7 dấu hiệu cho thấy con đang bộc lộ năng khiếu
Trên thực tế, chưa có đặc điểm nào được công nhận rộng rãi để có thể tìm hiểu cũng như chưa có dấu hiệu chính xác nào khẳng định liệu một đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh hay không. Thành tích học tập hay điểm kiểm tra không hoàn toàn là chỉ số xác định sự thông minh của một đứa trẻ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và nhà tâm lý học giáo dục cho biết có một số tín hiệu nhận biết tiềm năng này ở một đứa trẻ:
1. Con tò mò và đặt nhiều câu hỏi
Bản tính của những đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh là luôn tò mò về thế giới xung quanh và thường xuyên đặt vô vàn câu hỏi “tại sao”, “như thế nào”. Sự tò mò này của con không chỉ đơn thuần là những thắc mắc giản đơn về một chủ đề nào đó, con sẽ mong muốn tìm hiểu sâu hơn nữa, thậm chí là đến những chủ đề “lân cận”. Trong môi trường học đường, những đứa trẻ có năng khiếu sẽ không bao giờ thỏa mãn với việc học chỉ đề làm bài kiểm tra được điểm cao hay hoàn thành xong bài tập. Đôi khi, những thắc-mắc-rất-cần-lời-đáp của con sẽ gây ra không ít “bối rối” cho cả giáo viên lẫn phụ huynh và bạn học, thế nhưng đừng vì thế mà ngăn con đặt câu hỏi! Điều này có thể làm mất động lực và phần nào ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp trong tương lai.
2. Con luôn có cách tư duy “không theo lối mòn”
Khác với những đứa trẻ sáng dạ, trẻ có năng khiếu bẩm sinh luôn có “lối đi riêng” trong việc học tập. Điều này có thể được giải thích rằng con muốn chú tâm vào một khía cạnh của chủ đề hoặc bài tập quá dễ so với năng lực của con. Ví dụ, trong các lớp Toán Singaporecủa Everest Education, chúng tôi quan sát thấy những em học sinh có năng khiếu thường là những em có thể tìm ra nhiều cách đơn thuần theo câu hỏi đề bài. Hoặc khi chúng tôi ra một chủ đề viết luận trong các lớp Ngữ Văn Anh, những bài luận ấn tượng nhất luôn là những bài đến từ những em học sinh có thể diễn giải đề bài theo nhiều góc độ khác nhau. Trong cả hai tình huống trên, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là các nhà giáo dục và cha mẹ nên cởi mở và tránh trách mắng con vì không làm theo chỉ dẫn.
3. Con giàu vốn từ và thích thú khi trò chuyện với người lớn
Một trong những điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy ở những đứa trẻ thông minh là vốn từ vựng phong phú của chúng. Các con thường hiểu và biết cách sử dụng nhiều từ ngữ “cao cấp” hơn hẳn các bạn đồng trang lứa, kể cả những từ khá trừu tượng và tượng hình. Điều này có thể lý giải là do con có khả năng đọc và tiếp cận với các văn bản có mức độ phức tạp hơn. Một lý giải khác về cách dùng từ vựng “khó” của con đó là nhờ sự nhạy bén với ngữ pháp và năng lực đoán nghĩa của từ mới trong ngữ cảnh cụ thể. Con còn có khả năng ghi nhớ từ vựng dễ dàng hơn, không cần mất nhiều công sức lặp đi lặp lại để ghi nhớ từ vựng như những đứa trẻ thông thường. Vì lẽ đó, những đứa trẻ thông minh thường thích được nói chuyện với người lớn, vì kỹ năng ngôn ngữ của con đã được nâng tầm đáng kể. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là khuyến khích con hòa mình với các bạn cùng lứa tuổi để tránh tình trạng con bị cô lập và thu mình khi nhận thức thấy sự cách biệt năng lực trí tuệ.
“Và mọi người cứ cười con vì dùng từ đao to búa lớn. Nhưng khi chúng ta có những ý tưởng lớn lao thì phải dùng những từ lớn lao để bày tỏ chứ, bác nhỉ?”
– Trích dẫn từ tựa sách thiếu nhi kinh điển của nhà văn L.M. Montgomery Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh .
4. Con có những ý tưởng độc đáo
Một đứa trẻ bộc lộ năng khiếu thật sự có lối “tư duy độc đáo” (original thinker) và có thể tiếp thu những thông tin trừu tượng và cùng lúc tổng hợp nhiều ý tưởng từ các lĩnh vực khác nhau. Con có trí tưởng tượng táo bạo và từ đó phát triển nên những câu chuyện, bài hát và vở kịch phong phú theo cách của riêng mình. Những ví dụ về sản phẩm thuộc phạm trù sáng tạo trên còn bao hàm cách con sử dụng ngôn ngữ thuần thục và có khiếu hài hước.
5. Con nhận thức tốt và có năng lực tự học các kỹ năng mới
Tự học đọc và viết trước khi được học ở trường cũng là một tín hiệu cho thấy con đang bộc lộ năng khiếu. Những đứa trẻ thông minh là những đứa trẻ có khả năng lập luận tốt hơn, nhận thức tốt hơn và đặc biệt có trí nhớ tốt. Một vài số liệu cho thấy, một học sinh trung bình cần nghe lặp đi lặp lại một thông tin từ 8-15 lần mới có thể tiếp thu được, trong khi một đứa trẻ với năng khiếu bẩm sinh có thể chỉ cần nghe một từ, một thông tin hoặc ý tưởng từ 1-2 lần. Trong lớp Toán, con sử dụng logic và suy luận để giải quyết vấn đề trước khi được dạy cách giải thông thường. Con học hỏi nhanh chóng và không cần thực hành nhiều như những đứa trẻ khác khi muốn rèn luyện kỹ năng mới. Con cũng dễ cảm thấy nhàm chán khi một bài học được lặp đi lặp lại, khiến con họ mất dần sự chú ý bài học. Chương trình giảng dạy cô đọng bao gồm nhiều bài học trong thời gian ngắn sẽ phù hợp với co và giúp con học hiệu quả hơn.
6. Con trở nên nhạy cảm hơn
Ngay từ khi còn nhỏ, con đã “dè dặt” và hòa nhập vào môi trường xung quanh. Con có kỹ năng tập trung cao và có khả năng đi vào trạng thái tập trung một cách nhanh chóng. Thông qua việc chinh phục những thử thách mới, con có thể phát triển về mặt nhận thức. Đó là lý do vì sao điều quan trọng hơn hết là cần đảm bảo những đứa trẻ có năng khiếu nhận được những thử thách phù hợp, đặc biệt là trong môi trường trường học có nhiều không gian để tỏa sáng.
7. Con có những cảm xúc mạnh
Con có thể khá cố chấp và có những cảm xúc mạnh về vấn đề bản thân con cho là quan trọng. Con có thể nhận thức rõ ý kiến và cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, nhận thức tốt không có nghĩa con biết cách xử lý thông tin này phù hợp qua các cuộc giao tiếp xã hội. Thực tế, những đứa trẻ “thiên tài” thường có xu hướng nhạy cảm và dễ xúc động hơn những đứa trẻ bình thường. Một số đứa trẻ với năng khiếu sẵn có, có khả năng tự nhận thức về bản thân một cách đáng kinh ngạc, điều này dễ khiến các con trở nên hướng nội và cảm thấy khó hòa nhập. Cha mẹ có thể suy nghĩ đến phương án cho con vào học chương trình dành riêng cho trẻ có năng khiếu đặc biệt, nơi con sẽ có những người bạn đồng trang lứa có nhiều tương đồng về năng lực trí tuệ với con hơn.
Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn
được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng
Tạo dựng môi trường hoàn hảo để nuôi dưỡng tài năng của con bằng cách nào?
Cha mẹ nên làm gì khi nhận thấy tiềm năng sớm trong con? Làm thế nào để nuôi dưỡng tài năng của con mà không tạo ra quá nhiều áp lực?
1. Sáng tạo hơn để khuyến khích con tham gia vào hoạt động
Cho con tham gia vào các hoạt động theo sở thích của con là điều cần thiết để phát triển tài năng. Ví dụ: nếu con yêu thích khoa học, hãy cho con tham quan các bảo tàng khoa học dành cho trẻ em để mang lại nhiều trải nghiệm thực hành. Cha mẹ cũng có thể cho con nguyên liệu để vui chơi sáng tạo, ví dụ: cho con hộp trứng, hộp các tông, cuộn khăn giấy. Hoặc, sao không thử đăng ký cho con tham gia Trại Hè STEAM Trực Tuyến? Trại hè của chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực từ các gia đình – và chắc chắn sẽ thu hút con thông qua các hoạt động đa dạng: thực hành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học trong môi trường 100% hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Một vài ví dụ có thể kể về việc tạo môi trường có vai trò quan trọng để bồi dưỡng tài năng của trẻ như thế nào, như khi cha của Ed Sheeran – chủ nhân của hàng loạt giải Grammy danh giá – nhận ra âm nhạc là điều vô cùng quan trọng trong cuộc đời của con trai mình, ông đã chủ động đưa con đến các buổi hòa nhạc hàng tuần, hy vọng con trai sẽ tìm thấy tiếng gọi nơi trái tim mình.
(c) CNN
Hoặc nếu đã từng rất hào hứng trước sự kiện Lionel Messi đánh bại Brazil và giành được cúp Copa America gần đây, gia đình có biết rằng, người bà của Leo – Ceila là một trong những người có ảnh hưởng và được anh vô cùng ngưỡng mộ không? Theo lời Messi kể, bà chính là người đã nhận ra tài năng của anh, năn nỉ huấn luyện viên của anh cho anh vào đội hình mặc dù cậu bé Leo khi đó thấp bé hơn nhiều so với những đứa trẻ khác cùng tuổi. Bà cũng là người thường xuyên đi cùng anh đến các trận đấu và buổi tập khi còn nhỏ. Nhờ đó mà thế giới ngày nay có thêm một “Vua bóng đá” Messi.
2. Cho con tiếp xúc những người bạn tài năng, cùng chí hướng
Các nghiên cứu cho thấy rằng sự phát triển kỹ năng của trẻ phát triển nhanh hơn khi con tương tác, học hỏi và được truyền cảm hứng từ những người khác có tài năng tương tự. Khi con nhìn thấy những người xung quanh tỏa sáng cũng là lúc con được tiếp thêm động lực để phát triển và ở tầm cao mới.
3. Tìm những người có ảnh hưởng phù hợp
“Không ai đạt được sự vĩ đại một mình”. Đôi khi, cha mẹ phải nhìn xa hơn để đáp ứng nhu cầu của con – bằng cách tìm đến sự giúp đỡ bên ngoài. Không nhất thiết phải là một người có thật nhiều kinh nghiệm. Một nghiên cứu bất ngờ cho thấy, những người có ảnh hưởng lớn nhất đến con rất có thể là bạn bè của con.
Chẳng hạn, mối quan hệ giữa hai thành viên ban nhạc nổi tiếng The Beatles – John Lennon và Paul McCartney – là minh chứng cho sự ăn ý các cặp đôi giàu sức sáng tạo. Họ cố vấn, huấn luyện, hỗ trợ và khuyến khích đối phương.
4. Xây dựng các giá trị trong gia đình nhằm tạo động lực
Các giá trị gia đình là nền tảng hướng dẫn con và hướng con đến các hành động. Khi con cảm nhận được mình là một phần trong các giá trị này và nhận được hỗ trợ từ gia đình, con sẽ phát huy hết tiềm năng của mình. Một số giá trị giúp kiến tạo môi trường hoàn hảo cho con bạn phát triển:
- Giá trị tôn trọng: Giá trị này thể hiện sự tôn trọng nét độc đáo, ý kiến, lý tưởng và ước mơ của con. Hãy dành thời gian để cả gia đình quây quần, tự do vui chơi và theo đuổi sở thích.
- Giá trị lao động: Đối với trẻ nhỏ, điều này được hiểu là việc con đến trường học và tiếp nhận giáo dục. Tự mình mô hình hóa các hành vi tích cực – ví dụ: tính kiên trì, luôn làm hết sức mình, không bỏ cuộc khi mọi thứ không theo kế hoạch – là một trong những cách hiệu quả nhất để dạy con những giá trị này.
>>> Khám phá cách ông Tony Ngo – Chủ tịch kiêm Đồng sáng lập Everest Education – giúp con mình rèn luyện kỹ năng tự nhận thức, tư duy phản biện trong bài viết Dạy trẻ tự đánh giá nỗ lực và chiến lược của bản thân.
- Giá trị xã hội: Đây là chìa khóa để nuôi dạy những đứa trẻ tốt bụng và biết quan tâm đến người khác và đóng góp tích cực cho cộng đồng. Khuyến khích và khen ngợi con khi con ứng xử tôn trọng và lịch sự trong các giao tiếp, làm việc nhóm và giúp đỡ mọi người bằng năng khiếu của con.
Lưu ý rằng, những “mẫu số chung” trên đây khi nói về dấu hiệu nhận biết năng khiếu ở trẻ không thể bao quát toàn bộ những cá nhân xuất sắc với năng khiếu riêng biệt. Nếu cha mẹ nhận thấy nhiều dấu hiệu chứng tỏ con mình có năng khiếu, cha mẹ cũng có thể trò chuyện thêm với giáo viên hay những người có khả năng ảnh hưởng đến chặng đường phát triển của con để có thể thống nhất hướng giáo dục phù hợp.
Sớm nhận biết con có năng khiếu cũng sẽ giúp gia đình hiểu rõ hơn đâu mới là môi trường giáo dục phù hợp với con. Vừa mang lại sự an tâm khi hiểu được con mình, vừa tạo động lực để phụ huynh tạo điều kiện cho con được học tập trong môi trường tốt nhất.
Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn
được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng