Năm nhất du học

Nội dung

Năm nhất du học, năm con trải nghiệm những điều mới lạ. Năm nhất du học nghĩa là mỗi buổi sáng thức dậy, con không còn nghe tiếng ồn rôm rả của phố chợ, mà mở mắt trong cái nắng nhẹ nhàng và không khí trong trẻo của một thị trấn nhỏ miền ôn đới. Nhìn ra cửa số, sẽ thấy cây xanh rung rinh trong nắng sớm, sương đọng bệ cửa sổ đón chào cô con gái nhỏ bắt đầu một ngày tự lập mới.

Năm nhất du học là lần đầu được mặc quần jeans, áo phông đến lớp. Bước trên con đường nhiều cây xanh, ít khói bụi và trong sự niềm nở chào hỏi của mọi người, dù lạ hay quen. Người Sài Gòn, mấy ai để mắt đến những người đang song hành với mình trên một con đường đông đúc. Ở thị trấn Goshen nhỏ bé với dân số 30,000 người cộng vài ngàn sinh viên Đại học này, cứ đi hai bước lại có một người mỉm cười và nói “How are you?” rồi vụt qua khi mình còn chưa kịp trả lời hay nhận ra đó là ai.

Năm nhất du học, con nhận được những ánh mắt ngạc nhiên từ giáo sư khi con cúi chào họ trên đường, rồi nhận ra mình phải tập lễ phép theo kiểu mới: giơ tay lên vẫy và nói, “How are you?” (phải mất cả hai ba tháng con mới dần quen với việc chào hỏi người lớn kiểu này).

Năm nhất du học là ngồi trong lớp, im lặng nghe giảng trong khi những đứa xung quanh hăng hái phát biểu ý kiến, kể cả khi giáo sư chẳng hỏi câu nào. Con nhận ra mình còn phải năng nổ và tự tin hơn để nắm lấy thành công nơi giảng đường này.

Năm nhất là năm ăn chay. Do chưa quen với hamburger, pizza, và hằng hà sa số các loại mì, súp, sốt cà, mỗi buổi trưa, con lại gắp đầy một đĩa salad trộn để ăn kèm với miếng sandwich bơ đậu phộng. Tối về ký túc xá, thèm cơm mẹ nấu nên lấy mì gói ra ăn cho nó có hương vị quê nhà. Để rồi mỗi lần nhận được một bưu phẩm từ nhà, con nhảy lên mừng rỡ vì lại có thêm đồ ăn vặt cho những đêm thức khuya học bài.

Có những sáng chủ nhật cuộn tròn trong chăn skype với ba mẹ, mặc kệ cho đống bài tập đang réo gọi. Mỗi lần skype, ba mẹ lại khen con dạo này trắng trẻo và mập mạp ra. Ấy là kết quả của những sáng vác ba-lô đi học trong cái gió tuyết mùa đông lạnh lẽo và những đêm khuya trùm chăn vừa viết bài luận, vừa nhí nhách bánh quy và đậu phộng.

Năm nhất du học, học những lớp đại cương có cái tên rất kêu như Khoa học và Cuộc sống, Nghệ thuật và Xã hội, Chính trị và Nhân chủng học, Tâm lý và Thần học, vân vân và vân vân (các bạn học trường Liberal Arts đều phải học các lớp như thế này). Càng học con càng thấy sao mình quá đỗi nhỏ bé trong vô vàn kiến thức, thấy cái gì cũng hay, cái gì cũng muốn học.

Đến tối lại căng mắt ra đọc sách, những cuốn sách có độ dày và câu chữ cũng hoành tráng như chính tên của môn học. Năm nhất du học, con nhận ra đọc sách là một kỹ năng thiết yếu để thành công trên con đường học vấn. Đọc làm sao để nắm được ý chính, tư duy như thế nào thì mới chọn lọc được thông tin cần thiết để mai còn làm kiểm tra.

Rồi thì Lễ Giáng sinh và Năm mới đến, ai ai cũng kéo nhau rời trường về lại bang của mình, sum vầy bên gia đình, chỉ còn lác đác một vài bạn học sinh quốc tế ở ký túc xá. Mỗi ngày nghỉ đông, tụi con xách nghị lực đi làm thêm rồi lại ôm nỗi nhớ nhà về phòng đắp chăn xem phim hay tụ tập tám chuyện về quê hương mình.
Năm nhất, con chẳng biết mùa xuân có bao giờ đến hay không. Gió lạnh và tuyết rơi dai dẳng 5-6 tháng. Một ngày thức dậy thấy nắng lấp lánh trên những mảng tuyết còn sót lại và mầm xanh nhú lên đây đó dưới lớp đất lạnh, con đã thấy tháng 5 lấp ló bên thềm.

Mùa hè năm nhất, lại một mùa gói ghém nỗi nhớ nhà, lo đi kiếm chỗ thuê nhà và việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và tiết kiệm cho năm học sau.

Kết thúc năm nhất, nhưng hành trình xa nhà vẫn còn dài.


Để lại ý kiến