Cựu sinh viên Harvard và Stanford chọn toán Singapore để giảng dạy?

Nội dung

Bạn có nhớ chúng ta đã học toán như thế nào khi còn là một đứa trẻ? Giáo viên viết lên bảng những con số, nói những con số, chúng ta đọc sách với rất nhiều con số và bị bắt ghi nhớ hàng đống những công thức mà phần lớn chúng ta không hiểu chúng có ý nghĩa ghi và tại sao chúng ta phải học thuộc lòng chúng.

Theo phương pháp dạy toán truyền thống mà hầu hết chúng ta đều đã trải qua, học sinh đến trường, nghe giáo viên giảng bài mới, rồi về nhà, làm bài tập, ngày hôm sau thầy cô sẽ sửa bài cũ, rồi lại giảng bài mới, rồi lại giao bài tập, làm bài tập, cứ thế… cho đến kì kiểm tra.

Mặc dù cách dạy này có thể giúp chúng ta làm quen với nhiều dạng bài tập, khỏi bị bỡ ngỡ trước các kì kiểm tra nhờ phương pháp “học nhồi”, nhưng nó không đảm bảo rằng chúng ta có thể nắm vững bản chất kiến thức, và điều quan trọng hơn, nó khiến việc học toán trở nên thật nặng nề và đầy áp lực. Vì lí do đó, nhiều khi chúng ta tự nghi ngờ về khả năng học toán của mình, cho rằng mình không đủ thông minh, hay đơn giản là “không thích học toán”.

“Toán học không phải là thế mạnh của tôi” – chúng ta gật gù kết luận.

Nếu điều đó từng xảy ra với bản thân, hãy yên tâm mình không phải là trường hợp duy nhất.

Nhưng, liệu chúng ta có muốn điều đó tiếp tục diễn ra với con của mình? Liệu chúng ta có muốn trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng “mình không thích học toán”?

CPA – phương pháp dạy toán hiệu quả từ đảo quốc sư tử

Singapore, đất nước liên tục đứng đầu trong nhiều bảng xếp hạng và cuộc thi toán quốc tế – đã thành công giới thiệu với chúng ta phương pháp giảng dạy toán mới, đặc biệt hiệu quả với trẻ nhỏ – phương pháp CPA.

Theo Jerome Bruner, có ba giai đoạn để một đứa trẻ hiểu biết về một khái niệm, đó là Enactive – Iconic – Symbolic, hay toán Singapore gọi là Concrete – Pictorial – Abstract. Nói một cách dễ hiểu, phương pháp CPA giúp trẻ học các khái niệm toán học bằng cách liên hệ với những đồ vật cụ thể, giúp các em hiểu được bản chất vấn đề một cách thực tế hơn, gần gũi hơn. Phương pháp này phổ biến ở Singapore đến nỗi, Bộ Giáo dục của đất nước này không chấp nhận bất kì tài liệu giảng dạy nào không đi theo “nguyên tắc” CPA.

Vậy CPA là gì?

Jerome Bruner, cha đẻ của phương pháp CPA, đã nêu rõ 3 thành tố như sau:

  • Concrete (Cụ thể): Đây là giai đoạn tiếp thu bằng hành động, ở giai đoạn này học sinh sẽ được làm quen với các khái niệm toán học qua những hoạt động, trò chơi với những đồ vật thật. Bruner tin rằng “kiến thức bắt đầu từ một hành động – chạm vào, cảm thấy và vận dụng”. Ở giai đoạn này, giáo viên thường sử dụng các giáo cụ trực quan như mô hình, tiền xu, khối lắp ráp hay những viên bi, xúc xắc để giúp học sinh bước đầu tiếp cận và làm quen với vấn đề.
  • Pictorial (Hình ảnh): Giai đoạn thứ hai là giai đoạn tiếp thu bằng hình ảnh, khi học sinh đã hiểu tương đối về khái niệm thông qua hoạt động với các đồ vật thật, giáo viên bắt đầu thể hiện nó bằng hình vẽ. Giáo viên có thể vẽ lại các đồ vật trên giấy hoặc giúp các em thể hiện trong đầu, hay biểu diễn bằng sơ đồ, biểu đồ, đồ thị.
  • Abstract (trừu tượng): Cuối cùng là giai đoạn tiếp thu bằng những kí hiệu trừu tượng, giáo viên sử dụng những hình ảnh ở giai đoạn thứ hai và biểu diễn lại bằng những ký hiệu toán học như những con số, chữ cái, các dấu cộng trừ nhân chia…

Tóm lại, phương pháp CPA là phương pháp dạy toán qua 3 giai đoạn: sử dụng những đồ vật thực tế để giúp học sinh làm quen với kiến thức mới, sau đó thể hiện lại bằng hình ảnh và cuối cùng mới biểu diễn bằng những thuật ngữ toán học. Phương pháp này được Jerome Bruner giới thiệu lần đầu tiên tại Singapore vào năm 1966 và hiện nay, CPA đã trở thành phương pháp giáo dục phổ biến ở đất nước này và đang lan rộng sang nhiều quốc gia khác.

Phương pháp CPA thường được áp dụng trong các bài giảng Toán của học sinh tiểu học để giúp các em có được nền tảng kiến thức Toán vững chắc, sẵn sàng cho các khái niệm khó hơn ở các cấp lớp cao hơn. Tuy nhiên, sẽ là một sự thiếu sót nếu nói rằng CPA chỉ nên được áp dụng ở cấp tiểu học, phương pháp này còn có thể được sử dụng để dạy những chủ đề toán nâng cao hơn, lấy ví dụ một bài toán phân số: 2/3 và 2/4, số nào lớn hơn?

Ở giai đoạn Concrete, chúng ta có thể lấy đồ ăn làm ví dụ (đứa trẻ nào cũng hào hứng khi thấy đồ ăn): chia một chiếc bánh pizza làm 3 phần và giữ lại 2 phần, sau đó chia một chiếc pizza khác cùng kích cỡ thành 4 phần và giữ lại 2 phần để trẻ so sánh. “Ở trường hợp nào con sẽ được ăn nhiều hơn?” – trẻ sẽ tìm được câu trả lời rất dễ dàng.

“Khi học sinh nắm được bản chất, Toán học sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.”, Don Le, đồng sáng lập Everest Education.

Chúng ta cần hiểu rõ, phương pháp CPA là một quá trình phát triển dần dần từ cách tiếp cận thực tiễn sang các công thức khái quát, mang lại cho học sinh ý tưởng về cách thức toán học diễn ra. Đó là một cách để truyền cảm hứng cho học sinh trong việc khám phá mọi thứ và để các em cảm nhận được mối liên hệ giữa toán học và cuộc sống hàng ngày.

Everest Education là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng Toán Singapore trong giảng dạy Toán học. Don Le, đồng sáng lập trung tâm Everest Education chia sẻ: “Tất cả các bài học tại Everest đều được giảng dạy bằng tiếng Anh để giúp học sinh không bị bỡ ngỡ khi bước vào môi trường giáo dục quốc tế. Chúng tôi thật sự rất thích phương pháp này vì nó giúp học sinh hiểu rõ bản chất của những khái niệm toán học. Tại sao 2+3=5, tại sao lại có định lí Pythago a^2 + b^2 = c^2. Khi học sinh nắm vững bản chất, các em sẽ ghi nhớ dễ dàng hơn rất rất nhiều.“

“Tôi đã từng thử nghiệm nhiều phương pháp và nhận thấy CPA là phương pháp hiệu quả nhất giúp học sinh tiếp cận với những kiến thức toán trừu tượng một cách sinh động, thực tế và thú vị hơn. Ở đây, học sinh của tôi rất thích học toán vì các em có thể tự mình tìm hiểu câu hỏi “tại sao” đằng sau mỗi bài học. Các em không phải cố gắng ghi nhớ những công thức, mà các em tự tìm ra chúng.” – cô Lan, giáo viên dạy toán tại trung tâm Everst Education cho biết.

Đúng vậy, CPA không chỉ giúp học sinh trả lời cho câu hỏi “làm thế nào”, mà còn cho các em biết “tại sao”. Và CPA có thể giúp học sinh hiểu rõ, yêu thích và tiến xa hơn với toán học, chứ không chỉ dừng lại ở những phép tính toán đơn thuần.


Để lại ý kiến