“Lessons from a Social Entrepreneur” by Tony Ngo

Nội dung

A speech at AIESEC GLAD Conference Keynote and Workshop

Mar. 6, 2017

Khi tốt nghiệp đại học, Tony chỉ tập trung vào một điều là tìm được một công việc tuy tín và có lương cao. Tới thời điểm bây giờ thì mình mới khám phá ra rằng suy nghĩ đó là sai lầm dù đã đầu tư và thành công trong một sự nghiệp 15 năm ở Wall Street.

Mình tốt nghiệp năm 2001, ngay ở độ cao của trào lưu công nghệ thông tin. Và lúc đó, có rất nhiều công ty công nghệ tuyệt vời vừa mới ra đời và gia nhập thị trường như Yahoo, Ebay, AOL, Cisco. Một điều thú vị là mình tìm được một vị trí tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tư vấn chiến lược tài chính, đầu tư và phát triển cho các công ty này. Mình nhắm mắt đi theo một con đường mà mình tưởng là an toàn mà không nhận ra điều mình làm chỉ là mù quáng.

Cùng năm đó, vụ tấn công khủng bố 11/9 xảy ra. Ngay sau thời gian đó thì trào lưu công nghệ thông tin đi vào gián đoạn. Con đường sự nghiệp của mình cũng từ đó mà trở nên rối bời. Sau một năm, không có một mục tiêu nào được hoàn thành, và mình đã bị cho nghỉ việc.

Sau khoảng thời gian đó, mình đã học được một bài học lớn trong đời: “You never know what you don’t know.”

Mình đã kiên trì ở Wall Street thêm một thập niên rưỡi nữa, làm việc trong mảng đầu tư private equity và public equity. Nhưng mình vẫn cảm thấy mình muốn vươn xa hơn ngài những công việc hằng ngày. Trong thời gian đó, mình đã giúp xây dựng một tổ chức liên hiệp sinh viên Việt Nam ở Bắc Mỹ. Sau khi về Việt Nam, mình thành lập SEO-Vietnam (Sponsor for Educational Opportunties – Vietnam). Sau đó, vào năm 2011, mình thử sức khởi nghiệp với Everest Education, chú trọng vào việc cá nhân hóa lại việc học cho các em học sinh. Song song, mình vẫn dành thời gian nhiều cho sự nghiệp ngành Tài chính.

Mặc dù là mình có được những thành công và tài chính từ những công việc này. Giống như những bạn trẻ khác, mình luôn băn khoăn với một câu hỏi: “Mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của mình là gì?” Nó nằm ở việc phân tích thị trường và định hướng tài chính hay không? Hay nó xoay quanh những tổ chức xã hội mà mình thành lập nên? Tony có thấy được một điểm chung trongg tất cả những việc này là mình có khuynh hướng chú trọng về phát triển kỹ năng lãnh đạo trẻ.

Đúng hai năm trước, Tony đã rời Wall Street, chuyển hướng hoàn toàn qua việc phát triển trung tâm Everest Education, với tư cách là một doanh nhân.

So sánh câu chuyện của Tony với tất cả các bạn ở đây thì Tony thấy rằng, việc các bạn hy sinh một ngày chủ nhật để đến đây, tham gia buổi trò chuyện này và đặt câu hỏi cho bản thân mình, đó là các bạn đã khôn ngoan hơn mình rất nhiều rồi.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tương lai của mình nên như thế nào, vai trò và trách nhiệm của mình trong tương lai, mình có thể đóng góp những gì cho xã hội? Nếu các bạn nào chỉ đang nghĩ đến việc tìm một công việc ổn định lương cao thì xin vui lòng bỏ qua những lời nói của Tony hôm nay. Những bạn thực sự muốn tạo ra sự ảnh hưởng đến cộng động, ngành, quốc gia mà mình đang hướng đến thì xin cho Tony chia sẻ với các bạn vài bài học từ kinh nghiệm của mình và những người đi trước.

Trước nhất là về “mindset” (cách suy nghĩ). Đây là điều quan trọng nhất. Ở Việt Nam, một khó khăn cực kỳ lớn mà chúng ta gặp phải đó là thiếu những cá nhân có sự sáng tạo. Với một hệ thống giáo dục học thuộc lòng và đàn áp sự tự suy nghĩ và sáng tạo. Thế mạnh của Việt Nam đang là cung cấp nguồn nhân lực rẻ ra nước ngoài, nhưng các bạn phải biết, thế mạnh này, chỉ trong vòng một thế hệ tới, sẽ trờ thành điểm yếu. Vì trên toàn thế giới, công nghệ phát triển robot tự động, trí thông minh nhân tạo và hằng hà những phát minh mới khác sẽ dần thay thế con người trong tất cả những công việc tay chân. Mình không chỉ cạnh tranh với nguồn lao động ở Trung Quốc hay Bangladesh nữa, mà mình đang cạnh tranh với công nghệ thông tin. Trong cuộc đua này, chúng ta chắc chắn sẽ thua. Nếu mình không tập trung vào những công việc tay chân, thì hướng đi nào là bước tiếp theo?

Các bạn có biết ông này là ai không ạ? Đây là Peter Thiel, một doanh nhân rất thành công ở Silicon Valley, Mỹ, đồng sáng lập Ebay và đầu tư vào những công ty lớn khác, trong đó có cả Facebook. Thiel cũng sáng lập ra Quỹ đầu tư Founders’ Fund nổi tiếng ở Silicon Valley trong 5 năm vừa qua.

Thiel có một câu hỏi luôn làm Tony băn khoăn, và Tony cũng muốn chia sẻ câu hỏi này đến các bạn: “What do you think that everyone else believes to be true that might actually be wrong?”

Nếu chúng ta chỉ bắt chước những gì người khác đang làm, chúng ta sẽ không bào giờ đột phá được. Điều gì mọi người cho là đúng nhưng thật ra là sai? Tony thường đặt ra câu hỏi này khi phỏng vấn các bạn ứng cử viên. Đây là một câu hỏi khó, chính Tony cũng phải dành ra rất nhiều thời gian để suy nghĩ về điều này. Nhưng đây là kỹ năng mình có thể luyện tập được.

Đầu tiên, các bạn luôn phải giữ một tư tưởng của người mới bắt đầu, đặt câu hỏi cho nhiều vấn đề khác nhau. Mình không nên ngại hỏi về những điều rất đơn giản mà mình không biết. Mình có một người bạn của Tony, một người đã giúp Tony sáng lập ra SEO-Vietnam. Bạn này tên là Napoleon, sinh ra ở Việt Nam và định cư ở Mỹ. Ban đầu, SEO-Vietnam chỉ có tên laf Interns in Vietnam (IIV). Một năm sau khi tổ chức ra đời, Nap mới hỏi Tony rằng: “Hoạt động của mình cũng giống với SEO, tại sao mình không thử liên kết với họ?” Lúc đó, Tony nghĩ rằng, với một tổ chức đã có tiếng hơn 50 năm thì làm sao mình, một tổ chức chỉ mới có 5 bạn tham gia mùa đâu tiên, có thể sánh vai được?

Nhưng nhờ Nap đặt ra câu hỏi như vậy nên Tony mới nhìn lại và thấy được những điểm chung của hai tổ chức, dù tầm cỡ khác nhau. Sau đó, Tony và Nap đã nỗ lực liên lạc và thuyết phục được SEO để cho mình trở thành đối tác của họ tại Việt Nam. Sau 8 năm, câu hỏi mà Nap đặt ra chính là nền tảng để SEO-Vietnam trở thành một platform phát triển cho các bạn trẻ sau này.

Thêm một câu chuyện khác về các nhân của Nap. Sau khi thành lập SEO-V được một thời gian, Nap đã tiếp tục học MBA và gặp Peter Thiel khi đang theo học. Ấn tượng vì tinh thần ham học hỏi, nhất là trong việc liên tục đặt câu hỏi về nhiều vấn đề của Nap, Thiel đã chọn Nap làm thực tập sinh cho công ty của mình vào mùa hè năm đó. Và bây giờ thì Nap đã trở thành Giám đốc của Quỹ Founders Fund.

Khi nhìn lại thì mình sẽ thấy, wow, tại sao những người này lại giỏi đến như vậy. Nhưng mình cũng nhận ra rằng, cách suy nghĩ của những người thành công này là điều mình có thể rèn luyện được. Nếu chính những người thành công không ngại đặt ra những câu hỏi đơn giản như vậy, chúng ta cũng không nên ngại.

Điều quan trọng thứ hai mà Tony muốn chia sẻ ở đây: “Be a multispecialist, not a generalist.”

Mục tiêu của mọi người ở đây, khi muốn làm một điều gì đó mới, ví dụ như thay đổi ngành nghề chẳng hạn, thì có ý tưởng chỉ là một chuyện thôi, mình phải triển khai nó như thế nào? Mục tiêu mình đặt ra là trở thành chuyên gia trong hai đến ba lĩnh vực thôi. Nhưng nghe chữ “chuyên gia” cũng đã thấy một cái gì đó to lớn quá phải không? Tony đảm bảo với các bạn rằng, nếu mình toàn tâm toàn ý cố gắng hết sức trong vòng một năm, các bạn sẽ đứng trong 25% số chuyên gia của bất cứ lĩnh vực nào mà mình chọn. Nhưng các bạn phải hết sức tập trung. Từ 25% đi vào top 10% và 1% mới là việc khó. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải lên như vậy. Lý do mà Tony muốn các bạn hướng đến trở thành chuyên gia là bởi vì, số nhỏ các bạn hợp lại với nhau sẽ thành lớn. Giống như ví dụ của Steve Jobs khi tập hợp lại nhóm chuyên gia về công nghệ, kỹ thuật, design, và tư pháp cho dự án của mình.

Tony xin chia sẻ ở đây một câu chuyện khác về Vũ, một người bạn động nghiệp của mình tại Everest. Vũ cũng là một người trẻ rất tuyệt vời, trẻ hơn Tony một hai tuổi thôi. Vũ nhận được một học bổng tại MIT về ngành Kỹ sư Điện tử và Khoa học Máy tính. Khi đã có một kỹ năng về điện tử và tốt nghiệp rồi, Vũ nói chuyện với bố mẹ: “Bố mẹ ơi, con không muốn làm kỹ sư, con muốn làm ca sĩ, nhạc sĩ R&B và Soul!” Và Vũ đã dành hết thời gian vào việc đó. Tất nhiên bố mẹ và cả gia đình rất thất vọng, nhưng Vũ vẫn tâm huyết cho con đường mình chọn.

Tony gặp Vũ năm 2006, tại một buổi hòa nhạc và đã bị mê hoặc không chỉ bởi giọng hát rất khỏe mà còn bởi sự truyền cảm trong giọng hát đó. Mình còn ấn tượng về kỹ năng tự học đàn piano, guitar, và lý thuyết âm nhạc để chỉ trong vòng một vài năm có thể trở thành một chuyên gia sáng tạo âm nhạc. Trong thời gian theo đuổi âm nhạc, Vũ luôn mong muốn được phát hành một album riêng với một tiêu chuẩn cao và không đại trà. Vũ đã tìm kiếm và làm việc với những chuyên gia giỏi nhất Hollywood về nhạc cụ, phòng thu, và hòa phối. Khi Tony gặp lại Vũ vào năm 2012, dự án album của Vũ, dù chưa hoàn thành, nhưng đã tốn kém chi phí đầu tư đến hơn một triệu đô-la. Số tiền đầu tư này kiếm ở đâu ra? Vũ kể với Tony rằng Vũ đã đi dạy kèm ngoài giờ cho một số gia đình trong khu vực của mình. Đặt được kết quả tốt trong việc giảng dạy, Vũ đã bắt đầu có thêm học sinh. Từ điểm khởi đầu 20 đến 30 đô-la một giờ, thu nhập đã tăng lên thành vài trăm đô-la một giờ. Hằng tuần, Vũ dành 80 đến 90 tiếng đồng hồ cho việc dạy kèm, và chỉ sau vài năm, Vũ đã trở thành một chuyên gia về dạy kèm.

Chưa bao giờ, Tony có thể tưởng tượng được là một người có thể có hai đến ba kỹ năng trong mình. Ấn tượng với việc này, Tony đã mời Vũ về làm Chuyên gia Thiết kế chương trình cho Everest Education. Trách nhiệm của Vũ là tạo ra một mô hình để mỗi học sinh đến học tại Everest có thể được một trải nghiệm học riêng biệt nhất. Có được một đồng nghiệp với nhiều khía cạnh riêng, mình mới tổng hợp và có được sự thành công cho mô hình học tại Everest như hôm nay. Không nhất thiết là mình phải biết mình đang làm gì, chỉ cần mình chuyên tâm vào thế mạnh của mình thì mình sẽ tiến lên được.

Điều thứ ba, không phải ai cũng hoàn hảo, vậy làm sao chúng ta có thể tìm được một đội hoàn hảo cho riêng mình? Bất kỳ công ty khởi nghiệp nào cũng cần một đội ngũ cốt lõi tốt. Không chỉ là một người thông mình và một người siêng năng, những đội thành công nhất có một điểm chung đó là họ luôn có một đội mà mỗi thành viên trong đó đều có được những kỹ năng chuyên biệt riêng, mình hỗ trợ nhau, mở mang cho nhau. Đó là tại sao chúng ta nên tạo mối quan hệ, nghiên cứu, đầu tư thời gian vào những mối quan hệ đó.

Các bạn có bao giờ nghe câu: “Don’t go into business with a friend” (Đừng đi vào thương trường với bạn của mình.” Các bạn có bao giờ nghe câu đó chưa ạ? Tony có một kinh nghiệm khi còn học trung học để chứng minh cho điều này. Mình tốt nghiệp cách đây 20 năm rồi. Thời đó, Tony cùng một số người bạn của mình, lập một nhóm chuyên gia đi tổ chức tiệc K-pop. Thời đó, K-pop chưa có phổ biến như bây giờ, cho chỉ mới bắt đầu nổi lên ở Á Châu thôi. Cái gì mới hình thành thì cũng rất hào hứng. Buổi tiệc tổ chức đầu tiên diễn ra không tệ, nhưng qua những buổi thứ hai, thứ ba, mình bắt đầu lỗ. Đơn giản vì trong nhóm mình, không có ai là, và muốn trở thành chuyên gia về marketing, hay logistics, hay quản lý gì cả. Sau một năm, mình rã nhóm. Thất bại này, mình học được một bài học, mình có thể đi vào kinh doanh với bạn bè, tuy nhiên, phải có những yêu cầu và nguyện vọng rõ ràng khi làm việc với nhau.

Trong trường hợp Everest và Topmot, mình xin chia sẻ một chút về hai công tuy này. Everest do Tony thành lập cùng Don, một người bạn Đại học của mình hồi còn ở Stanford. Don không chỉ thông mình và luôn phân tích vấn để đa chiều. Chuyện ngoài lề là Don còn là người làm mai cho Tony nữa. Trong một năm trước, Tony gặp lại một người bạn rất giỏi về e-commerc, Erik, Giám đốc Quản lý Zalora đầu tiên của Việt Nam, và cũng là cựu quản lý của A Đây Rồi tại Vingroup. Thấy được cách làm việc, suy nghĩ của nhau, và hợp tác với nhau. Điểm chung của những người này khi Tony hợp tác với họ đó là tụi mình luôn đặt câu hỏi, thảo luận trước, sau đó mới thực hiện. Mình đặt câu hỏi để chia trách nhiệm ra thật rõ ràng. Nếu kết quả không như ý muốn, ai sẽ chia tiền ra để đầu tư tiếp. Nếu có vấn đề gì xảy ra bất chợt, ai là người sẽ đưa ra quyết định? Nếu công ty phá sản, mình sẽ giải quyết và mua bán cổ phiếu như thế nào? Mình phải rất rõ ràng về cách làm việc như vậy, và quan trọng hơn cả, mình phải đồng nhất về quá trình làm việc.

Cả hai công ty này đều có những mục tiêu rất lớn. Everest thì muốn thay đổi phương pháp giáo dục. Topmot thì muốn thay đổi cách thức mua hàng online. Tony thấy là dù có rất nhiều thành công, đội ngũ của mình vẫn còn rất nhiều khuyết điểm. Nhưng cuối cùng, mình có thật sự quyết tâm đi theo mục tiêu của mình không? Mình độc lập sáng tạo để tạo ra một ý tưởng là đã khó rồi. Thực hiện còn khó hơn nữa. Nhất là khi mình gặp nhiều áp lực từ bố mẹ, bạn bè, xã hội. Mình có tiếp tục được không? Khi bố mẹ của Tony và Don biết mình bỏ ngành tài chính để theo đuổi giáo dục tại Việt Nam, ai cũng nghĩ là mình đã sai lầm. Sẽ có rất nhiều lúc, nhiều người nghi ngờ, không tin tưởng mình. Đó là lúc các bạn cần sự quyết tâm nhiều nhất. Tất nhiên là Tony và Don cũng cảm thấy sợ hãi khi gặp những thời điểm này. Thế nhưng, lòng can đảm không có nghĩa là mình không sợ, mà là mình phải vượt qua nỗi sợ.

Tony còn nhớ, những lần gần cạn vốn tại Everest, mình có cảm giác rất bực mình khi phải đứng trước ngưỡng cửa của sự thất bại. Nhưng khi mình ngồi xuống, nhìn lại vấn đề và giải quyết từng cái một, và quan trọng nhất, mình không bỏ cuộc. Các bạn ở đây, chúng ta có từng thất bại lần nào chưa? Ai đã từng thất bại vì thiếu thời gian? Thiếu tài chính? Thiếu kinh nghiệm? Tất cả những điều này, Tony Robins từng nói, là tài nguyên. Mình có đủ quyết tâm, mình có thể tạo ra tài nguyên cho chính mình, qua việc tìm người đầu tư, đồng hành, học hỏi. Mình không cần phải có hết ngay từ đầu để thành công. Nhưng mình không được thiếu quyết tâm.

Tony xin cảm ơn ban tổ chức đã mời Tony đến đây hôm nay, và cám ơn các bạn đã lắng nghe Tony chia sẻ. Tony chỉ muốn các bạn nhớ chắc chắn được bốn điều thôi: trong sáng, đa dạng về kỹ năng, kết bạn, và luôn quyết tâm.


Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí