Chúng ta phải tự lấy mình làm tấm gương chăm đọc sách nếu muốn con cái có được thói quen này. Hãy làm gương, dành thời gian đọc mỗi ngày, dù là đọc sách, báo hay tạp chí. Hãy làm việc gì đó ý nghĩa và có ích hơn là lướt mạng xã hội.
Bạn cũng có thể đọc sách cho trẻ nghe trước khi đi ngủ. Sử dụng những cuốn sách kể chuyện có các yếu tố toán học là một gợi ý tuyệt vời để giúp trẻ phát triển cùng lúc cả khả năng ngôn ngữ và tính toán.
Bước 2: Xây dựng không gian khuyến khích trẻ đọc sách
Trẻ em nên có một nơi thoải mái và yên tĩnh để đọc. Bạn có thể “lôi kéo” trẻ đọc bằng cách mua thật nhiều sách, báo nhiều thể loại và được minh hoạ đẹp mắt, phù hợp với trình độ đọc của trẻ. Mang đồ chơi, máy điện tử, điện thoại hay bất cứ thứ gì có thể làm con bạn xao nhãng ra khỏi khu vực đọc của gia đình.
Bước 3: Chọn tựa sách phù hợp với con
Chọn sách phù hợp với độ tuổi và trình độ của trẻ, đủ hấp dẫn để làm em thích thú, và đủ ngắn để em khỏi mất tập trung. Thay vì nói cho con rằng bạn sẽ đọc sách gì, hãy hỏi xem con thích đọc gì. Bạn có thể giả vờ “tham khảo ý kiến” của con hoặc để con tự chọn giữa hai hay ba cuốn sách khác nhau. Khi trẻ được tự mình đưa ra quyết định, một cách tự nhiên, con sẽ có trách nhiệm hơn và biết tập trung hơn.
Bên cạnh đó, sẽ hoàn toàn ổn nếu con bạn cứ khăng khăng đọc đi đọc lại mãi một cuốn sách. Trên thực tế, đây chính là dấu hiệu cho thấy trẻ dần dần thích đọc.
Bước 4: Trân trọng nỗ lực của con
Để không thấy nản, trẻ em cần phải cảm thấy được bản thân đang tiến bộ (thực sự là cả người lớn cũng vậy!). Cha mẹ chính là những người phù hợp nhất có tạo động lực học cho trẻ, ngay cả khi em chỉ mới học được những kĩ năng cơ bản nhất. Trẻ thậm chí sẽ còn tiến bộ nhanh hơn nếu cha mẹ có thể dành thời gian cùng học với em.
Trong nhiều gia đình Việt Nam, cha mẹ thường ngại “mất mặt” trước con cái và lúc nào cũng phải tỏ ra mình biết mọi thứ. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng việc tỏ ra tò mò và nói “bố không biết” thực ra lại tạo động lực cho trẻ ham học hỏi để “dạy lại” chúng ta. Và tin tôi đi, khi con tôi có cơ hội giải thích cho tôi rằng magma và dung nham từ núi lửa liên quan đến nhau như thế nào, đó đã trở thành một khoảnh khắc rất đỗi tự hào mà con nhớ rất lâu sau đó. Đó là khoảnh khắc tôi cho con thấy rằng bố có thể vẫn còn chưa biết điều này điều nọ, nhưng bố có thể và sẵn sàng học hỏi. Tôi mong rằng điều đó cũng dần dần giúp con có được tư duy tiến bộ (growth mindset).
Bước 5: Xây dựng vốn từ vựng phong phú
Sau khi kể cho con nghe một câu chuyện, hãy bắt đầu thử áp dụng một số từ mới trong câu chuyện ngay sau đó. Bạn có thể viết các từ mới lên giấy bìa, dùng những tờ giấy này thành thẻ bài để chơi trò chơi như Memory (ghi nhớ) cùng con.
Giúp trẻ luyện tập và ghi nhớ những từ vựng quan trọng, cơ bản và thường xuyên được sử dụng cũng là một trong những cách quan trọng để giúp trẻ hình thành tư duy ngôn ngữ và dần đẩy nhanh tốc độ đọc. Có rất nhiều cách khác nhau, nhưng một trong những cách đơn giản nhất là sử dụng những từ Rainbow Sight Words (giá khoảng 3 đô la), danh sách bao gồm 300 từ đầu tiên mà những người học tiếng Anh cần biết. Bạn có thể in chúng ra trên giấy cứng hoặc những miếng bìa và cùng trẻ học đi học lại mỗi ngày cho đến khi các em ghi nhớ và hình thành được phản xạ.
Bước 6: Chia nhỏ thời gian đọc sách
Khoảng thời gian tập trung của trẻ em ngắn hơn so với người lớn, do vậy chúng ta không nên bắt trẻ đọc một lúc quá lâu.
Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ chỉ cần dành khoảng 5-10 phút mỗi lần đọc (tương đương 1 hoặc 2 cuốn sách ngắn). Thời gian này có thể tăng lên thành 10 – 15 phút khi trẻ vào lớp 1. Ở Everest Education, mỗi cấp lớp chúng tôi tăng thêm chừng 5 phút đọc sách, do vậy một học sinh lớp 5 sẽ không bị bắt đọc nhiều hơn 25 phút mỗi lần đọc.
Sẽ rất đáng mừng nếu học sinh muốn được đọc nhiều hơn, nhưng chúng tôi cố gắng không ép buộc các em. Chúng tôi tin rằng điều quan trọng nhất là xây dựng được thói quen đọc nhất quán, tập trung một ít mỗi ngày để phát triển đều đặn và giúp các em yêu thích việc đọc.
Bước 7: Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử và khuyến khích trẻ hoạt động
Cha mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử chỉ trong 30 phút đến một giờ mỗi ngày (chỉ trong phòng khách hoặc các khu vực chung khác), và chỉ nên được sử dụng sau khi các em đã đọc xong và hoàn thành bài tập về nhà. Trẻ cần phải được loại bỏ những thứ gây xao nhãng khác để hoàn toàn tập trung.
Lý tưởng nhất, trẻ em nên dành ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày. Chúng tôi nhận thấy rằng, khi trẻ không được chạy nhảy đi đến công viên, ở nhà chúng sẽ “quá dư năng lượng” và việc ngồi yên đọc sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng, nếu bạn chưa cho con đi tập thể dục mà đã đến giờ đi ngủ, bạn sẽ làm gì?
Nếu đang kể chuyển mà nhận thấy con bạn đang dần mất tập trung, đừng ngần ngại chuyển sang hoạt động khác. Đặt sách xuống và cho con nhảy 10 cái hoặc chạy trong vòng 20 giây, chẳng hạn, điều này sẽ giúp con phấn chấn hơn và sẵn sàng tập trung hơn.
Và còn nhiều cách cải thiện khác
Bàn về vấn đề đọc sách và phát triển kỹ năng đọc của trẻ, tôi còn có một vài gợi ý khác nữa dành cho cha mẹ, đặc biệt là về cách hướng dẫn con đọc cụ thể như thế nào cho hiệu quả, xin hẹn bạn ở bài viết tiếp theo.
Nguồn tham khảo:
http://www.readandspell.com/us/common-reading-problems
https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/preschool/Pages/Helping-Your-Child-Learn-to-Read.aspx
https://www.understood.org/en/learning-attention-issues/child-learning-disabilities/information-processing-issues/processing-speed-what-you-need-to-know
http://learningworksforkids.com/2017/04/5-ways-to-improve-processing-speed-in-children/