Trẻ học tiếng Anh trải qua những giai đoạn nào?

Bạn có biết trình độ tiếng Anh của con mình đang ở mức độ nào? Tiếng Anh của con so với các bạn cùng lớp thế nào? Nếu con đã có bằng PET, vậy trình độ Anh ngữ của con đang tương đương với bao nhiêu điểm IELTS, TOEIC hay thậm chí là TOEFL? Hiểu được trình độ tiếng Anh của con đang đến đâu sẽ giúp cha mẹ có thể tìm kiếm các chương trình, tài liệu học tập phù hợp với trình độ học tập của con, cũng như có thể hỗ trợ con hợp lý.

Quá trình học tiếng Anh cũng giống như leo thang vậy, mỗi ngày con tiến bộ lên mỗi bậc qua nhiều trình độ khác nhau. Ví dụ:

  • Trẻ nhỏ học tiếng Anh sẽ bắt đầu từ những thứ cực kỳ đơn giản như số học và màu sắc 
  • Tiếp đến, các con học từ vựng và ngữ pháp liên quan đến những chủ đề đơn giản hằng ngày, như động vật, gia đình, đồ ăn thức uống, thể thao hay các trò chơi.
  • Sau đó, con bắt đầu học đọc về con vật mình yêu thích, học viết thư cho các anh chị của mình, học nghe một bài hát, hay nói về một trò chơi ưa thích. 

Vậy, các trình độ Anh ngữ thực chất được chia ra như thế nào và khác biệt ra sao? 

Khi trẻ học tiếng Anh, sẽ rất khó nếu cha mẹ chỉ quan tâm đến việc chừng nào con có thể sử dụng được ngôn ngữ này thành thạo như người bản xứ. Ngược lại, nếu phụ huynh biết chia sẻ mục tiêu to lớn này thành nhiều giai đoạn tiếp thụ ngôn ngữ khác nhau, chúng ta sẽ dễ dàng hình dung hơn trình độ của con đang ở đâu, con đang thiếu những kiến thức, kỹ năng gì.

Trong bài viết này, E2 giới thiệu với quý vị phụ huynh về Common European Framework of Reference for Languages (CEFR) (Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu) như một thước đo để so sánh trình độ Anh ngữ của con so với tiêu chuẩn chung quốc tế. Hy vọng bài viết sẽ giúp phụ huynh có thể hình dung rõ hơn những giai đoạn học tiếng Anh mà trẻ phải trải qua để có thể đạt đến trình độ thành thạo, cũng như nhờ đó có thể cho con sự hỗ trợ và môi trường phù hợp nhất có thể.


Trước hết CEFR – Common European Framework of Reference for Languages (Khung Tham chiếu Ngôn ngữ chung Châu Âu) là gì?

Khung Tham chiếu Ngôn ngữ chung châu Âu (Common European Framework of Reference for Languages – CEFR) là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế để đo lường khả năng sử dụng ngôn ngữ của một người. Khung tham chiếu này đánh giá khả năng ngôn ngữ trên thang điểm gồm 6 mức độ, từ trình độ A1 nhỏ nhất dành cho những người bắt đầu, cho đến C2 là trình độ cao nhất, chỉ những người đã có thể sử dụng ngôn ngữ đó hoàn toàn thành thạo. Mỗi trình độ sẽ có một loạt mô tả chi tiết những kỹ năng mà người học ở trình độ đó có thể thực hiện ở 4 lĩnh vực nghe, nói, đọc, viết.

Khung Tham chiếu Ngôn ngữ chung châu Âu CEFR được thiết kế bởi Hội đồng Châu Âu để “làm cơ sở chung cho việc xây dựng các giáo trình ngôn ngữ, hướng dẫn giáo án giảng dạy, các kỳ thi, sách giáo khoa”… trên toàn châu Âu (2001a:1). CEFR được tạo ra với mục đích chính là trở thành một công cụ soạn bài chung, đảm bảo sự “minh bạch và nhất quán” đối với giáo dục ngôn ngữ.

Ngày nay, khung tham chiếu này không chỉ được sử dụng ở châu Âu mà còn được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Đây là một công cụ hữu ích dành cho bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực giảng dạy và kiểm tra ngôn ngữ, ví dụ như giáo viên, học sinh, để có thể nhìn thấy cũng như đánh giá được trình độ tiếng Anh của một người đang ở mức nào.

Để giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa 6 trình độ CEFR và các kỳ thi chuẩn hóa khác như IELTS, TOEFL hay TOEIC, Everest đã vẽ một bản đồ thể hiện mối quan hệ giữa các kỳ thi này với các chứng chỉ tiếng Anh Cambridge.

Ở mỗi trình độ, học sinh có thể làm được những gì?

CEFR là một công cụ rất hữu ích cho thấy người học sẽ tiến bộ như thế nào sau mỗi trình độ. Bảng dưới đây mô tả một số kỹ năng mà học sinh có thể làm được ở mỗi trình độ.

Trình độ CEFR Kỹ năng nghe Kỹ năng nói Kỹ năng đọc Kỹ năng viết
A1 Có thể nghe, hiểu và sử dụng được những cụm từ, mẫu câu rất đơn giản dùng trong các tình huống hằng ngày. Có thể tham gia vào các cuộc đối thoại cơ bản, thực tế. Ví dụ, “Where does your rabbit live?” – “It lives in my garden.” (“Con thỏ sống ở đâu?” – “Nó sống trong vườn của tôi”). Có thể tự giới thiệu bản thân và giới thiệu người khác, trả lời được những câu hỏi về thông tin cá nhân cơ bản như mình sống ở đâu, giới thiệu những người mình biết và những thứ mình có. Ví dụ, khi đi vào cửa hàng và nhìn thấy thứ muốn mua đang nằm trên giá, người ở trình độ A1 có thể biết yêu cầu: “Can I have this drink, please?” (Tôi có thể mua thứ này được không?). Có thể đọc hiểu được những thông tin cơ bản, từ ngữ, tên gọi quen thuộc và các cấu trúc câu cơ bản, ví dụ như thông báo trên các tờ rơi hay catalogue quảng cáo. Có thể viết được các câu ngắn, postcard đơn giản như thiệp chúc mừng ngày lễ. Có thể điền được các thông tin cá nhân cơ bản như tên học, quốc tịch, địa chỉ trong các mẫu đăng ký.
A2 Có thể tham gia vào những cuộc đối thoại nhỏ và thể hiện đơn giản ý kiến cá nhân. Ví dụ, “This looks like a good party.” “Yes, and everyone’s wearing funny clothes.” (“Bữa tiệc này có vẻ rất vui”. “Vâng, mọi người đều mặc trang phục rất buồn cười”). Có thể giao tiếp trong những tình huống đơn giản hằng ngày, trao đổi thông tin về một sự thật hay một hành động, thói quen nào đó. Có thể thể hiện yêu cầu của mình và trao đổi thông tin cơ bản với người khác. Có thể đọc được các đoạn văn ngắn đơn giản. Có thể hiểu được các thông tin cụ thể, dễ đoán trong các tài liệu dễ bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày, như thực đơn, biển quảng cáo, thời gian biểu hay thư cá nhân đơn giản. Có thể viết được các đoạn văn, tin nhắn đơn giản thể hiện nhu cầu của bản thân. Có thể viết được thư cá nhân đơn giản, ví dụ thư cảm ơn ai đó vì một điều gì đó.
B1 Có thể nghe và nắm bắt được ý chính của các bài nói, cuộc hội thoại thường gặp trong bối cảnh trường học, công việc, sinh hoạt hằng ngày. Có thể hiểu được ý chính của các chương trình TV hay radio về một chủ đề nào đó nếu nội dung được nói chậm và dễ hiểu. Có thể dùng từ cụm từ, mẫu câu đơn giản để mô tả về một kinh nghiệm hay một sự kiện, nói về ước mơ, hy vọng và mục tiêu của bản thân. Có thể nêu nguyên nhân, giải thích ngắn gọn về một ý kiến hay một kế hoạch nào đó. Có thể tóm tắt lại tình huống của một câu chuyện, một bộ phim hay mô tả lại một hành động nhất định. Có thể hiểu được các văn bản thường gặp trong bối cảnh giao tiếp hay công việc thường ngày. Có thể hiểu được mô tả của một sự kiện, hiểu được cảm xúc hay ước muốn của ai đó trong một bức thư cá nhân. Có thể viết những lá thư cơ bản nói về một sự kiện hay sự thật nào đó. Có thể viết được những đoạn văn đơn giản về một chủ đề quen thuộc hay về một sở thích cá nhân. Có thể viết được thư cá nhân kể về kinh nghiệm hay một ấn tượng nào đó của bản thân.
B2 Có thể hiểu được ý chính về một chủ đề nào đó trong bối cảnh thực tế hoặc trừu tượng, bao gồm cả những cuộc trò chuyện về những kiến thức chuyên môn của một lĩnh vực nào đó. Có thể tham gia vào những cuộc giao tiếp về nhiều chủ đề khác nhau, ví dụ như trò chuyện về một tin tức nào đó đang trên thời sự. Có thể giao tiếp được trong hầu hết các tình huống có thể xảy ra khi ở một nước đang sử dụng tiếng Anh. Ví dụ như có thể trả giá khi đi mua hàng, hỏi thối lại tiền thừa hoặc trao đổi món đồ gì đó khi đi du lịch và sử dụng tiếng Anh. Có thể hiểu được các văn bản hành chính hay văn bản văn học phức tạp, viết theo nhiều phong cách khác nhau. Có thể đọc hiểu được những bài viết chuyên sâu hay những chỉ dẫn kỹ thuật dài, ngay cả khi văn bản đó không thuộc chuyên môn của mình. Có thể viết thư thể hiện được quan điểm cá nhân và trình bày ý kiến, Có thể viết những văn bản chi tiết, mạch lạc về nhiều chủ đề khác nhau và giải thích ý kiến cá nhân về một chủ đề nào đó, biết phân tích những ưu điểm và nhược điểm của nhiều lựa chọn khác nhau.
C1 Có thể nghe hiểu được các bài nói, diễn thuyết ngay cả khi bài nói đó không được cấu trúc rõ ràng, hiểu được những ngụ ý dù không được thể hiện rõ ràng trong bài nói. Có thể hiểu được các chương trình tivi hoặc phim ảnh bằng tiếng Anh mà không cần phải nỗ lực nhiều. Có thể trình bày rõ ràng, chi tiết về một chủ đề nào đó, biết cách kết hợp các ý, phát triển ý kiến từ một quan điểm nhất định nào đó, biết cách đưa ra kết luận phù hợp. Có thể hiểu được các văn bản hành chính hay văn bản văn học phức tạp, viết theo nhiều phong cách khác nhau. Có thể đọc hiểu được những bài viết chuyên sâu hay những chỉ dẫn kỹ thuật dài, ngay cả khi văn bản đó không thuộc chuyên môn của mình. Có thể thể hiện được ý kiến cá nhân một cách rõ ràng, mạch lạc, thể hiện quan điểm bằng những mẫu câu dài. Có thể viết về một chủ đề phức tạp nào đó, viết luận hoặc báo cáo, biết nhấn mạnh vấn đề. Có thể lựa chọn phong cách viết phù hợp với đối tượng đọc.
C2 Không gặp bất cứ khó khăn gì trong việc nghe hiểu tiếng Anh, dù là nghe trực tiếp hay nghe qua thiết bị phát sóng, có thể nghe được người bản xứ nói với tốc độ nhanh nếu đã có thời gian làm quen với giọng nói của người bản xứ đó. Có thể trình bày ý kiến, lập luận của bản thân một cách rõ ràng, trôi chảy, với phong cách phù hợp với bối cảnh và biết sử dụng cấu trúc câu logic, hiệu quả, giúp người nghe chú ý và ghi nhớ được các luận điểm quan trọng. Có thể đọc được hầu hết mọi văn bản, bao gồm cả những văn bản trừu tượng, có cấu trúc ngôn ngữ phức tạp như sách hướng dẫn, bài viết chuyên ngành, tác phẩm văn học. Có thể viết rõ ràng, trôi chảy và biết sử dụng phong cách viết thích hợp. Có thể viết được những lá thư phức tạp, báo cáo hay bài viết trình bày theo một cấu trúc logic, hiệu quả giúp người đọc ghi nhớ được các điểm quan trọng. Có thể viết tóm tắt hay nhận xét về một văn bản học thuật hay tác phẩm văn học nào đó.

Làm thế nào để xác định được trình độ Anh ngữ hiện tại của con?

Để xác định được trình độ tiếng Anh của con đang ở mức độ nào, cách đơn giản nhất là cho con làm thử một vài bài kiểm tra trực tuyến dành cho người học dưới 18 tuổi hoặc hoặc các bài kiểm tra trực tuyến cho học sinh do chính hội đồng khảo thí Cambridge cung cấp. Sau khi con hoàn thành bài kiểm tra, phụ huynh sẽ nhận được kết quả tương ứng trên thang điểm CEFR. Lưu ý rằng, dù khả năng sử dụng tiếng Anh của trẻ đã tương đối tốt, điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa với việc con sẽ đạt được kết quả cao khi làm bài thi. Trẻ sẽ cần thời gian để làm quen với cấu trúc đề thi, cũng như chuẩn bị làm một vài đề thi thử trước khi thi thật. Cha mẹ có thể tìm những bài ôn tập mẫu hoặc các đề kiểm tra phù hợp với trình độ của con dưới đây:

>> Tìm hiểu thêm về các chứng chỉ tiếng Anh Cambridge (KET, PET, FCE…) ở bài viết dưới đây: https://blog.e2.com.vn/vi/tim-hieu-cac-thuat-ngu-viet-tat-pho-bien-trong-he-thong-giao-duc-anh-my/

Việc sở hữu một chứng chỉ Anh ngữ quốc tế không chỉ là một cách chứng minh trình độ tiếng Anh của con được công nhận toàn cầu, mà còn là cơ hội để trẻ được trải nghiệm quá trình chuẩn bị, rèn luyện và tham gia vào một kỳ thi mang quy mô quốc tế. Nhờ vậy, con sẽ có thể lòng tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh cũng như có thể đông lực để thi các chứng chỉ có trình độ cao hơn hoặc học chăm hơn để cải thiện kết quả của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng quá trình học thêm một ngôn ngữ thứ hai, bên cạnh tiếng mẹ đẻ, có thể mất nhiều năm để trẻ thành thạo, và mỗi đứa trẻ sẽ có một tốc độ tiếp thu khác nhau.

Khi trẻ bắt đầu làm quen với một ngôn ngữ mới, con có thể mất khoảng 3 tháng để bắt đầu tiếp thu, mất 2 năm để có thể trò chuyện thành thạo và thậm chí mất đến 7 năm để hoàn toàn hiểu được ngôn ngữ mới.

Thi cử không phải là tất cả

CEFR thường được các nhà tuyển dụng hay các nhà tuyển sinh nước ngoài sử dụng như một khung tham chiếu chung để đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên, người đi làm. Nó sẽ rất hữu ích để nếu gia đình có dự định định cư ở nước ngoài, tìm kiếm một công việc toàn thời gian, hay du học ở một đất nước khác.

Tuy nhiên, nếu xét bên ngoài bối cảnh công việc hay trường học, trình độ CEFR không quá quan trọng như vậy. Dù CEFR có lợi thế là đã được công nhận rộng rãi toàn cầu, nhưng cho đến hôm nay, khung tham chiếu này vẫn phù hợp để đánh giá trình độ tiếng Anh của người lớn hơn là trẻ nhỏ. Vì vậy, không có một quy chuẩn nào để đánh giá chính xác trình độ tiếng Anh của các em học sinh nhỏ dưới trình độ Pre A1. CEFR chỉ thật sự cần thiết nếu phụ huynh muốn xác định được thực sự trình độ của con đang ở đâu so với tiêu chuẩn quốc tế chung của người bản ngữ. Dù vậy, đừng để những kỳ thì này trở thành “áp lực thành tích” đè nặng lên con, khiến con bị căng thẳng hay tệ hơn, là không còn thích học.

Ở một môi trường học tiếng Anh bình thường hơn, khi cha mẹ cho con học tiếng Anh chỉ đơn giản vì con thích học, CEFR thực sự chỉ là công cụ để ước lượng xem trình độ của con đang ở mức nào, để từ đó chúng ta có thể xác định được con còn yếu phần nào, cần làm gì để cải thiện để con có thể tiến bộ một cách toàn diện hơn.

Trẻ cần phải cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân để có động lực học tiếp. Con cần được cha mẹ khuyến khích, động viên thường xuyên mỗi khi con đạt được một thành tích nhỏ, học được một điều gì mới. Cha mẹ, là những người ở vị trí thích hợp nhất để khuyến khích con và giúp con học, ngay cả khi trình độ tiếng Anh của chính bạn chưa tốt và thậm chí cũng phải học cùng con.

Xét cho cùng, thi cử hay điểm số cũng chỉ là một thanh đo để đánh giá khả năng tiếng Anh của con, cho con có thể tự tin, kinh nghiệm làm bài và tinh thần độ tích cực để tiếp tục có động lực học tiếng Anh một cách thực sự hứng thú.

Nếu quý vị có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn chúng tôi khai thác, vui lòng để lại bình luận bên dưới. Quý vị cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho cha mẹ tại https://blog.e2.com.vn/vi/category/parents/

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí