Chọn sách cho con: Làm thế nào để chọn một cuốn sách “vừa đúng” với trình độ của trẻ?

Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ là một thử thách lớn đối với cha mẹ, tuy nhiên, việc biết cách chọn đúng sách phù hợp của trẻ là bước khởi đầu để khiến thử thách này trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Việc chọn cho con một cuốn sách phù hợp vừa giúp con đọc sách với sự thích thú, vừa phát triển kĩ năng đọc và vốn từ vựng của con thông qua các câu chuyện thú vị về thế giới cổ tích. Mặt khác, những cuốn sách quá dễ hay quá khó đều có thể khiến trẻ nhanh chóng chán đọc và dễ dàng bị bỏ quên hoặc bám bụi trên kệ sách.


Khoan đã, vậy cuốn sách thế nào mới được coi là “phù hợp” với trẻ?

Còn nhớ khi lên 8, tôi rất thích đọc những cuốn sách giáo khoa tiếng Anh dành cho học sinh lớp 4 và đã đọc chúng đến nỗi bìa sách rách bung, “Ôi thật may mắn cuốn sách này có thật nhiều thứ mình chưa biết”, tôi nghĩ. Đó là một trong những cuốn sách cũ được dì tôi gửi về từ Mỹ mà anh chị tôi chằng thích thú chút nào. Vậy đấy, trẻ con thường thích những cuốn sách hơi khó hơn so với trình độ của mình – cuốn sách “phù hợp” là cuốn sách có một chút thách thức dành cho con bạn – không quá khó để con khỏi nản nhưng đủ thử thách để hấp dẫn trẻ và giúp em biết thêm nhiều điều. Cuốn sách “phù hợp” là cuốn sách đủ lôi cuốn trẻ để con có thể tự đọc mà không cần cha mẹ giúp đỡ quá nhiều. Những cuốn sách “phù hợp” – đúng độ tuổi và trình độ – sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc, trau dồi vốn từ và giúp em yêu thích đọc sách hơn.

Vậy, cha mẹ nên làm gì để có thể chọn cho con một cuốn sách “phù hợp”?

Chiến thuật “Goldilocks”

Bạn có nhớ câu chuyện Goldilocks và Ba Chú Gấu? Cô bé Goldilocks đã thử những chiếc ghế, những tô cháo yến mạch, những chiếc giường… để tìm cho mình thứ phù hợp nhất. Điều này cũng có thể áp dụng khi chọn sách cho trẻ. Một số cuốn sách quá khó, một số lại quá dễ, và chúng ta đang đi tìm những cuốn sách trẻ sẽ phát triển được kỹ năng đọcChiến lược này có 3 cấp độ: Quá khó, Quá dễ và Vừa phải. Khi đọc một cuốn sách, cha mẹ có thể hỏi con một vài câu hỏi dưới đây để phân loại cuốn sách nằm trong cấp độ nào. Cấp độ nào có hầu hết câu trả lời của con là “Có”, trẻ sẽ phát triển được kỹ năng đọc.

  1. Quá dễ
    Những cuốn sách “Quá dễ” là những cuốn sách trẻ có thể dễ dàng đọc thật trôi chảy, cha mẹ có thể thay phiên đọc cùng con hoặc để con tự đọc hoàn toàn

Câu hỏi dành cho con:
– Con đã từng đọc cuốn sách này bao giờ chưa?
– Con có hiểu rõ câu chuyện trong sách không?
– Con có hiểu tất cả các từ có trong sách không?
– Con có thể tự đọc nó dễ dàng và thật trôi chảy không?

Những cuốn sách “Quá dễ” cho phép trẻ tập trung vào ý nghĩa của câu chuyện và suy nghĩ kỹ hơn về tình tiết và các nhân vật trong cuốn sách. Tuy nhiên, đọc sách “quá dễ” không giúp ích nhiều trong việc cải thiện kỹ năng đọc của trẻ.

  1. Quá khó
    Trẻ thường mất nhiều thời gian hơn khi đọc những cuốn sách “Quá khó”. Nếu con gặp khó khăn với từ vựng, con cũng sẽ khó nắm bắt được ý nghĩa hay nội dụng câu chuyện

Câu hỏi dành cho con:
– Con có hứng thú với cuốn sách này không?
– Con có thấy nội dung cuốn sách khó hiểu không?
– Câu chuyện vẫn hơi khó hiểu, mặc dù con đã đọc lại đúng không?
– Con có muốn bố mẹ giúp con đọc cuốn sách này không?

Đọc nhiều sách “Quá khó” sẽ có hại nhiều hơn là có lợi. Nhiều trẻ em không còn thích đọc sách nữa vì đối với em việc đọc sách quá khó và dễ gây chán nản.

  1. Vừa phảiNhững cuốn sách “Vừa phải” – không quá khó cũng không quá dễ sẽ giúp trẻ học được nhiều điều nhất bởi con có thể hiểu được hầu như mọi từ vựng cũng như nội dung của cuốn sách. Những cuốn sách này cũng có thể hơi phức tạp một chút để con có thể thử áp dụng các kỹ năng đọc sách mà con đã học như đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh, phân loại sách và dự đoán cốt truyện.

“Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng trẻ em sẽ tiếp thu được tốt nhất khi bài học không có trên 10% kiến thức mới và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho các em luyện tập thường xuyên.”

Câu hỏi dành cho con:

– Cuốn sách này có mới với con không?
– Con có hiểu được ý chính của câu chuyện không?
– Chỉ có một vài từ là con không biết thôi đúng chứ?
– Khi con đọc, có một vài chỗ dễ đọc và một vài chỗ hơi khó đọc đúng không?

Bằng cách đọc những cuốn sách “Vừa phải”, trẻ sẽ phát triển được kỹ năng đọc và học cách tư duy độc lập hơn.

Quy tắc Năm ngón tay

Đưa con bạn đi mua sách và giúp con tìm được cuốn sách mà con thấy hứng thú. Cho con đọc một trang bất kỳ. Cứ mỗi lần có một từ con không hiểu, giơ 1 ngón tay. Khi con đọc hết trang sách, con đã giơ bao nhiêu ngón tay?

  • Một ngón: rất tốt, con hoàn toàn có thể tự mình đọc cuốn sách này mà không cần ai trợ giúp
  • Hai ngón (tạo thành chữ L – “still Looking good”): vẫn ổn nếu chỉ có 2 từ con không biết trên một trang sách
  • Ba ngón (tạo thành chữ W – “Warning”): cảnh báo có thể trẻ sẽ cần ai đó hỗ trợ đọc cuốn sách này
  • Bốn ngón trở lên: Ngừng lại! Cuốn sách này có thể quá khó với trẻ, bạn có thể giúp con đọc hoặc gợi ý đổi sang cuốn khác.

Đừng sợ phải “phá luật”

Đôi khi, chúng ta vẫn có thể cho phép trẻ đọc những cuốn sách khó hơn trình độ của con nếu trẻ thực sự hứng thú với nội dung của cuốn sách đó. Để đọc sách tốt, trước tiên cần có sự hứng thú. Do vậy nếu trẻ cứ khăng khăng muốn đọc bất kì cuốn sách nào dù nó “quá khó” hay “quá dễ”, cứ để con đọc. Động lực và kiến thức nền tảng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc đọc sách,do vậy bạn vẫn có thể cho phép con đọc một cuốn sách dẫu cuốn sách đó con giơ đến 6 ngón tay. Nếu con không hiểu hết các ý có trong sách nhưng vẫn nắm được nội dung chính, hãy khuyến khích con đọc lại và giúp con giải thích những phần con chưa rõ.

Một cách nào đó, chúng ta vẫn thường hay bắt đầu với những cuốn sách, bộ phim, hay những hoạt động không “phù hợp” với bản thân. Giống như tôi năm 13 rất thích đọc báo và nói về những chủ đề chính trị, xã hội mà tôi vốn chẳng có chút kiến thức gì. Chẳng có gì là không tốt nếu bạn cứ để cho trẻ học cách tự phân loại và đánh giá xem cuốn sách nào phù hợp với mình. Đó là một kỹ năng quan trọng không kém gì khả năng đọc, và là nền tảng để giúp trẻ xây dựng niềm đam mê đọc sách suốt đời.

Chrismae Laolao – English Teacher at Everest Education

Nguồn tham khảo:
https://confidencemeetsparenting.com/reading-level/
https://blog.e2.com.vn/vi/su-khac-biet-giua-day-tre-doc-va-day-tre-thich-doc/
https://www.kidspot.com.au/school/preschool/preschool-literacy/how-to-choose-the-right-book-for-your-childs-literacy-level/news-story/2b068913d93aba0be696e425fd8eb4a1
http://www.readbrightly.com/just-right-book-reading-levels-explained/
https://jojoebi.com/pick-book-right-reading-level/
http://www.readingrockets.org/article/selecting-books-your-child-finding-just-right-books
https://www.professionalpractice.org/about-us/selecting_just_right_books/

Để lại ý kiến