Mùa tựu trường là khoảng thời gian đầy háo hức đối với cả học sinh và gia đình. Đây cũng có thể xem là một thay đổi lớn – đặc biệt là đối với những em học sinh đang chuẩn bị bước vào những năm học cuối cùng của đời học sinh.
Bước vào cấp 3 là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời của học sinh, đánh dấu giai đoạn rất nhiều đổi thay của tuổi trưởng thành. Từ một người “già” nhất trường cấp 2, học sinh bỗng trở thành lứa nhỏ nhất trường, loay hoay tìm cách thích nghi với trường mới, thầy cô mới, môn học mới. Trở thành học sinh cấp 3, nghĩa là cuộc sống sẽ trở nên vô cùng bận rộn từ việc thi cử đến hoạt động ngoại khóa và môi trường học mới – chưa kể đến việc phải “đau đầu” tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi lớn của cuộc đời: “Em sẽ học đại học ở đâu?”
Dù vậy, cấp 3 cũng chính là cột mốc chuyển giao rất đáng mong chờ – được gặp gỡ bạn bè mới, trưởng thành hơn, tự do hơn, có nhiều cơ hội để khám phá bản thân hơn. Cấp 3 cũng sẽ cho em cơ hội để được hiểu rõ hơn về chính mình, tìm thấy đâu là giới hạn của mình, và cố gắng hết mình để đạt được những thành tựu cá nhân. Nếu biết tận dụng những cơ hội này, chúng tôi tin rằng, em sẽ có thể bước ra khỏi trường cấp 3 với rất nhiều bài học đáng giá hơn nhiều bên cạnh tấm bằng tốt nghiệp!
Trong bài viết tuần này, chúng tôi đã tổng hợp một danh sách những lời khuyên đáng giá dành cho học sinh cấp 3, được đúc kết từ chính những người đã ra trường muốn nhắn nhủ với các em. Hy vọng qua đó, các em sẽ hiểu rõ hơn những gì đang đón chờ em ở trường cấp 3 – và chuẩn bị cho mình tâm thế tốt nhất để có một khởi đầu thật tuyệt vời.
Nếu phụ huynh đang đọc bài viết này, hãy chia sẻ với các con nội dung này, và sử dụng những điều rút ra được để cùng con vượt qua và bứt phá – trong những năm cấp 3 này.
1. Lên kế hoạch học tập hằng ngày
Cấp 3 là khoảng thời gian bận rộn để cân bằng giữa học hành, bè bạn, câu lạc bộ ngoại khóa, học tập, gia đình, luyện thi, và cả nghỉ ngơi. Một cuốn sổ tay kế hoạch (daily planner) sẽ là vị “cứu tinh” để cuộc sống học trò của em được sắp xếp khoa học hơn. Tất cả hạn nộp bài tập, thi cử, lịch học đều nên được ghi chú rõ ràng ở một nơi. Học sinh nên tổ chức thời gian biểu của mình một cách khoa học ngay từ đầu năm để cân bằng giữa học hành và vui chơi:
- Đặt ra những mục tiêu dài hạn, rồi dựa vào đó đặt ra những mục tiêu ngắn hạn hơn để có thể bước đến mục tiêu dài hạn đó. Từ đó, lên một kế hoạch thật chi tiết để hoàn thành những mục tiêu này. Học sinh có thể tham khảo WOOP – phương pháp thiết lập mục tiêu đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để giúp các em bắt đầu lên kế hoạch cho mình.
- Mua một cuốn sổ tay, hay một cuốn lịch với những cột lớn để ghi chú thời gian biểu, hạn nộp bài tập, bài luận trong năm học. Học sinh cũng nên xây dựng cho mình thói quen ghi chú lại yêu cầu bài tập về nhà ngay khi thầy cô giao, để tránh trường hợp em sẽ quên mất.
- Chia thời gian biểu thành những khoảng thời gian nhỏ để học bài và ôn tập, thay vì dành cả một thời gian dài mấy tiếng. Đây là “mẹo” giúp em tập trung hơn cũng như đỡ căng thẳng hơn khi phải ngồi học quá lâu, đồng thời cũng có động lực, thấy phấn chấn hơn khi hoàn thành được những mục tiêu nhỏ trong ngày.
- Hãy lên kế hoạch cho những khoảng thời gian nghỉ ngơi riêng cho bản thân nữa. Để trường học không trở nên quá áp lực và chiếm lấy hết mọi thời gian trong ngày của em, “chừa” thời gian cho chính mình cũng quan trọng không kém.
Ở thời điểm hiện tại, virus COVID-19 vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, vì vậy, hãy chuẩn bị “tinh thần” để học trực tuyến bất cứ khi nào cần thiết, dù em đang ở đâu. Nhờ vậy, em vẫn có thể duy trì được tiến độ học tập, làm bài tập của mình đều đặn mà không bị ảnh hưởng dù là đến lớp học hay ở nhà học trực tuyến đi chăng nữa.
2. Cố gắng duy trì thành tích học tập tốt nhất có thể
Điểm số cấp 2 vốn đã quan trọng rồi, nhưng lên đến cấp 3 thì còn quan trọng hơn nữa. Bởi khi xét tuyển đại học, các nhà tuyển sinh sẽ nhìn vào bảng điểm của em. Đừng quên điểm số năm lớp 10 cũng vẫn quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến điểm trung bình môn (GPA) mà các nhà tuyển sinh có thể căn cứ vào đó để đánh giá. Vì vậy, hãy loại bỏ tâm lý “chờ đến năm cuối cấp rồi cải thiện điểm số cũng chưa muộn”. Điểm số mỗi năm học, mỗi học kỳ đều sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cơ hội được vào đại học của em.
Kiến thức cấp 3 là phiên bản “nâng cấp” của những gì học sinh được học từ cấp 2, thêm một vài kiến thức chuyên sâu ở một số môn học quan trọng. Do vậy, học sinh có thể gặp khó khăn đôi chút và cảm thấy hơi “choáng ngợp” trước những kiến thức mới. Chính những thử thách này cũng sẽ là cơ hội để em được tìm hiểu chuyên sâu hơn về một môn học, lĩnh vực nào đó. Biết đâu từ đó, em sẽ khám phá ra bản thân mình cực kỳ hứng thú với môn sinh học, hay muốn chọn văn học làm mục tiêu theo đuổi dài hạn thì sao.
3. “Tạo dựng quan hệ” với thầy cô giáo
Khi bước vào cấp 3, thành tích học tập cực kỳ quan trọng. Để có thể đạt được bảng điểm ấn tượng – ngoài việc học hành chăm chỉ – học sinh cần học thái độ tôn trọng và biết giao tiếp với thầy cô mỗi khi cần thiết. Đừng ngại đặt câu hỏi, và biết nói lời cảm ơn thầy cô sau mỗi buổi học. Cố gắng kết nối và xây dựng mối quan hệ với thầy cô bên ngoài giờ học. Mặc dù điều này có thể khiến bạn bè em bàn tán, cho rằng em đang “nịnh nọt” hay đang cố trở thành “cái đuôi” của thầy cô, nhưng suy cho cùng, thầy cô vẫn là những người truyền đạt kiến thức, là người đánh giá các kết quả học tập của em. Nếu xây dựng được mối quan hệ tốt với thầy cô giáo, họ không chỉ có thể chỉ dạy em nhiều điều, định hướng nghề nghiệp cho em, mà còn có thể giúp em viết thư giới thiệu khi cần để chuẩn bị hồ sơ nộp vào các trường đại học danh tiếng, hay ứng tuyển học bổng…
4. Tham gia hoạt động ngoại khóa
Trường cấp 3 nhìn chung có nhiều cơ hội hoạt động ngoại khóa hơn nhiều so với trường cấp 2, ví dụ như các câu lạc bộ, ban nhạc, nhóm kịch nghệ, hội học sinh, đội thể thao… Đây là cơ hội để em được thử những cái mới, tự khám phá xem bản thân mình có sở thích gì, năng khiếu gì. Đừng ngại thử những điều mới, dù là tham gia một câu lạc bộ, một bộ môn thể thao, hay một hoạt động tình nguyện.
