Nên nộp đơn vào bao nhiêu trường đại học?

“Nên nộp hồ sơ cho bao nhiêu trường thì được?” – đây hẳn là câu hỏi lớn đối với rất nhiều em học sinh khi chuẩn bị nộp hồ sơ du học vào các trường đại học. Như thế nào là quá nhiều, như thế nào là quá ít? Vấn đề này gây ra rất nhiều tranh cãi, ngay cả đối với những chuyên gia tư vấn du học, khiến không ít các em học sinh hoang mang và bối rối.

Bài viết dưới đây sẽ mang lại cho các em một cái nhìn chi tiết hơn về số lượng trường đại học mà các em nên nộp hồ sơ, cũng như phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định nộp hồ sơ vào trường nào. Hy vọng thông qua bài viết này, các em sẽ tự tin hơn khi lên danh sách các trường mục tiêu của mình cũng như số lượng trường mà các em nên đăng ký.


Không có con số nào là hoàn hảo

Số lượng trường học mà học sinh nên đăng ký tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng em. Nhìn chung, những nhà tư vấn tuyển sinh thường khuyên học sinh rằng, trung bình mỗi em nên nộp đơn khoảng 6 đến 8 trường đại học: 2-3 trường các em mơ ước (reach colleges), 2-3 trường mục tiêu (target colleges), và 2 trường nằm trong phạm vi an toàn (safety colleges). “Reach colleges” là các trường đại học các em mơ ước được học nhưng cơ hội được nhận thấp (thấp hơn 30%), “target colleges” là các trường mà các em có cơ hội được nhận cao hơn (khoảng 30-80%) và “safety schools” là các trường mà các em gần như có thể chắc chắn được nhận vào dựa trên chất lượng hồ sơ của mình (từ 80% trở lên).

Tuy nhiên, có thể thấy, hiện nay số lượng hồ sơ gửi vào tất cả các trường đều tăng mạnh mẽ qua mỗi năm. Lí do là bởi (1) số lượng hồ sơ từ học sinh quốc tế ở tất cả mọi nơi đang tăng lên nhanh chóng và (2) hệ thống Common App ngày càng phát triển và phổ biến khiến cho mọi học sinh đều có thể gửi hồ sơ đến nhiều trường dễ dàng hơn bao giờ hết. Theo kinh nghiệm của chúng tôi ở Everest Education ("E2"), nếu vài năm trước đây, mỗi em học sinh chỉ nộp hồ sơ cho khoảng từ 5 đến 10 trường, thì hiện nay, có nhiều em học sinh đã nộp hồ sơ đến tận 20 trường khác nhau.

Số lượng hồ sơ mà học sinh nên nộp phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân cũng như ưu tiên của từng em khi chọn trường.  Ví dụ, nếu trường mà em mong muốn được vào học có nhận hồ sơ dưới dạng "early decisions" hay "early action", vậy em chỉ có thể nộp hồ sơ được vào một trường duy nhất. Trường hợp học sinh nộp đơn theo hình thức “early decision”, thông thường các em sẽ phải nộp hồ sơ trong tháng 11 và nhận được thư nhập học trong tháng 12, trước thời hạn nộp hồ sơ của hầu hết các trường đại học khác. Nếu học sinh được nhận vào trường dưới dạng “early decision”, em bắt buộc phải theo học tại đó.

Học sinh vẫn nên có một danh sách các trường đại học mà em muốn nộp đơn, để phòng trường hợp em không được nhận hoặc trường hợp em nộp đơn vào các trường có thời hạn chốt hồ sơ trước tháng 12, như Đại học California (University of California). Khi có trường nào nhận em theo hình thức “early decision”, em phải rút hồ sơ dự tuyển của mình ở các trường đại học khác.

Tại sao học sinh nên nộp đơn vào nhiều trường

Nếu học sinh đã quyết tâm nộp hồ sơ vào một trường rất khắt khe, em nên cân nhắc nộp nhiều hồ sơ hơn những người khác. Thống kê cho thấy, khi học sinh đăng ký vào 10 trường có cơ hội thành công khoảng 25%, em sẽ có cơ hội được nhận vào ít nhất 1 trong 10 trường đó. Thực tế, nếu học sinh nộp đơn vào 16 trường đại học có cơ hội thành công trung bình khoảng 25%, vậy em sẽ có 99% cơ hội được nhận vào 1 trong 16 trường đó.

Khi đã chọn đi theo “chiến thuật” này, học sinh cũng nên chuẩn bị tâm lý có thể bị từ chối bởi hầu hết các trường mà em đã nộp đơn. Mặt khác, nếu em không quá tham vọng nộp hồ sơ vào những trường khó, và khá tự tin rằng em sẽ được nhận vào ít nhất một trong số các trường mà em đã chọn, em chỉ cần nộp hồ sơ cho khoảng từ 2 đến 4 trường.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

Đừng quên rằng mỗi hồ sơ đều đi kèm với thời gian và tiền bạc

Nộp đơn vào các trường đại học có thể tốn rất nhiều chi phí. Lệ phí nộp hồ sơ của mỗi trường có thể lên đến $75 một bộ hồ sơ. Tuy nhiên, những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể đăng ký xin miễn mức lệ phí này (fee waivers), nhờ vậy các em có thể nộp hồ sơ được vào nhiều trường hơn.

Thêm vào đó, còn có rất nhiều các chi phí khác đi kèm như chi phí gửi bằng cấp các kỳ thi chuẩn hoá, gửi điểm thi AP (Advanced Placement test) đến các trường đại học. Các kỳ thi như SAT và ACT cho phép học sinh được nộp miễn phí 4 bảng điểm thi đến các trường đại học khác nhau. Quá 4 bảng điểm, học sinh sẽ phải đóng thêm $11,25 cho mỗi một bảng điểm thêm đối với kỳ thI SAT, và $12 đối với kỳ thi ACT. Tương tự, mỗi lần thi AP, học sinh cũng sẽ được phép gửi kết quả thi AP – bao gồm bảng điểm của tất cả các bài thi AP – miễn phí đến một trường đại học bất kỳ, mỗi bảng điểm thêm vào sẽ tốn thêm $15.

Do đó, nếu nộp đơn vào 20 trường đại học, trung bình học sinh sẽ phải trả thêm đến hơn $2.000. Hãy cân nhắc thật kỹ liệu em (hay gia đình của em) có đủ khả năng chi trả cho mức phí này trước khi quyết định nên nộp đơn vào bao nhiêu trường. Tuy vậy, hãy tin rằng đây là một khoản đầu tư xứng đáng. Nếu em có thể được nhận vào một trường đại học phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình, những trải nghiệm đáng quý tại đây sẽ có thể mang lại cho em một tương lai vững chắc và thành công hơn rất nhiều, và khoản tiền mà em đã phải bỏ ra để nộp đơn du học có thể trở thành một “khoản lời” rất lớn nếu so sánh với những gì mà em sẽ được nhận lại. Ngoài ra, đừng quên rằng số tiền mà em nộp để đóng phí nộp hồ sơ vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với mức học phí của các trường đại học.

Bên cạnh đó, quá trình nộp hồ sơ du học cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Ngay cả khi ngày nay có rất nhiều trường bắt đầu sử dụng hệ thống The Common Application, cho phép học sinh có thể nộp đơn vào nhiều trường chỉ với một bộ hồ sơ, thì hiện tại, vẫn có nhiều trường có quy trình tuyển sinh riêng, và còn đòi hỏi học sinh phải nộp thêm bài luận (supplemental essays). Cứ mỗi trường yêu cầu nộp thêm bài luận như vậy sẽ lấy đi của các em ít nhất vài giờ nữa để hoàn thành. Nếu chuẩn bị kỹ càng, khi đã nộp hồ sơ vào khoảng 8 trường đại học, các em sẽ nhanh chóng nhận ra những điểm chung quen thuộc trong các câu hỏi, và dễ dàng sử dụng lại những ý chính từ các bài luận trước để điều chỉnh lại phù hợp với yêu cầu của từng trường.

Hãy cố gắng cân đối thời gian để có thể vừa hoàn tất chuẩn bị các bộ hồ sơ du học một cách chu đáo, vừa đảm bảo được kết quả học tập tại trường, cũng như cân bằng hợp lý những ưu tiên khác.

Những nguyên tắc quan trọng cần nhớ khi quyết định số trường đại học mình sẽ nộp hồ sơ

Bất kể em định nộp hồ sơ vào bao nhiêu trường đại học, đừng quên những nguyên tắc dưới đây.

Nguyên tắc #1: Nộp ít nhất 2 trường trong danh sách an toàn (Safety colleges)
Hãy luôn khôn ngoan chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy đến. Ngay cả khi học sinh chỉ được nhận vào các trường nằm trong danh sách an toàn (safety schools), sẽ vẫn tốt hơn nếu em có nhiều hơn một lựa chọn để cân nhắc.

Nguyên tắc #2: Đừng nộp đơn vào những trường mà em không muốn theo học
Nhìn lại quãng thời gian, tiền bạc cũng như công sức bỏ ra khi nộp đơn vào các trường đại học, em sẽ thấy việc nộp đơn vào các trường mà em thực sự không muốn theo học rất vô nghĩa. Ngay cả khi những trường trong danh sách an toàn (safety colleges) không phải là lựa chọn mà em mong muốn nhất, đó cũng nên là những trường mà em sẵn sàng theo học.

Nguyên tắc #3: Hãy nghiên cứu thật kỹ từng trường trước khi nộp đơn
Trước khi nộp hồ sơ, học sinh nên hiểu rõ bản thân em mong muốn học tại một trường như thế nào. Tại Mỹ có đến hơn 2.500 trường đại học có chương trình cử nhân 4 năm. Học sinh có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm, các trang web, cẩm nang, bảng xếp hạng hay thậm chí đến tham quan các trường đại học trước khi nộp đơn để hiểu rõ hơn em muốn theo học tại những trường như thế nào. Trao đổi thêm với giáo viên, cha mẹ, các nhân viên tư vấn du học, cựu học sinh, tân sinh viên của trường cũng là một phương pháp hữu ích để giúp các em thu hẹp lại danh sách những trường nên nộp đơn vào học.

Nguyên tắc #4: Tự xếp hạng các trường mà em đã nộp đơn trước khi nhận thư nhập học
Sau khi đã nộp hồ sơ, hãy tiếp tục nghiên cứu và tự xếp hạng các trường mà em đã đăng ký, giả sử như em được nhận vào tất cả các trường này. Quá trình này sẽ giúp em có thể đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Một khi đã nhận được thư nhập học cũng như biết được mức học bổng mà em sẽ được nhận (nếu em nộp đơn xin học bổng), học sinh có thể dễ dàng tự tính xem chi phí mà gia đình em phải đóng thêm để theo học ở từng trường là bao nhiêu.

 

Nguyên tắc #5: Hãy thực tế về cơ hội được nhận vào từng trường
Mặc dù việc nộp đơn vào những trường có vẻ hơi ngoài tầm với là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng ở một mức độ nào đó, sẽ tốt hơn nếu em tập trung hết sức vào những trường có tỷ lệ thành công cao hơn.

Thông thường, nếu điểm trung bình môn (GPA) và kết quả thi các kỳ thi chuẩn hoá của em thấp hơn số điểm trung bình của học sinh của trường mà em có ý định nộp hồ sơ (cơ hội thành công thấp hơn 25%), khả năng em được nhận vào trường là rất thấp, và thậm chí trong một vài trường hợp, là hoàn toàn không thể.

Ví dụ, năm 2014, ở đại học Princeton (Princeton University), chỉ có 2% học sinh được nhận vào trường có điểm GPA dưới 3,5. Ở Yale, theo thống kê xếp hạng của học sinh những năm trung học, 97% học sinh được nhận vào trường đều nằm trong top 10 của lớp khi còn học cấp 3.

Học sinh vẫn có một cơ hội thực tế được nhận vào các trường đại học hàng đầu nếu hồ sơ của em sở hữu một đặc điểm gì đó nổi bật. Nếu em là một vận động viên xuất sắc tầm cỡ thế giới, hay con của một cổ đông lớn của trường, hay đã vượt qua một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nào đó, học sinh vẫn có thể có cơ hội thuyết phục được các nhà tuyển sinh dù thành tích học tập và thi cử của em không quá nổi bật. Ngoài ra, nếu điểm trung bình của em tốt, nhưng điểm thi lại nằm dưới mức trung bình của những trường đại học có tỷ lệ chọi cao, em vẫn có cơ may thành công, đặc biệt là nếu em đến từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Lời khuyên cuối cùng

Dù rằng không thể nói chính xác cho từng em số lượng trường đại học mà các em nên nộp hồ sơ, đặc biệt là những em có điều kiện tài chính tốt và có nguyện vọng theo học tại những trường đại học hàng đầu, nhưng học sinh có thể cân nhắc nộp hồ sơ cho hơn 20 trường đại học.

Nếu đã có nghiên cứu kỹ càng trước khi nộp đơn, học sinh sẽ có thể giới hạn danh sách những trường muốn đăng ký xuống còn 25 trường hoặc ít hơn. Mặt khác, nhiều học sinh, đặc biệt là những em đến từ các gia đình có thu nhập thấp hoặc là đứa con đầu tiên trong nhà đi học đại học, các em thường gửi đi quá ít hồ sơ. Nếu không có lí do gì đặc biệt khiến em giới hạn số lượng hồ sơ như vậy, và nếu đã quyết tâm nộp hồ sơ vào những trường tốt, các em nên gửi đi ít nhất 6 bộ hồ sơ đến 6 trường khác nhau.

Tiếp theo cần làm gì?

Mong muốn xây dựng một bộ hồ sơ du học hoàn chỉnh và thành công?

Everest Education có thể giúp. College Compass là một chương trình tư vấn du học đại học dành cho những em học sinh chuẩn bị vào lớp 12 tại Sài Gòn, với mục đích hướng dẫn cho các em trong suốt quá trình ứng tuyển vào các trường đại học hàng đầu. Chương trình được dẫn dắt bởi hai nhà sáng lập của Everest Education, Tony Ngô và Don Lê, cả hai đều tốt nghiệp từ đại học Stanford và hiện đang hoạt động dưới tư cách là phỏng vấn viên cho đại học Stanford. College Compass kết hợp những nhà tư vấn hàng đầu với các chiến lược làm hồ sơ, viết luận đặc biệt. Chúng tôi hiểu rõ những nhà tuyển sinh tìm kiếm điều gì nơi các em học sinh, và chúng tôi hy vọng có thể giúp các em được theo học tại trường mà các em mơ ước.

Tìm hiểu thêm về chương trìnhPhụ huynh và học sinh có tìm hiểu thêm về College Compass để nâng cao cơ hội được nhận vào các trường đại học hàng đầu. Chương trình hiện tại đang trao học bổng tài trợ 100% học phí, với mỗi suất học bổng trị giá $3.500.

Nguồn tham khảo: PrepScholar Admissions

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí