthy Minds tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston cho biết: trẻ nhỏ, thanh thiếu niên thường đặt ra loạt câu hỏi khi có xung đột, chiến tranh xảy ra như: Liệu con có an toàn không? Những người thân của con có an toàn không? Điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của con như thế nào?

“Rất nhiều trẻ em chứng kiến sự kiện 11 tháng 9 qua TV, chứng kiến vụ đánh bom Oklahoma qua TV, chứng kiến thảm họa Challenger qua TV, đều mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder), Tiến sĩ Beresin chia sẻ.

Chia sẻ này cho thấy sự bất an và những hệ quả của nó khi một đứa trẻ chứng kiến một cuộc chiến, dù là qua TV đi nữa là rất lớn. Đó là lý do tại sao một số chuyên gia cảnh báo không nên để sóng truyền hình liên tục đưa tin về chiến sự này.

Để giữ cho tinh thần trẻ nhỏ không phải chịu đả kích lớn từ những hình ảnh về giao tranh, phụ huynh nên sớm trò chuyện, làm sáng tỏ những thắc mắc của trẻ và đồng thời trấn an để con trẻ cảm thấy an toàn.

?? Đúng 14h (giờ Ba Lan), chuyến bay QH9066 khởi hành từ Warsaw đưa 300 người (sơ tán từ Ukraine), đã cất cánh để trở về quê hương. Nguồn: Thông tin Chính phủ

2. Những điều phụ huynh cần làm với con ngay lúc này!

Dưới đây là một vài lời khuyên từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) dành cho phụ huynh và giáo viên áp dụng cho trẻ tiểu học – đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong thời kỳ có giao tranh nổ ra trên thế giới. Xin lưu ý rằng, gia đình cần chọn lọc những hành động phù hợp với từng trường hợp, tính cách và thái độ của con trẻ.

  • Trò chuyện với con: Khi con có thắc mắc, hãy giải đáp thẳng thắn, đơn giản và kèm theo sự trấn an. Hãy hỏi con xem con đang cảm thấy như thế nào và đừng cố ngay lập tức “dập tắt” cảm xúc của con. Khi con nói rằng con đang sợ hãi, phụ huynh hãy đáp lại rành mạch để con cảm thấy được giải tỏa: Cha mẹ biết là con đang sợ, đừng quá lo lắng, có cha mẹ ở bên cạnh rồi!
  • Gia đình sẽ luôn là “hầm trú ẩn” về mặt tinh thần cho con: Dành nhiều thời gian cho con trẻ, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm này. Hãy duy trì các hoạt động gia đình một cách thường xuyên như cùng con hoạt động, thể thao, đọc sách hoặc ôm con vào lòng.
  • Hạn chế cho con tiếp xúc với tin tức về cuộc xung đột: Chúng ta không giấu con trẻ về những sự kiện đang xảy ra, chúng ta chỉ hạn chế con trẻ tiếp nhận quá nhiều thông tin trong thời gian dài. Hãy chuyển kênh TV khi có tin tức chiến tranh đang chiếu, cất gọn gàng những tờ báo có nhiều hình ảnh về chiến tranh, theo dõi việc sử dụng Internet của con để đảm bảo con không truy cập vào các trang web đưa tin, hình ảnh giật gân về chiến tranh.
  • Quan sát sự thay đổi trong thái độ hàng ngày của con: Con có căng thẳng hơn hay không? Con có dễ tức giận hơn ngày thường hay không? Đôi khi sự sợ hãi và bất an trong con không được nói ra thành lời. Hãy khuyến khích con viết nhật ký hoặc vẽ tranh để bày tỏ.
  • Trong thời gian này, hãy vạch ra một vài hoạt động: Trẻ em thường cảm thấy yên tâm với những lịch trình đều đặn. 
  • Đừng quên chăm sóc cho bản thân: có như vậy, phụ huynh mới giữ được sự kiên nhẫn theo sát và trấn an con trẻ. Ngoài ra, tìm kiếm lời khuyên từ những chuyên gia tâm lý, giáo viên ở trường cũng là một ý tưởng hay.
  • Đề cập đến những viễn cảnh tích cực: Nói một cách đơn giản, hãy để con hiểu chiến tranh sẽ kết thúc. Ngay sau khi cập nhật cho con những sự kiện về cuộc chiến (một cách chọn lọc), đừng quên đề cập đến những điều tốt đẹp đang hiện diện và một tương lai lạc quan cho cuộc chiến này.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

3. Cách truyền đạt thông tin cho con

Dưới đây là chia sẻ của Andrea Barbalich, tổng biên tập của The Week Junior, một tờ báo hàng tuần dành cho trẻ em từ 8-14 tuổi với 100.000 người đăng ký ở 50 tiểu bang Mỹ. Andrea và đồng nghiệp đã đến Ukraine để tác nghiệp. Cách trang báo tiếp cận và truyền tải thông tin rất đáng để chúng ta học hỏi. 

“Chúng tôi giữ cho tone giọng khi viết bài thật bình tĩnh và chúng tôi chọn lọc sự kiện để lên bài”, Andrea chia sẻ. “Chúng tôi tránh những thông tin đáng sợ, khó chịu và tập trung vào những tin tức tích cực nhất có thể (như việc trợ giúp). Ví dụ, ngay bây giờ, có hàng nghìn người trên khắp thế giới và nhiều chính phủ đang cùng nhau tìm phương án ngăn chặn xung đột và chấm dứt giao tranh. Đã có hỗ trợ người bị thương ngay tại mặt trận và sắp tới sẽ có viện trợ nhân đạo cho người dân.”

Nhiều bậc phụ huynh sau đó đã có phản hồi tích cực với các bài đưa tin này của The Week Junior. Họ cảm ơn tờ báo đã tường thuật câu chuyện một cách thẳng thắn, có cách tiếp cận sự kiện bình tĩnh và thực tế. Đó là điều phụ huynh cần lúc này, khi những đứa trẻ đang sợ hãi và họ chưa biết nói gì với con.

?? Ảnh: Nồi bún sườn được bà con ở Ba Lan nấu phục vụ người Việt di tản từ Ukraine sang. (? An Nhiên/BQTO)

4. Tạm kết

3 bước giải tỏa cho con trẻ vấn đề tiếp nhận tin tức về giao tranh:

  1. Tìm hiểu xem con đã nghe, thấy và suy nghĩ thế nào. Nhanh chóng đính chính những hiểu lầm của con xoay quanh cuộc chiến. Phụ huynh sẽ cần chọn lọc thông tin từ các nguồn chính thống hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia để nói với con.
  2. Hạn chế cho con tiếp xúc với các phương tiện truyền thông một thời gian và tránh các tin đưa vào hình ảnh thực tế từ chiến trận.
  3. Trấn an con trẻ bằng cách nói với con: con đang an toàn. Đừng quên đề cập đến những điều tốt đẹp đang hiện diện và một tương lai lạc quan cho cuộc chiến này.

Emily W. King, một nhà tâm lý học trẻ em có trụ sở tại Raleigh, N.C, cho biết: “Hôm qua, có một bạn tween đã gọi cho tôi tại nơi làm việc để hỏi tôi liệu đây có phải là Thế chiến thứ ba hay không? Một đứa trẻ, dù biết rằng chúng đang an toàn, nhưng vẫn có thể cảm thấy buồn về chiến tranh diễn ra, ngay cả khi ở một nơi xa xôi.”

Tiến sĩ Hina Talib, một chuyên gia y học vị thành niên tại Viện Atria và bác sĩ nhi khoa tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York khuyên: Nếu bạn không có tất cả câu trả lời cho câu hỏi của con trẻ, hãy thành thật nói với con “Cha mẹ chưa có câu trả lời!” hoặc “Đây là một chủ đề lớn và quan trọng, chúng ta hãy cùng thảo luận vào tối nay có được không?” Như vậy, con sẽ cảm thấy những vấn đề của con được quan tâm và không rơi vào cảm xúc tiêu cực.

Điều quan trọng nhất khi giải thích cho con bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào trên thế giới là giúp cảm nhận được sự an toàn và luôn được lắng nghe.

Nguồn tham khảo:

Honesty, reassurance: How to talk to kids about Ukraine

How to Talk to Kids About Ukraine

Để lại ý kiến