Tại sao trẻ cần phải giỏi kỹ năng nói trước đám đông?

Nếu bạn đã từng có cơ hội nói chuyện trước đám đông, bạn hẳn sẽ nhớ cảm giác này. Tôi còn nhớ khi đó tôi là một thiếu niên 17 tuổi, đứng phát biểu trước căn phòng nhỏ chứa đến 30 người – những người lạ mà tôi không hề quen biết. Đó là khoảng thời gian vào giữa mùa hè, chiếc máy điều hoà phải làm việc hết công suất để đảm bảo cái nóng không thiêu rụi chúng tôi. Tôi đổ mồ hôi, cố gắng suy nghĩ sẽ trình bày ý tưởng của tôi về một chương trình tư vấn như thế nào. Bàn tay tôi đầy mồ hôi, chiếc áo thun ướt đẫm bám chặt lưng. Tôi nhìn xuống tờ giấy ghi chép, và đảo mắt khắp căn phòng. Hàng chục đôi mắt đổ dồn vào tôi, như thể đang nhìn thấu tâm can tôi, đang dò xét tôi. Và tôi bắt đầu…

Quá trình nắm vững kỹ năng nói trước đám đông – hay kỹ năng thuyết trình là một hành trình rất căng thẳng, nhưng lại rất cần thiết. Dù là đối với ngành nghề giáo dục, khoa học hay kinh doanh, kỹ năng thuyết trình sẽ là công cụ đắc lực mang lại thành công cho con bạn.  

Tuy nhiên, trường học ngày nay vẫn không thực sự dạy kỹ năng thuyết trình. Chúng ta thường dành phần lớn thời gian để học viết và ngữ pháp, nhưng ít có ai dành thời gian trau dồi kỹ năng giao tiếp. Thỉnh thoảng tôi lại gặp vài phụ huynh nói rằng họ không nghĩ kỹ năng thuyết trình quan trọng bởi vì ở trường không chấm điểm kỹ năng này. Cá nhân tôi cho rằng suy nghĩ này thật thiển cận: hiện tại trẻ có thể không được đánh giá dựa trên kỹ năng thuyết trình, thế nhưng khả năng giao tiếp của trẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập của em, và hẳn nhiên, tác động lớn đến sự nghiệp và cuộc sống sau này.


Khả năng nói trước đám đông rất quan trọng – tại sao?

Ở trường, sẽ có rất nhiều tình huống đòi hỏi trẻ phải đứng lên phát biểu trước thầy cô, bạn bè. Đó có thể là những bài kiểm tra miệng, báo cáo, đọc trước lớp, những dự án, cuộc họp lớp, những giờ thể thao, kịch nghệ, câu lạc bộ ở trường, hay những hoạt động gây quỹ mà con tham gia. Trong khi một số học sinh có thể nói trước đám đông một cách tự nhiên, một số khác sẽ có xu hướng sợ hãi.

Bên cạnh việc tạo ấn tượng với người khác, có rất nhiều lí do khiến học sinh ngày nay nên nắm vững kỹ năng thuyết trình.

(i) Nói trước đám đông thành thạo sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp
Nói trước đám đông bao gồm việc giao tiếp bằng lời nói cũng như cử chỉ, cả hai đều rất cần thiết trong việc truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Khi trẻ học những lớp cao hơn, nhiều giáo viên thường cho điểm học sinh dựa trên các bài thuyết trình bằng miệng về một báo cáo, thuyết trình dự án hoặc các cuộc tranh luận nào đó. Học sinh có kỹ năng nói tốt trước công chúng dĩ nhiên sẽ nổi bật hơn và đạt điểm cao hơn.

(ii) Nói trước đám đông tốt sẽ khiến trẻ tự tin hơn
Bằng việc học cách giao tiếp trước đám đông hiệu quả, trẻ sẽ có thể tự tin hơn về chính mình. Bạn có biết rằng nói trước đám đông là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất và phổ biến nhất trên thế giới? Nói chuyện trước đám đông thường xuyên sẽ giúp trẻ dần vượt qua được nỗi sợ này. Con sẽ dần dần nói chuyện ít vấp hơn, tự tin hơn, mạnh dạn giơ tay phát biểu trong lớp, dám thể hiện suy nghĩ của mình, và sẵn sàng tham gia vào những cuộc tranh luận lành mạnh khi cần thiết.

(iii) Kỹ năng thuyết trình là yếu tố quan trọng để trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng
Ngay cả khi trẻ chưa giữ các vai trò lãnh đạo, việc nói trước công chúng hiệu quả có thể giúp con trở thành một nhà lãnh đạo tốt sau này. Khả năng dẫn dắt của một người liên hệ chặt chẽ với khả năng kết nối và truyền cảm hứng đến người khác. Các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thời đại cũng thường những diễn giả giỏi nhất. Trên thực tế, chính khả năng diễn đạt rõ ràng, hấp dẫn, lôi cuốn của họ khiến họ trở thành những nhà lãnh đạo thành công nhất. Nếu bạn muốn đi theo bước chân của Abraham Lincoln, Margaret Thatcher, Thích Nhất Hạnh, hay Mark Zuckerberg, phát triển kỹ năng nói trước công chúng sẽ trở thành công cụ mang thông điệp của bạn đến với thế giới. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo chính là khiến người khác hiểu rõ tại sao họ nên nghe theo bạn, tại sao họ nên hy sinh thời gian và công sức để làm việc cho bạn – kỹ năng nói tốt trước công chúng sẽ giúp bạn thuyết phục được họ và cho phép họ thấu hiểu bạn.

Lấy ví dụ, khi mới trở thành CEO của Facebook, Mark Zuckerberg không hề giỏi nói trước đám đông, anh đã dành thời gian rèn luyện kỹ năng này thật chăm chỉ trong nhiều năm. Bạn có thể tự mình kiểm tra bằng cách xem lại những đoạn video cũ phỏng vấn Mark trên Youtube và so sánh với hiện tại. Bạn thấy đấy, ngay cả những giám đốc điều hành của những công ty lớn nhất thế giới cũng phải không ngừng rèn luyện để tiến bộ. Vậy nếu họ có thể, thì tất cả chúng ta đều có thể.

Vậy, làm thế nào để giúp trẻ phát triển kỹ năng nói trước đám đông?

#1. Biến nỗi sợ thành niềm vui
Tạo ra một môi trường vui vẻ, thoải mái để trẻ tự tin nói trước đám đông. Thay vì nhấn mạnh trẻ phải nói như thế nào cho hoàn hảo, hãy biến công việc nói trước đám đông thành một trò chơi, thay cụm từ “nói trước đám đông” hay “thuyết trình” bằng tên một hoạt động nào đấy để khiến trẻ không cảm thấy áp lực.

Trong gia đình tôi, các con tôi thường thi nhau kể cho tôi nghe về ngày của chúng như thế nào bằng cách chơi trò “‘bao, búa, kéo” và người thắng cuộc sẽ được quyền kể trước. Đôi khi câu chuyện của các con chỉ là những bài hát kì cục hay những câu chuyện viễn tưởng vô lí mà chúng tự nghĩ ra, nhưng chúng tôi lắng nghe tất cả. (Chúng ta, những người làm cha mẹ, thường khó có thể biết ở trường con học được gì khi mà con chỉ toàn huyên thuyên về giờ giải lao hay trò chơi ở trường, lời khuyên của tôi vẫn là, hãy cứ để mọi thứ thật tự nhiên. Khi con bạn càng ở trong trạng thái thoải mái, con càng có thể nói tốt hơn. Bạn có thể tham khảo một số trò chơi vui rèn luyện khả năng nói trước đám đông ở tại đây.

#2. Tập trung vào nội dung trước khi dạy kỹ năng
Chúng ta thường vội vã dạy cho trẻ các kỹ thuật nói trước đám đông như thế nào cho hay, cho đúng. Tuy nhiên, kỹ thuật có thể được trau dồi khi luyện tập. Điều quan trọng hơn là hướng dẫn trẻ xây dựng một thông điệp, một câu chuyện hay đáng được lắng nghe. Một bài phát biểu tuyệt vời bao gồm nhiều đặc điểm gần giống với một bài viết hay, mà chúng tôi đã đề cập rất chi tiết trong bài viết Tiêu chuẩn 6+1 – Tiêu chuẩn của một bài văn hay. Bài phát biểu tốt cần phải đáp ứng tốt các yếu tố bao gồm nội dung câu chuyện, bố cục, cấu trúc bài nói, giọng điệu, và cảm xúc của người nghe. Nên bắt đầu bài nói như thế nào? Những ý chính nào là quan trọng nhất? Nên nhấn mạnh ở đâu, lật ngược vấn đề thế nào?

#3. Quan sát những diễn giả nổi tiếng
Tìm kiếm những bài phát biểu và thuyết trình hay trên Youtube và các trang web, (Cá nhân tôi thích xem các bài phát biểu của những tổng thống Mỹ, đặc biệt là Bill Clinton và Barack Obama. Tôi học được từ Clinton cách kể chuyện bình dân khiến người nghe thấy thoải mái, và học được từ Obama khả năng hùng biện tuyệt vời khiến mỗi lời ông nói đều mạnh mẽ, thuyết phục, đầy cảm hứng)

Tôi nhận thấy rằng việc giúp trẻ học hỏi từ những bài phát biểu hay là cách hiệu quả nhất để minh hoạ cho con bài học về kỹ năng thuyết trình. Hãy ngồi xem cùng con và thảo luận: Liệu đó là một bài thuyết trình hay hay dở? Vì sao con thấy hay? Vì sao con thấy dở? Họ nói với âm lượng như thế nào? Họ dẫn dắt thế nào? Sử dụng ngôn ngữ cơ thể ra sao? Để ý đến hành động của diễn giả sẽ giúp trẻ nhận ra chiến lược nói trước đám đông thế nào là hiệu quả.

#4. Dùng điện thoại để ghi lại và luyện tập
Chúng tôi đã quay lại rất nhiều đoạn phim về các con tôi luyện tập nói trước “đám đông”, trong đó có video về Ian, con trai tôi,nhận xét về kỹ thuật chơi bóng của mình và con gái Estelle đọc sách The Duckling Gets a Cookie. Chúng tôi quay lại những video này, cùng nhau xem lại và bật cười mỗi khi đến đoạn kì cục, dần dần, các con tôi cảm thấy thoải mái khi có những người khác cũng xem các đoạn phim này, và đến một lúc nào đó, chúng bắt đầu cảm thấy tự hào khi các bạn của chúng xem được và thích thú trước những đoạn phim đó, và chúng cực kì phấn khích được quay thêm nhiều đoạn phim nữa.

Ngay cả khi bạn không công khai chia sẻ những đoạn phim này, thì việc quay và cùng con xem lại những đoạn phim đó cũng là một cách hữu hiệu để giúp con tự tin hơn và cải thiện khả năng nói trước đám đông của mình trong một môi trường an toàn. Có thể lúc đầu trẻ sẽ thấy lúng túng, nhưng đây là một cách rất tốt để luyện tập.

#5. Lắng nghe, chia sẻ, khám phá
Khuyến khích trẻ nói nhiều hơn bằng cách đặt ra những câu hỏi mở, thú vị. Đối với trẻ nhỏ, hãy thử hỏi con thật nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh mà chúng không thể chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Hãy đặt ra nhiều câu hỏi về mọi thứ để khơi dậy sự tò mò của con đối với thế giới, trẻ sẽ mạnh dạn hơn, chịu khó suy nghĩ hơn và cởi mở trò chuyện hơn. Khi lái xe, đi đường hay sử dụng các phương tiện công cộng, bạn hãy thử hỏi con mô tả thật chi tiết mọi thứ xung quanh con trong vòng một phút. Khuyến khích con suy nghĩ về hình dáng, màu sắc, hành động. Bằng cách đó, trẻ sẽ có thể rèn luyện khả năng diễn đạt rõ ràng, rành mạch và quan sát sắc bén hơn, đây cũng chính là yếu tố tiền đề để xây dựng khả năng diễn đạt xuất sắc.

#6. Nhận xét một cách tích cực
Chúng ta đều mong muốn bản thân tiến bộ, đặc biệt là đối với những đứa trẻ hay lo lắng và sợ mắc lỗi. Do vậy, tôi thường khuyên các bậc phụ huynh mỗi khi đưa ra nhận xét cho con, hãy cố gắng giữ thái độ tích cực và đừng bao giờ xoáy sâu vào những lỗi sai của con. Thay vào đó, hãy cố gắng tập trung vào những điều con đã làm tốt, và những điều con nên cải thiện để có thể làm tốt hơn nữa. Cho trẻ thấy mình đã tiến bộ như thế nào, nhờ vậy con sẽ có động lực rèn luyện để có được kết quả tốt hơn nữa.

Trang bị cho con kỹ năng nói trước đám đông một cách hiệu quả không chỉ giúp con ở trường, mà còn giúp con tự tin vượt qua mọi tình huống và dễ dàng thành công trong tương lai.

Tony Ngo
Chủ tịch và Đồng sáng lập Everest Education

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí