6 Bí Quyết Giúp Cha Mẹ Làm Bạn Cùng Con

Bạn đã bao giờ cố gắng kết bạn với con chưa?

Làm cha mẹ đã khó, cố gắng trở thành “bạn tốt” của con lại càng khó hơn. Nhiều phụ huynh không muốn làm bạn với con vì sợ xảy ra tình trạng “bằng vai phải lứa”, khiến việc nghiêm khắc và đưa con vào khuôn phép trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, làm bạn cùng con là một trong những điều rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ, khi nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng trẻ được bố mẹ quan tâm cũng như được dạy cách cư xử đúng mực sẽ có xu hướng thành công hơn trong tương lai.

Là những phụ huynh châu Á, chúng ta thỉnh thoảng không biết làm thế nào để thể hiện tình thương với con cái, chúng ta không quen nói những câu như “Cha/ mẹ yêu con”, và gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. 

Vậy, làm thế nào để cha mẹ có thể gần gũi, thân mật hơn, xây dựng mối quan hệ khăng khít với con cái? Làm thế nào để làm bạn với con, và cân bằng giữa hai định nghĩa “cha mẹ” và “bạn bè”? Làm thế nào để đặt ra những giới hạn và quy tắc để có thể dạy con hiệu quả, mà vẫn giữ được tình cha con tốt đẹp? Trong bài viết này, E2 sẽ gợi ý cho các bậc phụ huynh 6 “bí quyết xây dựng tình bạn” để cải thiện mối quan hệ với con trẻ thêm phần tốt đẹp hơn.


Trước tiên, thế nào là “tình bạn” giữa cha mẹ và con cái?

“Tình bạn” giữa cha mẹ và con cái có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề nếu được hiểu theo nghĩa là “đối xử với con như một người lớn thực thụ”. Thực tế, việc cha mẹ sẵn sàng chia sẻ với con mọi điều chưa chắc đã khiến con có cảm giác “bạn bè” – đặc biệt là nếu những lời chia sẻ đó có phần nặng nề hay căng thẳng.

Lấy ví dụ, khi các nhà nghiên cứu phỏng vấn những cô con gái của một cặp vợ chồng đã ly hôn, họ nhận ra các cô bé đã phải trải qua căng thẳng tâm lý trầm trọng khi mẹ của các em cứ thẳng thắn chia sẻ thật chi tiết về tình hình tài chính khó khăn của gia đình, những rắc rối tại nơi làm việc, những vấn đề cá nhân, và cảm xúc tiêu cực đối với người chồng cũ.

Dù vậy, không phải tất cả những lời “tự thú” của cha mẹ đều khiến trẻ căng thẳng, ở một mức độ vừa phải, sự chia sẻ mà cha mẹ dành cho con có thể góp phần khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên thân thiết hơn. Trong một nghiên cứu gần đây tại Hà Lan phỏng vấn 790 đứa trẻ vị thành niên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những đứa trẻ có thể chia sẻ bí mật với cha mẹ có mối quan hệ thân thiết với cha mẹ hơn, đồng thời tỷ lệ phạm pháp cũng thấp hơn (Frijns et al 2013). Một nghiên cứu khác về thanh thiếu niên tại Thụy Điển khẳng định rằng, chìa khóa để dạy con ngoan và mang lại không khí hòa hợp cho gia đình không phải là sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ. Đó chính là khi con cái cảm nhận được sự tin tưởng mà bố mẹ dành cho mình (Stattin 2001).

Vì vậy, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, cha mẹ không nhất thiết phải chia sẻ với con cái mọi điều để có thể trở thành bạn của con, bởi không phải mọi tình bạn đều được xây dựng dựa trên việc chia sẻ bình đẳng. Cha mẹ có thể vẫn có được mối quan hệ cá nhân thân thiết với con, mà vẫn giữ được trách nhiệm của một người lớn. “Tình bạn” giữa cha mẹ và con cái sẽ gần với định nghĩa tình bạn mà chúng ta vẫn có với những người đồng nghiệp tiền bối, với những đàn anh đi trước, những người hướng dẫn, người lãnh đạo xã hội, hay những người dẫn dắt tôn giáo mà ta luôn kính trọng. Đó là tình bạn mà cả hai sẽ tôn trọng lẫn nhau, quan tâm và tin tưởng nhau. Chúng ta có thể có những cuộc trò chuyện ý nghĩa với con, tận hưởng những khoảnh khắc thoải mái bên con. Nhưng sẽ có những lúc chúng ta cần sự thỏa hiệp, sẽ có những điều mà cha mẹ tốt hơn chỉ giữ cho riêng mình, hay sẽ có lúc bạn vẫn cần thể hiện “uy quyền” của một người làm cha, làm mẹ.

