7 phương pháp giúp con vượt qua căng thẳng thi cử

Sau nhiều tháng học tập cùng vài tuần ôn luyện, kỳ thi của con cũng đã đến gần. Bài kiểm tra hoặc kỳ thi sắp tới có thể là khoảng thời gian căng thẳng đối với bất kỳ học sinh nào. Liệu các con có đang bị căng thẳng quá mức vào những ngày này không? Mặc dù đã chuẩn bị bài kỹ càng, nhưng đến ngày kiểm tra, đầu óc con lại đột nhiên trở nên “trống rỗng”, cảm thấy lo lắng đến mức không thể tập trung trả lời câu hỏi mà tối qua con đã thuộc lòng? Đó là lý do tại sao người ta hay nói “học tài, thi phận”.

Nếu trẻ có những biểu hiện này, có thể trẻ đang gặp phải chứng lo âu thi cử (test anxiety) – một cảm giác hồi hộp, lo lắng mà chúng ta gặp phải khi đối mặt với các bài kiểm tra.

Căng thẳng và lo lắng trước kỳ thi là điều rất thường gặp. Tuy nhiên, chứng lo âu thi cử có thể lại là vấn đề khá nghiêm trọng, làm giảm khả năng học tập và ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của trẻ.

Do đó, phụ huynh nên tìm hiểu xem con có đang mắc chứng lo âu thi cử không, và làm cách nào để giúp con đối phó với nó.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về chứng lo âu thi cử, ảnh hưởng của chứng lo âu này đến học sinh và một số lời khuyên để cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi kỳ thi đến.

Chứng Lo âu thi cử (Test anxiety) là gì?

Chứng Lo âu thi cử thực tế là áp lực “phải thành công” hoặc một loại lo lắng về thành tích – cảm giác mà bất kỳ ai cũng có thể gặp khi xem thành tích là thước đo của sự công nhận. Ví dụ, một người có thể dễ dàng trải nghiệm triệu chứng này khi phải biểu diễn vở kịch ở trường, hát solo trên sân khấu, vào vị trí người ném bóng, bước lên ván cầu thực hiện một cú nhảy cầu hoặc tham gia một cuộc phỏng vấn quan trọng.

Vì sao trẻ gặp phải chứng lo âu thi cử?

Chứng Lo âu thi cử xuất hiện khi học sinh bị “choáng ngợp” bởi nỗi sợ không-thể-làm-tốt trong kỳ thi. Các em thường có xu hướng suy nghĩ về tất những điều tồi tệ có thể xảy ra trong bất kỳ tình huống nào. Chứng Lo âu thi cử thường gặp ở hai dạng học sinh: học sinh trung bình gặp khó khăn trong việc học, hoặc những em học giỏi theo kiểu “quá cầu toàn”. Chứng Lo âu thi cử cũng xuất hiện ở những học sinh mong muốn thể hiện bản thân qua điểm số đạt được trong kỳ thi. Các em tự tạo áp lực cho chính mình đến mức khiến bản thân mất tinh thần.

Những dấu hiệu của chứng Lo âu thi cử

Chứng lo âu thi cử có thể ảnh hưởng đến thể chất, nhận thức, cảm xúc và hành vi của học sinh. Tương tự với cảm giác mà chúng ta hay trải qua mỗi khi lo lắng, , chứng lo âu thi cử có thể gây choáng váng, đau bụng hoặc đau đầu. Một số học sinh có thể có cảm giác run rẩy, đổ mồ hôi, hoặc tim đập nhanh trong khi chờ phát bài thi. Học sinh gặp chứng lo âu thi cử có cảm giác như mình “sắp ngất đến nơi” hoặc có tâm trạng nôn nao. Chứng lo âu thi cử này cũng có những biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến:

  • Đầu óc “trống rỗng” hoặc lơ ngơ trong quá trình thi cử
  • Vừa học vừa lo lắng mình sẽ quên mang cái này cái kia vào phòng thi
  • Cảm giác ôn tập bao nhiêu cũng không đủ
  • Cảm giác tuyệt vọng hoặc sợ làm bài không được trong các bài kiểm tra hoặc kỳ thi
  • Khó tập trung ôn tập cho kỳ thi sắp tới
  • Đạt điểm số cao trên lớp hoặc bài tập về nhà, nhưng đến khi thi thì làm không tốt
  • Thiếu tự tin
  • Các dấu hiệu về thể trạng trước ngày thi: chứng lo âu thi cử dẫn đến các dấu hiệu như tim đập nhanh, đau đầu, choáng váng và có lúc buồn nôn. Cha mẹ có thể nhận ra ngay nếu đến gần kỳ thi con có biểu hiện đau bụng hoặc bất kỳ dấu hiệu nêu trên.

Đối với những học sinh đang phải vật lộn với chứng lo âu thi cử, chỉ một chút lo lắng trước kỳ thi sẽ nhanh chóng chuyển thành cảm giác sợ hãi và kéo theo chứng suy nhược, có thể tác động tiêu cực đến kết quả học tập.

Học sinh ở độ tuổi nào cũng đều có thể phải “đối phó” với chứng lo âu thi cử. Đối với nhiều em học sinh, lo âu thi cử xuất hiện chủ yếu ở nhóm học sinh từ lớp 2 đến lớp 4 và vẫn duy trì ở mức cao khi các em chuyển sang cấp hai và cấp ba.

Những phương pháp giúp trẻ vượt qua chứng lo âu thi cử

Đối với những vấn đề mang tính hệ thống và lâu dài này, cha mẹ nên can thiệp để giúp con vượt qua chứng lo âu thi cử bằng những phương pháp sau:


1. Dạy cho trẻ những bước cơ bản khi làm bài thi

Trẻ nhỏ có rất ít kinh nghiệm làm bài thi. Bằng cách dạy trẻ những bí quyết làm bài thi cơ bản, con có thể chủ động và tự tin làm chủ kỳ thi, chẳng hạn như đọc kỹ đề bài, đọc kỹ câu hỏi,, tìm những câu hỏi dễ mà con có thể trả lời ngay lập tức trước, sau đó mới chuyển qua câu hỏi khó hơn. Dạy con bí quyết làm bài thi còn bao gồm cả việc dạy con về cấu trúc bài thi: cho con biết trước những dạng câu hỏi, cách tính điểm trong bài thi và những lỗi cần tránh ở các dạng câu hỏi khác nhau.

 

Dưới đây là các gợi ý cách làm bài thi đơn giản và cụ thể mà cha mẹ có thể dạy cho trẻ để con tự tin làm bài thi:

  • Làm những câu hỏi dễ trước: Hãy dạy trẻ bắt đầu bài thi bằng những câu hỏi đơn giản trước. Nhờ đó,, con sẽ bớt “hoảng loạn” mỗi khi thấy các bạn khác trong phòng thi lật đề thi “lia lịa” , hoặc sẽ không còn hoang mang khi có bạn làm xong bài sớm hơn mình nữa.

  • Đừng mất quá nhiều thời gian cho những câu hỏi khó: Sau khi đã giải xong những câu hỏi dễ, con tiếp theo sẽ phải nghĩ cách “xử” những câu hỏi hóc búa hơn. . Một số học sinh khi gặp câu hỏi khó sẽ biết tự động bỏ qua và chuyển qua câu khác. Nhưng cũng có những em bị mất bình tĩnh khi gặp một câu hỏi hơi “đánh đố” – em mất phần lớn thời gian trả lời câu hỏi này và hết giờ để hoàn thành các câu hỏi khác trong đề thi. Trẻ cần học cách tối ưu thời gian của mình và chấp nhận rằng không nhất thiết con phải giải hết mọi
  • Hít thở sâu và giữ bình tĩnh: Cha mẹ đã bao giờ dạy con cách hít thở sâu mỗi khi gặp căng thẳng chưa?? Theo nghiên cứu, dạy trẻ cách hít thở sâu là phương pháp hữu ích giúp trẻ chống lại sự căng thẳng. Hít thở sâu sẽ kích hoạt “hệ thần kinh đối giao cảm” có tác dụng làm cơ thể thư giãn.

