Làm gì khi con có hành vi chưa tốt?

Sự tử tế là đức tính biết suy nghĩ cho người khác, biết quan tâm đến nhu cầu, cảm xúc và niềm vui của những người xung quanh. Là cha mẹ, ai cũng muốn trẻ lớn lên là những con người tử tế, tốt bụng, chín chắn, biết cảm thông – nhưng đôi khi, chúng ta lại không biết nên xử sự thế nào mỗi khi con có hành vi xấu.

Richard Weissbourd, nhà tâm lý học tốt nghiệp Harvard hiện đang công tác tại một trường Đại học, đã tổ chức dự án Making Caring Common (tạm dịch: Lan toả lòng tốt) nhằm giáo dục trẻ em cách sống tử tế. Trong cuộc khảo sát, hơn 80% thanh thiếu niên cho biết rằng cha mẹ các em đánh giá cao thành tích học tập hơn việc các em phải biết quan tâm đến người khác. Hơn ¾ số học sinh được khảo sát cũng đồng ý rằng “Bố mẹ của em sẽ tự hào hơn nếu em đạt được điểm cao ở trường, thay vì là tình nguyện viên của các tổ chức cộng đồng”.

Bạn có thể nghĩ rằng chẳng có trẻ em nào xấu. Tuy nhiên, tương tự như việc học đọc hay học viết, trẻ sẽ không tự nhiên lớn lên thành những con người tử tế. “Trẻ em không phải tự nhiên sinh ra đã ngoan ngoãn hay hư hỏng và cha mẹ không bao giờ được phép ngưng uốn nắn con. Trẻ rất cần người lớn dạy dỗ làm thế nào để sống tử tế, biết quan tâm, kính trọng người khác và có tinh thần trách nhiệm ngay từ giai đoạn đầu tiên của thời thơ ấu.”, những nhà nghiên cứu cho biết.

Một số đứa trẻ thường hay hiểu nhầm rằng mình đang làm phiền những người xung quanh, các em không biết cách đặt bản thân mình vào vị trí của người khác, hay đơn giản là không biết cư xử như thế nào mới gọi là tử tế. Vậy, cha mẹ nên làm thế nào để dạy con biết sống tử tế, không ích kỷ và không biến thành một kẻ bắt nạt? Dưới đây là một vài gợi ý đơn giản giúp trẻ hình thành thái độ sống tử tế ngay từ khi còn nhỏ.


1. Dạy con biết quan tâm là điều quan trọng hơn hết thảy

Dạy con sự tử tế rất quan trọng thôi chưa đủ – cha mẹ cần phải nhấn mạnh, đó là điều quan trọng nhất. Cha mẹ ngày nay thường quan tâm tới thành tích học tập hơn trí tuệ cảm xúc của con. Tuy nhiên, trẻ nên được nghe từ chính cha mẹ khẳng định rằng lòng tốt mới là ưu tiên lớn nhất. Hãy cố gắng xây dựng văn hoá tử tế trong gia đình thật mạnh mẽ, bắt đầu từ việc đối xử với nhau. Trẻ cần học cách cân bằng giữa nhu cầu cá nhân với nhu cầu của người khác, chẳng hạn như biết chuyền bóng cho bạn khi đá banh, hay dám bênh vực khi bạn bị bắt nạt. Quan trọng hơn, thử thách lớn nhất của vấn đề này là làm sao để trẻ có một tiêu chuẩn cao đối với khái niệm “tử tế”, bằng việc khen và tôn trọng thái độ biết nhường nhịn người khác của con, dù điều đó có thể khiến con không vui.

Con có thể tức giận, gắt gỏng, căng thẳng hay mệt mỏi, nhưng con hiểu được rằng nói chuyện thiếu tôn trọng với người khác là điều không nên. Có thể con sẽ mắc lỗi, cả người lớn chúng ta đôi khi cũng không thể tránh khỏi điều đó – không ai có thể luôn tỏ ra tử tế – nhưng khi bạn quát giận hay lỡ lời, hãy cố gắng xin lỗi để làm gương cho con.

Nhờ vậy, trẻ sẽ hiểu được mình nên làm gì khi phạm lỗi, cũng như hiểu được rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng quan trọng hơn là phải biết dũng cảm nhận lỗi.