Những em học sinh thành công là những em không chỉ biết đến học hành. Đó là những em còn biết kết nối, trở thành một thành viên tích cực của xã hội, tham gia đấu tranh cho những vấn đề nổi cộm trong cộng đồng, và biết dùng tiếng nói của mình để tạo ra những thay đổi. Những kinh nghiệm, bài học em học được khi tham gia hoạt động ngoại khóa cũng sẽ làm sôi nổi hơn cuộc đời học sinh của em, cho em nhiều tư liệu để viết nên một bài luận cá nhân xuất sắc nếu em muốn nộp đơn theo học một trường đại học ở nước ngoài sau này.
Ít tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ là một điểm yếu của em khi chuẩn bị hồ sơ du học, tham gia quá nhiều hoạt động có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của em. Do đó, hãy coi trọng “chất lượng” thay vì “số lượng”. Mọi hoạt động ngoại khóa, dù phi học thuật, như các câu lạc bộ, đội thể thao, dịch vụ cộng đồng, đều sẽ được các nhà tuyển sinh đánh giá cao. Vì vậy, tốt hơn là hãy làm gia ít hoạt động, nhưng thực sự tâm huyết và hiệu quả, hơn là cố gắng “ôm đồm” quá nhiều hoạt động mà không có thời gian đầu tư.
5. Xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa
Dù nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng bạn bè chính là những người khiến cho trải nghiệm trung học của em trở thành những năm đáng nhớ hơn bao giờ hết. Thành tích học tập đương nhiên quan trọng, nhưng những mối quan hệ bạn bè cũng quan trọng không kém. Bạn bè là những người cùng em tận hưởng, đi qua những niềm vui, nỗi buồn của thời học sinh. Cấp 3 cũng chính là những năm tháng cuối cùng em được phép là trẻ con, trước khi bước vào thế giới của những người trưởng thành. Hãy kết bạn, tìm kiếm những người bạn có cùng chung sở thích để cùng nhau trải qua khoảng thời gian trung học đẹp đẽ này.
Cố gắng kết bạn với mọi người em gặp. Tử tế với bạn bè xung quanh. Thay vì tự cô lập bản thân hay cuốn mình vào những “thị phi” học đường, hãy xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, ý nghĩa. Bên cạnh đó, học sinh cũng nên cố gắng mở rộng vòng tròn xã hội của mình bằng cách làm quen với những người bạn có hoàn cảnh, sở thích, giá trị sống, tài năng khác nhau. Nhờ đó, em có thể chuẩn bị tâm lý rằng rồi đây, khi bước vào đại học, em sẽ gặp rất nhiều kiểu người khác nhau. Không phải ai cũng ăn mặc giống như em, thích nghe một loại nhạc giống như em, hay thậm chí có những phong tục truyền thống giống như em. Nhưng nhờ biết cách thể hiện bản thân mình, mở lòng mình sớm hơn để đón nhận người khác, giai đoạn chuyển tiếp lên đại học của em sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
6. Chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn hóa
Các kỳ thi chuẩn hóa như SAT, ACT, IELTS hay TOEFL là những nhân tố rất quan trọng trong hồ sơ vào đại học nếu em có nguyện vọng đi du học, đồng thời cũng là điểm cộng để em được tuyển thẳng vào các trường đại học trong nước nếu đạt điểm số tốt.
Hãy dành thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi này càng sớm càng tốt bằng việc tham khảo sách từ thư viện và làm thử một vài câu hỏi hoặc học thêm một số từ vựng liên quan vào mỗi tối, sau đó, thử giải một vài đề vào cuối tuần khi có thời gian rảnh.
Càng có thời gian ôn tập, cơ hội được điểm cao của em sẽ càng lớn hơn, đồng thời cũng cho em sự chuẩn bị và tự tin hơn trước ngày phải làm bài thi thật. Mặc dù hiện nay, một số trường đại học đã dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc phải nộp điểm SAT để tuyển sinh đầu vào, chúng tôi vẫn khuyên các em hãy cố gắng tham gia kỳ thi này nếu có thể, đặc biệt nếu em là một học sinh quốc tế có dự định nộp đơn vào những trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh cao Dù sao, SAT vẫn là một thước đo để các nhà tuyển sinh phân loại em giữa hàng nghìn thí sinh khác, đồng thời giúp hồ sơ của em nổi bật hơn.
7. Đừng so sánh bản thân với người khác
So sánh điểm số, thành tích học tập hay kiến thức của mình với người khác luôn luôn là một ý tưởng tồi. Mỗi người sở hữu những thế mạnh và điểm yếu khác nhau, do vậy đừng vội lo lắng nếu thành tích của em không giống như người khác. Dù sẽ có những lúc em làm không tốt trong khi tất cả các bạn khác đều làm tốt, cũng sẽ có những khi tình huống đảo ngược xuất hiện. Tương tự, đừng vội nản lòng nếu em gặp khó khăn trong một môn học, một kiến thức nào đó. Học sinh nào cũng có những môn học mà mình học chưa giỏi, nhưng điều này hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách ôn tập từ từ, đặt ra những câu hỏi cho thầy cô, hoặc đi học thêm, hỏi bạn bè nếu cần.
Học sinh sẽ có thể tận dụng thời gian trung học của mình một cách tối ưu nhất, nếu biết tập trung vào những kiến thức, những người, hoạt động mà em yêu thích, thay vì mất thời gian so sánh, tị nạnh với người khác.
8. Đừng ngại hỏi xin lời khuyên
Em có thể nghĩ rằng phải tự mình giải quyết mọi thứ mới là dấu hiệu của một người trưởng thành và độc lập, nhưng một học sinh thông minh là người biết tận dụng mọi nguồn tài nguyên xung quanh mình. Hãy xây dựng mối quan hệ tốt với thầy cô và bạn bè, với văn phòng giáo vụ hay các trung tâm bên ngoài, kết nối với những người đi trước, các anh chị cựu học sinh… Đây đều sẽ là những người có thể sẵn sàng hỗ trợ em khi cần thiết, dù hiện tại em có thể chưa có nhu cầu.
Bên cạnh đó, đừng ngại chủ động hỏi xin giúp đỡ khi cần. Đừng đợi đến lúc sắp sửa “chết chìm” mới hỏi xin trợ giúp. Hãy cho mọi người biết em đang lo lắng điều gì, bận tâm điều gì. Khi biết đưa tay “cầu cứu”, em sẽ nhận ra mọi người xung quanh đều sẵn sàng giúp đỡ em, dù đó là thầy cô, cha mẹ, hay một anh chị đi trước. Mọi người sẽ không ngại cho em lời khuyên, một lời chỉ dẫn, cùng em suy nghĩ để tìm giải pháp cho một vấn đề. Và biết đâu nhờ đó, em còn có thể xây dựng thêm cho mình một mối quan hệ tốt. Đừng quên rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết và học hỏi bằng kinh nghiệm. Hỏi xin lời khuyên, cẩn thận đánh giá lời khuyên của mọi người, và cố gắng hết sức một khi đã quyết định được điều gì là tốt nhất cho bản thêm em.
9. Dành thời gian nghỉ ngơi (và suy ngẫm)
Khi thời điểm thi đại học gần kề, học sinh sẽ muốn tập trung toàn bộ thời gian và sức lực để học tập, cải thiện thành tích ở trường nhưng cũng đừng quên dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi. Học cấp 3 đôi lúc sẽ rất áp lực, đặc biệt là năm cuối cấp, nhưng toàn bộ nỗ lực của em cuối cùng rồi sẽ có được kết quả xứng đáng! Mỗi em nên có những cách riêng của mình để đối mặt và vượt qua căng thẳng.
Hãy cho phép mình có thời gian để nghỉ ngơi, có không gian để nhìn lại và suy ngẫm. Năng lực phản tư – tự nhớ lại và đánh giá những việc mình làm – cũng là một phần rất quan trọng trong quá trình học hỏi, giúp các em đánh giá lại chặng đường phát triển của mình cả về mặt tri thức lẫn cảm xúc, tinh thần. Đừng nghĩ rằng đây là việc mất thời gian và “vẽ thêm chuyện” trong quỹ thời gian eo hẹp của em. Quan trọng hơn, đây là bước rất cần thiết để em dừng lại, ngẫm xem mình đã học được gì, đã đối mặt với điều gì, vượt qua nó như thế nào, từ đó nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân trước khi vội vàng nhảy sang một dự án, hoạt động khác. Đây cũng là cách để chúng ta có dịp học hỏi từ thành công hay thất bại, khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay ngay cả khi trong cuộc sống sau này.
10. Hãy tận hưởng những năm tháng cấp 3 của mình!
Những năm học trung học sẽ trôi qua rất nhanh chóng. Vậy nên, đừng chìm đắm trong những thất vọng mà quên mất tận hưởng thời gian của mình. Thời gian trung học sẽ chẳng có gì đáng nhớ nếu em chỉ dành phần lớn thời gian ở nhà học bài, nghe nhạc, xem phim. Cấp 3 sẽ chỉ thực sự đáng nhớ, nếu em cùng bạn bè tạo ra kỷ niệm, cùng nhau “tắm mình” trong cơn mưa tuổi trẻ – thứ chỉ đến duy nhất một lần trong đời. Đừng quên tận hưởng và tạo ra kỷ niệm. Hãy tham gia cổ vũ bạn bè trong các cuộc tranh tài, góp mặt trong tiết mục văn nghệ của lớp, xung phong vào các hoạt động bên ngoài giờ học. Đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ tuổi học trò của em để mai sau còn có chuyện kể lại cho “con cháu”!
Đừng quên chụp thật nhiều ảnh! Ảnh của những cuộc liên hoan, sự kiện trong trường, những khoảnh khắc quan trọng, hay chỉ đơn giản là những hình ảnh vui nhộn và đáng nhớ mà em muốn lưu giữ. Cấp 3 chính là khoảng thời gian có nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhất! Khi kết thúc những năm học này, thật khó để em có thể học cùng trường, hay gặp lại bạn bè của mình. Hãy cố gắng chụp thật nhiều ảnh để lưu giữ lại những khoảnh khắc này. Tham gia vào chuyến dã ngoại cuối cấp. Làm kỷ yếu và nhờ bạn bè ký tên. Làm một album hình ảnh cấp 3. Thoạt nghe có vẻ hơi “làm quá”, nhưng khoảnh khắc khi tốt nghiệp khỏi trường cấp 3, em sẽ nhận ra những hình ảnh này đáng quý đến thế nào.
Tạm kết...
Cấp 3 là khoảng thời gian tuyệt vời để học sinh khám phá bản thân với tư cách là một người học trò, một người bạn. Người ta vẫn nói tuổi thanh xuân giống như một “cơn mưa rào”, tình bạn, những kỷ niệm, hồi ức sẽ nhanh chóng qua đi, nhưng những bài học góp nhặt được từ những năm tháng này sẽ bên em mãi mãi. Dù muốn hay không, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Sẽ có lúc em có thể vượt qua những thử thách này một cách dễ dàng, nhưng cũng sẽ có lúc em đưa ra quyết định sai và phải đối mặt với hậu quả. Dù vậy, hãy cứ nghĩ rằng cấp 3 này cũng giống như một cuộc thử nghiệm. Chúng ta có thể mắc sai lầm, nhưng cũng sẽ nhờ những sai lầm đó mà trưởng thành hơn. Hãy cứ sẵn sàng đón nhận mọi cơ hội đến, và không ngừng thử thách bản thân để có thể trở thành một phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua. Mùa tựu trường, E2 chúc em có một năm học mới thật tuyệt vời!
—
Nếu có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn được khai thác, học sinh có thể để lại bình luận bên dưới. Em cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho về học tập cũng như du học TẠI ĐÂY
Nguồn tham khảo:
Tips for getting off to a good start in high school
Tips for your high schooler advice from recent grads