Thời gian lướt thiết bị điện tử của bạn có đang làm tổn thương con cái?
(Bài dịch từ Thời gian lướt thiết bị điện tử của bạn có đang làm tổn thương con cái? từ www.theatlantic.com)
Phụ huynh ngày nay nên bớt lo lắng về việc trẻ sử dụng các thiết bị điện tử.. Chính cha mẹ mới là những người đầu tiên phải học cách giảm bớt thời gian sử dụng chúng.
Nhiều bài viết đã chứng minh những tác hại khôn lường khi lạm dụng điện thoại– mất ngủ, trầm cảm, gặp khó khăn trong giao tiếp, duy trì các mối quan hệ, tệ hơn là gây tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng – danh sách những hậu quả khi sử dụng điện thoại thậm chí còn dài hơn rất nhiều so với lợi ích mà chúng mang lại. Xã hội mà chúng ta đang sống đang không ngừng lên án những mối nguy đến từ các thiết bị điện tử.
Mặc dù vậy, những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là khi bàn về sự phát triển và giáo dục trẻ em. Điều đáng quan tâm hơn cả những đứa trẻ nghiện thiết bị điện tử, đó là thế hệ người lớn cũng đang ở trong tình trạng tương tự.
So với quá khứ, cha mẹ thời nay có nhiều thời gian hơn dành cho con cái. Mặc dù tỉ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tăng lên đáng kể, tuy nhiên nhiều số liệu cho thấy những người mẹ thời nay vẫn dành nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn so với những năm 60. Thế nhưng, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái vẫn không được cải thiện, thậm chí còn tệ hơn trước. Cha mẹ hiện diện nhiều hơn trong đời sống của con xét về mặt thể chất, nhưng lại ít hoà hợp về mặt tình cảm. Thực lòng, tôi không thể cảm thông với những bậc phụ huynh trong trường hợp này. Các con của tôi hay đùa rằng, có lẽ chúng đã không thể sốt sóng mà trưởng thành nếu 25 năm trước đây tôi biết xài điện thoại di động.
Nhấn mạnh vấn đề cha mẹ sử dụng điện thoại quá nhiều, không có nghĩa là trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử hơn: Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiều loại phim ảnh (đặc biệt là những loại phim có cường độ nhanh hoặc có nhiều hình ảnh bạo lực) đang ảnh hưởng lớn đến não bộ của trẻ. Thống kê cho thấy trẻ mẫu giáo ngày nay dành hơn bốn tiếng mỗi ngày trên các thiết bị điện tử. Kể từ năm 1970, độ tuổi bắt đầu tiếp cận với thiết bị thông minh trung bình đã tăng lên từ “4 tuổi” thành “4 tháng”.
Một số trò chơi tương tác dành cho trẻ em trên điện thoại hay máy tính bảng được cho là ít ảnh hưởng xấu đến trẻ hơn xem TV (hay Youtube) ở chỗ chúng mô phỏng được thế giới xung quanh và những hoạt động thường ngày của trẻ một cách rất tự nhiên. Và dĩ nhiên, cũng có rất nhiều người lớn chúng ta, bằng cách nào đó, đã sống sót qua được thời tuổi thơ ngây dại, chìm đắm vào những thứ rác rưởii. (Mẹ tôi thường cấm tôi không được xem Speed Racer và Gilligan’s Island vì cho rằng chúng quá bạo lực, thế mà không hiểu sao tôi vẫn tìm cách theo dõi được từng tập một). Vẫn chưa ai có thể khẳng định được những lợi ích so với tác hại của thiết bị điện tử, tuy nhiên, rõ ràng là điện thoại thông minh đang cướp đi thời gian chơi đùa lành mạnh, khám phá thế giới của con bạn.
Khi bàn về việc “nghiện” thiết bị điện tử, chúng ta thường quên đi người lớn – những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chứng mất tập trung, gây ra bởi các thiết bị công nghệ hiện đại mà chuyên gia công nghệ Linda Stone hơn 20 năm trước gọi là chứng “continuous partial attention”. Theo Linda Stone, điều này không chỉ gây hại cho chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến con trẻ. Cha mẹ lơ là và ít tiếp xúc với con sẽ khiến hệ thống phát triển cảm xúc của các em không được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong khả năng giao tiếp, một trong những kỹ năng cơ bản của con người. Và thế là, chúng ta vô tình đã làm hỏng cả một thế hệ.
Hệ thống truyền tín hiệu giữa trẻ em và người lớn là hệ thống cấu tạo nên não bộ, được các chuyên gia gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Jack P. Shonkoff, một bác sĩ nhi khoa, đồng thời là giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ tại Harvard, gọi hệ thống này là kiểu giao tiếp “cho và nhận”; nhà tâm lý học Kathy Hirsh-Pasek và Roberta Michnick Golinkoff miêu tả hệ thống này giống như một cuộc “bài song ca trong giao tiếp”. Khi nói chuyện với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ thường có xu hướng nói chuyện với âm vực cao hơn, vui vẻ hơn, phấn khích hơn và sử dụng những mẫu câu rất đơn giản. Mặc dù từ ngoài nhìn vào chúng ta có thể thấy điều đó rất rõ ràng, nhưng trẻ em lại không hiểu được. Không chỉ vậy: một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh từ 11 đến 14 tháng thể hiện cách nói chuyện mang tính tương tác và nhiều cảm xúc gấp đôi so với trẻ 2 tuổi.
Sự phát triển của trẻ em là một quá trình đòi hỏi rất nhiều tương tác. Đó là lí do tại sao, ở một thí nghiệm, một em bé 9 tháng khi được người lớn hướng dẫn tiếng Quan thoại (Mandarin) trong vòng vài giờ lại có thể phân biệt được từng ngữ âm riêng biệt, trong khi đó, một nhóm trẻ em khác nhận được hướng dẫn tương tự thông qua video lại không thể. Theo Hirsh-Pasek, giáo sư Đại học Temple và là nhân viên cấp cao của Viện nghiên cứu Brookings, ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của các cuộc đối thoại trực tiếp. “Khả năng ngôn ngữ của trẻ chính là căn cứ chính xác nhất để tiên đoán khả năng học thuật của em”, cô cho biết, “và chìa khoá để xây dựng nền tảng ngôn ngữ vững chắc chính là những cuộc trò chuyện tương tác giữa cha mẹ và con cái”.
Do vậy, một vấn đề lớn đã phát sinh khi hệ thống hỗ trợ sự cộng hưởng cảm xúc giữa cha mẹ và con cái, một yếu tố cần thiết cho sự học của trẻ ở những năm đầu bị ảnh hưởng bởi thời gian sử dụng điện thoại, tin nhắn, hay thậm chí là một vài giây “check-in” trên Instagram. Bất kì ai đã từng mắc chứng mất tập trung do các thiết bị điện tử đều là nạn nhân của cơn “nghiện” đang rất phổ biến này. Để tìm hiểu hệ quả của cơn nghiện này, nhiều nhà kinh tế học đã theo dõi mức độ gia tăng của sự ảnh hưởng từ thiết bị điện tử đối với trẻ em. (AT&T đã tung ra các dịch vụ điện thoại ở nhiều nơi khác nhau vào những thời điểm khác nhau để xây dựng một thí nghiệm tự nhiên rất thú vị. Kết quả cho thấy, lần lượt từng địa điểm, khi một nơi có dịch vụ điện thoại phát triển, tỷ lệ trẻ em đến phòng cấp cứu cũng lần lượt gia tăng.) Những nghiên cứu này từng thu hút sự chú ý của truyền thông về những nguy cơ sức khoẻ của trẻ em bị gây ra bởi sự xao nhãng của cha mẹ, tuy nhiên chúng ta lại chậm chạp trong việc tìm cách khắc phục. “Làm sao có thể dạy dỗ con cái khi những cuộc trò chuyện với con lại bị cắt ngang bởi việc nghe điện thoại hay dán mắt vào màn hình trả lời tin nhắn”, Hirsh-Pasek nói.
Vào đầu những năm 2010, các nhà nghiên cứu ở Boston đã âm thầm quan sát 55 người bảo mẫu cho trẻ ăn trong các cửa hàng thức ăn nhanh. 40 người trong số đó dán mắt vào màn hình ở những mức độ khác nhau, và một vài người gần như hoàn toàn lơ là những đứa trẻ (các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết bọn họ đều đang lướt web hoặc đánh máy nhiều hơn nghe điện thoại). Một vài đứa trẻ tìm cách để gây sự chú ý, nhưng hầu hết đều bị bỏ qua. Một nghiên cứu tiếp theo đã đưa 225 bà mẹ và những đứa trẻ 6 tuổi của họ vào một tình huống quen thuộc và ghi lại những hành động của họ mỗi khi cho con ăn. Trong thời gian quan sát, một phần tư các bà mẹ đã sử dụng điện thoại và bắt đầu ít tương tác, trò chuyện với con mình hơn.
Tuy nhiên, một thí nghiệm khác được thực hiện tại Philadelphia bởi Hirsh-Pasek, Golinkoff và Jessa Reed từ Đại Temple, đã thử nghiệm tác động của việc cha mẹ sử dụng điện thoại di động đối với việc học ngôn ngữ của trẻ em. 38 bà mẹ và đứa con 2 tuổi của họ đã được đưa vào một căn phòng. Những người mẹ này được yêu cầu dạy cho con của họ 2 từ mới (blicking, có nghĩa là “nảy”, và frepping – “lắc”), và mỗi người được đưa cho một chiếc điện thoại để các nhà nghiên cứu có thể liên lạc với họ từ một phòng khác. Khi người mẹ nghe điện thoại, trẻ không thể học được từ mới, nhưng ngược lại thì chúng học được.blickingĐiều thú vị là, ở thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã phải loại trừ bảy bà mẹ ra khỏi phân tích, bởi vì họ không trả lời điện thoại, “những người mẹ không giống với đám đông.”Thật tốt cho họ!
Dĩ nhiên đôi khi cha mẹ có thể không hoàn toàn để mắt đến con cái, điều này không đáng bị lên án (và thậm chí còn có thể giúp trẻ hình thành thói quen tự lập), nhưng việc thường xuyên xao nhãng lại là một câu chuyện khác. Những người lớn “nghiện smartphone” thường dễ tức giận khi bị trẻ làm phiền khi đang sử dụng điện thoại, họ không những không hiểu được tâm lý của trẻ mà đôi khi còn hay hiểu lầm chúng: khi một đứa trẻ làm phiền bạn, chúng đơn giản chỉ là muốn có được sự chú ý. Tất nhiên, sẽ là hoàn toàn vô hại nếu cha mẹ cố ý không để ý đến trẻ để dạy con cách sống độc lập. Điều đó hoàn toàn khác với định nghĩa “xao nhãng”, khi cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái vì bận sử dụng các thiết bị điện tử. Để cân bằng giữa công việc và nuôi dạy trẻ, chúng ta có thể chỉ cần bảo con hãy ra ngoài chơi, hoặc cho con hiểu rằng bố cần phải làm việc trong nửa giờ tới.
Ở xã hội hiện đại, cha mẹ thường xao nhãng việc chăm sóc con cái bởi tiếng thông báo từ điện thoại. Dường như chúng ta đang tình cờ sử dụng phương pháp chăm con tồi tệ nhất – luôn có mặt ở đó, nhưng lại không tương tác với con.
Khắc phục vấn đề này không phải là điều dễ dàng, đặc biệt khi mô hình giáo dục hiện này càng ngày càng phức tạp. Trẻ em, nhiều hơn bao giờ hết, (khoảng hai phần ba số lượng trẻ em 4 tuổi) đang được nuôi dạy trong những môi trường chăm sóc “quan liêu”, nơi những bài học chỉ tuân theo sách vở máy móc, hầu hết thời gian nghe giáo viên nói, trẻ không có cơ hội tương tác, tham gia vào những cuộc đối thoại hai chiều.
Một tin tốt là, trẻ nhỏ thường cố gắng làm mọi thứ để có được thứ chúng muốn, và chúng ta cũng dễ dàng nhận ra con cần gì khi bị chúng lôi kéo sự chú ý. Trẻ nhỏ thường làm nhiều hành động kì lạ để thu hút sự chú ý của người lớn, và nếu chúng ta vẫn không để ý tới điều chúng muốn, trẻ sẽ cố gắng tự làm một mình. Một đứa trẻ khi đến độ tuổi đi học sẽ quấy rất nhiều, nhưng rồi chúng sẽ dần quen và chấp nhận với việc đến trường. Tuy nhiên, một điệu tango không thể chỉ có một người nhảy, vài nghiên cứu từ các trại trẻ mồ côi ở Rumani cho thấy, sẽ có sự hạn chế trong việc phát triển trí não của trẻ khi thiếu đi sự tương tác với người lớn. Sự thật là, chúng ta không thể nào biết được một trẻ trẻ phải chịu tổn hại thế nào khi cha mẹ thất bại trong việc kết nối với con.
Dĩ nhiên, chính cha mẹ cũng đang phải cố gắng cân bằng cuộc sống hiện tại. Cuộc sống của người lớn cũng bị ràng buộc bởi nhiều điều khốn khổ khác: luôn phải lo lắng chuyện công ty, gia đình, con cái, cha mẹ, các mối quan hệ xã hội, lại còn phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất, hay trên đường về nhà, còn phải đặt mua một cuộn giấy vệ sinh trên Amazon. Chúng ta bị mắc kẹt trong những vòng quay hối hả giữa thời đại kỹ thuật số.
Chúng ta có thể cấm trẻ không được sử dụng các thiết bị điện tử, nhưng chính bản thân chúng ta lại không thể ngưng sử dụng điện thoại di động. Tôi rất hiểu cảm giác này. Bên cạnh việc làm mẹ, tôi còn nuôi một chú chó giống Dachshund (chó lạp xưởng). Chú chó của tôi đã lớn tuổi và gặp vấn đề với cân nặng, tôi gần như ám ảnh về lượng calo trong khẩu phần ăn của con chó mỗi ngày, cố gắng hạn chế lượng thức ăn của nó hết mức có thể, nhưng chính tôi lại không kiểm soát được chế độ ăn uống của chính mình. Dưới góc độ tâm lý học, đây là ví dụ điển hình của tâm lý phóng chiếu (psychological projection) – chuyển dịch sai lầm của bản thân qua một vật thể vô tội khác để tự bảo vệ chính mình.
Hiểu được bản chất vấn đề, cha mẹ hoàn toàn có thể quan tâm nhiều hơn đến con cái bằng cách dành nhiều thời gian theo dõi con hơn, và ít sử dụng thiết bị điện tử hơn. Cha mẹ nên tự cho phép mình bớt quan tâm đến cuộc sống của tất cả mọi người, thay vào đó dành thời gian chơi các hoạt động gia đình, thể thao cùng con. Trẻ có thể tự xoay sở được khi chúng ở một mình. Nhưng khi ở cùng con, hãy cố gắng đặt chiếc điện thoại xuống.
Theo Theatlantic.com