Giải thích cho con như thế nào về chống phân biệt chủng tộc?

Những tuần vừa qua, chúng ta chứng kiến những cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc và sự bạo lực của cảnh sát sục sôi ở Mỹ. Cụ thể, George Floyd, một người đàn ông da màu 46 tuổi “tay không tấc sắt” đã bị cảnh sát ghì chết sau khi bị bắt giữ bên ngoài một cửa hàng nằm tại Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ. Tai nạn trên đã được ghi hình lại và phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, làm dấy lên các cuộc biểu tình mạnh mẽ ở những thành phố lớn tại Mỹ và Canada. “Tôi không thể thở” – những lời cuối cùng của George trở nên phổ biến trên toàn thế giới, ngập tràn các trang tin tức, khiến người dân toàn cầu sục sôi trước nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. 

Nếu trong nhà bạn có trẻ con, con có thể nhìn thấy những tin tức này ở đâu đó – và có thể có những thắc mắc về vấn đề này. Bàn về phân biệt chủng tộc là một chủ đề rất nhạy cảm, và có phần khó nói. Tùy mỗi gia đình, cha mẹ có thể lựa chọn có nên nói với con về vấn đề này hay không, tuy vậy, dù có nói hay không, con bạn vẫn đang phải đối mặt với những tin tức, những tình huống phân biệt đối xử trong cuộc sống hằng ngày. Là cha mẹ, làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ, và cùng con đối mặt với thực tế bất công, phân biệt chủng tộc đang diễn ra trên thế giới. Làm thế nào để nắm lấy cơ hội này dạy con chống lại sự bất bình đẳng, và giúp con có những nhận định, quan điểm, hành động đúng đắn?

Chúng tôi tin rằng, thẳng thắn trò chuyện với con về vấn đề này thay vì trốn tránh, chính là bước đầu tiên dạy con biết đối xử công bằng và biết chống lại bất công xã hội. Vậy, cha mẹ nên giải thích cho con về những điều con đang được thấy, được nghe lúc này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một số lời khuyên hữu ích.


Có những cuộc trò chuyện với con thường xuyên, cởi mở, và phù hợp với lứa tuổi

Đối với nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình Châu Á, phân biệt chủng tộc là một chủ đề nhạy cảm và rất khó để đem ra trò chuyện. Tuy nhiên, đối với cả trẻ con, đây là một chủ đề rất quan trọng và không nên trốn tránh. “Tại sao tóc của bạn Amy lại quăn và cứng và thắt bím chứ không dài và mềm mượt như những bạn khác?”, “Tại sao người đàn ông kia lại ngồi xe lăn?”, “Tại sao bạn Harry có đến hai người mẹ?”.

Khi mới lên 2 tuổi, theo nghiên cứu, trẻ đã có thể bắt đầu nhận thức được những đặc điểm khác biệt của mọi người xung quanh.

Ngay từ độ tuổi mẫu giáo, con đã có thể ý thức và phân loại được những người đến từ các dân tộc khác nhau: chủng tộc, sắc tộc, giới tính, khả năng thể chất. Từ sự khác biệt giữa tóc xoăn và tóc thẳng, màu da và màu mắt, đến những trò chơi con thích chơi trong giờ giải lao, trẻ sẽ dần dần khám phá được những điểm tương đồng cũng như khác biệt của bản thân con so với phần còn lại của thế giới.

Đối với nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình Châu Á, phân biệt chủng tộc là một chủ đề nhạy cảm và rất khó để đem ra trò chuyện. Tuy nhiên, đối với cả trẻ con, đây là một chủ đề rất quan trọng và không nên trốn tránh. “Tại sao tóc của bạn Amy lại quăn và cứng và thắt bím chứ không dài và mềm mượt như những bạn khác?”, “Tại sao người đàn ông kia lại ngồi xe lăn?”, “Tại sao bạn Harry có đến hai người mẹ?”.

Vì vậy, thay vì gạt đi hay lảng tránh mỗi khi con có câu hỏi, hãy tận dụng cơ hội đó để dạy con cho một bài học, sẽ giúp con loại bỏ được những định kiến của bản thân, cũng như hiểu rõ hơn về thế giới và những vấn đề xã hội xung quanh con.

Các chuyên gia cho biết, những cuộc trò chuyện thẳng thắn, phù hợp với độ tuổi của con chính là cách tốt nhất để giúp con tiếp cận với những vấn đề này. Có rất nhiều cách để bắt đầu cuộc trò chuyện với con về phân biệt chủng tộc, tùy theo độ tuổi của con. Tuy vậy, cha mẹ chỉ nên cho con biết những thông tin mà con chắc chắn có thể hiểu được trong độ tuổi của mình. Nếu con bạn còn nhỏ, bạn có thể giải thích đơn giản. Ví dụ, nếu phải giải thích cái chết của Floyd cho một đứa trẻ nhỏ, bạn có thể bỏ qua phần bạo lực của cảnh sát và bám sát sự thật rằng: Floyd đã bị đối xử bất công bởi vì màu da của anh khác biệt.

Sử dụng khái niệm “công bằng”

Nếu thường xuyên tiếp xúc với trẻ con, phụ huynh hẳn sẽ có kinh nghiệm rằng trẻ con rất chú ý đến những gì gọi là “công bằng” và “không công bằng”. Cha mẹ có thể lợi dụng đặc điểm này để giải thích cho con có những điều gì được coi là “không công bằng”, đồng thời dẫn dắt con nghĩ xem nên sửa đổi như thế nào để khiến mọi thứ công bằng hơn. Bởi vì trẻ vốn đã có thể nhận thấy những khác biệt, bất công xã hội trong cuộc sống hằng ngày rồi, hãy tận dụng cơ hội đó để giúp con suy nghĩ về những điều con thấy, thay vì chỉ để con chấp nhận những điều đó như một “lẽ hiển nhiên”

Cha mẹ có thể nói, ví dụ như, “có những người không được yêu mến chỉ bởi vì họ trông không giống chúng ta.” Đây là một định nghĩa đơn giản mà ngay cả một đứa trẻ 5 hay 6 tuổi cũng có thể hiểu được. Trẻ con hiểu được thế nào là công bằng. Hãy tận dụng điều đó để dạy con nhận thức đúng sai, và bắt đầu học hỏi từ đó. Khi con lớn hơn, cha mẹ có thể cung cấp thêm cho con những thông tin thực tế trong lịch sử. Do vậy, tùy theo độ tuổi, bạn không cần áp đặt con phải cố gắng hiểu hết mọi điều, con sẽ dần dần hiểu được rằng bất công xã hội vẫn đâu đó tồn tại, và vẫn xảy ra hằng ngày. Đây chính là bước đầu tiên dạy con về quan hệ chủng tộc và chống lại bất công xã hội.

Làm gương cho con

Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con trẻ. Nói với con về tầm quan trọng của thái độ biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, biết đối xử công bằng với mọi người, rất quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ. Hành động của bạn, dù lớn hay nhỏ, mới là những điều trẻ nhìn vào và làm theo. Nếu muốn nuôi dạy con lớn lên có những nhận thức xã hội đúng đắn, đừng quên “hành động có ý nghĩa hơn lời nói”.

Nếu cha mẹ khẳng định điều gì là quan trọng, nhưng lại có những hành động không liên quan, hay thậm chí đi ngược lại những lời mình đã nói, vậy con sẽ nghĩ rằng điều đó thực sự cũng chẳng mấy quan trọng. Ví dụ, nếu bạn bảo con cần phải hòa đồng, bạn nào cũng chơi, nhưng trẻ lại không thấy những bạn bè thuộc sắc tộc, tôn giáo khác nhau đến ghé thăm nhà bạn, vậy tại sao con phải chơi với nhiều bạn bè? Điều này cũng đúng với việc cha mẹ lựa chọn đọc những tin tức trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông, hay biết lên tiếng bảo vệ nạn chống phân biệt chủng tộc. Chúng ta có thể dạy con biết điều gì là quan trọng, nhưng trẻ sẽ nhìn vào hành động của cha mẹ để làm theo. Một trong những cách cha mẹ có thể làm gương cho con là thẳng thắn nhấn mạng quan điểm của mình rằng tất cả mọi người đều có quyền được đối xử bình đẳng, được suy nghĩ và được tôn trọng.

Cha mẹ cũng không nhất thiết phải cố gắng trả lời mọi câu hỏi mà con đặt ra, nếu con hỏi một câu nào đó mà bạn không chắc mình có thể trả lời, hãy nói với con rằng đó là một câu hỏi hay và bạn cũng rất muốn tìm hiểu xem câu trả lời là gì. Tùy thuộc vào độ tuổi của con, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm và trả lời con sau đó, hoặc bạn và con thậm chí có thể cùng nhau tìm kiếm đáp án. Dù bằng cách nào, cha mẹ vẫn nên giữ thái độ cởi mở, suy nghĩ cẩn trọng và tôn trọng trước những câu hỏi khó của con, thay vì né tránh không trả lời.

Nếu bắt gặp trẻ nói hay làm gì đó thể hiện định kiến, ích kỷ hoặc bất công với bạn bè, đừng làm ngơ. Im lặng cũng đồng nghĩa với đồng ý, và chỉ một lời la mắng con “Không được làm như vậy!” vẫn chưa đủ. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm hiểu xem lý do vì sao con lại hành xử như vậy: “Tại sao con lại nói bạn Sam như thế?”. Sau đó cố gắng giải thích cho con vì sao hành động đó là không thể chấp nhận được. Tóm lại là, trò chuyện giảng giải với con rất quan trọng, nhưng điều còn quan trọng hơn lời nói, chính là những hành động của chính cha mẹ mà con sẽ nhìn vào để lấy đó làm gương.

Giới thiệu với con những khía cạnh đa dạng của cuộc sống

Để trẻ có thể thực sự biết ý thức về vấn đề chủng tộc và tôn trọng sự khác biệt của người khác, con cần được tiếp xúc với những người có đặc điểm không giống mình. Nếu trẻ chỉ chơi với một vài nhóm bạn có hoàn cảnh và tính cách y hệt, có lẽ đã đến lúc cha mẹ nên khuyến khích con thử làm quen với vài người bạn mới. Trẻ vốn đã ý thức được vấn đề chủng tộc, ngay cả khi cha mẹ chưa bao giờ đề cập đến nó. “Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã ý thức được thế giới xung quanh mình. Các con đã nhận biết được có những người có màu da khác biệt, dựa vào những gì con nhìn thấy trên TV”, giáo sư Carl Jamestừ Đại học York khẳng định. Nếu trẻ vẫn chưa được tiếp xúc với những người trông không giống con, sinh hoạt không giống con, vậy cha mẹ có thể dạy con về sự đa dạng của thế giới ngay tại nhà: cùng nhau tìm hiểu về văn hóa bằng cách vừa ăn vừa xem các bộ phim có chủ đề đa dạng văn hóa.

Tìm kiếm cơ hội dạy con về việc tôn trọng văn hóa trong những tình huống đời thường. Trẻ em, đặc biệt trong độ tuổi đi học, thường dễ tiếp thu thông qua những ví dụ thực tế hơn là sách vở hay bài học sáo rỗng. Vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng chỉ cho con thấy rằng mỗi người xung quanh đều khác biệt và đặc biệt theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể làm điều này thông qua sách vở, đồ chơi, trò chơi, hay phim ảnh có nhiều kiểu nhân vật đa dạng, thay vì chỉ giới hạn trong vài khuôn mẫu nhất định. Bên cạnh đó, hãy lấp đầy tủ sách gia đình với những cuốn sách có chủ đề về người da màu, về đa dạng văn hóa, lòng khoan dung, nhân hậu, công bằng, và lòng tốt. Phụ huynh có thể tham khảo thêm danh sách Sách hay dạy con về lòng tử tế. do Everest tổng hợp. Khuyến khích con học thêm một ngôn ngữ khác cũng là một cách hay để con mở rộng đa dạng văn hóa và biết chấp nhận khác biệt của người khác. Một nghiên cứu tại Đại học Chicago đã chứng minh rằng những đứa trẻ được nghe nhiều ngôn ngữ khác nhau trong cuộc sống hằng ngày sẽ có xu hướng sẵn sàng tiếp nhận nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau hơn – là bước đầu tiên dạy con biết khoan dung và không phân biệt đối xử.

Dạy con chống phân biệt chủng tộc là một cuộc chiến dài hơi

Cha mẹ không nhất thiết phải nói chuyện với con ngay, hay đặt ra một khoảng thời gian nhất định để dạy con về phân biệt chủng tộc. Những cuộc đối thoại với con có thể, và nên đến thật tự nhiên khi bạn nhận thấy con đang quan tâm, hoặc đang gặp một tình huống nào đó mà bạn có thể lồng ghép để dạy cho con về điều này. Cũng đừng đợi tới lúc có xảy ra tin tức tai nạn, bạo loạn do phân biệt chủng tộc mới cảnh báo cho trẻ nghe về điều này. Cha mẹ hoàn toàn có thể tìm kiếm tin tức về phân biệt chủng tộc và bạo lực hằng ngày trên các phương tiện truyền thông. Hãy sử dụng tin tức thường nhật trên báo chí, như tranh luận về vấn đề nhập cư hay hôn nhân đồng giới… làm bàn đạp để bắt đầu cuộc trò chuyện với con, cho con thêm hiểu biết về những vấn đề xã hội đang xảy ra xung quanh mình. Hỏi ý kiến cá nhân của con về vấn đề đó như thế nào, và cố gắng lồng ghép những cuộc trò chuyện như vậy khi nói chuyện với con hằng ngày. Phân biệt chủng tộc có thể là một chủ đề rất nhạy cảm và khó giải thích cho con, dù con đang ở độ tuổi nào. Nhiều cha mẹ có thể lo lắng rằng giải thích cho trẻ nghe về những vấn đề này có thể khiến con cảm thấy sợ hãi, lo lắng, hay tổn thương, đặc biệt là nếu đứa trẻ đó, hay bố mẹ của chúng, đang là nạn nhân của nạn bạo lực phân biệt chủng tộc. Dù vậy, thay vì giữ im lặng, điều quan trọng hơn là giáo dục trẻ đủ mạnh mẽ để con có thể đương đầu khi gặp khó khăn. Những gì cha mẹ có thể dành cho con chính là thời gian, sự kiên nhẫn, và khát khao nuôi dạy con lớn lên thành người tốt và biết tôn trọng người khác. “Dù đâu đó vẫn tồn tại nhiều bất công, vẫn có những người đang không ngừng cố gắng thay đổi nó, và chúng ta có thể là một phần của sự thay đổi đó. Bằng cách dạy con hiểu rằng phân biệt chủng tộc tồi tệ và đáng bị lên án như thế nào, trẻ lớn lên có thể là một phần của phong trào xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc.

Nguồn tham khảo:

https://www.parents.com/parenting/better-parenting/advice/how-to-teach-your-kids-to-fight-hate-an-age-by-age-guide/ https://globalnews.ca/news/7010645/parenting-teaching-kids-black-racism/ https://www.tolerance.org/sites/default/files/general/beyond_golden_rule.pdf
https://www.parenttoolkit.com/social-and-emotional-development/advice/social-awareness/how-to-talk-to-kids-about-race-and-racism
https://www.buzzfeed.com/erinwinkler/tips-for-talking-to-children-about-race-and-racism https://www.nytimes.com/2020/06/02/parenting/kids-books-racism-protest.htm https://centerracialjustice.org/resources/resources-for-talking-about-race-racism-and-racialized-violence-with-kids

Để lại ý kiến