Đừng quên rằng, “tình bạn” thực sự giữa cha mẹ và con cái, là sự kết hợp của tình thương, sự tin tưởng, sự đồng hành và vẫn có những quy tắc nhất định.

6 Bí Quyết Giúp Cha Mẹ Làm Bạn Cùng Con

1. Trước hết, cha mẹ vẫn là cha mẹ

Bước đầu tiên trong việc xây dựng một mối quan hệ bền vững với con cái, đó là nhấn mạnh với con “nguyên tắc vàng”: cha mẹ vẫn là cha mẹ. Nhiều phụ huynh cố gắng thân thiện để làm bạn với con đến mức khiến con quên đi rằng trước khi là bạn, đó vẫn là cha mẹ mình. Dĩ nhiên, có thể trở thành bạn thân của con là điều rất tuyệt vời, nhưng cũng đừng quên vai trò phụ huynh của mình, và rằng ngoài cha mẹ, con vẫn có rất nhiều người bạn khác cùng lứa tuổi ở trường. Cho con tự do là điều tốt, nhưng cha mẹ cũng đừng quên, nếu nước Mỹ đã dạy cho thế giới được bài học gì, thì đó chính là quá nhiều tự do cũng có thể dẫn đến những hậu quả xấu. Điều này đúng với một quốc gia, và dĩ nhiên cũng đúng với một cá nhân nhỏ là con trẻ.

Tình bạn thực sự không có nghĩa là chỉ cười-và-đồng ý, hay giả vờ như mọi việc đều ổn. Nếu cha mẹ cho phép trẻ làm mọi điều con muốn chỉ để duy trì tình cảm tốt giữa cả hai, điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rằng con sẽ càng ngày càng nổi loạn. Khi không có những giới hạn được đặt ra bởi cha mẹ, trẻ sẽ có khả năng tự ý làm mọi thứ và thực hiện những điều không phù hợp với lứa tuổi của con. Thay vì cố chiều mọi thứ để khiến con vui, với hy vọng rằng con sẽ xem cha mẹ như bạn bè, hãy trở thành một người bạn thực sự. Người bạn thực sự sẽ đặt lợi ích của bạn mình lên trên hết, dù rằng điều đó nghĩa là đôi khi chúng ta phải đưa ra những quyết định cứng rắn hơn.

2. Dạy con tính kỷ luật
Trẻ con thường thích tự mình làm và kiểm soát mọi thứ. Con sẽ cố gắng để có thể làm mọi việc theo ý mình. Dù có thể không ý thức được việc làm của mình là đang cố gắng kiểm soát mọi thứ, đó vẫn là những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ. Cha mẹ nên ý thức để ngăn chặn kịp thời tình trạng này. Hãy dạy con biết cách tôn trọng mình. Khi trẻ biết tôn trọng cha mẹ, con cũng sẽ biết tôn trọng người khác. Đặt ra những luật lệ và quy tắc nhất định, như việc con được phép ra ngoài đi chơi đến mấy giờ, biết được con đi với ai, đi đâu, tham gia bữa tiệc nào… Hãy để trẻ hiểu được vai trò của cha mẹ là người chăm sóc, bảo vệ con và con cần phải kính trọng bạn. Nếu muốn xây dựng tình bạn với trẻ, dạy con biết kỷ luật là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong những năm đầu tiên của con.

>> Một vài gợi ý đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả, để xây dựng một hệ thống “thưởng-phạt” mà bạn có thể áp dụng với trẻ: https://blog.e2.com.vn/vi/thuong-phat-the-nao-de-con-co-tinh-ky-luat-hon/

3. Become A Student Of Your Children
Để có thể trở thành bạn của con, cha mẹ nên tìm cách thấu hiểu con mình. Phụ huynh hoàn toàn có thể hiểu được con bằng cách luôn ở bên và quan sát con. Hãy quan sát lúc con đang chơi, khi con hỏi xin một điều gì đó, cách con phản ứng lại trong một hoàn cảnh nhất định, cách con tương tác với những người xung quanh… Những điều này sẽ cho bạn biết rất nhiều về tính cách cũng như cá tính của trẻ. Chúng tôi khuyến khích phụ huynh hãy cố gắng tìm hiểu tính cách của con mình. Đừng quên rằng mỗi đứa trẻ đều là một cá thể đặc biệt. Con sẽ không giống bạn hay anh chị em của con.

 Cha mẹ có thể tự hỏi bản thân một số câu hỏi dưới đây để tự mình kiểm tra xem bạn đã hiểu rõ tâm lý con cái mình hay chưa.

  • Con là một đứa trẻ mạnh mẽ, vui vẻ, nhạy cảm hay rất khó chịu?
  • Mình có biết những điều con thích, những điều con ghét?
  • Con phản ứng như thế nào khi bị yêu cầu làm một điều gì đó con không thích, nhưng ăn một món ăn nào đó, phải đi ngủ, phải làm bài tập?
  • Cách tốt nhất để tạo động lực cho con là gì?
  • Con có mục tiêu gì hay ước mơ của con là gì?
  • Con mất bao nhiêu thời gian để thích nghi khi bị đặt vào một môi trường mới?
  • Con có thể tự điều chỉnh bản thân trước những thay đổi của môi trường xung quanh không?

Khi đã có thể trả lời được những câu hỏi này, đó cũng là lúc các bậc phụ huynh đã hiểu con đủ để dựa vào hiểu biết đó, xây dựng tình bạn cho phù hợp với cá tính của con.

4. Dành thời gian cho con mỗi ngày
Tình bạn không thể phát triển một cách ngẫu nhiên hay tình cờ. Mà thay vào đó, tình bạn bền vững là kết quả của một thời gian dài vun đắp, thường xuyên dành thời gian cho nhau mỗi ngày. Dành thời gian cho con không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, nếu cha mẹ không nỗ lực biến nó thành một thói quen, một hoạt động cố định trong ngày. Trong thời gian này, hãy cho con toàn bộ sự chú ý, để con có thể mở lòng ra. Dưới đây là một trong những khoảng thời gian hợp lý mà cha mẹ có thể dành cho con:

  • Trên đường đưa con đi học/ đến lớp học thêm
  • Trong bữa ăn tối
  • 10 phút trò chuyện sau giờ học
  • Trước khi đi ngủ

Cha mẹ cũng có thể lập ra một danh sách những điều sẽ thực hiện cùng con. Thói quen này sẽ giúp cả hai có cơ hội thân thiết với nhau hơn và cùng nhau tạo ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Hãy thử tìm xem có những điều gì mà cả cha mẹ và con đều cùng yêu thích, như xem phim ảnh, đi bộ dã ngoại, đi đến công viên, bãi biển, cùng chơi thể thao, lướt ván…. Cha mẹ có thể đưa ra một loạt các gợi ý, và cho con được đặc quyền quyết định. Hành động đó sẽ chứng tỏ chúng ta quan tâm và tôn trọng ý kiến của con.

5. Chia sẻ và lắng nghe con
Một trong những điều quan trọng để có thể phát triển tình bạn với trẻ là học cách “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” con cái. Hay nói cách khác, chúng tôi khuyến khích cha mẹ hãy trở thành một “người lắng nghe tích cực” khi giao tiếp cùng con. Lắng nghe tích cực nghĩa là luôn nhìn vào mắt con mỗi khi con nói, đừng bao giờ tự cho rằng mình đã hiểu hết ý của con. Thay vào đó, dùng những câu hỏi để con giải thích thêm về những điều mình nói. Sau đó lặp lại, dùng những từ ngữ khác tóm lại điều con nói, để xem mình có hiểu đúng ý của con không.

 Giao tiếp hiệu quả là thứ đi xa hơn cả lời nói. Để có thể thực sự giao tiếp được với trẻ, chúng ta cần phải nỗ lực. Thay vì chỉ hỏi những câu đơn giả, như “Ngày của con hôm nay thế nào?” hay “Con nghĩ gì về…?”, cha mẹ phải thực sự tỏ ra là mình quan tâm và tập trung vào câu chuyện con kể. Khi trẻ cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ, dần dần con sẽ mạnh dạn chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn. Giao tiếp với trẻ đòi hỏi nhiều công sức, nhưng vẫn rất đáng thực hiện, bởi đổi lại, chúng ta sẽ có được mối quan hệ và sự kết nối sâu sắc với con.

Cuối cùng, đừng chỉ hỏi, hãy chia sẻ với trẻ câu chuyện của chính bản thân: ngay khi con trả lời xong câu hỏi “Hôm nay con đi học có vui không?” hay “Ở lớp con chơi với bạn nào”, bạn có thể bắt đầu kể về câu chuyện của chính mình. Kể cho con nghe về ngày hôm nay của bạn nếu có thể. Kể về những điều bạn thích, về những trải nghiệm của bạn khi ở độ tuổi của con, mọi thứ khác nhau như thế nào, hay về tất cả những gì mà bạn nghĩ con sẽ hứng thú lắng nghe.

6. Nụ cười và những cái ôm
Cách cuối cùng, và cũng là cách đơn giản nhất để xây dựng một tình bạn ý nghĩa với trẻ chính là những tiếp xúc cơ thể. Khi bạn ôm con một cách nhẹ nhàng, âu yếm và đầy yêu thương – hàng triệu dây thần kinh sẽ gửi thông điệp đến não bộ, giải phóng ra những hormone hạnh phúc có lợi cho sức khỏe của trẻ. Các nhà nghiên cứu nói rằng những bậc cha mẹ có thói quen ôm con ít nhất 6 lần mỗi ngày có thể kéo dài tuổi thọ thêm vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Ngược lại, những đứa trẻ không được bố mẹ tiếp xúc cơ thể thường xuyên có xu hướng phát triển chậm hơn. Thực tế, trẻ con có thể chết dần đi nếu thiếu tình yêu thương, sự quan tâm và những cái ôm. Vì vậy, những cái ôm – không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe cho trẻ, mà còn giúp ích về mặt tinh thần nữa.

Những tiếp xúc cơ thể cũng như lời nói là rất cần thiết để xây dựng nền tảng cho một tình bạn vững chắc. Ngay cả khi gia đình không có thói quen thể hiện tình thương bằng những cái ôm, hãy cứ ôm con nếu có thể. Trẻ cần hơi ấm cũng như tình thương từ cha mẹ và ngược lại. Dù con còn nhỏ hay đã trưởng thành, những cái ôm, sự tiếp xúc cơ thể cũng là cách để cha mẹ truyền đạt tình yêu thương và sự an toàn với con, cho con biết rằng cha mẹ luôn ở đó. Hãy khuyến khích các con của mình ôm nhau để thể hiện cảm xúc, bắt đầu từ việc biết ôm đứa em mới sinh chẳng hạn. Khen ngợi con từ những điều nhỏ nhất, chẳng hạn đơn giản như “Con rất ngoan khi biết khen tranh của em con đẹp.”

>> Không biết cách khen ngợi trẻ thế nào cho đúng? Tìm hiểu bí quyết “ngợi khen” con để con biết tự tin từ Tony Ngô – Chủ tịch và Đồng sáng lập của Everest Education tại đây: https://blog.e2.com.vn/vi/bi-quyet-don-gian-nuoi-day-tre-tu-tin/

Lời kết

Để có thể xây dựng một tình bạn ý nghĩa và lâu bền với con, bên cạnh những khoảng thời gian cố định trong ngày, hãy cố gắng luôn có mặt bên cạnh con mỗi khi con cần:

  • Đối xử với con những một cá thể độc lập, có suy nghĩ và tiếng nói riêng
  • Trò chuyện với con thường xuyên để hiểu được suy nghĩ, ước mơ, ý tưởng và cảm xúc của con
  • Chia sẻ với con về cuộc sống tinh thần của chính bạn – không cần phải nói những khía cạnh của thế giới người lớn quá sức tiêu cực, nhưng bạn có thể chia sẻ với con những cảm xúc bình thường của một người làm cha, làm mẹ, để từ đó cả hai có thể xây dựng được sự kết nối, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.

Để có thể là một người bạn tốt của con, hãy cứ mở lòng, trung thực, yêu thương bản thân, là một người bạn thực sự, và luôn có mặt ở bên con mỗi khi con cần. Chỉ cần như vậy, cha mẹ sẽ tự khắc có thể cân bằng giữa vai trò là một phụ huynh và là một người bạn của con. E2 hy vọng rằng các bậc phụ huynh sẽ có thể tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời khi được làm bạn cùng con mình.

Nguồn tham khảo:
https://www.parentingscience.com/parents-be-friends.html#:~:text=Research%20suggests%20that%20kids%20do,the%20development%20of%20self%2Dcontrol.
https://www.yourtango.com/experts/nicola-beer/ways-protect-yourself-alcoholic-parent-spouse
http://www.imom.com/six-ways-to-build-a-friendship-with-your-child/#.XwP4Qygza70
https://blog.heartmanity.com/6-tips-for-being-friends-with-your-child
https://time.com/4126991/how-to-raise-your-kids-so-theyll-grow-into-your-friends/

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí