Hầu hết mỗi học sinh đều có ít nhất một động lực học tập nào đó. Và nhiệm vụ của cha mẹ và thầy cô là tìm hiểu xem những động lực đó là gì, để từ đó là xây dựng một môi trường học tập có thể duy trì niềm đam mê học tập của học sinh. Ví dụ, một số đứa trẻ có động lực học tập do sợ bị xấu hổ trước bạn bè, những đứa trẻ này thường thích cảm giác an toàn và ngại thử những điều mới mẻ, không thích đón nhận thử thách, và một lần thất bại trong các kì kiểm tra cũng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.
Đây là trường hợp rất hay gặp ở các lớp học. Rất nhiều học sinh sợ người khác đánh giá mình, em sợ những điều giáo viên nghĩ về em, bạn bè nghĩ về em, hay tệ hơn, cha mẹ nghĩ về em. Để chống lại điều này, một số học sinh bắt đầu phá rối và không chịu làm bài tập về nhà. Một số khác có thái độ bất cần và không hề động não để học. Cả hai trường hợp trên đều ảnh hưởng xấu đến việc học của học sinh.
Ngược lại, nếu một đứa trẻ không bị áp đặt phải đạt được kết quả cao, thay vào đó trẻ được khuyến khích tự do sáng tạo, tìm kiếm niềm vui trong học tập, động lực lúc này của trẻ sẽ là để thoả mãn trí tò mò của bản thân. Cha mẹ nên khen thưởng con cái vì những nỗ lực con đã bỏ ra, thay vì kết quả học tập. Điều quan trọng không phải là kết quả học tập tốt hay xấu, mà là những nỗ lực trẻ đã bỏ ra, là thời gian trẻ cố gắng rèn luyện và thực hành những kiến thức được học.
Khi có được lối tư duy như vậy, học sinh sẽ tự tìm thấy được niềm vui trong học tập. Trẻ sẽ chủ động học hỏi để thoả mãn sự tò mò của mình thay vì quan tâm đến điểm số. Trẻ có thể tự hiểu ra mối quan hệ giữa nỗ lực và kết quả: những nỗ lực dài lâu bao giờ cũng đem lại kết quả ngọt ngào. Đây chính là chìa khoá hữu hiệu nhất để duy trì nguồn cảm hứng học tập của các em.