2. Làm quen với đề thi qua các bài thi thử .

Nếu ở trường thầy cô có giao cho con các dạng đề thi thử trước khi thi thật, , hãy khuyến khích con giải thật nhiều đề kiểu này để làm quen. Cha mẹ cũng có thể xem lại các dạng bài thi trước đây của giáo viên và trao đổi với con về cấu trúc cũng như phương pháp giải từng câu trong đề thi. Bài thi thử sẽ giúp trẻ học cách tự điều chỉnh tốc độ khi làm bài thi thực tế. Cảm giác lo lắng khiến một số trẻ trở nên hấp tấp. Vì vậy, khi làm bài thi thử, phụ huynh có thể giúp con tính thời gian hoàn thành bài thi sao cho hợp lý, đảm bảo con có đủ thời gian suy nghĩ,trả lời từng câu hỏi cũng như có thời gian kiểm tra lại câu trả lời trước khi nộp bài

3. Lên kế hoạch học tập và ôn thi hợp lý

Trẻ (và cả cha mẹ) sẽ trở nên căng thẳng tột độ khi đột nhiên nhận ra có bài kiểm tra vào ngày mai. Bằng cách ghi chú, lên lịch cụ thể thời gian diễn ra các bài kiểm tra, kỳ thi, cha mẹ có thể giúp trẻ – nhất là trẻ ở độ tuổi cấp 2 – chuẩn bị tâm lý và cả kiến thức sẵn sàng trước các kỳ thi một cách có tổ chức. Vào đầu mỗi tháng hoặc giai đoạn ôn thi, hãy hỏi trước với giáo viên của con về thời gian diễn ra các bài kiểm tra hoặc bài thi nếu có. Sau đó, đánh dấu các ngày thi này lên lịch và cùng con theo dõi khi có bài kiểm tra hoặc kỳ thi nào đó sắp đến. Cha mẹ cũng hãy cố gắng tạo một không gian học tập ở nhà để con tập trung làm bài tập. Một không gian học tập có tổ chức và nhất quán sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi học và chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi.

4. Chú ý sức khỏe thể chất và tinh thần

Cùng với thời khóa biểu học tập và thi cử, hãy đảm bảo con có thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoài giờ học, ngủ đủ giấc. Cha mẹ có thể giúp trẻ giảm thiểu khả năng đuối sức về tinh thần, thể trạng và cảm xúc khi con gặp “áp lực thành tích”. Một vài hoạt động tích cực có thể giúp trẻ giải tỏa căng thẳng như đi dạo, hoạt động thể thao, đọc sách hoặc xem phim. Dưới đây là một số bài thể dục đơn giản mà chúng tôi gợi ý cha mẹ nên dạy cho trẻ và cùng trẻ thực hiện:

  • Tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, đạp xe đạp, bơi lội hoặc yoga
  • Tập thể dục nhẹ nhàng làm tăng lưu thông máu lên não, hỗ trợ giảm thiểu lo âu và giảm căng thẳng thể chất gây ra đau nhức.
  • Hít thở sâu, ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và thiền định đều giúp duy trì sức khỏe cảm xúc của chúng ta.

5. Bổ sung thực phẩm tăng cường trí não và tránh các loại thực phẩm gây kích thích

Khi con phải tiêu hao quá nhiều năng lượng trong thời gian ôn thi, việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh là điều rất cần thiết. Giảm chất đường bột, đường, caffeine và bổ sung cho con protein, rau củ và trái cây tươi, giúp con tăng cường khả năng tập trung và nâng cao sức khỏe:

  • Bổ sung protein (ví dụ: thịt gà, cá và trứng…) và carbohydrate – loại đốt năng lượng dần dần (ví dụ: yến mạch, gạo lứt và rau xanh…)
  • Tránh hút thuốc, uống rượu, cà phê (các loại chứa caffeine, nicotine). Đây là những thứ kích thích hệ thần kinh trung ương và cảm xúc, dẫn đến cảm giác lo âu nhiều hơn.
  • Nếu con thích đồ ngọt, hãy chọn sô cô la đen với 70% cacao trở lên. Sô cô la đen giúp chống lại cortisol (hormone gây căng thẳng), và có tác dụng thư giãn, giải phóng endorphin (morphin nội sinh giúp giảm căng thẳng).

>> Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về các loại thực phẩm tăng cường trí não cho trẻ tại: https://blog.e2.com.vn/vi/cho-con-an-gi-de-thong-minh-hon/

6. Tiếp thêm cho con sự tự tin

Một số em học sinh thường có những suy nghĩ rất tiêu cực (negative self-talk) khi đối mặt với chứng lo âu thi cử. Các con hay tự nói với bản thân những điều tiêu cự như “mình thật thất bại” hoặc “mình không đủ thông minh để làm tốt bài thi này đâu.” Dần dần, con sẽ bắt đầu tin vào những lời nói tiêu cực này và trước khi phụ huynh kịp nhận biết, “những lời tiên tri” tiêu cực này đã trở nên ứng nghiệm. Con làm bài thi không tốt.. Do đó, hãy dành những lời chân thành và thiết thực để khen ngợi trẻ, điều này sẽ giúp gợi mở cho trẻ về việc “con có thể thành công bất kể kết quả của kỳ thi như thế nào”. Hãy giúp con hiểu rằng, thành công không nhất thiết phải là đạt điểm tuyệt đối, chỉ cần con làm tốt khâu ôn tập trước mỗi kỳ thi là đã thành công một nửa rồi. Nếu thấy con biết ôn tập chăm chỉ cho bài kiểm tra sắp tới, , hãy nói cho con biết như thế đã là một thành công.. Khi nghe được điều này, con sẽ tự tin hơn để hoàn thành kỳ thi. Cha mẹ cũng nên khen ngợi nỗ lực của trẻ dành cho bài tập về nhà hàng ngày cũng như các hoạt động ngoại khóa. Những thành công nhỏ nhoi hằng ngày đó sẽ cho con thêm tự tin để vượt qua cảm giác lo âu.

>> Cha mẹ có thể tham khảo Bí quyết đơn giản nuôi dạy trẻ tự tin – được chia sẻ bởi ông Tony Ngo – Chủ tịch đồng thời là Đồng sáng lập Everest Education.

7. Dạy con rút kinh nghiệm sau mỗi lần hoàn thành bài thi

Trao đổi với trẻ về cách con đã hoàn thành bài thi sẽ giúp con hiểu rõ vấn đề hơn. Sau kỳ thi, hãy hỏi trẻ những câu hỏi gợi mở như “con có nghĩ mình đã chuẩn bị bài tốt không?” “nếu chưa, vậy con có nghĩ mình nên học nhiều hơn hoặc chăm chỉ ôn tập hơn không? Cha mẹ cũng có thể hỏi các câu tương tự khi trẻ nhận lại kết quả bài thi. Trẻ sẽ học cách rút kinh nghiệm,tự đưa ra chiến lược học tập để có thể hoàn thành tốt hơn những kỳ thi sau. Chủ động học tập sẽ giúp trẻ kiểm soát vấn đề tốt hơn. Từ đó, con sẽ dần dần vượt qua chứng lo âu thi cử trong tương lai.

Nếu quý vị có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn chúng tôi khai thác, vui lòng để lại bình luận bên dưới. Quý vị cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho cha mẹ tại https://blog.e2.com.vn/vi/category/parents/

Nguồn tham khảo:
https://www.oxfordlearning.com/what-is-test-anxiety/
https://strategicpsychology.com.au/infographic-exam-stress-conquer/
https://www.parents.com/kids/education/tests/test-anxiety-tips-to-teach-your-child/
https://www.pbs.org/parents/thrive/six-ways-to-help-kids-tackle-test-anxiety
https://www.understood.org/en/school-learning/learning-at-home/homework-study-skills/9-tips-for-helping-grade-schoolers-with-learning-and-thinking-differences-cope-with-test-anxiety

Để lại ý kiến