Những bài luận đã giúp tôi chinh phục thành công Harvard – Phần 2: bài luận về hoạt động ngoại khoá

Tiếp tục chuỗi video nhận xét các bài luận du học, nơi mà các sáng lập viên của Everest, ông Tony Ngo và Don Le – chia sẻ bài luận cá nhân của chính mình, những bài luận đã giúp cả hai thành công bước đến Harvard và Stanford. Tuần này, chúng tôi giới thiệu đến phần 2 của chuỗi series, chia sẻ bài luận do chính Tony viết để trả lời cho câu hỏi từ Hội đồng tuyển sinh MBA Harvard: “Kể về một kinh nghiệm thực tế của bản thân dưới vai trò lãnh đạo.”

Tin rằng rất nhiều em học sinh cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự, video này sẽ chỉ ra những bí quyết làm thế nào để kể về kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa dưới hình thức một câu chuyện, làm thế nào để liên kết chúng với kinh nghiệm của bản thân em ở nhiều lĩnh vực khác, đồng thời chia sẻ với các em những bài học mà chính bản thân Tony đã rút ra được từ quá trình nộp đơn ứng tuyển vào Harvard. a

 ? Nếu em cũng muốn bài luận của mình được các chuyên gia đến từ Everest nhận xét, đừng ngần ngại gửi bài luận cho chúng tôi tại info@e2.com.vn

 ? Cuối cùng, đừng quên theo dõi kênh Youtube của E2 để được cập nhật những nội dung tương tự: https://www.youtube.com/user/E2EverestEducation


Nội dung video

Don: Xin chào, tên tôi là Don và tôi tốt nghiệp từ Đại học Stanford.

Tony: Tên tôi là Tony. Tôi tốt nghiệp từ Đại học Harvard và Stanford.

Don: Chúng tôi là sáng lập viên của Trung tâm Everest Education.

Tony: Trong suốt những năm qua, chúng tôi đã giúp đỡ rất nhiều em học sinh có thể vào được trường đại học mà các em mong muốn. Và một trong những phần quan trọng nhất đó là viết luận. Ngày hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với các em một điều hết sức cá nhân – những bài luận được viết bởi chính chúng tôi, đã giúp chúng tôi thành công chinh phục Harvard và Stanford.

Tony: Trong bài luận này, người ta yêu cầu tôi phải kể lại một kinh nghiệm thực tế của bản thân ở vai trò lãnh đạo. Tôi đã lựa chọn một trong những hoạt động cộng đồng mà tôi tin rằng đã đóng vai trò lớn trên chặng đường phát triển của mình. Tôi cũng hy vọng thông qua bài luận này, các em học sinh sẽ biết cách làm thế nào để kể lại các hoạt động ngoại khóa của các em dưới dạng những câu chuyện hấp dẫn. Giờ tôi sẽ đọc qua bài luận này sau đó Don sẽ thực hiện phần bình luận sau mỗi đoạn.

Một trải nghiệm thực tế mà tôi có được với vai trò lãnh đạo là khi tham gia vào nhiệm kỳ mới của Liên minh Hội Sinh Viên Việt Nam vùng Bắc Mỹ (Union of North American Vietnamese Student Associations – uNAVSA), một tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động của giới trẻ và hỗ trợ cho các chương trình của Hội Sinh viên Việt Nam (Vietnamese Student Association – VSA) theo khu vực. Đây là một tổ chức còn non trẻ được thành lập bởi sinh viên và các học giả trẻ tuổi vào năm 2004, nhưng rơi vào tình trạng không hoạt động sau năm đầu tiên do ban điều hành không đạt được các mục tiêu đã đề ra. Cũng vì lẽ đó, sự hỗ trợ từ các hội đồng địa phương khác, đặc biệt là sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh Hội Sinh Viên Việt Nam phía Nam California (UVSA) dành cho uNAVSA ngày càng suy yếu. Cuối cùng, UVSA đã quyết định rút lại cam kết tài trợ cho hội nghị của uNAVSA được tổ chức vào năm 2005 tại Chicago, đe dọa sự sống còn của uNAVSA cũng như khiến ban tổ chức hội nghị cảm thấy bị bỏ rơi. 

Don: Vậy, tôi có một câu hỏi, những gì tôi nhận thấy qua bài luận này là Tony đã lựa chọn kể về một trải nghiệm thực tế, về một khó khăn hết sức cụ thể, đúng không Tony?

Tony: Đúng vậy, Tony cho rằng, thay vì chỉ kể lể rằng mình thực sự quan tâm đến các hoạt động cộng đồng như thế nào, thì việc mở đầu bằng một tình huống thực tế, một trải nghiệm hết sức khó khăn, sẽ giúp Tony có thể thể hiện mối quan tâm của mình tốt hơn. Và bằng cách kể lại câu chuyện này, Tony hy vọng có thể thể hiện được những bài học về tinh thần lãnh đạo, về những tác động tích cực mà Tony đã tạo ra cho cộng đồng, và lối suy nghĩ của bản thân trong suốt thời gian Tony điều hành tổ chức.

Don: Yeah, Don nhận thấy có rất nhiều học sinh Việt Nam viết về trải nghiệm của mình, nhưng viết một cách rất chung chung. Bài viết của các em thường bị lan man dài dòng. Do vậy Don rất thích cái cách Tony đã chọn một tình huống thật cụ thể để kể lại, điều này vừa giúp cho bản thân Tony dễ viết về câu chuyện đó hơn, vừa giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được tình hình hơn.

Tony: Hoàn toàn chính xác. Mặc dù, thực lòng mà nói, Tony cảm thấy mình đã lạm dụng quá nhiều từ viết tắt trong bài viết này. Ngay cả lúc này khi ngồi đây đọc lại, Tony cũng phải hết sức tập trung để có thể hiểu và đọc đúng được các từ viết tắt như uNAVSA, VSA hay UVSA.

Don: Đồng ý.

Tony: Tony nghĩ rằng Tony sẽ bỏ bớt những từ viết tắt không quan trọng và sẽ cố gắng tìm cách khái quát nó hơn, bởi vì thực ra những chi tiêt nhỏ này cũng không cần thiết và không ảnh hưởng đến nội dung chính của câu chuyện.

Don: Yeah, Don nghĩ đây cũng là một vấn đề lớn cần khắc phục. Chúng ta cũng nhìn thấy vấn đề này khi đọc các bài luận của nhiều em học sinh được viết đi viết lại. Lần đầu tiên viết luận, các em thường bỏ vào đó rất nhiều chi tiết dư thừa, nhưng khi đã chỉnh sửa và viết lại nhiều lần, các em sẽ bắt đầu biết đặt câu hỏi: “Xét cho cùng, liệu chi tiết này có giúp ích được cho nội dung chính của câu chuyện không?” Đây cũng là lúc các em sẽ biết thêm vào, và bớt đi những chi tiết nào.

Tony: Chính xác, Tony hay nói với học sinh rằng mỗi chữ, mỗi từ, mỗi câu các em viết trong bài đều phải có một ý nghĩa nào đó, nếu không thì hãy thẳng tay xóa nó đi. Và thực ra nếu áp dụng lý thuyết đó cho bài luận của mình, Tony cũng phải bỏ đi khoảng 10-15 chữ trong đoạn văn vừa rồi mới phải. Được rồi, đoạn thứ hai…

Khi bắt đầu tham gia vào uNAVSA, tôi đã thuyết phục UVSA quay lại hỗ trợ cho hội nghị này. Tôi nhấn mạnh về sứ mệnh phát triển lãnh đạo của UVSA, và cách uNAVSA có thể tiếp tujv duy trì tầm nhìn này, đồng thời cũng thể hiện rõ những bất cập của phía ban tổ chức Illinois nhưng không hề đổ lỗi. Cuối cùng, buổi hội nghị đã diễn ra hết sức thành công, thu hút 150 nhà lãnh đạo trẻ. Suốt buổi hội nghị, tôi nhận ra mình có thể giúp uNAVSA hoạch định tầm nhìn rõ ràng hơn, do vậy tôi đã tham gia tranh cử và được chọn làm chủ tịch.

Tony: Trong đoạn văn này, Tony đã đi thẳng vào kể lại những hành động mà Tony đã làm để giải quyết những vấn đề mà Tony đã đề cập đến ở phần mở bài. Tony không đề cập đến những vấn đề khác mà tổ chức đang gặp phải ngoài vấn đề tài chính. Tony quyết định bỏ qua toàn bộ những điều quan trọng khác, tuy nhiên điều đó khiến cho lý lẽ của Tony có phần lỏng lẻo. Những vấn đề khác như khó khăn về khâu tổ chức hậu cần cho đến việc làm thế nào để củng cố động lực làm việc cho các bạn tình nguyện viên, những người đã phải ở lại rất trễ và đi làm ngày cuối tuần để vận hành dự án… Tony đã bỏ qua toàn bộ những chi tiết đó trong bài luận này.

Don: Tony có đồng ý rằng đây là một quyết định đúng đắn không? Bởi vì rõ ràng, với nhiều người, việc điều hành tổ chức như vậy có thể xem là một thành tựu lớn. Don tin rằng những chi tiết này đủ sức hấp dẫn để “cám dỗ” Tony đưa chúng vào bài luận, để chứng tỏ được rằng Tony cũng có những kỹ năng khác nữa?

Tony: Đúng vậy, Tony nghĩ bí quyết ở đây là phải biết lựa chọn thứ tự ưu tiên của mình. Tony đã quyết định rằng những khó khăn đó chưa phải là phần ý nghĩa nhất mà Tony muốn tập trung viết trong bài luận. Tony muốn thực sự tập trung nói về việc tổ chức đã thay đổi như thế nào kể từ khi Tony nắm giữ vị trí chủ tịch, nói về bước ngoặt lớn mà tổ chức đã trải qua, chứ không chỉ đơn giản là về hội nghị năm đó. Nếu Tony tập trung kể lể về hội nghị đó, sẽ khiến bài viết trở nên dài dòng.

Don:  Để Don hỏi Tony câu này, Tony có từng viết về những khó khăn khi tổ chức hội nghị trong những bản nháp đầu tiên không? Tony có từng đề cập đến chúng lần nào không?

Tony: Có, Tony đã từng. Đây chính là một trong những bản nháp Tony viết ra và đọc đi đọc lại nhiều lần, cũng như từng nhờ 1 đến 2 người cho nhận xét và đặt câu hỏi. Là người viết, điều này quả thực không dễ chút nào. Chúng ta là người viết ra những câu chữ đó, do vậy rất dễ nảy sinh cảm giác “gắn bó” với chúng. Vậy nên phải tự mình xóa chúng đi quả thực rất khó khăn. Chỉ xóa đi một vài từ thì dễ, nhưng phải xóa đi cả một đoạn dài thì thật không nỡ chút nào. Nhưng, Tony cũng nghĩ, một trong những điều quan trọng nhất là phải học cách từ bỏ những điều không quan trọng.

Don: Yeah, và Don tin rằng khi đọc lại toàn bộ bài viết, việc bỏ đi những chi tiết thừa sẽ làm bài luận đi vào đúng trọng tâm hơn rất nhiều. Đây là bài luận về bước ngoặt lớn của tổ chức, vai trò và đóng góp của Tony trong đó. Mặc dù đúng là Tony cũng có nhiều kỹ năng khác nữa muốn thể hiện, những giới hạn số lượng từ ngữ không cho phép, thì viết tập trung sẽ khiến bài luận thuyết phục hơn rất nhiều. Nó cũng sẽ gây lại ấn tượng mạnh mẽ hơn là cố gắng lồng ghép thêm một câu chuyện khác. Mặc dù những chi tiết này cũng hay và cũng thể hiện phần nào con người của Tony, nhưng chúng sẽ khiến người đọc xao nhãng khỏi ý quan trọng nhất mà bài viết muốn truyền tải.

Tony: Chính xác. Hãy cũng đi qua đoạn tiếp theo nhé…

Mục tiêu đầu tiên khi lên chức chủ tịch của tôi là tạo động lực, thúc đẩy các nhân tố chính của uNAVSA, trong đó có rất nhiều người đã ngày càng mất dần sự quan tâm dành cho tổ chức bởi sự trì trệ của uNAVSA trước đó. Đó là một khoảng thời gian vô cùng thử thách, khi bản thân tôi phải cố gắng quản lý các thành viên – những học giả trẻ tuổi đã tình nguyện dành thời gian cho tổ chức. Nhằm củng cố lại uy tín, tôi đã thu thập ý kiến nhận xét từ những người đứng đầu các hội đồng địa phương, khảo sát về những ý tưởng để đổi mới, và bắt đầu gửi đi những bản tin hàng tháng.

Tony nghĩ đây là một đoạn khá dễ hiểu, Tony chỉ kể lại một số hành động mình đã làm để giải quyết vấn đề của tố chức. Đó là việc các thành viên dần dần mất kết nối như thế nào, những việc mà Tony đã làm để tái thiết lập lại sự kết nối giữa các thành viên, kéo họ trở lại tổ chức.

Quan trọng hơn cả, tôi dẫn dắt uNAVSA trên con đường tìm ra tầm nhìn của nó thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Là chủ tịch, tôi đã hình thành và khởi xướng dự án Collective Philanthropy Project (CPP), một nỗ lực toàn quốc nhằm thống nhất các hội đồng địa phương khác nhau cho một mục đích xã hội duy nhất: chống lại nạn buôn người. Thành viên của tổ chức đã tuyển dụng các đại diện cho mỗi khu vực để quản lý chiến dịch chống buôn người “Relays Against Trafficking” trải dài 6 khu vực. Chiến dịch chính thức bắt đầu vào mùa Xuân sau đó nhằm nâng cao nhận thức và gây quỹ để hỗ trợ cho các nạn nhân sống sót. Thành viên của uNVASA là những người trực tiếp điều hành các hoạt động truyền thông, gây quỹ và nhiều hoạt động khác. Nỗ lực hoàn thành tầm nhìn của uNAVSA, là hỗ trợ, trao quyền và tạo động lực cho các hội đồng địa phương, thông qua quá trình hợp tác, cùng nhau lên kế hoạch và nhân rộng tầm ảnh hưởng của tổ chức… đã dạy tôi cách kêu gọi và điều hướng tổ chức hướng đến những mục tiêu to lớn cho cộng đồng, để có thể bước qua những mục tiêu tưởng chừng không thể thực hiện được.

Don: Đây dường như là một đoạn văn rất quan trọng. Nó dường như là, theo Don thấy, là những hành động và đóng góp lớn nhất mà Tony đã làm cho tổ chức này.

Tony: Chính xác. Một trong những điểm thú vị ở đoạn này, mà Tony nghĩ nhiều em học sinh khác cũng có thể tự liên hệ với chính mình, đó là thực tế rằng lúc Tony viết bài luận này thì dự án này vẫn chưa kết thúc. Thực tế vào thời điểm đó dự án vẫn còn đang tiếp tục hoạt động, và nhóm của Tony thậm chí chỉ mới đi được một nửa chặng đường thôi. Tuy vậy, Tony nghĩ rằng dự án và những mục tiêu mà dự án muốn hướng tới vẫn đủ quan trọng để có thể đưa vào bài luận. Bởi Tony cũng biết có rất nhiều em học sinh, đặc biệt là các em học sinh lớp 12 đang tham gia vào rất nhiều câu lạc bộ. Chỉ vì dự án chưa hoàn thành không có nghĩa là các em không thể viết về chúng. Đối với Tony, đây có thể xem là thời kỳ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, cũng có thể xem chính là trung tâm của cả bài luận. Và cuối cùng, đến đoạn cuối…

Vì là tổ chức trẻ chưa có nhiều bài học kinh nghiệm để lấy làm căn cứ, do vậy khi đánh giá về những cơ hội phát triển cho uNAVSA, tôi đã vận dụng những kỹ năng phân tích và các phán đoán kinh doanh của bản thân. Điều đó giúp tôi nhận thấy rõ sự khác biệt giữa việc lãnh đạo một doanh nghiệp và một tổ chức cộng đồng. Những mục tiêu của doanh nghiệp thường được xác định rất rõ (mang lại lợi nhuận cho các cổ đông, tăng lợi nhuận…), và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường chú trọng đến quá trình thực hiện. Trong khi đó, ngược lại, để lãnh đạo tốt một tổ chức xã hội, cần phải biết thống nhất các thành phần trong tổ chức hướng đến một mục tiêu chung duy nhất, trước khi lên kế hoạch thực hiện bất cứ điều gì. Quy mô, sự phức tạp, cũng như thiếu đi những kinh nghiệm của uNAVSA đã khiến cho đây trở thành một trong những trải nghiệm phát triển kỹ năng lãnh đạo quý giá nhất mà tôi có được, cũng như khiến bản thân tôi có thể tự hào vì những tác động tích cực mà tổ chức có thể mang lại cho xã hội.

Don: Don rất thích cái cách Tony đã liên hệ với nhiều kinh nghiệm của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đoạn văn kết bài này. Sau đó quay ngược trở lại nhấn mạnh về mục tiêu đã đề ra ở phần đầu bài.

Tony: Yeah, Tony đã cố gắng làm được điều đó. Nếu có cơ hội nhìn toàn bộ hồ sơ của Tony, sẽ thấy Tony đã từng có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư tại Wall Street, sau đó làm việc tại các quỹ đầu tư. Vậy nên có thể nói “máu” kinh doanh chiếm một phần lớn trong tính cách của Tony, tuy vậy Tony vẫn cố để khiến bản thân mình trở nên khác biệt so với những người khác bước ra từ chung một nền tảng học thuật với mình. Tony cố ý tập trung nhấn mạnh kinh nghiệm lãnh đạo của mình thông qua các hoạt động xã hội, điều hành các tổ chức phi lợi nhuận. Vậy nên ở đây, Tony cũng cố gắng tạo nên sự tương phản giữa việc điều hành doanh nghiệp so với điều hành một tổ chức xã hội, đây cũng là bài học lớn nhất mà Tony đã rút ra được trong quá trình điều hành tổ chức. Đồng thời cũng chính là đặc điểm khiến bản thân Tony khác biệt so với những người khác.

Don: Vậy Tony, nếu lùi lại để nhìn lại toàn bộ bài luận này, Tony có nhận xét gì về cấu trúc bài viết nói chung cũng như mạch viết của toàn bộ câu chuyện không? Tony có thể chỉ ra một sườn ý cơ bản mà Tony đã sử dụng để những người khác dễ hiểu hơn và có thể học hỏi được không?

Tony: Dĩ nhiên rồi. Vậy, Tony nghĩ bài viết này được viết gần như theo cấu trúc mà hiện giờ chúng ta đang gọi là SOAR, phương pháp sử dụng để viết nên câu chuyện kể về một trải nghiệm. SOAR là viết tắt của các từ Situation (Tình huống), Obstacle (Khó khăn), Action (Hành động) và cuối cùng là Result (Kết quả). Trong trường hợp này, Tony đã cố gắng kể lại tình huống mà tổ chức đang rơi vào lúc đó, chuyện gì đang xảy ra và vai trò của Tony là gì. Ở đây, đó chính là tình huống tham gia vào một tổ chức đúng vào giai đoạn khó khăn nhất của nó. Sau đó, Hành động (Actions) là liệt kê lại toàn bộ những hành động mà Tony đã làm để giải quyết vấn đề, và cuối cùng tất cả những hành động đó dẫn đến Kết quả (Results) ra sao. Ở đây, kết quả ý nghĩa không chỉ là những con số, mà là việc nội bộ được thống nhất, về những trải nghiệm và bài học Tony đã rút ra được khi là sinh viên, và là chủ tịch của tổ chức. Tony nhận thấy rất nhiều học sinh dành quá nhiều câu chữ để trình bày về Tình huống của câu chuyện cũng như kể lể về những Khó khăn. Các em dùng đến khoảng ¾ nội dung bài luận cho những điều này, và vì vậy không còn đủ chỗ để nói về Hành động cũng như Kết quả. Vậy nên chúng ta đã mất rất nhiều thời gian cùng với các em đọc và rút ngắn lại sao cho bài luận có thể cân bằng. Thực tế có rất nhiều em học sinh bỏ qua phần nói về những bài học em rút ra được khi có được Kết quả, đây là một ý rất quan trọng và cần thiết mà các em nhất định phải đưa vào bài luận.

Don: Yeah, Don rất thích bài luận này. Phần lớn bài viết nên được chia thành hai phần chính, Hành động (Actions) chúng ta đã làm và Kết quả (Result). Những chi tiết về Tình huống (Situation) và Khó khăn (Obstacle) chỉ nên được đề cập sơ qua để nhường chỗ cho Hành động và Kết quả.

Tony: Đoạn mở đầu bài luận của Tony hầu như chỉ tập trung nói về Tình huống và Khó khăn, vì vậy khiến cho bài viết bị chứa quá nhiều thông tin. Nếu được viết lại có thể Tony sẽ tìm cách kể lại sao cho rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn cũng như dùng ít từ viết tắt hơn. Nhưng nhìn chung, Tony nghĩ mình cũng đã làm tốt khi cố gắng chừa nhiều không gian để nói về bản thân mình.

Rất hy vọng rằng video này sẽ hữu ích với các em. Chúng tôi đã cố gắng chia sẻ bài luận của chính mình qua chuỗi video này. Thực sự với bản thân tôi điều này thật không dễ dàng gì khi phải công khai những gì mình đã viết, nhưng nếu việc này có thể giúp ích cho các em, thì tôi rất vinh dự có cơ hội được thể hiện chúng. Nếu các em cũng đang có những bài luận mong muốn được chúng tôi nhận xét, đừng ngần ngại gửi nó chúng tôi, chúng tôi sẽ chọn ra một vài bài tốt để nhận xét cho các em thật chi tiết.

? Gửi bài luận cho chúng tôi tại info@e2.com.vn

Để lại ý kiến