Dạy trẻ tự đánh giá nỗ lực và chiến lược của bản thân

Nội dung

Tốt nghiệp từ đại học Stanford và trường kinh doanh Harvard, ông Tony Ngô hiện đang là chủ tịch và đồng sáng lập của Everest Education. Bên cạnh việc là một giám đốc, Tony còn đang làm một công việc khó khăn hơn, đó là trở thành cha của 2 đứa trẻ. Khi được hỏi về cách dạy con thế nào cho đúng, Tony đã có một chia sẻ thú vị về “bài tập” mà ông thường áo dụng với con hằng ngày để giúp con rèn luyện khả năng tự nhận thức ngay từ độ tuổi rất nhỏ.

Là một người cha, tôi luôn cố gắng thử nghiệm nhiều cách khác nhau để dạy con cái cách phát triển tư duy độc lập và khả năng tự nhận thức. Con trai bảy tuổi của tôi, Ian, rất thích chơi bóng đá. Vì vậy, một cách tự nhiên, tôi đã dùng bóng đá để “thử nghiệm”.

Sau mỗi lần luyện tập hay có trận đấu bóng đá, tôi đều hỏi con trai tôi hai câu hỏi rất đơn giản:

“Trên thang điểm 10, con đánh giá efforttoday?”
&
“Trên thang điểm 10, con đánh giá strategy today?”

Hai năm trước, khi tôi bắt đầu hỏi Ian những câu hỏi trên sau một ngày luyện tập bóng đá, mắt con sáng lên và hào hứng: “Con đã nỗ lực đến 10 điểm, hoặc có lẽ là 9”. Nhưng tôi không đồng ý. Trong buổi luyện tập, tôi đã thấy con đôi lúc mất tập trung, không cố gắng chạy để đón bóng. Vì vậy, tôi nói với con trai mình: “Hôm nay, nỗ lực của con chỉ đáng đạt 5 điểm mà thôi”.

Ian nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên.

– Vậy con đánh giá như thế nào về chiến lược của mình?, tôi tiếp tục.
– Hmm con nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn chút nữa, nhưng chắc chắn là 8 điểm.

Một lần nữa tôi lắc đầu. Trong khi những đứa trẻ khác cố gắng luyện tập các kĩ thuật rê bóng, con trai tôi chỉ đơn giản là đá bóng thật mạnh mỗi khi bóng đến gần. Vì vậy tôi phản đối: “Chiến lược của con ngày hôm nay chỉ đạt 4 điểm. Con rõ ràng chỉ cố gắng đá bóng mạnh nhất có thể khi con đến gần nó”.

Ian tránh ánh nhìn của tôi và nhìn chăm chăm xuống đất. Con bắt đầu dùng chân đá bụi bẩn ra khỏi người, hành động con vẫn thường làm mỗi khi không thoải mái hay bị xao nhãng.
– Con nghĩ tại sao bố chỉ cho con 5 điểm nỗ lực và 4 điểm cho chiến lược?
Ian ngập ngừng một hồi lâu: “Con không biết.”

Tôi sắp xếp lại suy nghĩ của mình để cố gắng nhớ lại những tình huống cụ thể làm ví dụ cho việc Ian đã không đủ cố gắng và mắc những lỗi chiến lược rất cơ bản.
– Con có nhớ lúc huấn luyện viên Eric yêu cầu con xếp hàng, lúc đó con đang làm gì?, tôi hỏi.
– Con xếp hàng đằng sau các bạn khác.
– Nhưng lúc đó con đang chạy vòng quanh, và mải đưa mắt nhìn những thứ khác.
– Không, con không có, Ian lắc đầu phủ nhận.

Tôi lấy điện thoại ra để chỉ cho con xem những đoạn phim tôi đã quay lại, trong đó có những khoảnh khắc Ian chạy lung tung và rất mất tập trung. (Tôi thề tôi không phải là một ông bố nghiêm khắc). Sau đó cha con tôi đã trao đổi thêm với nhau về một trong những sai lầm chiến lược mà con mắc phải, đó là con đã không áp dụng bất kì thủ thuật nào để ngăn đối thủ cướp bóng của mình.  

Sau ngày hôm đó, tôi không chắc thử nghiệm của mình có thành công không, và liệu Ian có hiểu được những điều mà tôi muốn dạy cho con không. Liệu con có nhớ những gì chúng tôi đã nói? Liệu lần tới con có thực sự cố gắng và chơi tập trung hơn? Hay con sẽ cứ tiếp tục lười biếng chạy vòng quanh sân cỏ?

Vào lần luyện tập bóng đá tiếp theo, chúng tôi lặp lại “bài tập” một lần nữa. Lần này, sự chênh lệch giữa đánh giá của tôi và Ian đã nhỏ hơn: 7 so với 5 cho điểm nỗ lực và 6 so với 5 cho chiến lược. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục tranh luận về những thời điểm cụ thể khi con thực sự thể hiện nỗ lực của mình, cũng như chỉ ra những khoảng khắc con tỏ ra mệt mỏi hay mất tập trung.

Còn quá sớm để kết luận liệu điều này có thực sự hữu ích về lâu dài hay không,nhưng ít nhất tôi có thể tự tin nói rằng, sau 2 năm, con trai tôi đã tập được thói quen tự nhận thức và biết tự đánh giá bản thân qua từng hành động.  

Bất cứ khi nào luyện tập một điều gì đó, chúng ta thường chỉ đơn thuần làm mọi thứ một cách máy móc, và vì vậy những gì mà chúng ta học được thường ít hơn và mất thời gian hơn. Nhưng nếu chúng ta chủ động liên hệ lại những gì chúng ta đã làm, và không ngừng nghĩ cách để làm tốt hơn nữa, chúng ta có thể tiến bộ hơn rất nhiều.

Tự đánh giá bản thân hay để người khác đánh giá bạn hẳn không phải là điều dễ chịu. Nhưng khi chúng ta, những người làm thầy cô, làm cha mẹ, làm điều đó vì tình yêu chứ không phải để phán xét, chúng ta có thể tạo cơ hội để trẻ tự đánh giá mình một cách khách quan. Đây là một kĩ năng rất quan trọng để có thể học nhanh hơn, và tốt hơn.

Theo kinh nghiệm của tôi, những giáo viên giỏi không “dạy”, họ động viên và biết cách truyền cảm hứng. Bằng cách đó, học sinh sẽ ý thức được rằng các em học là để bản thân mình giỏi hơn, và khả năng tự nhận thức sẽ tự nhiên trở thành thói quen hằng ngày của các em. Các em chủ động hơn, ham học hỏi hơn và biết cách tìm niềm vui trong việc học hơn. Niềm vui đó sẽ đến khi các em cảm nhận được chính mình đang giỏi hơn từng ngày, và đó chính là nền tảng để biến thành tình yêu học tập suốt đời.

Bất kể là học toán hay chơi bóng đá, tôi tin rằng, việc không ngừng đặt câu hỏi giúp trẻ suy nghĩ lại sau hành động của mình để tìm ra giải pháp tốt hơn, và cũng chính là cách để chúng ta xây dựng cho trẻ lối tư duy tiến bộ.


Nguồn tham khảo: 
https://www.facebook.com/tngotrekker/videos/1231761590258331/


Để lại ý kiến