Ngày con hiểu về tính tự lập

Nội dung

Hồi nhỏ, con nghĩ việc tự lập rất đơn giản. Lúc 5 tuổi, cũng như mọi đứa trẻ khác, con cảm thấy mình đã tự lập khi biết sắp xếp chăn gối khi thức dậy mỗi sáng, tự đánh răng mà không làm văng nước ướt áo, hay tự cột một chỏm tóc với cái dây thun mẹ mới mua (mặc dù sau đó vài giờ là ré lên vì cột rối nhùi gỡ không ra). Tự hào nhất là những lúc được mẹ dắt đi chợ. Phụ mẹ xách vài giỏ thức ăn, có vài trái trứng và bó rau thôi mà cảm thấy mình như người lớn. Đã vậy, còn được các cô các bà bán hàng khen giỏi. Nở mày nở mặt gì đâu!

Ngày đầu tiên đi học, tự lập là đeo cặp đi thẳng vào lớp mà không lưỡng lự bấu vào gấu váy của mẹ hay vừa đi vừa ngoái lại nhìn mẹ mếu máo, lưu luyến. Tự làm bài tập mà không để nhắc cũng là một bước tiến lớn trong quãng thời gian này! Học cấp 2 là những ngày tháng lẫn lộn giữa tự lập và tự do. Con cảm thấy mình đã lớn khi ở lại trường đến khi tối mịt để hoàn thành tập san của lớp, bon bon đạp xe cùng tụi bạn đi học nhóm vào ngày cuối tuần hay xách ba-lô đi cắm trại nơi xa thành phố vào những ngày hè. Ở cái tuổi nổi loạn, con thích ở trường hơn ở nhà, thích làm việc nhóm hơn việc nhà. Và con đã nghĩ đó là biểu hiện của sự tự lập.

Ngày ra sân bay đi du học Mỹ, khệ nệ với hai chiếc va-li to kềnh càng và ý nghĩ mình sẽ được tự do khỏi vòng tay của ba mẹ sau một chuyến bay dài, con cất bước tự tin và háo hức đến cánh cửa của hành trình mới. Càng đi mới càng nghiệm ra, tính tự lập là một thứ xa xỉ, có được nhờ sự học hỏi và rèn luyện. Không còn ai dám tự tin hay ba hoa về nó, dù trong bài luận xin nhập học, ai cũng khăng khăng là mình dư dả lắm.

Ngày ký túc xá mở cửa đón học sinh mới, các bạn người bản xứ được ba mẹ lái xe cả một quãng đường xa từ bang khác đến trường với cồng kềnh bao nhiêu là chăn, gối, ghế, nệm. Con lơ ngơ cầm tấm bản đồ, kéo hai cái va-li to đùng đi tìm phòng. Sau khi lòng vòng đi lạc mất 1 tiếng đồng hồ trong cái sân trường thênh thang, con mới đến được khu ký túc xá. Những tòa nhà hỗn độn, tấp nập người ra vào, đi qua những tiếng chào hỏi và mỉm cười với bao khuôn mặt lạ lẫm, con bỗng cảm thấy nhỏ bé hẳn đi. Cô học trò tự tin và đầy nghị lực trong bài luận ngày nào biến đi đâu mất tiêu rồi.

Sau khi vận động hết cơ bắp, vác đống hành lý lên lầu 3 và băng qua dãy hành lang dài dằng dặc đến cánh cửa phòng có dán sẵn một bảng tên xinh xắn với dòng chữ “Welcome”, người bạn cùng phòng đã đón chào con bằng một cái ôm và nụ cười rất tươi tắn, đúng như cái tên Gloria (nghĩa là ánh sáng) của mình. Gia đình bạn ấy cũng rất thân thiện. Họ bảo vì biết bạn cùng phòng của con gái họ là sinh viên quốc tế, chắc không mang được nhiều thứ đến ký túc xá ngoài quần áo và vật dụng cá nhân, nên đã may tặng con cả một chiếc gối ôm để con không phải nằm lạnh mấy ngày đầu.

Sau khi giúp tụi con dỡ bàn ghế, gường tủ, và sắp xếp lại căn phòng, mọi người chia tay nhau. Chỉ là qua loa vài cái ôm và những lời nói lưu luyến nửa đùa nửa thật, nhưng con thấy hình như bố của Gloria có vẻ xúc động lắm. Khi bước ra khỏi phòng, ông ấy còn quay lại và bảo:

“My little girl, you know you can always come back to us when you can’t take it anymore. And you too, Chau! We’re here for you, and so are your parents.” (“Con gái của bố ơi, con có thể quay lại với bố mẹ khi con vấp ngã và cần giúp đỡ bất cứ lúc nào! Châu nữa, chúng ta và bố mẹ của con sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ con.”)

“Don’t be silly, dad! We can take care of ourselves!” (Bố này, tụi con tự lo cho bản thân được mà!”) – Gloria mỉm cười, vừa qua loa trả lời, vừa bận rộn trang trí góc phòng của mình.

Sự vô tư và bận rộn của Gloria làm con chợt nghĩ lại mình. Hôm trước lúc ở sân bay, con cũng đã lạc lối trong sự háo hức mà phớt lờ cái vỗ vai của ba hay đôi mắt quyến luyến đứa con gái sắp đi xa của mẹ. Giờ ngồi lại trong căn phòng đầy mùi sơn mới, trong cái im lặng về chiều của ký túc xá và trên cái lành lạnh của chiếc nệm mới không gối không chăn, con mới thấy bâng khuâng về những ngày tháng xa nhà sắp tới.

Chỉ ngày mai thôi, con sẽ phải tự đặt đồng hồ mà dậy cho đúng giờ, mặc cho cái cảm giác trái múi giờ vẫn còn luẩn quẩn bên mình. Con sẽ phải tự cầm một đống giấy tờ hành chính tự đến văn phòng của trường mà ký, nộp, khai báo, chi trả. Con sẽ phải tự thích nghi với những món ăn lạ miệng, lạ bụng vì sẽ không có mẹ ở bên để hỏi con thích ăn gì hôm nay. Con sẽ phải tự tìm đường, tự đạp xe hằng hà cây số đi học, đi làm vì không có ai đưa đón tận nơi.

Con nhận ra, những minh chứng mà mình đã ba hoa về tính tự lập trong bài luận xin học bổng sẽ không có được nếu không có ba mẹ giúp đỡ và tạo điều kiện. Con chưa hề trưởng thành như con nghĩ.
Ngày mai mới là ngày con bắt đầu hành trình tự lập.


Để lại ý kiến