10 bí quyết dạy con tính kiên cường

Nội dung

Nhiều cha mẹ thường cho rằng làm trẻ con thì chẳng có điều gì phải lo nghĩ. Tuy nhiên, trẻ em vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề hằng ngày. Những vấn đề của con cũng đa dạng không kém người lớn, như việc phải thích nghi với môi trường mới, bị bạn bè, hay thậm chí là anh chị em bắt nạt. Những điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc và tinh thần của các em. Kỹ năng giúp trẻ thích ứng và vượt qua mọi khó khăn bất kể hoàn cảnh được gọi là Resilience – tính kiên cường. Tin tốt là, tính kiên cường là một kỹ năng có thể học được.

10 bí quyết dạy con tính kiên cường

Dạy con tính kiên cường – hay khả năng thích ứng tốt với mọi nghịch cảnh, chấn thương, đe dọa và giải phóng bản thân khỏi mọi căng thẳng – có thể giúp trẻ quản lí tốt cảm xúc của mình, tránh được những lo lắng cũng như sợ hãi không cần thiết. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là các em sẽ không bao giờ bị stress hay gặp khó khăn. Những đau đớn hay buồn bã về mặt cảm xúc là một phần tất yếu trong cuộc sống, khi chúng ta gặp phải mất mát hay chịu những tổn thương lớn, hoặc khi nghe về sự mất mát của một ai đó.

Tất cả mọi người đều có thể phát triển đức tính kiên cường, và dĩ nhiên, trẻ em cũng vậy. Việc xây dựng cho con đức tính này đòi hỏi rất nhiều thời gian để từ từ thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành động của con. Dưới đây là một số bí quyết cha mẹ có thể tham khảo đề dần dần giúp con biết vượt qua những cảm xúc tiêu cực và kiên cường hơn.

  1. Tạo sự kết nối
    Hãy dạy con biết cách kết bạn, có tấm lòng trắc ẩn và biết cảm nhận nỗi đau của người khác. Hãy giúp con hiểu rằng, để có được những người bạn tốt, trước tiên con phải là một người bạn tốt. Xây dựng tinh thần đoàn kết trong gia đình để trẻ luôn cảm thấy được an tâm, động viên mỗi khi gặp chuyện buồn hay thất vọng. Cha mẹ cũng cần chú ý xem ở trường con có bị các bạn cô lập hay không. Khuyến khích con tìm và kết nối với những người có thể hỗ trợ và giúp con rèn luyện tính kiên cường. Một số đứa trẻ có xu hướng cảm thấy an tâm khi kết bạn với những người bạn mạnh hơn mình. Đôi khi, sẽ tốt hơn khi cho trẻ làm bạn với những người có cùng tín ngưỡng của gia đình.
  2. Khuyến khích con giúp đỡ người khác
    Trẻ em rất thích cảm giác được giúp đỡ người khác. Hãy khuyến khích con tham gia vào những hoạt động tình nguyện phù hợp với lứa tuổi, hoặc nhờ con làm những công việc nhà đơn giản nằm trong khả năng của con. Cha mẹ cũng có thể cùng con suy nghĩ xem làm thế nào để giúp đỡ những người khác.
  3. Duy trì những thói quen hằng ngày
    Khuyến khích trẻ tập xây dựng những thói quen tốt hằng ngày và giúp con theo sát, nhắc nhở để hình thành những thói quen đó. Việc có những thói quen hằng ngày sẽ khiến em cảm thấy yên tâm hơn. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, em luôn muốn sắp xếp cuộc sống của mình.
  4. Nghỉ ngơi
    Mặc dù việc tuân thủ theo những thói quen rất quan trọng, nhưng có thể sẽ gây tác dụng ngược nếu chúng khiến các em không ngừng lo lắng. Hãy dạy trẻ cách tập trung vào việc giải quyết vấn đề thay vì lo lắng. Cha mẹ nên hiểu rõ, trong những thứ trẻ tiếp xúc hằng ngày, như tin tức, mạng xã hội… điều gì có thể khiến con lo lắng, và giúp con bớt tiếp xúc với những thứ đó.
  5. Dạy trẻ biết tự chăm sóc bản thân
    Cha mẹ nên là tấm gương cho trẻ, và dạy trẻ tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lí.. Đảm bảo con có thời gian được giải trí, và quan trọng hơn là thời gian được nghỉ ngơi để giải phóng bản thân khỏi những căng thẳng trong ngày. Biết chăm sóc bản thân và tự tạo niềm vui cho mình sẽ giúp trẻ có cuộc sống cân bằng hơn và dễ dàng đối mặt với khó khăn hơn.
  6. Biết phấn đấu cho mục tiêu của mình
    Dạy trẻ biết đặt ra những mục tiêu cho bản thân và từng bước cố gắng để đạt được mục tiêu đó. Mỗi khi con đạt được một điều gì đó để tiến đến gần mục tiêu hơn – dù lớn hay nhỏ – và nhận được phần thưởng cho thành tựu đó, con sẽ dần có thói quen biết tập trung vào những việc con đã làm được, thay vì những việc con chưa làm được, và dần dần dạy trẻ biết kiên cường hơn trước mọi khó khăn hay thử thách. Về việc học ở trường, hãy chia những bài tập lớn thành nhiều bài tập nhỏ đối với trẻ nhỏ. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ đừng quên ghi nhận những nỗ lực của con trên con đường đạt đến mục tiêu lớn hơn.
  7. Nuôi dưỡng những quan điểm tích cực nơi trẻ
    Nhắc nhở trẻ ghi nhớ lại những lần con đã vượt qua khó khăn trong quá khứ. Từ đó, giúp con hiểu được rằng những khó khăn đó chính là động lực để con mạnh mẽ hơn, có thể đương đầu với những thử thách trong tương lai. Giúp trẻ biết đặt niềm tin vào bản thân để có thể tự giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định phù hợp. Dạy trẻ nhìn mọi thứ dưới đôi mắt lạc quan, biết tìm thấy niềm vui từ những điều xung quanh.
  8. Dạy con biết hy vọng và nhìn nhận mọi thứ dưới nhiều góc độ  
    Mỗi khi con gặp phải chuyện buồn, hãy giúp con nhìn nhận sự việc đó ở một góc nhìn rộng hơn và xa hơn. Mặc dù có thể con bạn còn quá nhỏ để có thể tự mình nhìn xa mọi việc, nhưng hãy giúp con nhìn thấy một tương lai lớn hơn và tốt hơn phía sau nỗi buồn này. Có được cái nhìn lạc quan và tích cực sẽ khiến trẻ luôn nhìn thấy những điểm tốt đẹp trong cuộc sống và biết kiên trì vượt qua những khoảng thời gian khó khăn.
  9. Tận dụng cơ hội để hiểu rõ bản thân
    Những khoảng thời gian khó khăn cũng chính là lúc trẻ có thể học được nhiều nhất về bản thân mình. Giúp con nhìn nhận lại những vấn đề con đang đối mặt và từ đó hiểu rõ cảm xúc, khả năng và giá trị của bản thân mình hơn. Dẫn dắt cuộc nói chuyện để giúp con tìm hiểu xem con đã học được gì sau mỗi khó khăn.
  10. Chấp nhận rằng thay đổi là một phần của cuộc sống
    Trẻ em và thanh thiếu niên thường rất sợ thay đổi. Do vậy, cha mẹ nên giúp con hiểu rằng những sự thay đổi chính là một phần của cuộc sống và chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu mới để thay thế cho những mục tiêu không còn phù hợp. Cùng trò chuyện với con và cho con thấy bản thân đã trưởng thành thế nào qua mỗi năm học và những điều đó đã tác động đến con ra sao.

Rèn luyện tính kiên cường là một hành trình cá nhân dài cần có sự dẫn dắt và hỗ trợ từ phía cha mẹ. Đôi khi, những bí quyết trên có thể phù hợp với người này và không phù hợp với người khác. Trường hợp đã thử áp dụng mọi bí quyết ở trên mà vẫn không hiệu quả, khiến con bạn phải đối mặt với thời gian khủng hoảng khi gặp căng thẳng, phụ huynh nên tìm đến những chuyên gia tâm lý và tư vấn sức khoẻ.

Tính kiên gan bền bỉ sẽ rất có ích để giúp trẻ có thể vượt qua mọi thử thách, biết điều chỉnh cảm xúc, tránh xa khỏi mọi căng thẳng. Những đứa trẻ kiên cường cũng sẽ trở thành những người lớn kiên cường, có khả năng đương đầu với sóng gió và giữ vững tinh thần lạc quan dẫu có chuyện gì xảy ra.


Bài viết được trích theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (American Psychological Association). Vui lòng đọc tại đây để đọc bản tiếng Anh đầy đủ


Để lại ý kiến