7 Điều Cha Mẹ Nên Làm Khi Con Bị Điểm Kém

Cha mẹ nào hẳn cũng kỳ vọng con cái thành công trong mọi việc, đặc biệt là trong các kỳ thi. Kết quả thi cử phần nào giúp cha mẹ theo dõi tiến độ học tập của con và thường được coi là chỉ số quan trọng đảm bảo con “đi đúng hướng” mà cha mẹ đã vạch sẵn. Khi con thi trượt hoặc đạt điểm kém, cả cha mẹ và con chắc hẳn đều buồn như nhau. Nhiều phụ huynh cho rằng kết quả kém này xuất phát từ việc con chưa nỗ lực hoặc chưa nghiêm túc trong học tập, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Một số phụ huynh thậm chí còn có những hành động có nguy cơ gây tổn thương con với chủ ý không muốn con lặp lại kết quả kém này vào lần sau. Chính áp đặt này đã làm cho tỷ lệ trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam ngày càng gia tăng, nhiều học sinh thậm chí muốn bỏ nhà đi vì áp lực học hành.

Phụ huynh sẽ có chút tức giận, thất vọng hoặc buồn bực mỗi khi con không đạt được kết quả thi như mong muốn, nhưng đừng quên, trẻ cũng có thể đang phải chịu đựng những cảm xúc tồi tệ. Kết quả thi kém có thể dẫn đến những tác động nghiêm trọng đến trẻ: cảm thấy thất vọng, xấu hổ và bắt đầu nghi ngờ vào khả năng, giá trị bản thân.

Những kỳ thi là bước đi quan trọng trong quá trình trưởng thành của con, dù có đang thất vọng về kết quả thi kém, chúng ta vẫn có rất nhiều điều có thể học hỏi từ những thất bại. Trong bài viết này, Everest Education gợi ý đến phụ huynh 7 việc nên làm để giúp con vực dậy tinh thần, vượt qua thất bại trong kỳ thi.


Vì sao con đạt điểm kém?

Mỗi khi hỏi “Con đã học bài chưa?”, câu trả lời của con thường là “Có”. Tuy nhiên, ngay cả khi con có học bài thật, con vẫn có thể nhận điểm kém trong bài thi. Vì vậy, không mấy bất ngờ khi nhiều học sinh thông minh và sáng dạ đôi khi vẫn đạt kết quả không như mong đợi. Ngay cả khi dành hàng giờ đồng hồ để học và ôn tập, nhiều học sinh vẫn “THẤT BẠI” trong kỳ thi! Vậy, vì sao con đã học tập chăm chỉ mà vẫn không đạt được điểm số tốt? Dưới đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn phụ huynh cần lưu ý:

1. Chứng Lo âu thi cử (Test anxiety) 

Lo lắng về thành tích ảnh hưởng đến mọi học sinh, từ lứa tuổi mầm non đến khi trở thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Các dấu hiệu thường gặp của chứng “Lo âu thi cử”: cảm giác bồn chồn, hồi hộp; chứng suy nhược như buồn nôn, đau nửa đầu, nhịp tim tăng nhanh và ngất xỉu.

2. Lòng tự tôn (Self-esteem)

Trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên thường kém tự tin hơn so với những gì các em thể hiện ra bên ngoài. Hãy nhớ lại những trải nghiệm của chính cha mẹ những ngày còn trên ghế nhà trường, áp lực từ bè bạn và xã hội đã gay gắt và gây bất ổn tinh thần đến mức nào? Ngày nay, khi mọi đứa trẻ tuổi “teen” đều có tài khoản mạng xã hội của riêng mình, việc chịu áp lực tinh thần từ bạn bè và những người xung quanh có thể xảy ra 24/7. Đối với nhiều học sinh, điểm số được cho là định đoạt giá trị bản thân của các em. Đạt điểm B thay vì điểm A sẽ khiến học sinh nghĩ rằng mình là người thất bại. Không được nhận công việc thực tập đã ứng tuyển sẽ khiến các em nghĩ rằng công ty ứng tuyển đã từ chối giá trị năng lực của các em.  Một nghiên cứu vào năm 2002 của Jennifer Crocker tại Học viện xã hội – Đại học Michigan cho thấy 80% sinh viên đại học định vị giá trị bản thân dựa trên mức độ thành công trong học tập.

3. Phương pháp học tập chưa phù hợp

Hệ thống giáo dục của chúng ta thường dạy trẻ học CÁI GÌ, chứ không phải học NHƯ THẾ NÀO. Nếu phụ huynh thấy con ngồi trước bàn học hàng giờ đồng hồ nhưng vẫn đạt điểm kém, điều đó có nghĩa là con chưa có phương pháp học tập phù hợp. Ví dụ, nếu con học từ vựng bằng thẻ từ vựng (flashcard) trong khi con là một người tiếp thu thông tin/ kiến thức qua thính giác (auditory learner), lúc này thẻ từ vựng không phải là một lựa chọn phù hợp!

4. Một vài nguyên nhân khác

reasons-why-kids-fail-exams

  • Sự mất hứng thú trong học tập – Con không ham học hoặc không dành niềm đam mê cho môn học nào đó
  • Sự trì hoãn – Con lần lữa trong việc học do quản lý thời gian không tốt
  • Sự kiên trì – Ban đầu, con thích học, nhưng khi thời gian chờ đợi kết quả đánh giá quá lâu làm con mất dần quyết tâm
  • Sự tự tin thái quá – “Con không cần học, con đã nắm chắc kiến thức!”
  • Sự mất tập trung – Điện thoại, bạn bè, đồ ăn … luôn là thứ hấp dẫn con hơn những cuốn sách
  • Tài liệu học tập không phù hợp: từ cách ghi chú không chính xác đến đề cương ôn tập

Cha mẹ nên làm gì khi con đạt điểm kém?

Dù có đang thất vọng về kết quả thi kém của con, chúng ta vẫn có rất nhiều điều có thể học hỏi từ những thất bại này. Dưới đây là một số gợi ý dành cho cha mẹ giúp trẻ vực dậy tinh thần từ những thất bại và lấy lại phong độ:

1. Đừng đổ lỗi cho con

Hãy bình tĩnh! Điều đầu tiên cha mẹ nên làm khi con đạt điểm kém đó là ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO CON. Nhiều phụ huynh vì tức giận khi biết con đạt kết quả kém đã có ý định phạt con bằng cách cho “ăn đòn”. Theo đó là những lời “mắng nhiếc” về những lần con dậy muộn vào buổi sáng, mải chơi khi trời sắp tối hay xem tivi quá thời gian quy định.

Điều quan trọng là chúng ta cần giúp con tiến bộ bằng những hỗ trợ tích cực và mang tính xây dựng. Dĩ nhiên, bao giờ nói cũng dễ hơn là bắt tay vào hành động, nhưng phụ huynh cũng không thể thay đổi điều đã xảy ra: con đã đạt điểm kém. Gay gắt với con có thể khiến con căng thẳng hơn trong các kỳ thi tiếp theo. Sự căng thẳng kéo theo các vấn đề về trí nhớ và năng lực giải quyết vấn đề, điều này càng khiến thành tích học tập của con sụt giảm. Không có đứa trẻ nào đi thi với tâm thế “mình sẽ đạt điểm kém” cả. Giống như người lớn, trẻ cũng định vị giá trị bản thân từ những thành công, nhất là qua những kỳ thi. Vì thế, nếu mọi thứ không diễn ra như mong đợi, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng. Đừng làm cho con cảm thấy “tội lỗi” hơn. Thay vào đó, hãy giúp con “đứng dậy” và cố gắng vào lần sau. Hãy luôn nhắc nhở con “Sự vẻ vang lớn nhất của chúng ta không nằm ở chỗ chưa bao giờ gặp phải thất bại, mà nằm ở chỗ chúng ta vươn lên sau mỗi thất bại đó.”

2. Đừng so sánh con với những đứa trẻ khác

Đặc biệt, đừng so sánh con với anh, chị, em của mình. Khi một đứa trẻ đạt điểm kém trong kỳ thi, cha mẹ thường so sánh con với bạn bè của con hoặc với những bạn đạt thành tích cao, tất cả những điều đó sẽ làm tổn thương lòng tự tôn của con và khiến con hình thành cảm xúc tiêu cực. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, và thể hiện điểm mạnh và điểm yếu theo những cách khác nhau. So sánh những đứa trẻ với nhau sẽ chỉ làm trẻ cảm thấy khó chịu và đánh mất sự tự tin.

3. Trò chuyện cởi mở với con

Một cuộc trò chuyện cởi mở và nhẹ nhàng với con sẽ giúp phụ huynh hiểu được những khó khăn con đang gặp phải xoay quanh việc học. Không phải lúc nào học hành không chăm chỉ cũng là lý do khiến con bị điểm kém. Nguyên nhân hoàn toàn có thể đến từ các yếu tố khác như: “nỗi sợ thi cử”, vấn đề thị lực, hoặc không có niềm đam mê đối với một số môn học như chúng tôi đã đề cập phía trên. Nếu một đứa trẻ sáng dạ bỗng chốc sa sút kết quả thi, không thể loại trừ những vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn như con bị bắt nạt, lạm dụng hoặc chấn thương tâm lý.

Hãy để con tự nói ra cảm xúc của mình, tìm hiểu xem điều gì đã làm kết quả bài thi của con bị kém thay vì phỏng đoán. Đừng lên giọng với con vào lúc này. Hãy hỏi con rằng “cha mẹ có thể giúp gì cho con không? Con có gặp sự cố gì trên lớp không? Con có đang bận tâm đến việc gì khác khiến việc học xao nhãng không?” Mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái xây đắp trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành tích học tập của con.

Nếu gia đình cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp với con, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ những người khác như giáo viên trên lớp của con để phân tích và nói chuyện với con. Các giáo viên và chuyên gia tại Everest Education ("E2") luôn sẵn sàng hỗ trợ phụ huynh tìm hiểu khó khăn con đang gặp phải.

4. Giúp con hình thành các thói quen học tập tốt

help-your-child-develop-better-study-habitsCó thể phương pháp hoặc thói quen học tập của con chưa phù hợp với con, hoặc có thể con đang phải học quá nhiều. Hãy giúp con cân bằng quỹ thời gian dành cho học tập, giải trí và dành cho gia đình. Việc học là điều quan trọng, và việc con chơi đùa bên ngoài cũng quan trọng không kém. Sau 6 giờ học liên tục trên lớp, thời gian cho con thư giãn là rất quan trọng. Hãy giúp con hoàn thiện một thời khóa biểu phù hợp, cân bằng tốt giữa trường học, gia đình và giải trí.

Chuẩn bị những khẩu phần ăn tốt cho não bộ cho con trước thời gian làm bài tập về nhà hoặc ôn bài, các món ăn này giúp cung cấp năng lượng cho não bộ. Tương tự máy móc, não bộ cũng cần “nhiên liệu” để giúp con tiếp thu kiến thức, con khó học tốt hoặc nhớ bài tốt khi bụng đói. Cuối cùng, cùng con tạo thời gian biểu. Thời gian biểu và thói quen rất quan trọng vì thói quen mang lại cho con cảm giác an toàn đồng thời giúp con nâng cao tinh thần tự giác. Thời gian biểu không nhất quán có thể khiến con bồn chồn, lo lắng, biểu hiện qua điểm số hoặc tính cách của con ở trường. Ngoài ra, đừng quên khuyến khích con thực hành luyện tập hít thở, việc này giúp con giảm căng thẳng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

5. Giúp con vượt qua “nỗi ám ảnh” môn học con không thích

Khi một đứa trẻ sáng dạ không thích một môn học nào đó, việc này sẽ được biểu hiện qua kết quả học tập. Để trẻ vượt qua sự chán ghét môn học này là cả một thử thách đối với phụ huynh. Trong nhiều trường hợp, trẻ không dành niềm đam mê cho môn học đó là do giáo viên hoặc cách giảng dạy ở trường. Nếu rơi vào trường hợp này, cha mẹ cần tìm cách để thay đổi suy nghĩ của con về môn học. Ép buộc con chăm chỉ hơn đối với những môn học mà con không thích thường không mang đến kết quả tích cực. Thay vào đó, hãy thử tranh thủ sự quan tâm của con bằng những cách khác. Ví dụ, nếu con ghét môn Toán, hãy khơi dậy tình yêu toán học bằng cách cho con trải nghiệm những trò chơi toán học thú vị, giúp con liên hệ môn toán vào cuộc sống thường nhật.

>> Đọc thêm Lý do con ghét môn Toán và cách giúp con lấy lại niềm yêu thích môn Toán TẠI ĐÂY

6. Tìm kiếm những phương pháp hỗ trợ con trong việc học

Nếu phụ huynh không có nhiều thời gian để dạy con học, internet và khóa học trực tuyến là những lựa chọn tốt nhất. Sức mạnh của thế giới kỹ thuật số ngày nay cho phép trẻ học bất cứ điều gì, từ bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào và không mất phí. Internet cung cấp nhiều lựa chọn về các khóa học, trang web và ứng dụng tự học trực tuyến dành cho trẻ em theo chủ đề toán, khoa học, nghiên cứu xã hội, tiếng Anh hay các kỹ năng mềm như viết lách, vẽ, thuyết trình, lập trình. Làm cách nào để tìm đúng trang web, ứng dụng hữu ích phù hợp với con? Everest Education mang đến cho gia đình một số gợi ý hữu ích qua danh sách dưới đây:

Phụ huynh cũng có thể tìm gia sư cho con để cải thiện kết quả học tập. Các gia sư được đào tạo bài bản để đánh giá đúng năng lực học tập của con và giúp con phát hiện ra những thiếu sót cần cải thiện. Gia sư cũng có thể lên một giáo án dành riêng cho con giúp con phát triển các kỹ năng cần thiết. Bằng cách thay đổi cách tiếp cận môn học, việc học thêm có thể giúp con giải quyết những vấn đề mà con chưa hiểu rõ.

Chương trình dạy kèm của Everest Education được tùy chỉnh tùy theo nhu cầu của học sinh với sự cố vấn đặc biệt từ phía thầy cô. Chúng tôi xác định từng điểm mạnh và điểm yếu của học sinh để đưa ra một lịch trình học phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của gia đình. Các em được học hoàn toàn bằng tiếng Anh theo từng nhóm nhỏ, hoặc học 1 kèm 1 theo môn học mình lựa chọn, bao gồm Anh ngữ, Toán, Khoa Học (Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học), IGCSE, IB, IELTS, và SAT.

>> Tìm hiểu thêm về chương trình Dạy kèm của chúng tôi TẠI ĐÂY

7. “Ăn mừng” những thất bại

“Ăn mừng những thất bại” cũng là một trong những giá trị cốt lõi của Everest Education mà chúng tôi vô cùng trân trọng. Không chỉ dành cho học sinh mà còn cho cả giáo viên và nhân viên của trung tâm. Từ cấp phổ thông cho đến giảng đường đại học đến nơi công sở, thất bại được cho là điều chúng ta luôn phải tránh bằng mọi giá. Tuy nhiên, tại Everest Education, chúng tôi xem mỗi thất bại như một bài học kinh nghiệm. Mỗi thất bại trong kỳ thi có thể giúp con hiểu hơn về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bằng cách học hỏi từ những điều đó, con sẽ không bao giờ lặp lại những sai lầm tương tự.

Thất bại là một người thầy tài ba giúp chúng ta tiến bộ. Người ta thường xem thất bại là sự đối lập với thành công, nhưng đó chỉ là một quan niệm giản đơn và có phần tiêu cực. Thành công không thể đến với chúng ta bằng một cách thần kỳ – thành công là bậc thang cuối cùng trong một quá trình dài rèn luyện và học hỏi từ những thất bại. Daniel Epstein, Giám đốc điều hành của Unreasonable Institute, đã nói về thất bại một cách độc đáo như sau: “Thất bại là một cụm từ kỳ lạ. Tôi không coi đó là thất bại. Tôi xem đó là sự tiến hóa tự nhiên của một giải pháp cho một vấn đề nào đó.”

Đây là cơ hội để cha mẹ dạy con các kỹ năng đối diện và giải quyết vấn đề. Cha mẹ có thể gợi ý cho con những việc giúp con thành công vào lần sau. Ví dụ, con có thể thay đổi phương pháp học hoặc nói chuyện với giáo viên về vấn đề con cảm thấy khó khăn trước kỳ thi. Những gợi ý tích cực sẽ khiến con gần gũi với cha mẹ hơn khi con gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ.

Tạm kết

Điều quan trọng nhất để phụ huynh có thể giúp con vượt qua kỳ thi một cách xuất sắc đó là cho con tự đứng vững trên khả năng của mình. Hãy giúp con tạo các thói quen tốt, thúc đẩy ý chí thành công, sau đó là cùng con đối diện với kết quả. Nếu cha mẹ gặp phải cảm giác bực bội vì con đạt thành tích kém, hãy tự biến điều này thành cơ hội để học cách nhìn nhận: Chúng ta không thể lúc nào cũng thành công khi làm bất kỳ việc gì. Đôi khi thất bại là một phần của cuộc sống. Điều con cần nhất ở cha mẹ vào thời điểm này là tình yêu thương, sự quan tâm và tất nhiên là những hỗ trợ tích cực và mang tính xây dựng.

Nếu quý vị có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn chúng tôi khai thác, vui lòng để lại bình luận bên dưới. Quý vị cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho cha mẹ tại đây.

Nguồn tham khảo:

Your child failed now what

Parents what to say to your kids when they have failed their exams

Why you shouldnt base your selfesteem on grades

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí