Điều gì đang ảnh hưởng đến việc học của con bạn?

Thái độ và khả năng học tập của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, việc tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh đóng vai trò rất lớn trong quá trình xây dựng một môi trường học tập thuận lợi và tích cực nhằm kích thích khả năng sáng tạo cho các em.

Khả năng phát triển của trẻ không chỉ nằm trong phạm vi những gì các em được dạy. Đó có thể là do khả năng cá nhân của mỗi người, do động lực hay sở thích học tập, do sự kì vọng từ gia đình hoặc do môi trường sư phạm… Vậy, trong những yếu tố đó, những điều gì đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và việc học của con bạn?


Động lực xuất phát từ bên trong hay bên ngoài đều giữ vai trò quan trọng

Điều gì thúc đẩy con bạn học tập? Liệu rằng những động lực đó đến từ bản thân con hay do những yếu tố bên ngoài tác động?

Động lực học tập đóng một vai trò rất quan trọng trong giáo dục bởi nó được xem là tiền đề dẫn đến sự thành công. Động lực là chất xúc tác, dẫn dắt, tạo cảm hứng và duy trì niềm đam mê học tập nơi các em học sinh, là thứ chỉ đường và giữ em không ngừng tiến lên phía trước.

Làm thế nào để phân biệt giữa động lực bên trong và động lực bên ngoài? Động lực bên trong là những nhân tố bên trong, xuất phát từ bản thân mỗi học sinh, thúc đẩy trẻ học tập, ví dụ như học giỏi để chứng tỏ bản thân, học vì cảm thấy hứng thú, học để thoả mãn trí tò mò… Ngược lại, động lực bên ngoài lệ thuộc vào tác động từ người khác, được sự công nhận của bạn bè, thầy cô, phần thưởng vật chất từ bố mẹ, học vì bị ép buộc.

Cả động lực bên trong và động lực bên ngoài đều rất quan trọng, cha mẹ nên tìm hiểu để hiểu rõ con mình hơn, từ đó có thể dẫn dắt cũng như dành cho trẻ sự quan tâm và hướng dẫn hợp lí.

Hầu hết mỗi học sinh đều có ít nhất một động lực học tập nào đó. Và nhiệm vụ của cha mẹ và thầy cô là tìm hiểu xem những động lực đó là gì, để từ đó là xây dựng một môi trường học tập có thể duy trì niềm đam mê học tập của học sinh. Ví dụ, một số đứa trẻ có động lực học tập do sợ bị xấu hổ trước bạn bè, những đứa trẻ này thường thích cảm giác an toàn và ngại thử những điều mới mẻ, không thích đón nhận thử thách, và một lần thất bại trong các kì kiểm tra cũng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.

Đây là trường hợp rất hay gặp ở các lớp học. Rất nhiều học sinh sợ người khác đánh giá mình, em sợ những điều giáo viên nghĩ về em, bạn bè nghĩ về em, hay tệ hơn, cha mẹ nghĩ về em. Để chống lại điều này, một số học sinh bắt đầu phá rối và không chịu làm bài tập về nhà. Một số khác có thái độ bất cần và không hề động não để học. Cả hai trường hợp trên đều ảnh hưởng xấu đến việc học của học sinh.

Ngược lại, nếu một đứa trẻ không bị áp đặt phải đạt được kết quả cao, thay vào đó trẻ được khuyến khích tự do sáng tạo, tìm kiếm niềm vui trong học tập, động lực lúc này của trẻ sẽ là để thoả mãn trí tò mò của bản thân. Cha mẹ nên khen thưởng con cái vì những nỗ lực con đã bỏ ra, thay vì kết quả học tập. Điều quan trọng không phải là kết quả học tập tốt hay xấu, mà là những nỗ lực trẻ đã bỏ ra, là thời gian trẻ cố gắng rèn luyện và thực hành những kiến thức được học.

Khi có được lối tư duy như vậy, học sinh sẽ tự tìm thấy được niềm vui trong học tập. Trẻ sẽ chủ động học hỏi để thoả mãn sự tò mò của mình thay vì quan tâm đến điểm số. Trẻ có thể tự hiểu ra mối quan hệ giữa nỗ lực và kết quả: những nỗ lực dài lâu bao giờ cũng đem lại kết quả ngọt ngào. Đây chính là chìa khoá hữu hiệu nhất để duy trì nguồn cảm hứng học tập của các em.

Những học sinh giỏi là những đứa trẻ khoẻ mạnh

Học sinh cần phải có sức khoẻ tốt để có thể đạt được kết quả cao. Theo Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia (The Royal Children’s Hospital) tại Melbourne, Úc, chế độ dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể lý và tâm lý của trẻ em.

Họ cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bằng cách giáo dục và rèn luyện hằng ngày, sẽ thật sự tạo nên những tác động tích cực lên sự phát triển của học sinh. Các hoạt động rèn luyện thể chất mỗi ngày, dù chỉ trong thời gian ngắn, sẽ có tác dụng nâng cao hoạt động của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng học tập, ghi nhớ, tập trung và tinh thần của các em. Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra mối liên hệ tích cực giữa hoạt động thể chất và khả năng tập trung, tự kiểm soát bản thân và phát triển các kĩ năng nhận thức khác.

Họ cũng chỉ ra rằng các bài tập rèn luyện thân thể sẽ cải thiện chức năng tuần hoàn máu, giúp máu lưu thông đến não bộ, kéo dài thời gian tập trung, tiết các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine và endorphins có tác dụng giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và tạo các cảm xúc tích cực.

Nhìn chung, học sinh có sức khoẻ không tốt thường có kết quả học tập kém hơn, khả năng tập trung và tiếp thu cũng kém hơn. Một số em thường có các triệu chứng thiếu ngủ, hay thức dậy lúc nửa đêm, rối loạn giấc ngủ và buồn ngủ vào ban ngày. Đây đều là dấu hiệu của việc thiếu dinh dưỡng và có chế độ sinh hoạt chưa hợp lý, ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em.

Do đó, cha mẹ nên khuyến khích con cái rèn luyện sức khoẻ, xây dựng một lối sống lành mạnh để đảm bảo kết quả học tập tốt và tinh thần khoẻ mạnh.

Bí quyết để có một sức khoẻ tốt thực ra rất đơn giản: ăn uống hợp lí, tránh ăn quá no trước khi học, cố gắng chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong một ngày, khuyến khích học sinh tập thể dục, chơi thể thao và tổ chức những hoạt động tập thể rèn luyện sức khoẻ trong gia đình. Học sinh càng khoẻ mạnh, thành tích học tập của trẻ càng được cải thiện.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

Gia đình là nền tảng cho sự thành công của trẻ

Gia đình là nền tảng cho sự phát triển và là yếu tố ảnh hướng lớn đến thái độ và kết quả học tập của học sinh. Các yếu tố gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của học sinh như mức độ quan tâm của cha mẹ, áp lực dành cho con cái, sự hỗ trợ của cha mẹ dành cho con đối với việc học.

 

Các cơ hội học hỏi ngoài trường học giúp tạo điều kiện cho học sinh thành công trong môi trường học đường. Tương tác của cha mẹ với con có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Một số hành động của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến động cơ học tập của trẻ là:

  • Ghi nhận kết quả học tập ở trường của con
  • Cảm nhận được mức độ khó khăn khi con học ở trường làm bài tậ
  • Trân trọng của các bài học ở trường
  • Kỳ vọng và tin tưởng vào khả năng của con

Sự tương tác giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của các em. Trẻ em được nuôi dạy bởi một gia đình có giáo dục tốt, luôn thoải mái và sẵn sàng hỗ trợ cho con trong mọi việc thường năng động, tự tin trong học tập và giao tiếp xã hội. Ngược lại, đứa trẻ đến từ một môi trường kém thuận lợi hơn sẽ có xu hướng khép kín, khó gần và dễ bị căng thẳng, tâm lý bất ổn hơn.

Mỗi đứa trẻ đều có khả năng và trí tuệ nhất định, nhưng gia đình là yếu tố quyết định đến sự thành công và phát triển của con. Để giúp con có thể phát triển tốt, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm, trò chuyện, giúp đỡ con hoàn thành bài tập về nhà, khuyến khích con tham gia các trò chơi trí tuệ, cung cấp các tài liệu học tập, đồ chơi sáng tạo nhằm kích thích trí tò mò và khả năng sáng tạo nơi các em học sinh. Bên cạnh đó, việc đặt ra các luật lệ trong gia đình cũng góp phần giúp trẻ học được tính kỉ luật, biết nỗ lực đối với mọi việc mình làm và dần dần học cách sống có trách nhiệm.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của trường học

Bên cạnh gia đình, trường học là ngôi nhà, là môi trường học thứ hai, nơi học sinh dành phần lớn thời gian để học hỏi kiến thức cũng như các kĩ năng xã hội.

Do vậy, không thể phủ nhận trường học đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của học sinh, và cha mẹ cần phải cẩn thận trong việc chọn trường học phù hợp cho con. Các tiêu chí phụ huynh nên xem xét khi chọn trường cho con:

Trường học tốt là môi trường có thể xây dựng một không khí học tập tích cực, nơi mỗi học sinh đều được khuyến khích phát triển và chia sẻ kiến thức của mình, và là cung cấp các hoạt động ngoại khoá kích thích trí tò mò, sự sáng tạo và rèn luyện kĩ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề của học sinh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng là một yếu tố đáng cân nhắc khi chọn trường cho học sinh. Dụng cụ thực hành, các giáo cụ trực quan cũng góp phần không nhỏ giúp các em hiểu rõ bài học, phát triển kiến thức của mình.

Không chỉ dừng lại ở đó, môi trường học an toàn, cơ sở hạ tầng, thiết kế xây dựng, âm thanh, ánh sáng, màu sắc, bố cục lớp học hợp lí cũng là điều kiện cần thiết đối với sự phát triển của trẻ.

Facebook, Twitter, Youtube… đang định hình giới trẻ

Mạng xã hội đang dần trở thành một thành phần không thể thiếu được trong đời sống của mỗi người, và học sinh chính là thế hệ chịu nhiều ảnh hưởng từ mạng xã hội nhất.

Không thể phủ nhận internet đã đóng góp rất to lớn trong công cuộc công nghệ hoá giáo dục, khiến việc học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, dành thời gian quá nhiều trên internet có thể trở thành một thói quen rất xấu đối với học sinh. Nhiều trẻ dành thời gian lướt web, nhắn tin hàng giờ với bạn bè thay vì dành thời gian để học tập, ra ngoài chơi thể thao hay học hỏi những điều mới. Trẻ em ngày nay thích dành thời gian bên cạnh các thiết bị điện tử hơn là đi chơi với bạn bè hay gia đình.

Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp xã hội của các em, khiến các em mất đi những mối quan hệ thực tế mà đắm chìm trong thế giới ảo, thay vì trò chuyện trực tiếp, các em tìm hiểu, tương tác, khám phá mọi thứ qua màn hình máy tính.

Mặt khác, khả năng tập trung của học sinh cũng sẽ giảm dần nếu sử dụng mạng xã hội quá nhiều, bởi có quá nhiều thứ khiến em bị phân tâm khi đang học tập, dẫn đến khó tập trung, dễ dàng xao nhãng và không ngừng nghĩ đến Youtube, Facebook ngay cả khi đang học. Sự học tập kém hiệu quả này tất yếu sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn ở trường.

Theo báo cáo Hành vi sử dụng mạng xã hội của trẻ em và cha mẹ được thực hiện bởi Công ty truyền thông Ofcom tại Anh, trẻ em ngày nay dành đến 13 tiếng 1 tuần để xem TV và 15 tiếng sử dụng internet.

Dành thời gian trên mạng xã hội không hợp lý có thể ảnh hưởng xấu đến việc học và thậm chí là cả tương lai của học sinh. Do vậy, cha mẹ nên nghiêm túc quan tâm đến vấn đề này, đảm bảo thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử hợp lý, kiểm soát những nội dung trẻ xem trên mạng để tránh các nội dung xấu, và dạy trẻ cách sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả.

Nhìn chung, có rất nhiều yếu tố tại ảnh hưởng đến thành tích học tập và sự thành công của các em học sinh. Là cha mẹ, chúng ta nên ý thức được tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của các yếu tố này đối với sự phát triển của trẻ, nhằm tạo cho em một môi trường học tập tích cực, đảm bảo kết quả tốt và duy trì đam mê học tập suốt đời.

Hành trình đi đến thành công không chỉ là thử thách của riêng em, mà còn là của cha mẹ, thầy cô, những người đồng hành cùng em.

Nguồn:
University of California, San Diego (UCSD) School of Medicine.
US National Library of Medicine
Kidshealth.org
Telegraph.co.uk
Children and parents: media use and attitudes report, Ofcom Co, November 2016

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

Để lại ý kiến