Bí quyết giúp con viết văn hay dành cho cha mẹ

Viết là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mọi học sinh cần phải có. Quá trình viết và học viết đã bắt đầu từ những năm tháng con học mẫu giáo, và sẽ tiếp tục kéo dài đến suốt cuộc đời con. Tuy vậy, những lớp học ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có đủ thời lượng dành cho việc học viết, giúp con phát triển những kỹ năng viết, đặc biệt là viết bằng tiếng Anh. Thầy cô có thể là người hướng dẫn tốt, hay bài tập về nhà cũng giúp con được rèn dũa thêm kỹ năng này, nhưng vẫn còn rất nhiều việc đơn giản mà cha mẹ có thể làm để giúp con phát triển kỹ năng viết tốt hơn.

Hiểu được tại sao và làm thế nào để giúp trẻ viết văn hiệu quả là một trong những điểm quan trọng mà cha mẹ nào cũng nên có. Tại Everest Education, chúng tôi sử dụng Tiêu chuẩn 6 + 1. Đây hoàn toàn không phải là một khái niệm mới. Tiêu chuẩn này chỉ ra những yếu tố được hầu hết người đọc và người viết cho là quan trọng nhất để làm nên một bài văn hay. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về Tiêu chuẩn viết 6 + 1, cũng như làm thế nào để giúp con viết tiến bộ hơn bằng những hoạt động đơn giản ngay tại nhà.


Những điều cần biết về Tiêu chuẩn 6 + 1

Tiêu chuẩn 6 + 1 được phát triển dựa trên một nghiên cứu kéo dài đến hơn 50 năm. Nghiên cứu này chỉ ra rằng một bài viết hay phải có đủ 6 yếu tố chính, bao gồm Ý tưởng (Ideas), Bố cục (Organization), Giọng văn (Voice), Từ ngữ (Word choice), Diễn đạt (Sentence fluency) và Ngữ pháp (Conventions).

Ngoài ra, còn có một tiêu chuẩn khác, tiêu chuẩn +1, chỉ cách Trình bày (Presentation). Đối với những bài viết tay, tiêu chí Trình bày yêu cầu chữ viết phải ngay ngắn, dễ đọc. Còn đối với những văn bản trên máy, cách Trình bày liên quan đến kiểu chữ, màu sắc, hình ảnh, tỉ lệ, đường biên, khoảng trắng… Đây là tiêu chí quyết định đến cái nhìn chung của toàn bộ bài viết. Tuy vậy, Trình bày không được đánh giá ngang hàng với những tiêu chuẩn khác. Lí do là bởi 6 tiêu chuẩn còn lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung bài viết, còn Trình bày chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài của bài viết. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta lại gọi là Tiêu chuẩn 6 + 1, thay vì 7.

Những tiêu chuẩn này sẽ giúp cả giáo viên lẫn học sinh có một khung tham chiếu chung để viết, chỉnh sửa và đánh giá mọi loại bài viết. Chúng có thể áp dụng được với tất cả các hình thức viết, kể cả báo cáo, tiểu luận, thơ, bài báo, video hay mọi hình thức viết khác. Những tiêu chuẩn này cũng đã được thể hiện trong những “tác phẩm” đơn giản của con như trong bức tranh, hình vẽ, nhãn tên, hay các danh sách…

Dựa vào những tiêu chuẩn này, giáo viên có thể dễ dàng đưa ra nhận xét cho học sinh. Giúp các em thấy được những điểm tốt, những điểm cần cải thiện trong bài viết của mình. Tiêu chuẩn 6 + 1 khiến chúng ta dễ dàng hình dung được thế nào là một bài viết tốt. Cần lưu ý rằng, Tiêu chuẩn 6 + 1 không phải là một chương trình học viết. Đây đơn giản chỉ là 6 từ, 6 đặc trưng, 6 thành phần cần có của một bài viết hay.

“Những tiêu chuẩn viết văn mang lại một tiếng nói chung để đánh giá các bài viết.” – Ruth Culham

>> Tìm hiểu thêm về từng tiêu chí nằm trong Tiêu chuẩn 6 + 1 tại đây: https://blog.e2.com.vn/vi/tieu-chuan-61-tieu-chuan-cua-mot-bai-van-hay/

Đến đây, có thể bạn sẽ tự hỏi rằng liệu mô hình 6 tiêu chuẩn này có thực sự hiệu quả không. Hàng nghìn giáo viên trên khắp nước Mỹ, cũng như chính bản thân chúng tôi tại Everest Education đã thực sự áp dụng phương pháp này khi dạy viết cho học sinh, và nhận thấy kỹ năng viết của các em được cải thiện rất đáng kể. Thông qua Tiêu chuẩn 6 + 1, trẻ sẽ có thể:

  • Cảm nhận được những yếu tố nào khiến bài viết của em trở nên hấp dẫn hơn
  • Có khả năng viết nháp tốt hơn
  • Biết bám vào đâu để cải thiện bài viết nháp của mình cho hợp lý, thay vì sửa đổi một cách vụng về và chán nản
  • Biết để ý đến cách hành văn của người khác hơn khi đọc
  • Hiểu được giáo viên có yêu cầu như thế nào đối với một bài viết tốt

Bí quyết giúp con viết văn hay dành cho cha mẹ

Mặc dù học “viết” ở giai đoạn con học mẫu giáo không hoàn toàn giống với “viết” ở những năm tháng sau đó, cha mẹ vẫn có thể giúp con hiểu được những kiến thức cơ bản về Ý tưởng, Bố cục, Giọng văn, Từ ngữ, Diễn đạt, và Ngữ pháp thông qua những hoạt động vẽ tranh, lập danh sách, hay tập viết những mẫu câu đơn giản.

Phát triển kỹ năng viết cho trẻ vốn là điều không hề dễ dàng, hơn nữa còn mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, có rất nhiều điều mà cha mẹ có thể làm ngay tại nhà để giúp con cải thiện kỹ năng này, từ những việc đơn giản như đọc sách hằng ngày, đến thực sự học viết một cách nghiêm túc. Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ một số bí quyết đơn giản mà phụ huynh có thể làm để giúp trẻ xây dựng và cải thiện kỹ năng viết tốt trong thời gian ngắn.

#1. Khuyến khích trẻ đọc sách
Bạn có thích đọc sách cho con không? Đọc sách thường xuyên chính là bước đầu tiên nhất để xây dựng, hình thành, cũng như củng cố kỹ năng viết cho trẻ. Đọc và viết có mối quan hệ rất chặt chẽ. Đọc nhiều vừa giúp con có được vốn từ vựng phong phú, vừa học được nhiều cách diễn đạt, lựa chọn từ ngữ đa dạng để mô tả về cùng một ý tưởng. Nhờ vậy, con có thể linh hoạt sử dụng từ ngữ trong những bài viết của mình.

“Những tác giả, cũng như những diễn giả thành công thường có hai bí quyết: một là từ ngữ (vocabulary), hai là nhịp điệu (rhythm). Thế nhưng, cả hai khái niệm này đều rất khó để có thể dạy cho trẻ một cách máy móc. Vậy làm sao để trẻ có thể có được vốn từ phong phú, cũng như biết cách đưa nhịp điệu vào trong bài viết của mình? Câu trả lời là đọc, hãy đọc cho con thật nhiều, thật sống động!” – tác giả, đồng thời là một nhà giáo – Mem Fox – đã nhắc nhở chúng ta điều đó trong cuốn sách Radical reflections

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cố gắng dành thời gian đọc sách cho con nghe mỗi ngày để giúp con yêu thích việc đọc hơn. Bạn có thể giới thiệu cho con sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, tác giả khác nhau, phong cách khác nhau. Chọn những cuốn sách có câu chuyện, nội dung hay, từ vựng phong phú, và có lối viết đẹp đẽ, phù hợp với lứa tuổi của con…. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh về những ảnh hưởng tích cực của việc đọc đến sự phát triển khả năng đọc hiểu và mở rộng vốn từ của trẻ. Nếu con được đọc cho nghe khoảng một triệu từ mỗi năm, con sẽ có thể ghi nhớ được nghĩa của ít nhất một nghìn từ mới dựa trên bối cảnh của câu chuyện.

>> Phụ huynh có thể tìm hiểu về cách làm thế nào để lựa chọn một cuốn sách vừa đúng với trình độ của con tại đây: https://blog.e2.com.vn/vi/chon-sach-cho-con-lam-the-nao-de-chon-mot-cuon-sach-vua-dung-voi-trinh-do-cua-tre/

Một bí quyết đơn giản nữa là hãy chọn cuốn sách mà bản thân bạn cũng yêu thích. Nhờ đó, bạn sẽ có thể đọc cuốn sách đó cho con nghe thật hào hứng. Con sẽ được nghe kể câu chuyện đó một cách thật diễn cảm, hiểu được giọng văn của tác phẩm, và quan trọng hơn, là tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể “đổi vai” để con trở thành người đọc. Đọc to sẽ giúp con củng cố khả năng đọc hiểu, nắm được thế nào là một câu hoàn chỉnh, trôi chảy, dấu câu sử dụng thế nào, giọng điệu ra sao, và nhiều điều khác nữa.

#2. Tạo cho con không gian viết thoải mái.  Hãy dành ra một góc nhỏ trong căn nhà của bạn là nơi để con được tự do “sáng tác”. Có một không gian dành riêng sẽ giúp trẻ tránh xa khỏi những thứ dễ gây xao nhãng, tập trung hoàn toàn vào việc luyện viết. Đừng quên trang bị cho “góc sáng tác” của con những dụng cụ và đồ dùng học tập thân thiện, hỗ trợ cho việc viết như tập vở, sổ, giấy ghi nhớ, bút bi, bút chì, tẩy, bút màu, bút lông, hình dán hay những cuốn sách đố chữ. Bạn cũng có thể đặt một tấm bảng con để trẻ dán lên đó những từ vựng mới, những câu nói hay trong sách, những hình vẽ, hình ảnh minh họa truyền cảm hứng, hay, dĩ nhiên, là một vài tác phẩm của chính con nữa.

#3. Khuyến khích con viết nhật ký hay ghi chú hằng ngày  Viết nhật ký hằng ngày là một trong những thói quen tuyệt vời nhất để con có thể mở rộng vốn từ, phát triển một phong cách viết đặc biệt của cá nhân, và học cách thể hiện những suy nghĩ phức tạp của mình bằng từ ngữ. Viết nhật ký vừa giúp trẻ xây dựng kỹ năng viết quan trọng, vừa là cơ hội để con có thể ghi lại, chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ của mình hằng ngày. Cha mẹ có thể gợi ý cho con viết về những sự kiện nhỏ xảy ra ở trường, ở nhà, về những người con yêu mến hay không yêu mến, lí do tại sao, và về mọi điều mà con muốn làm hay muốn lưu giữ. Nếu con sẵn lòng chia sẻ nhật ký cho bạn đọc, hãy đọc cùng con và thảo luận thật chi tiết từng phần.

#4. Cùng con chơi những trò chơi viết sáng tạo  Cha mẹ có thể tìm cách kết hợp việc dạy con viết với những trò chơi tưởng tượng đơn giản. Hãy tìm một trò chơi nào đó phù hợp với sở thích của trẻ để giúp con yêu thích và hứng thú với việc học viết sáng tạo hơn. Ví dụ, bạn có thể cùng con chơi trò “sáng tạo lại” các câu chuyện cổ tích, đem những nhân vật hư cấu mà con yêu thích vào cùng một thế giới cổ tích. Đôi khi trẻ sẽ không thể tự mình nghĩ ra những nhân vật, tình huống hay cốt truyện mới hoàn toàn. Do vậy, để con có thể luyện khả năng viết sáng tạo, bạn có thể khuyến khích con viết nên một phiên bản mới, một kết thúc mới cho câu chuyện cổ tích mà con yêu thích, chẳng hạn. Cha mẹ có thể hỏi: “Nếu là con, con sẽ muốn câu chuyện này diễn biến tiếp theo như thế nào?”i. Trường hợp trẻ còn ngại ngùng hay gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ý tưởng mới cho câu chuyện của mình, phụ huynh cũng có thể bày ra một trò chơi nơi mà cả bạn và con cùng nhau sáng tác một câu chuyện. Cố gắng đẩy câu chuyện sao cho hài hước và dễ hiểu để giữ được sự hào hứng và chú ý của con.

#5. Giúp con tìm kiếm ý tưởng từ những điều xung quanh  Quá trình viết đòi hỏi rất nhiều suy nghĩ. Và một người viết tốt thường là người có khả năng quan sát tốt. Điều này cũng có nghĩa là, bạn có thể hỗ trợ con luyện viết, không chỉ bằng cách ngồi tập viết hằng ngày, mà còn bằng việc dạy con biết quan sát. Hãy đặt ra những câu hỏi về thế giới xung quanh con, để khơi dậy sự sáng tạo, tò mò, ham học hỏi của trẻ. Những cuộc trò chuyện thú vị, có chiều sâu với trẻ sẽ giúp con phát triển khả năng suy nghĩ, ham học hỏi và ghi nhớ những từ vựng cần thiết để có thể viết nên những bài viết đầy sáng tạo.

Ví dụ, khi bạn cùng con đi bộ, đi dã ngoại, tham quan bảo tàng, sở thú, hay đi biển, hãy trò chuyện cùng con về khung cảnh xung quanh. Như chỉ vào những con vật bất kỳ và hỏi xem con nghĩ đời sống hằng ngày của chúng sẽ diễn ra như thế nào, hay đố con đặt ra một cái tên mới cho công viên mà con yêu thích, hay hỏi con chỉ ra tòa nhà nào mà con thích nhất và lý do tại sao.

#6. Tìm kiếm cơ hội cùng con nhận xét về những bài viết Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của quá trình học viết, là biết cách sửa đổi từ bản nháp đầu tiên thành bản cuối cùng sao cho hoàn chỉnh. Vậy nên, bất cứ khi nào con hoàn thành xong một bài viết, hãy khuyến khích con cố gắng đọc đi đọc lại nhiều lần và tìm cách sửa đổi sao cho tốt hơn. Ví dụ, bạn có thể gợi ý cho con sử dụng giấy ghi chú để hình thành dàn ý cho câu chuyện trước, sau đó mới thêm vào các chi tiết, lựa chọn từ ngữ thích hợp và viết lại từng câu sao cho linh hoạt. Hãy bám sát vào Tiêu chuẩn 6 + 1 để cùng con nhận xét bài viết. Điều này cũng sẽ rất thú vị khi bạn có cơ hội được “chấm bài” như một giám khảo thực thụ! Ngoài ra, phụ huynh không nhất thiết phải cố gắng nhận xét hết cả 6 tiêu chuẩn. Bài viết đó cũng không nhất thiết phải là bài mà con tự viết ra. Bạn có thể lấy một đoạn bất kỳ trong một cuốn sách, một cuốn truyện tranh ảnh, một tờ báo, một tạp chí hay bất cứ văn bản nào. Nhìn vào đoạn văn và nhận xét về cách dùng từ, lỗi diễn đạt và tìm xem ý tưởng của đoạn văn là gì. Nhắc con lưu ý đến cách trình bày của những tài liệu đã được in thành sách. Bài viết có mắc lỗi gì không? Người viết đã chia đoạn và sử dụng chữ viết hoa ở những chỗ nào? Tại sao đoạn này họ lại viết dài, hay viết ngắn? Tác giả có sử dụng nhiều dấu chấm than không? Con có đồng ý với cách trình bày của tác giả không? Nếu là con thì con sẽ làm như thế nào?…

Kết luận

Viết là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Mặc dù sẽ mất rất nhiều thời gian và kiên nhẫn để luyện cho con khả năng viết thành thạo, phụ huynh cũng có thể làm những điều đơn giản trên để cùng con phát triển khả năng viết từng ngày. Sự tham gia của cha mẹ có thể mang lại tác động rất lớn. Bằng cách thường xuyên đọc và viết cùng con, bạn sẽ có thể giúp con xây dựng được nền tảng quan trọng, từng bước giúp con viết tốt hơn, cũng như khiến cho việc viết lách trở nên dễ dàng, và mang lại nhiều niềm vui hơn cho trẻ.

Cuối cùng, nếu con bạn cần được hỗ trợ để cải thiện kỹ năng viết hơn nữa, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ gia đình. Chương trình Ngữ Văn Anh của chúng tôi tập trung phát triển khả năng viết và đọc hiểu cho học sinh, từ những kiến thức cơ bản nhất như học từ cho đến kỹ năng viết sáng tạo nâng cao. Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về chương trình Ngữ Văn Anh tại: https://e2.com.vn/vi/chuong-trinh/ngu-van-anh/


Nguồn tham khảo:
https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED409588.pdf
https://www.smekenseducation.com/6-Traits-of-Writing.html
https://www.wikihow.com/Improve-Your-Child%27s-Creative-Writing-Skills

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí