Cô Lan và bài học về sự cảm thông

Nội dung

‘’Dạo này lớp chị sao rồi?” — Tôi hỏi Lan. Câu hỏi mà tôi luôn dùng để bắt đầu giờ ăn trưa.

Như đang lạc trong thế giới riêng của mình, quá nhiều suy nghĩ để lục ra câu trả lời chăng? Phải mất hai, ba phút sau, Lan mới chậm rãi trả lời:

“Trong lớp Toán 2000 của chị có một bé rất nhạy cảm. Khi chị dạy thì thấy bé thuộc dạng perfectionist (người cầu toàn), muốn cái gì mình làm cũng phải hoàn hảo. Mỗi lần bé trả lời sai là bé nhăn nhó, có khi còn khóc nữa.”
Lan tiếp tục với châu chuyện của mình mà không để tôi hỏi thêm. Với tố chất giáo viên có sẵn trong người, Lan luôn biết cụ thể hóa những câu hỏi bao quát mọi người đặt ra cho cô ấy. Cũng phải thôi, ngày nào cô ấy chẳng gặp cả ngàn câu hỏi như vậy. Học sinh sẽ hỏi: “Cô ơi, sao bài khó vậy?” Phụ huynh lại hỏi, “Cô ơi, con tôi dạo này học thế nào?” Đồng nghiệp sẽ nói bâng quơ, “Dạo này lớp Lan sao rồi?”

Lan không bao giờ tin vào độ chính xác của những câu trả lời ngắn gọn như “Tốt” hay “Bình thường thôi”. Lan biết rằng, những câu cửa miệng ấy chỉ để lấp đi khoảng trống trong cuộc thoại khi Lan không có câu trả lời. Lan thích chia sẻ việc tìm kiếm câu trả lời với người đặt câu hỏi, giống như cách Lan dạy học trò của mình.

Lan tiếp tục câu chuyện về cậu học sinh cầu toàn của mình:
“Khi mà gặp những học sinh như vậy thì việc đầu tiên chị làm là nói chuyện với phụ huynh để hiểu hơn về vấn đề.”

Lan kể bé có ba người Ireland còn mẹ là người Thái, khi sinh bé ra thì đi làm nước khác nên để bé ở với ông bà từ hồi 8 tháng tuổi. Tới khi 4, 5 tuổi mới đón bé về ở với bố mẹ. Khoảng thời gian đó bé thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên luôn cảm thấy cô đơn. Ở trường bé cũng không có bạn. Bé luôn muốn người khác quan tâm riêng biệt tới mình thôi. Sau cuộc nói chuyện với phụ huynh, Lan có vẻ hiểu thêm về học sinh của mình, nhưng khi phụ huynh hỏi Lan có hướng giải quyết như thế nào, Lan bảo mình cần thêm thời gian.

Làm giáo viên ở E2, Lan học được một điều là phương pháp giảng dạy không đủ để Lan hướng dẫn học sinh của mình. Lan cần sự đồng cảm.

Trở lại với châu chuyện về cậu học sinh cầu toàn của mình. Lan kể, có một bữa trong lớp, bé làm bài không được nên không được tặng một cái like icon trong lớp. Thế là bé ngồi khóc.

“Đó là lần thứ ba bé khóc trong lớp rồi. Bữa đó chị chịu không nổi nữa, chị kêu bé ra, nói bây giờ con khóc hết đi. Con khóc xong rồi, cô nói chuyện với con.” — Lan nói, cố gắng bình tĩnh trước dòn nước mắt ấm ức của cậu học trò.

Lan hỏi cậu học sinh: “Bây giờ con cứ tiếp tục khóc như vậy, con có làm xong bài không?

Tiếng khóc bắt đầu ngớt,

Con tiếp tục khóc như vậy, con không làm xong bài, cô có cho con like icon không?”

“Dạ không.” — Cậu học sinh thì thầm.

“Vậy con khóc làm gì?” Lan tiếp tục giải thích: “Khóc đâu có làm con tốt hơn đâu. Sau này con đừng khóc, cố gắng kiềm chế lại. Cô chỉ cần con so sánh con với bản thân mình thôi, đừng so sánh với các bạn.

Hôm trước con hiểu bài, hôm nay con hiểu bài vậy là tốt rồi. Thay vì cái thời gian con khóc này, con muốn improve thì con làm bài bài cho xong đi. Con chọn đi, một là khóc, hai là ngồi làm bài.”

"Con chọn đi, một là khóc, hai là ngồi làm bài.”

Cậu học trò như cũng nhìn thấy được nỗi lo trong lòng cô giáo của mình, cậu quay về chỗ yên lặng làm bài.

Lan kết thúc câu chuyện bằng một tiếng thở dài. Lan nói:

“Không biết là bé có hiểu hết những gì chị nói không, nhưng dạo này thấy bé ít khóc lại rồi. Nhưng mà không sao, quan trọng là chị muốn bé biết chị quan tâm đến bé thôi.”

Lan luôn như vậy, cô luôn đồng cảm với học sinh của mình. Dù là thành công hay thất bại, mỗi bài học là một bước để Lan giúp học sinh của mình trưởng thành hơn. Dù là khóc hay cười, mỗi cảm xúc, đều là công cụ giúp Lan và học trò của mình gắn bó và truyền cảm hứng cho nhau trên con đường học tập.

Với Lan, đồng cảm không phải là khi cô giúp học sinh của mình tìm được đường vượt qua chướng ngại vật của bản thân. Đồng cảm là khi cô đủ kiên nhẫn và đam mê để đi bên cạnh học sinh của mình qua chướng ngại vật đó.

“Rất ít khi người ta có thể đưa ra một giải pháp có thể giúp hoàn thiện một vấn đề nào đó. Nhưng sự đồng cảm thì có thể.” — Brene Brown.


Để lại ý kiến