2. Cứng rắn với những hành vi xấu – thể hiện sự không đồng tình rõ ràng trong lời nói lẫn cảm xúc

Một nghiên cứu đã quan sát xem trẻ em từ hơn 1 đến 3 tuổi phản ứng như thế nào khi thấy bạn mình khóc khi đang chơi đùa. Kết quả: ⅓ đứa trẻ đã chạy lại an ủi hoặc giúp đỡ bạn, trong khi số còn lại thì không. Các nhà nghiên cứu nhận ra, điểm chung của ⅓ đứa trẻ này, chính là các em có những người mẹ rất ấm áp và biết cách nuôi dạy con tốt. Những người mẹ này cũng đã rất nghiêm khắc mỗi khi thấy con bắt nạt ai đó.

Khi con làm tổn thương những người xung quanh, phụ huynh cần phải chỉ ra hành vi của con là không đúng đến mức nào – càng chi tiết càng tốt. Cho con thấy hành động của con đã ảnh hưởng đến người khác ra sao, nhưng chú ý đừng làm con phải xấu hổ trước mặt người khác. Ví dụ, trong số ⅓ đứa trẻ trên, có một bé gái đã từng rất “bạo lực”. Một lần, khi em giận dữ giật tóc của bạn, mẹ của em đã nói “Con đã làm Amy đau đấy!” (chỉ ra hậu quả), “Bị giật tóc rất đau đúng không con?” (chỉ ra hành động sai), “Vậy con ĐỪNG BAO GIỜ giật tóc bạn nữa nhé” (rút ra bài học). Đơn giản, rõ ràng và đánh mạnh vào cảm xúc – sự kết hợp này đã dạy cho cô bé một bài học quan trọng khiến em nhớ mãi: làm tổn thương người khác là hành động không thể chấp nhận được. Nhờ vậy, bé gái này sau đó đã biết hành động có suy nghĩ hơn và thậm chí, em còn biết chạy đến quan tâm bạn khi thấy bạn khóc.

3. Giúp con kiểm soát những cảm xúc tiêu cực

Thông thường, khả năng quan tâm đến người khác hay bị lấn át bởi sự giận dữ, ganh ghét, hổ thẹn và những cảm xúc tiêu cực khác. Khi trẻ tức giận, hãy cho trẻ biết rằng bạn hiểu rõ cảm giác của con, và cho con thời gian để bình tĩnh trước khi giải quyết vấn đề. Phụ huynh nên giúp trẻ hiểu được rằng mọi cảm xúc đều có thể được thấu hiểu, nhưng trút giận lên người khác không phải là cách giải quyết hay. Trẻ cần học cách giải quyết các cảm xúc của mình một cách tích cực. Một trong những cách đơn giản nhất để giúp con bình tĩnh lại là: bảo con ngừng lại, hít một hơi thật sâu rồi thở ra bằng miệng, sau đó đếm đến năm. Bạn có thể hướng dẫn con phương pháp này khi trẻ đang trong trạng thái bình tĩnh. Và mỗi khi con bắt đầu giận dữ, nhắc con nhớ lại “bài học” kiềm chế như thế nào, cùng con làm từng bước. Vài lần như vậy, con sẽ hình thành được thói quen tự kiềm chế và có thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình một cách hiệu quả và phù hợp hơn

4. Dạy con niềm vui của việc giúp đỡ người khác

Hãy trở thành tấm gương cho con bằng việc chủ động giúp đỡ gia đình, bạn bè và ngay cả những người lạ. Dạy con cảm nhận được niềm vui khi giúp đỡ người khác – ngay cả khi chúng ta không nhận lại được điều gì. Tạo cơ hội để con có thể giúp đỡ các thành viên trong gia đình như nhờ con dọn bàn ăn, cho thú cưng ăn, dọn chỗ cho em đi ngủ, hay giúp mẹ chế biến thức ăn.

Mặt khác, việc dạy trẻ biết giúp đỡ những người lạ – bên cạnh bạn bè và người thân, cũng quan trọng không kém. Không chỉ lắng nghe và chia sẻ với những người thân trong gia đình, trẻ cũng cần học cách quan tâm đến những người ở bên ngoài xã hội – những người các em tương tác hằng ngày, bao gồm cả những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây chính là nền tảng để xây dựng cho trẻ nhận thức về thế giới xung quanh. Cha mẹ có thể chia sẻ với con về những gì đang xảy ra ở cuộc sống bên ngoài, về các quốc gia khác, các nền văn hoá khác, về những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Cho các em thấy được bạn sẽ quan tâm nếu có một em nhỏ nào đó bị tổn thương, hay thỉnh thoảng hỏi thăm con một bạn mới ở trường của con, dù đơn giản chỉ là nói tiếng “Xin chào”. Khi thấy được những hành động đó, con sẽ học được cách tỏ ra thân thiện và biết ơn những người đã giúp đỡ mình, dù là những người xa lạ như nhân viên bán hàng, người tài xế, hay người phục vụ trong nhà hàng…

5. Đọc cho con nghe những cuốn sách về sự tử tế

Những cuốn sách hay luôn là công cụ đắc lực nhất đối với mọi đứa trẻ, đặc biệt là khi con vừa mới làm một điều gì đó không hay. Hiện nay có rất nhiều cuốn sách hay dạy về sự tử tế và lòng tốt – cả hư cấu lẫn phi hư cấu – với những nhân vật có cá tính mạnh mẽ. Trẻ càng đọc nhiều cuốn sách như vậy – dù tự đọc hay được bố mẹ đọc cho – các em sẽ càng chìm đắm vào câu chuyện, và dần dần tự phát triển nhân cách về lòng tốt.

Những cuốn sách sẽ đưa các em vào thế giới của các nhân vật, nơi các em học được thế nào là tốt và xấu qua các nhân vật, đồng thời cũng gián tiếp hiểu ra được, những hành động xấu sẽ phải nhận lấy hậu quả như thế nào, và tự biến những trải nghiệm của nhân vật thành những bài học áp dụng vào cuộc sống thực tế. Một bé trai 11 tuổi, sau khi được đọc xong cuốn sách nổi tiếng của C.S.Lewis – The Lion, the Witch and the Wardrobe, đã nói về Edmund (nhân vật trong truyện), như thế này:

“Cậu ấy là kẻ dối trá vì đã lừa dối anh chị em của mình. Con cũng đã nói dối khi làm vỡ đồ và đổ lỗi cho em trai của con. Con sẽ không bao giờ làm như thế nữa.” Để giúp trẻ liên hệ những tình tiết trong sách với cuộc sống thực, trong lúc đọc, cha mẹ có thể ngừng lại và hỏi con tình huống này giống với một tình huống mà con đã trải qua ra sao, nhân vật này giống một ai mà con biết không, cậu ấy đã xử sự như thế nào… Có những cuốn sách trẻ em mô tả rất chi tiết và cảm động về sự quan trọng của tình bạn, tại sao chúng ta không được cô lập bạn bè, như The Hundred Dresses (Trăm Trang Phục) của Eleanor Estes và Wonder (Điều kỳ diệu) của R. J. Palacio. Chúng đặc biệt phù hợp cho cha mẹ khi con gặp vấn đề trong việc đối xử với bạn bè ở lớp. Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo thêm danh sách Sách hay dạy con về lòng tử tếđể kể cho con nghe thêm những câu chuyện tuyệt vời về sự tử tế và lòng tốt. Qua đây, cha mẹ cũng có thể dạy con hiểu rằng chúng ta, dù là ai, cũng đều có thể mang lại những tác động tích cực cho thế giới qua những hành động rất nhỏ.

Hầu hết cha mẹ đều sẽ bị sốc khi thấy con mình bắt nạt hay đối xử không tốt với bạn bè. Tuy nhiên, chẳng có gì đáng xấu hổ khi con bạn bắt nạt người khác, mà điều đáng xấu hổ hơn là bạn biết mà vẫn bỏ qua. Nếu bạn muốn con cái thành những đứa trẻ biết kính trọng, có trách nhiệm, biết cảm thông và chia sẻ, chúng ta cần phải nuôi dạy con theo chính những cách như vậy. Bằng tình yêu, sự quan tâm và dẫn dắt tận tình, đứa trẻ nào – dù ương bướng đến đâu – cũng có thể trở thành một Điều kỳ diệu.

Nguồn tham khảo:
https://www.readbrightly.com/what-to-do-when-your-child-is-not-kind/
https://www.washingtonpost.com/news/parenting/wp/2014/07/18/are-you-raising-nice-kids-a-harvard-psychologist-gives-5-ways-to-raise-them-to-be-kind/?utm_term=.3e3087a8cb97
https://www.heysigmund.com/kind-kids-are-cool-kids-making-sure-your-child-isnt-the-bully/
https://www.anxioustoddlers.com/teaching-your-kids-to-be-kind/#.XJrggFKB1mA

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí