Tiếp tục bài viết trước Tìm hiểu các thuật ngữ viết tắt phổ biến trong hệ thống giáo dục Anh, Mỹ, tuần này, Everest Education tiếp tục giới thiệu đến với quý phụ huynh một số thuật ngữ chỉ các chương trình học, chứng chỉ và kỳ thi quốc tế như GCSE, AP, IB, O-Levels và A-Levels.
Chương trình IB, A-Level và AP là những chương trình quốc tế danh giá dành cho học sinh cấp 3 và được đánh giá cao về mức độ học thuật. Nếu có ý định cho con đi du học, phụ huynh có lẽ đã từng nghe qua các thuật ngữ này, đồng thời không khỏi có nhiều thắc mắc: Chương trình nào là phù hợp nhất với khả năng, sở thích của con cũng như lộ trình của gia đình? Chương trình nào có khả năng giúp con vào được các trường đại học hàng đầu thế giới?
Bài viết dưới đây sẽ tiếp tục giải thích cho phụ huynh về những chương trình học danh giá này, sự khác biệt giữa các loại bằng cấp, ưu điểm và nhược điểm của từng chương trình, để giúp gia đình cân nhắc và quyết định được đâu là lựa chọn phù hợp nhất đưa con vào đại học sau này.
GCSEs and IGCSE
GCSE là viết tắt của General Certificate of Secondary Education (Chứng chỉ Giáo dục Trung học). Đây là một bộ kỳ thi được thực hiện ở Anh, xứ Wales, Bắc Ireland và các vùng lãnh thổ khác thuộc Anh quốc. GCSE là chương trình thay thế cho chương trình O-Level (Chứng chỉ bậc phổ thông) và CSE (Certificate of Secondary Education – Chứng chỉ Giáo dục Trung học). IGCSE và GCSE là những chứng chỉ có giá trị tương đương. Cả hai đều được thiết kế để kiểm tra trình độ của học sinh sau khi các em hoàn thành Year 10 và Year 11 (tương đương lớp 9 và lớp 10 tại Việt Nam) theo chương trình giảng dạy của Anh.
IGCSE là chứng chỉ quốc tế được công nhận rộng rãi, được thành lập vào năm 1988. Chữ “I” trong IGCSE xuất phát từ chữ “International” – quốc tế. Đây là chương trình phù hợp cho những em lựa chọn theo đuổi giáo dục quốc tế, chẳng hạn như những em học sinh đang học theo hình thức giáo dục tại gia (homeschooling), có thể học tại bất cứ đâu trên thế giới. Tương ứng, học sinh cũng có thể tham gia thi IGCSE tại nhiều nơi trên thế giới. Tương tự như GCSE, IGCSE được đánh giá có mức độ khó cao về mặt học thuật, và hiện đã được hơn 300 trường tư tại Anh áp dụng giảng dạy. IGCSE hiện được nhiều trường đại học trên thế giới chấp nhận làm cơ sở để xét tuyển đầu vào.
Mặc dù có giá trị tương đương, IGCSE và GCSE vẫn có một số điểm khác biệt”
- Chứng chỉ GCSE hầu như chỉ có thể thi ở Anh, trong khi đó, IGCSE lại phổ biến hơn và có thể thi ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng như Anh quốc.
- Kỳ thi GCSE được ấn định vào tháng 5/ 6 mỗi năm, trong khi đó, thí sinh quốc tế có thể thi IGCSE vào tháng 10/ 11, và tháng 3 nếu ở Ấn Độ.
|
O-Levels
O-Level là viết tắt từ Ordinary Level (Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông Bậc phổ thông). Đây là một trong hai phần thuộc Chứng chỉ Giáo dục Trung học (GCE). Phần còn lại của GCE chính là A-Level (Chứng chỉ Giáo dục phổ thông Bậc cao), là chương trình học sinh sẽ theo học sau khi hoàn thành O-Level.
O-Level là chứng chỉ cuối cùng dành cho học sinh cấp 2 tại Anh, thường được thi vào Year 11 (lớp 10) khi học sinh tầm 17 tuổi (hoặc rơi vào khoảng 14-16 tuổi). Học sinh đã hoàn thành O-Level được xem là đã hoàn thành giáo dục căn bản. Các em có thể lựa chọn học tiếp A-Level (tại các trường cao đẳng hoặc đại học tư), học dự bị đại học (Foundation Courses) hoặc học thêm văn bằng (Diploma courses), hoặc thậm chí quyết định thôi học để đi làm.
Kỳ thi O-Level được tổ chức bởi hội đồng thi Cambridge International Examination (CIE), Hội đồng Mỹ cho giáo dục bậc cao (American Council for Higher Education) và Edexcel International. Mặc dù các trường tại Anh đã thay thế kỳ thi O-Level bằng GCSE vào năm 1988, kỳ thi này vẫn được sử dụng bởi các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), như Bangladesh, Brunei, Malaysia, Malta, Mauritius, Pakistan, Singapore, Sri Lanka hay thậm chí ở Trinidad và Tobago.
A-Levels
A-level, viết tắt của Advanced levels, là chương trình giảng dạy quốc gia của Anh, được thiết kế để tiếp nối lộ trình học Chứng chỉ giáo dục Trung học (General Certificate of Secondary Education – GCSE) tại Anh. Học sinh thường sẽ học từ 3 đến 4 môn học, và mất 2 năm để theo học chương trình này trong giai đoạn từ 16 đến 18 tuổi. A-level là một chương trình học kéo dài 2 năm, năm đầu tiên được gọi là AS (Advanced Subsidiary – AS), năm thứ hai được gọi là năm A2.
Chương trình A-level có đến 55 môn học khác nhau và các trường có thể lựa chọn giảng dạy kết hợp một số môn học. Chương trình A-level là chương trình học quốc tế được cung cấp bởi Cambridge International Examinations, tuy nhiên giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn cách truyền đạt phù hợp.
Nếu gia đình đã chắc chắn muốn cho con du học Anh, A-level sẽ là một lựa chọn hợp lí bởi đây là chứng chỉ trung học truyền thống của quốc gia này. A-level cũng sẽ là một lựa chọn tuyệt vời dành cho những em học sinh đã hiểu rõ bản thân mình giỏi những môn học nào, em muốn theo đuổi ngành học nào trong tương lai. A-level sẽ cho phép em có thời gian được tập trung học 3 hoặc 4 môn học phù hợp với định hướng của mình, và toàn tâm toàn lực học hết sức cho những môn học này.
Quan trọng hơn, đối với A Levels, học sinh sẽ nhận được chứng chỉ riêng biệt cho từng môn học mà em đã đỗ, thay vì chỉ một chứng chỉ chung duy nhất như chương trình Tú tài Quốc tế IB. |
Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn
được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng
AP
AP, viết tắt từ Advanced Placement, là chương trình học tại Mỹ và Canada được thiết kế bởi College Board – tổ chức chuyên cung cấp các chương trình giảng dạy bậc đại học và các kì thi cho học sinh trung học. Tương tự như SAT có các kì thi cho từng môn học, chương trình AP cũng bao gồm nhiều bài thi cho nhiều môn học khác nhau, từ Sinh học, Lịch sử Châu Âu cho đến Lý thuyết Âm nhạc. Hiện nay có đến khoảng 38 môn thi AP khác nhau, mặc dù rất ít trường có đủ tất cả các lớp AP cho tất cả các môn học.
Học sinh theo học chương trình AP thường sẽ học khoảng 3 đến 4 khóa mỗi năm, năm cuối cùng có thể học đến 7 khóa AP khác nhau. Mỗi khóa học được phát triển bởi một đội ngũ giáo viên dạy AP và giảng viên đại học, nhằm cố gắng lồng ghép những kiến thức, kỹ năng, thông tin, bài tập phù hợp để học sinh có thể ứng dụng khi học tiếp môn học đó khi lên đại học. AP là chương trình được thành lập với mục đích chuẩn bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng bậc đại học ngay từ khi các em còn học trung học, kèm theo bài kiểm tra năng lực cuối khóa, chấm trên thang điểm từ 1 đến 5. Các trường đại học Mỹ thường sẽ cho phép học sinh quy đổi tín chỉ cho các môn thi AP tương ứng khi lên đại học, với điều kiện môn đó học sinh phải đạt được từ 3 điểm trở lên.
Hầu hết các trường đại học tại Mỹ và Canada đều chấp nhận kết quả thi AP khi xét tuyển, cũng như nhiều trường đại học quốc tế khác trên thế giới. AP sẽ là một lựa chọn đúng đắn nếu như con không có nhiều thời gian để theo học các chứng chỉ quốc tế: không giống như kì thi IB đòi hỏi học sinh phải có thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa, AP chỉ đơn thuần là một chương trình học.
Một điểm khác đáng để cân nhắc là, tương tự với kì thi A Levels, học sinh có thể tham gia thi AP mà không nhất thiết phải đăng ký theo học một lớp AP cụ thể. Nếu học sinh muốn theo học một ngôn ngữ khác mà trường em không có lớp dạy, hoặc em muốn tự học một môn học nào đó hơi đặc biệt một chút, như Lịch sử nghệ thuật chẳng hạn, kỳ thi AP sẽ linh hoạt hơn và cho em nhiều lựa chọn hơn. |
IB
IB, viết tắt từ International Baccalaureate – Bằng Tú tài Quốc tế (IBDP) là chương trình có tiền thân từ Geneva, Thụy Điển tại năm 1968, với mục tiêu đào tạo những sinh viên tài năng có trình độ quốc tế ngay từ bậc tiểu học, những em học sinh có cha mẹ làm việc cho các tổ chức quốc tế, bộ ngoại giao hoặc các công ty đa quốc gia. Đây là chương trình đánh giá năng lực dành cho học sinh độ tuổi từ 16 đến 19 tuổi. IBDP được công nhận rộng rãi bởi nhiều trường đại học trên toàn cầu
Ở chương trình IB, học sinh phải chọn học 3 môn thuộc trình độ Nâng cao (High Level) và 3 môn ở trình độ cơ bản (Standard Level) trong 6 lĩnh vực cốt lõi bắt buộc: Ngôn ngữ & Văn học (Language & Literature), Tiếp thu Ngôn ngữ (Language Acquisition), Khoa học (Sciences), Toán (Maths), Khoa học Xã hội (Social Sciences), và Nghệ thuật (Arts).
Học sinh cũng buộc phải hoàn thành khóa Viết luận Chuyên sâu (Extended Essay), một bài nghiên cứu độc lập 4.000 chữ về một chủ đề mà các em tự chọn. Chương trình IB được đánh giá là một chương trình giáo dục toàn diện dành cho học sinh.
Chương trình Tú tài quốc tế cung cấp một nền tảng giáo dục toàn diện. Do đó, chương trình thích hợp với những em học sinh có hứng thú học nhiều môn học khác nhau, nhưng lại chưa quyết định được ngành học cụ thể em muốn theo đuổi trong tương lai.
Phần bài luận và Lý thuyết Kiến thức trong chương trình IB cũng giúp xây dựng nền tảng tốt cho học sinh, giúp các em phát triển kỹ năng tư duy phản biện và nghiên cứu độc lập để thành công trong môi trường đại học sau này. |
Lời kết
Chỉ cha mẹ và bản thân học sinh mới có thể tự quyết định được chương trình học nào, đi theo lộ trình nào là phù hợp nhất với định hướng học tập của con. Dù có lựa chọn lộ trình nào, phụ huynh cũng nên nhớ rằng khi tuyển sinh, những trường đại học hàng đầu sẽ quan tâm hơn đến việc học sinh có dám lựa chọn “đường khó” để đi – lựa chọn chương trình thử thách năng lực của em khi học cấp 3 hay không: chương trình học đó cụ thể là gì thực chất không quan trọng bằng.
Trên trang tuyển sinh của Đại học Yale, nhà trường cũng thể hiện rõ rằng học sinh chỉ nên học AP hoặc IB nếu trường trung học của em có dạy các chương trình này. Trang thông tin từ Đại học Princeton cũng đưa ra lời khuyên tương tự: “Bất cứ khi nào, hãy thử thách bản thân các em bằng những chương trình học khó nhất nếu có thể, dù là chương trình Danh dự (Honors), AP hay các khóa học kép. Chúng tôi đánh giá kết quả thi IB, A-Levels hay bất kỳ chứng chỉ nào khác dựa vào nội dung đào tạo của chương trình đó.” Vì vậy, điều quan trọng nhất đối với các nhà tuyển sinh đại học, đó là học sinh liệu có cố gắng hết sức tận dụng những cơ hội học thuật mà trường của em cung cấp hay không.