WOOP – 4 bước đặt mục tiêu cho một năm học mới tuyệt vời!

Nội dung

Mùa tựu trường đã đến thật gần – mùa của sách vở mới, đồng phục mới. Bàn ghế cũng được kê lại ngay ngắn chào đón các bạn học sinh quay lại trường học với một tâm thế thật hứng khởi. Đây là thời điểm rộn ràng nhất trong năm với nhiều điều mới mẻ. Thời điểm khiến mà các cô cậu học trò có tâm trạng như đêm giao thừa: đầy niềm vui, hy vọng và nhiều mục tiêu mới.  

Chỉ còn tí xíu nữa thôi là đến ngày đầu tiên của năm học mới, và cũng là thời điểm tốt nhất để các em đặt ra mục tiêu cho năm học mới của mình. Đặt ra những mục tiêu ý nghĩa và thực tế sẽ giúp em dễ dàng đạt được chúng hơn. Đối với cha mẹ, việc dạy con biết đặt mục tiêu cũng là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng và hữu ích. Thông qua việc thiết lập mục tiêu, trẻ học được cách tự nhận thức về bản thân mình, biết tự chủ, kiên trì và dần dần phát triểnTư duy cầu tiến (Growth Mindset).” 

Ở bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu phương pháp WOOP – phương pháp thiết lập mục tiêu đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để giúp các em bắt đầu lên kế hoạch cho mình. Bài viết cũng đính kèm một bản kế hoạch mẫu để học sinh tự điền vào, hoặc cha mẹ có thể sử dụng để dạy con cách thiết lập mục tiêu cho năm học mới.

Nào, với năng lượng đã được nạp đầy sau suốt kỳ nghỉ dài, hãy cùng suy nghĩ xem em có thể làm gì để có một năm học mới thật tuyệt vời nhé!

WOOP là gì?

WOOP thực chất là sự kết hợp viết tắt của 4 chữ: Wish (Mong muốn), Outcome (Kết quả), Obstacle (Trở ngại), và Plan (Kế hoạch). WOOP là một phương pháp tâm lý thực tế, dễ thực hiện, đã được nghiên cứu và chứng minh có thể giúp chúng ta tìm thấy, đạt được ước mơ của mình và thay đổi thói quen thường ngày.

Phương pháp “WOOP” được ra đời dựa trên nghiên cứu về tâm lý học hành vi kéo dài đến 20 năm của Tiến sĩ Grabiele Oettingen – giáo sư tại Đại học New York và Đại học Hamburg – và các đồng nghiệp. WOOP đưa ra một ý tưởng rất độc đáo và ngạc nhiên: những trở ngại ngăn cản chúng ta đạt được ước mơ lại có thể góp phần giúp chúng ta nhận ra được ước mơ thực sự. WOOP hướng dẫn chúng ta biết nhận ra ước mơ của mình, đồng thời tưởng tượng và xác định được những trở ngại tinh thần nào có thể đe dọa chúng ta biến ước mơ thành sự thật. Khi bạn “WOOP”, bạn nghĩ đến mục tiêu lớn nhất của mình, viễn cảnh tốt đẹp nhất nếu bạn đạt được mục tiêu đó, những trở ngại cá nhân có thể xảy ra, và kế hoạch vượt qua các trở ngại đó.

Vì sao WOOP lại quan trọng?

Một trong những sai lầm thường thấy nhất của chúng ta mỗi khi đặt ra một mục tiêu mới, đó là chúng ta thường chìm đắm vào những viễn cảnh tốt đẹp khi chúng ta đạt được mục tiêu đó – mà quên cân nhắc về những “hiểm họa” có thể xảy ra trên đường đi. Đây cũng chính là điểm thú vị nhất của WOOP – nó đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo cân nhắc cả hai: hy vọng về một kết quả tuyệt vời, và nhận thức được những trở ngại rất có khả năng xảy ra. WOOP cũng nhắc nhở chúng ta biết lùi một bước, từ bỏ một mục tiêu nếu nó mâu thuẫn với một mục tiêu khác. Phương pháp WOOP hiệu quả bởi nó dẫn dắt học sinh đi qua từng bước vẫn hay bị bỏ quên. Thay vì chỉ tập trung theo đuổi những mục tiêu khiên cưỡng, đôi khi bị người khác áp đặt, WOOP giúp học sinh nhận ra mong muốn thực sự của bản thân.

Ở trường, WOOP có thể thay đổi rõ rệt động lực, thành tích, bài tập về nhà, và cả điểm số trung bình (GPA) của học sinh. WOOP giúp học sinh xây dựng thói quen tự chủ, nhờ đó, các em đạt được điểm số cao hơn, sống khỏe mạnh hơn, biết vun đắp các mối quan hệ tốt hơn. WOOP có thể hữu ích với bất kì loại mong muốn nào, dù là những ước mơ to tát như “mình muốn làm chủ bút tờ báo của trường” hay nhỏ nhoi như “mình muốn đạt điểm A môn khoa học ở học kỳ này”. Khi được sử dụng thường xuyên, WOOP sẽ dần dần hình thành thành thói quen mà các nhà giáo dục hay gọi là “student agency” – hay động lực khiến học sinh tự làm chủ con đường học tập của mình.  

4 bước của WOOP 

WOOP vận hành qua 4 bước rất đơn giản: học sinh tự đặt ra mục tiêu dành cho mình, tưởng tượng hình ảnh chính bản thân mình nếu đạt được mục tiêu đó, nghĩ về những trở ngại có thể xảy ra, và lên kế hoạch đối phó với những trở ngại này. 

Bước 1: Mục tiêu (Wish)

Một điều gì đó mà em khát khao đạt được. Một ước mơ đủ làm em phấn khích, đủ thử thách, nhưng không quá viển vông.

Trước tiên, nghĩ về năm học sắp tới, mục tiêu lớn nhất mà em muốn đạt được và nghĩ rằng có thể đạt được trong năm học này là gì? Ước mơ đó nên đủ thách thức, nhưng vẫn có khả năng trở thành hiện thực. Để đặt ra mục tiêu phù hợp nhất, em có thể nghĩ đến mô hình SMART:

  • Specific (Cụ thể)
  • Manageable (Có thể đo lường được)
  • Attainable (Có khả năng đạt được)
  • Relevant (Phù hợp với bản thân)
  • Time-sensitive (Phù hợp với thời gian cho phép) 

Ví dụ: “đọc ba cuốn sách trong vòng một tháng”, hay “mỗi tuần hoàn thành ít nhất một bài thi thử SAT” , hay “nâng điểm số trung bình (GPA) lên 3.0 trước kì thi cuối kì” 

Nếu em có quá nhiều mục tiêu, hãy lựa chọn cái nào quan trọng nhất. Mục tiêu đó có thể là về trường học, về những mối quan hệ, về sức khỏe, công việc, hay bất cứ điều gì quan trọng đối với em. Hãy đặt ra một mục tiêu thật cụ thể, gói gọn nó trong vòng từ 3 đến 6 từ, và luôn giữ nó trong đầu. 

Bước 2: Kết quả (Outcome)

Viễn cảnh tốt đẹp nhất của bản thân em sau khi đạt được mục tiêu của mình. 

Giờ đây, hãy thử xác định và tưởng tượng kết quả tốt nhất em có được nếu đạt mục tiêu đã đề ra. Đâu là điều tuyệt vời nhất, kết quả lý tưởng nhất mà em sẽ đạt được nếu thực hiện các mong muốn ấy? Nếu đạt được mục tiêu, em sẽ tiến bộ thế nào? Điều tốt nhất, tích cực nhất em sẽ nhận được là gì? Đạt được mục tiêu, em có thấy hạnh phúc không? Xác định kết quả tốt nhất, tóm tắt lại trong 3 đến 6 từ và ghi nhớ trong đầu. 

Ví dụ: “Mình sẽ có nhiều năng lượng hơn và không tự ti về bản thân”, hoặc “Mình sẽ đạt được điểm GPA đủ cao để ứng tuyển vào các trường đại học hàng đầu”.

Bước 3: Trở ngại (Obstacle)

Những khó khăn em nghĩ sẽ cản trở mình đạt được mục tiêu. 

Tiếp theo, em hãy thử tưởng tượng tất cả những khó khăn về mặt tinh thần. Đâu là trở ngại tinh thần lớn nhất của em? Điều gì sẽ khiến em không thể thực hiện mục tiêu của mình? Đó có thể là cảm xúc, niềm tin hay một thói quen xấu. Hãy suy nghĩ thật kỹ để tìm ra điều đó là gì.

Ví dụ: “Mỗi khi về nhà mình rất mệt nên không muốn đọc sách gì cả”, hay “Facebook dễ dàng khiến mình bị xao nhãng và mất tập trung”

Khi bàn về trở ngại, nhiều học sinh có thể tự hỏi: “Vậy nếu em không thể tự vượt qua được trở ngại của mình thì sao?” Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ở đây, chúng ta đang nhấn mạnh đến trở ngại về mặt tinh thần. Khi nói về trở ngại tinh thần – những trở ngại xuất phát từ chính bản thân các em, các em hoàn toàn có thể kiểm soát và vượt qua chúng. Chúng ta thường khó có thể thay đổi được những yếu tố khách quan bên ngoài. Nhưng chúng ta lại hoàn toàn có thể thay đổi được thái độ, cách chúng ta đối diện với những khó khăn. Nếu học sinh gặp vấn đề trong việc xác định những trở ngại của mình, hãy thử chia nhỏ vấn đề của em ra thành nhiều vấn đề nhỏ hơn, dễ kiểm soát hơn, để từ đó có thể tìm cách khắc phục.

Bước 4: Kế hoạch (Plan)

Cuối cùng, hãy đối mặt với thực tế. Làm thế nào em có thể biến Mục tiêu của mình thành hiện thực? Hãy xây dựng một kế hoạch Nếu-thì đơn giản. If-Then plan.

Em có thể làm gì để vượt qua những trở ngại tinh thần của mình? Xác định một suy nghĩ, hay một hành động cụ thể mà em có thể làm để vượt qua trở ngại đó. Biến nó thành một kế hoạch cho bản thân mình: Nếu/ Khi _____ (gặp phải trở ngại), thì mình sẽ _____ (hành động để vượt qua trở ngại đó).

Ví dụ: “Khi thức dậy mỗi buổi sáng, mình sẽ ngay lập tức xỏ chân vào giày và chạy bộ, ngay cả khi mình không có hứng”, hay “Nếu mình bị xao nhãng trong khi làm bài tập, mình sẽ tắt hết các trang web gây mất tập trung và quay trở lại làm bài.”

Kết luận

WOOP đã được chứng minh là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta thay đổi thói quen, nhờ đó đạt được mục tiêu đề ra. Đây là sự kết hợp giữa ý chí của bản thân đi kèm với hành động thực tế. Nói một cách ngắn gọn, WOOP có thể tóm lại bằng một câu hỏi đơn giản nhưng đầy sức mạnh:

“Điều gì sẽ ngăn cản em biến mục tiêu của mình thành hiện thực?”

Chúng tôi khuyến khích các em hãy cố gắng biến WOOP trở thành một thói quen của mình. Càng sử dụng, các em càng thành thạo với WOOP và dễ dàng đạt được mục tiêu của mình hơn. Hãy chọn ra một mục tiêu, và cụ thể hoá nó theo mô hình WOOP.

Cuối cùng, em có thể tham khảo và tải về bản thiết lập mục tiêu WOOP mẫu dưới đây để được hướng dẫn qua từng bước của phương pháp này.  

Hãy sử dụng WOOP để thiết lập một năm học mới thật ý nghĩa, học nhiệt tình, vươn xa hết mình, và khiến mỗi ngày đi học là một ngày vui. Everest Education chúc các em một năm học mới thật tuyệt vời! 

Nguồn tham khảo:
https://www.businessinsider.com/gabriele-oettingen-woop-2016-6
https://characterlab.org/activities/woop-for-classrooms/
http://woopmylife.org


Để lại ý kiến